Lãi suất là thuật ngữ quen thuộc đối với nhiều người, đặc biệt là những ai thường xuyên thực hiện các giao dịch liên quan đến tiết kiệm gửi và đầu tư. Nhưng thực tế, không phải bất kỳ ai cũng hiểu rõ khái niệm lãi suất, cách phân loại lãi suất. Vậy lãi suất là gì? Nếu bạn đang có khoản tiền nhàn rỗi cần gửi tiết kiệm hoặc cần vay vốn thì hãy dành ít phút đọc ngay bài viết dưới đây của TopCV để hiểu rõ hơn về lãi suất.
Lãi suất là gì? Vai trò lãi suất
Lãi suất là gì
Lãi suất là tỷ lệ phần trăm được tính dựa trên số tiền gốc mà người vay tiền/người nhận tiền có trách nhiệm phải thanh toán cho người cho vay tiền/người gửi tiền. Điều này có nghĩa lãi suất sẽ thể hiện mức độ lợi nhuận mà người chủ sở hữu có thể nhận được từ khoản tiền cho vay.
Lãi suất được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên, thường là 1 tháng hoặc 1 năm. Người vay tiền/người gửi tiền có thể là cá nhân, tổ chức hoặc ngân hàng và ngược lại.
Vai trò lãi suất
Thực tế, lãi suất đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế
- Tác động trực tiếp đến các hoạt động tài chính, đầu tư, tiêu dùng, v.vv..
- Khi lãi suất thấp sẽ kích thích hoạt động đầu tư của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Lãi suất còn giúp nhà nước kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế.

5 loại lãi suất phổ biến hiện nay
Để phân loại lãi suất, người ta sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như: giá trị thực của tiền lãi thu được, tính chất khoản vay, tính linh hoạt của lãi suất, v.vv.. Cụ thể như sau:
Phân loại lãi suất dựa vào giá trị thực của tiền lãi thu được
Dựa vào yếu tố giá trị thực của tiền lãi thu được mà lãi suất được phân thành 2 loại là lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế.
Lãi suất danh nghĩa
Lãi suất danh nghĩa là lãi suất được ngân hàng hoặc tổ chức tài chính quy ước trên giấy tờ như hợp đồng vay vốn hoặc sổ tiết kiệm. Lãi suất danh nghĩa thể hiện số tiền mà bạn phải chi trả hoặc nhận được dựa trên giá trị của khoản vay, khoản đầu tư, tiết kiệm theo thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ là giá trị lý thuyết vì chưa tính đến tác động của lạm phát.
Ví dụ: Khi bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất ghi trên sổ tiết kiệm 6,3%/năm thì lãi suất danh nghĩa cho khoản tiết kiệm của bạn là 6,3%.

Lãi suất thực tế
Lãi suất thực tế (hay lãi suất hiệu quả) là lãi suất thực mà bạn có thể nhận được sau khi đã tính những tác động của lãi suất kép hoặc trừ đi phần trăm tỷ lệ lạm phát. Mặc dù không được thể hiện trong hợp đồng nhưng lãi suất thực lại được các nhà đầu tư hoặc người vay tiền quan tâm. Bởi vì lãi suất thực giúp họ dự đoán rủi ro, so sánh giữa các khoản vay/gói gửi tiết kiệm, v.vv..
Công thức tính lãi suất thực:
r = [ (1 + R)/(1 + i) ] -1 |
Trong đó:
- r: Lãi suất thực tế
- R: Lãi suất danh nghĩa
- i: Tỷ lệ lạm phát

Phân loại lãi suất dựa vào tính chất của khoản vay
Nếu xét theo tính chất của khoản tiền vay, thì lãi suất được chia làm 6 loại, gồm: lãi suất tiền gửi ngân hàng, lãi suất tín dụng ngân hàng, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cơ bản.
Lãi suất tiền gửi
Lãi suất tiền gửi là tỷ lệ lãi suất mà ngân hàng/tổ chức tín dụng sẽ trả cho khách hàng khi họ gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc các sản phẩm tiền gửi khác như: tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn, tiền gửi VNĐ, tiền gửi ngoại tệ, v.vv..
Hiện nay, lãi suất ngân hàng có nhiều mức khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như: loại tiền gửi, thời hạn gửi và quy mô tiền gửi. Đồng thời, lãi suất này có thể biến động theo thời gian tùy thuộc vào điều chỉnh của ngân hàng.
Lãi suất tín dụng
Lãi suất tín dụng là tỷ lệ lãi suất mà khách hàng (người đi vay) phải trả khi vay tiền của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Đây là chi phí mà người vay phải trả ngoài số tiền gốc mà họ đã vay.
Mức lãi suất tín dụng được xác định dựa trên yếu tố như:
- Loại hình tín dụng
- Lịch sử tín dụng của người vay
- Điểm tín dụng và thỏa thuận giữa các bên.
- Một số loại hình vay tín dụng phổ biến hiện nay gồm: vay tín chấp, vay thế chấp, vay ngắn hạn, vay dài hạn, vay thấu chi, v.vv..

Lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu là tỷ lệ lãi suất được ngân hàng nhà nước áp dụng cho các khoản vay tiền mặt ngắn hạn của các ngân hàng thương mại. Trường hợp này chỉ xảy ra khi tiền mặt dự trữ của ngân hàng thương mại không đảm bảo mức an toàn, cần phải vay tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Lãi suất tái chiết khấu
Lãi suất tái chiết khấu là tỷ lệ lãi suất mới được ngân hàng nhà nước áp dụng cho các khoản vay của ngân hàng thương mại trước khi đến hạn thanh toán. Lãi suất này được tính dựa trên số tiền ghi trên thương phiếu hoặc các loại giấy tờ có giá trị như: tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, v.vv..
Mức lãi suất tái chiết khấu sẽ phụ thuộc vào khả năng thanh toán của bên vay tiền, mức cung cầu tiền tệ, chính sách tiền tệ, tỷ lệ lạm phát, v.vv..
Lãi suất liên ngân hàng
Lãi suất liên ngân hàng (hay lãi suất qua đêm) là mức lãi suất được áp dụng cho khoản vay giữa các ngân hàng. Cụ thể, các hoạt động giao dịch trong ngày của ngân hàng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt dự trữ vào cuối ngày. Lúc này, các ngân hàng sẽ tiến hành vay mượn lẫn nhau để bù đắp vào phần thiếu hụt.
Thông thường, thời hạn của khoản vay liên ngân hàng rất ngắn, chỉ kéo dài trong một đêm, một tuần hoặc một tháng. Đồng thời, tỷ lệ lãi suất liên ngân hàng cao hơn so với lãi suất tiết kiệm huy động vốn từ cá nhân, tổ chức.

Lãi suất cơ bản
Lãi suất cơ bản (hay lãi suất cơ sở) là mức lãi suất tối thiểu được Ngân hàng Nhà Nước áp dụng cho đồng tiền trong nước. Từ mức lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng có thể quy định mức lãi suất phù hợp cho các khoản vay tín dụng. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN năm 2010, mức lãi suất cơ bản đang được áp dụng tại Việt Nam là 9%/năm.
Phân loại lãi suất dựa vào tính linh hoạt
Nếu dựa vào tính linh hoạt thì lãi suất được phân thành 2 loại là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.
Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là mức lãi suất được ấn định ở một con số cụ thể, không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn và được quy định trong hợp đồng. Lãi suất cố định sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mọi biến động của lãi suất thị trường. Lãi suất này thường được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn, người đi vay cũng có thể xác định trước số tiền lãi cần phải trả trong suốt thời gian vay.

Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là mức lãi suất có thể thay đổi theo biến động của lãi suất thị trường trong thời gian vay vốn. Mức lãi suất thả nổi sẽ phụ thuộc vào lãi suất tham chiếu hoặc chỉ số lạm phát và được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh được thỏa thuận giữa người vay và ngân hàng, được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Phân loại lãi suất dựa vào loại tiền cho vay
Nếu dựa vào loại tiền cho vay thì lãi suất được chia làm 2 loại là lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ.
Lãi suất nội tệ
Lãi suất nội tệ là mức lãi suất được áp dụng cho các khoản vay bằng đồng tiền trong nước. Ví dụ, các ngân hàng thương mại cho cá nhân hoặc doanh nghiệp vay bằng đồng tiền Việt Nam.
Lãi suất ngoại tệ
Lãi suất ngoại tệ là mức lãi suất được áp dụng cho các khoản vay bằng đồng tiền nước ngoài. Ví dụ, một ngân hàng ở Mỹ cho ngân hàng thương mại tại Việt Nam vay bằng tiền USD.

Phân loại lãi suất dựa vào cách tính lãi
Căn cứ vào cách tính lãi, lãi suất được phân thành 2 loại là lãi suất đơn và lãi suất kép.
Lãi suất đơn
Lãi suất đơn là mức lãi suất được tính dựa trên vốn gốc ban đầu (khoản vay nợ hoặc số dư tiền gửi) trong một khoảng thời gian nhất định. Lãi suất đơn được áp dụng chủ yếu cho các khoản vay thế chấp hoặc đầu tư trái phiếu vì chi phí lãi vay thấp, cách tính đơn giản, dễ hiểu.
Công thức lãi suất đơn:
Lãi suất đơn = P x i x n |
Trong đó:
- P: Là khoản vay hoặc số tiền đầu tư ban đầu
- i: Lãi suất mỗi năm
- n: Kỳ hạn vay/gửi, chủ yếu tính bằng năm
Lãi suất kép
Lãi suất kép là mức lãi suất được tính dựa trên số tiền gốc ban đầu cộng dồn với số tiền lãi của các kỳ trước đó. Lãi suất kép thường được áp dụng cho các gói gửi tiết kiệm ngân hàng vì có khả năng tăng trưởng nhanh ở chu kỳ tính lãi suất mới.
Công thức tính lãi kép:
Lãi kép = ( P ( 1+i )^n) – P |
Trong đó:
- P: Số tiền vốn đầu tư ban đầu
- i: Lãi suất mỗi năm
- n: Kỳ hạn gửi, chủ yếu tính bằng năm

>>> Xem thêm: Lãi kép là gì? Giới thiệu công cụ tính lãi kép để tiết kiệm và đầu tư miễn phí
Lãi suất hoàn vốn
Lãi suất hoàn vốn là tỷ lệ lãi suất mà số tiền nhà đầu tư có thể thu được so với số tiền đã đầu tư ban đầu. Tức là lãi suất hoàn vốn phản ánh mức độ lợi nhuận và hiệu quả của một khoản đầu tư.
Công thức tính lãi suất hoàn vốn:
Lãi suất hoàn vốn = [(Giá trị hiện tại – Giá trị ban đầu) ÷ giá trị ban đầu] x 100% |
4 yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất
Như đã đề cập, lãi suất không cố định mà sẽ biến động theo thời gian. Nguyên nhân là do lãi suất phải chịu ảnh hưởng của cung cầu tiền tệ, lạm phát, tính ổn định của nền kinh tế và các chính sách của nhà nước.
Cung cầu tiền tệ
Mọi sự biến đổi trong cung cầu tiền tệ đều có thể ảnh hưởng đến mức lãi suất trên thị trường. Bởi vì tiền tệ là công cụ thanh toán, còn lãi suất là giá cả để người tiêu dùng sử dụng dịch vụ vay vốn.
Ví dụ, khi cầu vốn vay vượt hơn cung thì lúc này nhu cầu vay tiền nhiều hơn số tiền có sẵn để cho vay, dẫn đến tình trạng tăng lãi suất. Ngược lại, khi cung vốn vay vượt quá cầu thì sẽ dẫn đến xu hướng giảm lãi suất.
Tuy nhiên, mức biến động lãi suất sẽ được nhà nước và ngân hàng trung ương quy định. Họ có thể tác động lên cung cầu tiền tệ bằng biện pháp bơm tiền vào hệ thống tài chính hoặc giảm cung tiền để điều chỉnh tỷ lệ lãi suất phù hợp với từng giai đoạn.
Lạm phát
Lạm phát và lãi suất tỷ lệ thuận với nhau, khi lạm phát tăng thì lãi suất cũng sẽ tăng theo. Bởi vì khi lạm phát tăng, các cá nhân, tổ chức đang nắm giữ tiền mặt sẽ có xu hướng chuyển sang các tài sản an toàn khác như: vàng, trái phiếu kho bạc hay cổ phiếu thay vì gửi tiền vào ngân hàng. Điều này, khiến nguồn cung vốn sụt giảm làm cho lãi suất tăng.

Tính ổn định của nền kinh tế
Khi nền kinh tế ổn định và tăng trưởng tốt, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi tích cực, của cải dư thừa. Lúc này, họ có xu hướng gửi tiền tiết kiệm để nhận lãi suất, dẫn đến tình trạng nguồn cung tiền tệ tăng và lãi suất có xu hướng giảm.
Trong khi đó, tính ổn định của nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu vay vốn đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng cầu tiền tệ tăng, kéo theo lãi suất cũng tăng theo.
Chính sách nhà nước
Trong từng thời kỳ, nhà nước sẽ đưa ra các chính sách như: chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, chính sách thu nhập, v.vv.. nhằm điều tiết tình hình kinh tế. Điều này có thể gây tác động đến lãi suất. Ví dụ, ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh lãi suất vay vốn, gửi tiết kiệm bằng các quy định lãi suất cho thị trường.
Hy vọng rằng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc lãi suất là gì. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ các loại lãi suất sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn diện hơn, lựa chọn chính sách đầu tư hiệu quả và hợp lý. Ngoài ra, nếu bạn đang tìm kiếm một công cụ tính lãi suất kép đơn giản, chính xác cho các khoản tiền tiết kiệm hoặc đầu tư thì hãy sử dụng công cụ tính lãi kép của TopCV.