Trong hoạt động tín dụng tại ngân hàng, Overdraft là thuật ngữ để chỉ một nghiệp vụ cho vay. Nghiệp vụ này có liên quan đến các tài khoản mà khách hàng mở tại ngân hàng. Vậy Overdraft là gì? Khi nào Overdraft xuất hiện và cách thức hoạt động của Overdraft ra sao? Hãy cùng TopCV giải đáp chi tiết trong bài viết sau.
Tổng quan về Overdraft
Overdraft là gì?
Overdraft có nghĩa là thấu chi hay vay theo hạn mức thấu chi. Đây là một nghiệp vụ cho vay được thực hiện bởi các ngân hàng (ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Thương mại cổ phần và ngân hàng Liên doanh).
Thấu chi chính là một khoản vay mà ngân hàng cấp cho người đi vay, cho phép họ chi tiêu vượt quá số tiền thực có trong tài khoản thanh toán. Ngân hàng cấp một số tiền nhất định (gọi là hạn mức thấu chi) vào tài khoản của khách hàng và họ được phép chi tiêu số tiền này theo các hình thức giao dịch khác nhau như: rút tiền mặt, quẹt thẻ thanh toán, v.vv..
Bản chất của Overdraft chính là tạo ra số dư âm trên tài khoản của người đi vay. Ngân hàng cấp một khoản tiền và sẽ tính lãi khoản vay thấu chi trên số tiền mà khách hàng đã chi tiêu vượt mức.
Ví dụ: Tài khoản của bạn chỉ có 5 triệu đồng, ngân hàng cho bạn vay thấu chi 20 triệu đồng. Như vậy bạn có thể chi tiêu tối đa 25 triệu đồng từ tài khoản của mình. Ví dụ bạn mua sắm hết 10 triệu đồng, tức là đã chi tiêu vượt hạn mức 5 triệu đồng (vì thực tế tài khoản của bạn đã 5 triệu đồng). Ngân hàng sẽ tính lãi suất vay thấu chi trên số tiền 5 triệu đồng mà bạn đã chi tiêu cho đến khi số tiền này được hoàn trả.
>>> Hàng nghìn việc làm ngân hàng đang chờ đón bạn trên TopCV, apply ngay:

Overdraft xuất hiện khi nào?
Overdraft xuất hiện khi hoạt động chi tiêu từ tài khoản thanh toán của khách hàng nhiều hơn số tiền thực có trong tài khoản. Tức là khi tài khoản thanh toán bằng 0 hoặc mức chi tiêu lớn hơn số dư tài khoản, nhưng ngân hàng vẫn cho phép giao dịch đó được thực hiện.
Cách thức hoạt động của Overdraft
Overdraft hoạt động theo cách thức một khoản vay được ngân hàng phê duyệt. Ngân hàng cho phép khách hàng vay tiền thông qua tài khoản để chi tiêu vượt quá số tiền mà họ có trong tài khoản. Ngân hàng chỉ tính lãi trên số tiền thấu chi thực tế mà khách hàng đã sử dụng.
Điều kiện để được cấp Overdraft
Mỗi ngân hàng sẽ đưa ra những điều kiện cấp Overdraft khác nhau. Tuy nhiên để được ngân hàng cho vay thấu chi, thông thường khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau:
- Khách hàng có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng và thường xuyên giao dịch qua ngân hàng (những khách hàng thân thiết lâu năm)
- Có độ uy tín cá nhân cao, không có nợ xấu hoặc lịch sử tín dụng xấu
- Có thu nhập ổn định, đủ khả năng chi trả cho các khoản vay
- Một số ngân hàng yêu cầu người vay thấu chi phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Thông thường là đối với những khoản vay có hạn mức thấu chi lớn. Trường hợp này gọi là vay thấu chi có tài sản đảm bảo.
Các đặc điểm nổi bật của Overdraft
Nghiệp vụ cho vay thấu chi có các đặc điểm nổi bật như sau:
- Thấu chi có thể được thực hiện trên nhiều tài khoản của khách hàng như tài khoản vãng lai, tài khoản tiết kiệm, v.vv..
- Hạn mức thấu chi chính là số tiền tối đa mà khách hàng được phép chi tiêu vượt mức số dư của tài khoản. Các yếu tố như: sự uy tín của khách hàng, số tiền về trên tài khoản hoặc giá trị tài sản đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hạn mức thấu chi khi ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cho vay Overdraft.
- Overdraft là một khoản vay ngắn hạn, ngân hàng và người đi vay sẽ thỏa thuận về hạn mức thấu chi, thời gian sử dụng số tiền thấu chi.
- Khoản vay thấu chi cho phép khách hàng linh hoạt sử dụng cho nhiều giao dịch tài chính khác nhau như chi trả lương, thanh toán các hóa đơn, mua hàng, v.vv..

Các loại Overdraft
Đối với nghiệp vụ cho vay thấu chi, về cơ bản gồm 2 loại Overdraft sau đây:
- Overdraft ủy quyền: Thấu chi ủy quyền là loại thấu chi được thỏa thuận và có sự đồng ý giữa ngân hàng và người đi vay về hạn mức thấu chi, lãi suất thấu chi từ trước. Người đi vay chỉ được chi tiêu trong số tiền đã được giới hạn.
- Overdraft không được ủy quyền: Thấu chi không được ủy quyền là loại thấu chi không được yêu cầu và thỏa thuận từ trước giữa người đi vay và ngân hàng. Loại thấu chi này xảy ra khi chủ tài khoản chi tiêu vượt số tiền mình có trong tài khoản. Ngoài ra, thấu chi không được ủy quyền cũng bao gồm cả việc bạn chi tiêu vượt hạn mức thấu chi được ủy quyền.
Lãi suất Overdraft
Overdraft là một khoản vay, vì thế chủ tài khoản sẽ phải trả lãi cho khoản vay này. Mỗi ngân hàng sẽ quy định một mức lãi suất khác nhau và lãi suất chỉ áp dụng trên số tiền thấu chi mà chủ tài khoản đã sử dụng. Nếu không sử dụng thì không tính lãi.
Lãi suất Overdraft có thể chịu sự tác động của các yếu tố như: điểm tín dụng, lịch sử thanh toán của người đi vay, v.vv.. Trong trường hợp người được cấp Overdraft không thanh toán khoản vay đúng thời hạn, ngân hàng có quyền áp dụng một mức lãi suất cao hơn gọi là lãi suất quá hạn.
Để tính lãi suất Overdraft, bạn có thể áp dụng theo công thức như sau:
Tiền lãi Overdraft tháng = ∑ (A * R/365 * t)
Trong đó:
- A: Số tiền thấu chi mà bạn vay ngân hàng (Dư nợ thấu chi thực tế)
- R: Lãi suất thấu chi
- t: Số ngày bạn sử dụng thấu chi
Ví dụ: Tài khoản của bạn còn 0 đồng, ngân hàng cho bạn vay thấu chi 10 triệu đồng với lãi suất 15%, số ngày thực tế sử dụng thấu chi là 30 ngày thì tiền lãi Overdraft sẽ là: (10.000.000 x 15%/365 x 30) = 123.287.671 VNĐ.
Để nắm chính xác thông tin về lãi suất vay thấu chi, bạn hãy trực tiếp liên hệ đến chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng.

Làm sao để kiểm soát Overdraft?
Overdraft có thể mang lại lợi ích cho nhiều người khi giải quyết nhanh chóng sự thiếu hụt tài chính trong việc thanh toán các chi phí liên quan. Tuy nhiên, bản chất của Overdraft vẫn là một khoản vay có tính lãi cho nên bạn cần có sự kiểm soát hoặc tránh sử dụng khi không thực sự cần thiết.
Bạn chỉ nên sử dụng Overdraft trong các trường hợp khẩn cấp hoặc như một lựa chọn ngắn hạn để giải quyết các tình huống cần tiền để thanh toán mà số dư tài khoản của bạn không đủ. Nếu bạn đang sử dụng Overdraft nhiều thì hãy áp dụng các mẹo sau đây để kiểm soát hoặc tránh sử dụng:
- Theo dõi số dư tài khoản thường xuyên: Cách này giúp bạn kiểm soát tốt khoản tiền mà mình có trong tài khoản, từ đó chủ động nguồn tiền thanh toán mà không cần sử dụng Overdraft. Bạn có thể áp dụng nhiều cách để theo dõi số dư tài khoản như đăng ký tính năng thông báo biến động số dư từ app ngân hàng, đăng ký SMS Banking cho tài khoản, v.vv..
- Cập nhật các thông báo được gửi đến từ ngân hàng: Ngân hàng sẽ gửi thông báo đến địa chỉ email của bạn, hãy cập nhật và đọc kỹ các nội dung thông báo để nắm bắt nhanh chóng thông tin về khoản vay thấu chi như: thay đổi hạn mức thấu chi, tăng/giảm lãi suất thấu chi, v.vv..
- Hãy luôn đảm bảo sự uy tín cá nhân: Trong các giao dịch tài chính với ngân hàng, uy tín cá nhân là yếu tố quan trọng. Bạn hãy duy trì sự uy tín để trở thành những khách hàng thân thiết, từ đó có thể nhận được các ưu đãi về lãi suất, hạn mức thấu chi.
- Hãy xây dựng một khoản tiết kiệm dự phòng: Cách này giúp bạn chủ động trong việc thanh toán các chi phí phát sinh bất ngờ, bao gồm cả thanh toán khoản vay thấu chi khi đến hạn để tránh bị tính lãi suất quá hạn.
- Chuyển đổi ngân hàng: Một số ngân hàng thân thiện với nghiệp vụ cho vay thấu chi, thường có nhiều ưu đãi về lãi suất. Nếu bạn là một người có xu hướng sử dụng Overdraft thì có thể tìm hiểu và cân nhắc chuyển đổi sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng này.
- Cắt giảm chi tiêu cá nhân và tìm cách sống tiết kiệm: Cách này giúp bạn dành ra được một khoản tiền tiết kiệm và có thể sử dụng để thanh toán khoản thấu chi khi đến hạn.

Như vậy TopCV vừa giải đáp các thắc mắc liên quan đến Overdraft qua bài viết “Overdraft là gì? Cách thức hoạt động của Overdraft”. Hy vọng với bài viết này bạn đã hiểu Overdraft là một nghiệp vụ cho vay giúp người đi vay linh hoạt xử lý các tình huống thiếu hụt tài chính trong ngắn hạn. Overdraft có nhiều ưu điểm và lợi ích, tuy nhiên khi sử dụng bạn cần chú ý thanh toán khoản vay đúng hạn để không ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Bên cạnh việc cung cấp nhiều thông tin hữu ích về kỹ năng nghề nghiệp, thông tin chuyên ngành, v.vv.., TopCV còn cập nhật liên tục thông tin tuyển dụng việc làm trên toàn quốc và hỗ trợ tạo CV online miễn phí. Bạn hãy truy cập thường xuyên để theo dõi nhé.