Mortgage là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà bất cứ ai hoạt động trong ngành này đều phải nắm rõ khái niệm. Vậy, Mortgage là gì? Trong bài viết này, TopCV sẽ chia sẻ chi tiết những kiến thức quan trọng liên quan đến Mortgage!
Mortgage là gì?
Mortgage là thuật ngữ thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chỉ hình thức thế chấp tài sản của một người khi đến ngân hàng hoặc công ty tài chính để vay tiền. Người vay tiền dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để làm tín vật, đảm bảo sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự đối với bên cho vay (bên nhận thế chấp).
Khi người vay chấp nhận khoản vay thế chấp nghĩa là họ đã hứa sẽ hoàn trả số tiền đã vay với lãi suất và thời hạn đã thỏa thuận. Nếu không trả được số tiền đã vay và vi phạm lời hứa trả nợ, bên cho vay (ngân hàng hoặc công ty tài chính) có quyền tịch thu tài sản mà người vay tiền đã đem ra thế chấp.
Đặc điểm của Mortgage
Mortgage - Thế chấp có 5 đặc điểm quan trọng:
- Người thế chấp không cần chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho bên nhận thế chấp mà chỉ cần cung cấp các loại giấy tờ pháp lý, chứng nhận quyền sở hữu tài sản của mình. Trong suốt quá trình vay thế chấp và trả nợ, người thế chấp vẫn toàn quyền sử dụng tài sản của mình.
- Tài sản dùng để thế chấp là tài sản có giá trị lớn như bất động sản, phương tiện giao thông, hàng hóa kinh doanh, v.vv...
- Tài sản chưa hoàn thiện, được hình thành trong tương lai cũng có thể đem ra để thế chấp, ví dụ như ngôi nhà đang xây, sản phẩm đang sản xuất.
- Nếu đem quyền sử dụng đất đi để thế chấp, người thế chấp cần đảm bảo các giấy tờ chứng minh có căn cứ pháp lý, tuân thủ đúng luật dân sự, luật đất đai và các bộ luật liên quan khác.
- Tài sản dùng để thế chấp có thể do người thế chấp giữ hoặc bàn giao cho một bên thứ ba quản lý.
Phân loại Mortgage
Để giúp bạn hiểu rõ hơn Mortgage là gì và bản chất của các khoản Mortgage, TopCV sẽ trình bày cách thức phân loại thế chấp như sau:
Theo nội dung
Dựa trên nội dung thế chấp, Mortgage được chia làm hai loại:
- Thế chấp pháp lý: Người thế chấp phải chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp nếu không thể trả nợ theo hợp đồng. Sau khi nhận quyền sở hữu tài sản, bên nhận thế chấp có thể bán hoặc cho thuê lại tài sản mà không cần tố tụng.
- Thế chấp công bằng: Người nhận thế chấp chỉ giữ được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của bên thế chấp. Nếu người thế chấp không thể trả nợ, người nhận thế chấp phải nhờ pháp luật can thiệp mà không được tự do sử dụng tài sản.
Theo số lần
Theo số lần thế chấp, Mortgage cũng được chia làm hai loại:
- Thế chấp thứ nhất: Người thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay thứ nhất đang hiện hành (không phải khoản vay đầu tiên).
- Thế chấp thứ hai: Người thế chấp tài sản tận dụng ngay giá trị chênh lệch giữa tài sản thế chấp và khoản vay thứ nhất để đảm bảo cho khoản vay thứ hai.
Theo tính chất của tài sản
Dựa vào tính chất của tài sản thế chấp, Mortgage được phân làm hai loại:
- Thế chấp một phần: Người thế chấp chỉ dùng một phần tài sản của mình để đi vay nợ.
- Thế chấp toàn bộ: Người thế chấp mang toàn bộ tài sản của mình để vay nợ.
Theo nguồn gốc
Phân loại Mortgage theo nguồn gốc như sau:
- Thế chấp trực tiếp: Người thế chấp dùng tài sản được hình thành từ vốn vay để thế chấp. Ví dụ, khách hàng vay tiền ngân hàng để mua xe ô tô, sử dụng chính chiếc xe ô tô đó làm vật thế chấp.
- Thế chấp gián tiếp: Người thế chấp dùng tài sản đã có sẵn quyền sở hữu của mình để vay tiền.
Những thuật ngữ quan trọng liên quan đến Mortgage
Khi làm việc trong lĩnh vực tín dụng, chắc chắn bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với thuật ngữ Mortgage, Mortgage Rate, Reverse Mortgage và nhiều thuật ngữ liên quan khác. Hiểu rõ khái niệm về các thuật ngữ này sẽ giúp bạn dễ dàng theo kịp công việc chuyên môn của mình:
- Mortgage Rate: Lãi suất thế chấp.
- Reverse Mortgage: Khoản vay thế chấp của người cao niên trên 62 tuổi.
- Amortizing Mortgage: Thế chấp hoàn, khoản vay thế chấp dư nợ giảm dần.
- Authorized Mortgage bond: Trái phiếu thế chấp theo định mức.
- Biweekly Mortgage: Thế chấp theo hình thức cấp tiền hai tuần một lần.
- Blanket Mortgage: Thế chấp tổng tài sản.
- Cut-throat Mortgage: Thế chấp không chuộc lại được tài sản.
- Open-end Mortgage: Hợp đồng thế chấp không kỳ hạn.
>>> Xem thêm: Cẩm nang xin việc ngành tài chính ngân hàng
Cách mà các khoản thế chấp Mortgage vận hành
Một khoản tiền vay thế chấp sẽ được chia thành ít nhất 4 phần khác nhau bao gồm: Tiền gốc, tiền lãi, thuế và bảo hiểm. Mỗi nhóm tiền này hoạt động theo phương thức sau:
- Tiền gốc: Đây là số tiền mà người vay đề xuất với bên cho vay, cũng chính là số dư của khoản vay của họ sau mỗi lần thanh toán.
- Tiền lãi: Đây là khoản tiền tính theo mức lãi suất mà bên cho vay yêu cầu. Lãi được tính theo năm.
- Thuế: Người vay tiền sẽ phải trả một khoản tiền thuế hàng năm cho khoản vay của mình, dựa trên số tiền được định mức sẵn tại khu vực nơi sinh sống (theo luật pháp).
- Bảo hiểm: Bên cho vay yêu cầu bên vay tiền chi trả một khoản bảo hiểm để bảo vệ cho tài sản của bên vay trước những nguy cơ như hỏa hoạn, trộm cắp, hỏng hóc, v.vv.. Người vay có thể thanh toán bảo hiểm bổ sung dựa trên khoản trả trước hoặc lãi của khoản vay.
Trong những năm đầu vay thế chấp, tiền lãi chiếm phần lớn hơn trong tổng số tiền mà bên vay phải thanh toán. Tuy nhiên, theo thời gian, bên vay sẽ trả nhiều gốc hơn lãi cho đến khi khoản vay được trả hết hoàn toàn.
Lúc này, bên cho vay (ngân hàng và công ty tài chính) sẽ cung cấp thông tin khấu hao theo lộ trình rõ ràng cho bên vay tiền. Thông tin được trình bày chi tiết qua từng khoản thanh toán, theo từng tháng/quý/năm. Dựa vào lộ trình này, người vay sẽ nắm được số dư khoản vay của mình đang giảm như thế nào theo thời gian, cũng như số tiền gốc phải trả so với tiền lãi.
Nhiệm vụ của nhân viên tài chính/ngân hàng là theo sát lộ trình khoản vay này để nhắc bên vay trả nợ đúng hạn. Trong trường hợp bên vay không thể trả nợ theo cam kết thì bên cho vay phải có phương án xử lý đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cả hai bên.
Giải đáp những thắc mắc xung quanh Mortgage
Chắc hẳn qua những kiến thức cơ bản trên đây, bạn đã hiểu rõ Mortgage là gì, cách khoản vay thế chấp vận hành ra sao và những đặc điểm quan trọng của hình thức vay này. Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề xung quanh hình thức vay thế chấp mà những ai mới tìm việc làm tín dụng, tài chính - ngân hàng đều muốn tìm hiểu. Điển hình có 2 vấn đề sau:
Cần xét duyệt yếu tố gì trước khi cho khách hàng vay thế chấp?
Trước khi phê duyệt yêu cầu vay thế chấp của khách hàng, bạn cần đánh giá các yếu tố như sau:
- Đối tượng vay: Khách hàng có đủ độ tuổi vay thế chấp theo quy định không? (Thông thường người được phép vay phải từ 18-60 tuổi)
- Tình trạng tín dụng của khách hàng: Họ đã từng vay chưa, hiện tại đang có khoản vay nào không, lịch sử tín dụng tốt hay không, có nợ xấu không, có tiền án tiền sự không?
- Khả năng chi trả khoản vay của khách hàng: Thu nhập hàng tháng của khách hàng có đủ mức yêu cầu không, họ có đang kinh doanh gì không, công việc của họ có đem lại thu nhập ổn định không, họ có đang gặp khó khăn về tài chính không?
- Mục đích vay tiền của khách hàng: Họ vay để mua nhà, mua xe, lấy vốn kinh doanh hay, đi du học hay vay để trả nợ?
- Tài sản đảm bảo: Tài sản đảm bảo của khách hàng có đạt đủ yêu cầu không?
Điều gì xảy ra nếu khách hàng không thể trả tiền thế chấp?
Có hai trường hợp cần đánh giá như sau:
- Khách hàng chậm trả nợ lần đầu, có thiện chí: Họ sẽ chủ động liên hệ với phía ngân hàng để trình bày về khó khăn của mình, yêu cầu hoãn thế chấp hoặc sửa đổi khoản vay. Khi bạn cho phép họ hoãn thế chấp, bạn đã đồng ý để họ ngừng thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định (tùy thuộc vào chính sách của ngân hàng/công ty). Khi bạn cho phép họ sửa đổi khoản vay nghĩa là bạn đồng ý sửa đổi lại mức lãi suất và thời hạn vay (theo quy định của ngân hàng/công ty). Với cả hai tình huống này, bạn đều cần xử lý các thủ tục pháp lý dựa trên văn bản minh bạch, có ký kết xác nhận rõ ràng của cả hai bên.
- Khách hàng không thể trả tiền vay thế chấp trong thời gian dài, phá vỡ các điều khoản của hợp đồng: Phía ngân hàng buộc phải tịch thu tài sản mà người vay tiền đã thế chấp. Có hai cách mà bạn có thể tịch thu tài sản của họ là thông qua tòa án (theo tư pháp) hoặc thông qua người được ủy thác (không theo tư pháp).
Như vậy, nếu khách hàng không thể trả khoản tiền vay thế chấp, phía ngân hàng có quyền điều chỉnh lại khoản vay hoặc tịch thu tài sản thế chấp của khách hàng.
>>> Xem thêm: Các vị trí trong ngân hàng HOT với mức lương hấp dẫn
Khái niệm Mortgage sẽ thường xuyên xuất hiện trong công việc của những người làm ngành tài chính - ngân hàng. Nếu như bạn đang có ý định chuyển ngành sang làm tín dụng, hoặc mong muốn phát triển lâu dài với lĩnh vực này, thì nhất định phải hiểu thật sâu về Mortgage là gì, cách mà khoản thế chấp vận hành và các quy định trong cho vay thế chấp. Ngoài ra, để tìm việc làm ngành tài chính - ngân hàng, bạn đừng quên tham khảo tin tuyển dụng tại chuyên trang TopCV. Có rất nhiều cơ hội hấp dẫn với các ngân hàng và công ty tài chính uy tín đang chờ đón bạn!