Trực giác là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống, nhằm nói đến giác quan thứ sáu hoặc một linh cảm của con người. Loại giác quan này rất khó giải thích trở thành điều bí ẩn với nhiều người. Vậy trực giác là gì? Chúng hoạt động như thế nào và có ảnh hưởng ra sao trong việc đưa ra các quyết định? Hãy cùng TopCV tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu về trực giác
Trực giác là gì?
Trực giác có thể được gọi là giác quan thứ sáu hoặc linh cảm. Theo Tâm lý học, trực giác được định nghĩa là những điều xảy ra khi não bộ dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và các tín hiệu bên ngoài để đưa ra quyết định. Chúng diễn ra một cách nhanh chóng đến mức con người có thể xử lý một lượng lớn thông tin ở mức vô thức để đưa ra những phán đoán và phản hồi chính xác trong thời gian ngắn.
Hiểu một cách đơn giản, trực giác là sản phẩm của quá trình xử lý từ bộ não. Não bộ tự động so sánh các yếu tố được nhận thức từ trải nghiệm hiện tại với kinh nghiệm và kiến thức đã có trong quá khứ, sau đó chuyển đến nhận thức với sự chắc chắn về mặt cảm xúc.

Trực giác đến từ đâu?
Theo các nhà tâm lý học, trực giác đến từ việc việc so khớp khuôn mẫu, khi tâm trí tìm hiểu trải nghiệm được lưu trữ dài hạn trong trí nhớ về các tình huống tương tự và đưa ra các phán đoán tại thời điểm hiện tại dựa trên những kinh nghiệm đã có. Cho nên, nếu một người có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định, bộ não càng có nhiều thông tin để đối chiếu với trải nghiệm mới. Khi đó trực giác sẽ đáng tin cậy hơn.
Trực giác không phải là một khả năng kỳ diệu, chúng có thể được cải thiện bằng kinh nghiệm và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, trong đó có hiệu ứng cảm xúc, trạng thái tinh thần và phản ứng vật lý. Một thí nghiệm của nhà tâm lý học người Mỹ John Bargh đã chỉ ra rằng, cảm xúc và trạng thái tinh thần của mỗi người có thể ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ và dự đoán. Điều này tác động đến trực giác và các phán đoán đưa ra.
Nói tóm lại, trực giác sẽ xuất hiện khi bộ não của chúng ta ghi nhận một sự trùng hợp hoặc khác biệt giữa mô hình nhận thức và kinh nghiệm hiện tại, nhưng nó chưa kịp chạm tới nhận thức có ý thức.

Vai trò của trực giác trong việc đưa ra quyết định
Theo các nghiên cứu của tâm lý học, trực giác là một trong hai chế độ tư duy chính cùng với lý luận phân tích. Trong đó, một cái xảy ra tự động, nhanh và trong tiềm thức, còn một cái chậm chạp, theo logic, tỉnh táo và thận trọng. Vì vậy, trực giác vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc giúp con người đưa ra các quyết định.
Một nghiên cứu tại Đại học South Wales đã từng xác nhận rằng, trực giác mang lại lợi ích đáng kể cho việc ra quyết định. Các thông tin vô thức có được từ trực giác có thể tăng độ chính xác, tốc độ và sự tự tin. Tuy nhiên để xác định vai trò của yếu tố trực giác trong việc đưa ra quyết định, chúng ta cần phải dựa vào vào từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn:
- Nếu sự việc bạn cần đưa ra quyết định dựa nhiều vào kinh nghiệm và tư duy trong quá khứ thì bạn có thể sử dụng trực giác. Lúc này trực giác sẽ là yếu tố hữu ích có thể mang lại kết quả chính xác cho bạn.
- Nếu sự việc cần đưa ra quyết định có sự khác biệt, không khớp với những kinh nghiệm trong quá khứ thì bạn nên cẩn trọng khi sử dụng trực giác. Bởi nếu không có sự phân tích hợp lý dựa trên những kiến thức lưu trữ trong não bộ, các quyết định đưa ra dựa trên trực giác có thể là một điều mạo hiểm.
- Đối với những sự việc có sự hạn chế về mặt thời gian, trực giác có thể mang lại khả năng suy nghĩ nhanh và tập trung cho con người. Chẳng hạn khi một chiếc thuyền đang bị chìm dần hoặc một bếp cồn đang bị bốc cháy. Ngược lại với những vấn đề cần thời gian để cân nhắc, bạn nên suy nghĩ, dựa vào phân tích và các bằng chứng để đưa ra quyết định chứ không nên căn cứ vào trực giác.
Trực giác hoạt động như thế nào theo lý thuyết tâm lý học?
Trực giác là những gì xảy ra trong não bộ của con người, vì thế sẽ thật khó để có thể xác định cơ chế hoạt động của chúng. Khi bàn luận về vấn đề này nhiều nhà khoa học đề xuất trực giác hoạt động theo lý thuyết quy trình kép. Nghĩa là quy trình ra quyết định được phân chia giữa trực quan (kinh nghiệm) và phân tích (có chủ ý).
Về cơ bản, trực giác hoạt động dựa trên việc sử dụng các kiến thức không rõ ràng. Bản chất của trực giác là đưa ra quyết định mà không cần nhiều sự nỗ lực và thường không có nhận thức có ý thức. Tuy nhiên, trực giác cũng mang tính tổng thể, kết hợp hiểu biết sâu sắc từ nhiều nguồn và thường đòi hỏi một bước nhảy vọt trong suy nghĩ dựa trên một lượng thông tin hạn chế.

Theo các lý thuyết tâm lý học, hoạt động của trực giác có sự tương tác của nhiều quá trình. Chẳng hạn như:
- Quá trình nhận biết: Đây là một quá trình quan trọng đối với trực giác. Trong bộ nhớ của con người, quá trình nhận biết xuất hiện tách biệt với các phần khác. Chúng có độ chính xác đủ để con người nhận biết và đưa ra các quyết định cho những mục tiêu cụ thể trong thực tế.
- Quá trình suy luận: Theo Nhà tâm lý học Robin Hogarth, suy luận cũng là một yếu tố đóng vai trò thiết yếu trong trực giác. Những kiến thức mà con người tích lũy được theo thời gian thông qua kinh nghiệm sẽ giúp họ suy luận và đưa ra các dự đoán bằng trực giác trong hiện tại. Nếu gặp phải tình huống đã diễn ra nhiều lần trước đây, trực giác còn có thể giúp con người hành động nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
Có thể thấy, hoạt động của trực giác không phải đến từ một quá trình duy nhất mà là sự kết hợp của nhiều quá trình nhận thức từ học tập, nhận biết, suy luận cho đến quá trình đưa ra quyết định. Tất cả các tố này sẽ ảnh hưởng kết hợp để giúp con người đưa ra phản hồi nhanh chóng và hiệu quả dựa trên trực giác.
Cách để rèn luyện trực giác
Trực giác không phải là một phép màu, ngược lại chúng được xem như là một năng lực. Con người có thể cải thiện, củng cố và vận dụng trực giác để phát triển bản thân và đạt được những thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Sau đây là một số cách để rèn luyện trực giác mà bạn có thể áp dụng:
- Tích lũy kinh nghiệm: Trực giác của mỗi người sẽ mạnh mẽ và đáng tin nhất khi chúng liên quan đến một vấn đề, lĩnh vực mà người đó có nhiều kinh nghiệm. Bởi trực giác là kết quả của một sự phán đoán phức tạp dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Ví dụ, một nhân viên kinh doanh bất động sản dày dặn kinh nghiệm sẽ có “độ nhạy” về những biến động xảy ra trong thị trường bất động sản.
- Trau dồi kiến thức chuyên môn: Ở một mức độ nào đó, trực giác bắt nguồn từ những kiến thức chuyên môn của bạn. Vì thế trau dồi các kiến thức chuyên môn cũng là cách hiệu quả để rèn luyện trực giác.
- Nuôi dưỡng và phát huy sự sáng tạo: Mối quan hệ giữa trực giác và sáng tạo là cộng sinh không thể tách rời. Cả hai đều liên quan đến việc chuyển đổi ý tưởng thành một giải pháp hữu hình, có giá trị để giải quyết vấn đề. Vì thế nuôi dưỡng và phát huy sự sáng tạo sẽ giúp mỗi người rèn luyện trực giác.
- Viết nhật ký: Đây là một cách tốt để bạn rèn luyện trực giác. Hãy viết ra tất cả những điều bất chợt xuất hiện trong tâm trí bạn mà không cần quan tâm đến tiêu chí viết đúng và viết hoàn chỉnh. Khi áp dụng cách này hãy bỏ qua suy nghĩ về việc mình đang viết cái gì và viết như thế nào. Càng ít quan tâm đến điều bạn viết sẽ càng tốt, vì nó cho thấy bạn đang tiếp cận luồng thông tin từ bên trong một cách tự do và tự nhiên.
- Đặt câu hỏi: Đây là một cách phát triển trực giác chủ động, nghĩa là bạn tự tìm hiểu về thông tin bạn cần thông qua việc đặt câu hỏi. Câu hỏi càng cụ thể thì các tín hiệu trực giác sẽ càng chi tiết. Để thực hiện cách này bạn có thể tham gia vào các nhóm thảo luận, trao đổi về những chủ đề mà mình hứng thú, chẳng hạn như tham dự các buổi workshop, seminar, v.vv.. về lĩnh vực mà mình đang học tập, làm việc.
- Kết nối cảm xúc với mọi người: Trực giác của bạn sẽ hoạt động tốt nếu bạn biết cách kết nối cảm xúc với mọi người. Đừng chỉ giao tiếp với họ qua trò chuyện trực tiếp, điện thoại, mạng xã hội, thay vào đó hãy cố gắng xác định cảm xúc của người đối diện. Bạn nên quan sát để biết họ đang buồn, vui hay giận dỗi và đưa ra những phán đoán phù hợp nhất. Càng xác định được cảm xúc của người khác bạn càng giao tiếp tốt thông qua trực giác.
- Ngồi thiền hoặc tập yoga: Thiền và yoga là hai bộ môn có thể giúp bạn rèn luyện cũng như cải thiện trực giác. Thông qua khoảng thời gian tĩnh lặng khi thiền và yoga, bạn có thể tĩnh tâm để suy nghĩ, nhận thức về cơ thể của mình và lắng nghe “thế giới bên trong”. Điều này sẽ đưa bạn đến những ý tưởng trực giác khi bạn cần đến chúng.

Người có trực giác tốt phù hợp với nghề nghiệp nào?
Trực giác không phải là yếu tố quyết định bạn sẽ thành công trong nghề nghiệp hay lĩnh vực nào, tuy nhiên yếu tố này có tầm quan trọng giúp bạn phát triển bản thân nếu biết cách tận dụng chúng vào công việc. Judith Orloff, Giáo sư tâm thần học tại Đại học UCLA (Mỹ), tác giả cuốn sách Hướng dẫn Chữa bệnh bằng Trực giác (Guide to Intuitive Healing) chia sẻ về trực giác rằng: “Đây là nguồn cung cấp cho bạn tất cả các loại thông tin mà bạn thường không có. Trực giác không phải do kết quả phân tích của não bộ; đây là một loại kiến thức phi tuyến tính. Một hình thức trí tuệ bổ sung. Bạn phải biết cách tận dụng nó.”
Người có trực giác tốt sẽ là nền tảng để phát triển bản thân trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp. Sau đây hãy cùng TopCV điểm qua một số nghề nghiệp mà người có trực giác tốt có thể phát triển tốt nếu biết cách tận dụng:
Quảng cáo và tiếp thị
Đối với ngành quảng cáo và tiếp thị, sự hiểu biết về xu hướng thị trường và đọc hiểu tâm lý người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng. Hai yếu tố này có thể được phát huy một cách hiệu quả nếu bạn là một người có trực giác tốt.
Trực giác có thể giúp bạn hiểu được nhu cầu, mong muốn và thái độ của người tiêu dùng để tạo ra chiến lược quảng cáo và tiếp thị có hiệu quả. Đặc biệt, khi kết hợp trực giác với khả năng quan sát, đọc hiểu sự biến động của thị trường có thể giúp người làm quảng cáo - tiếp thị đưa ra các dự đoán về xu hướng và xây dựng biện pháp thích ứng phù hợp.
Nhờ trực giác, sự sáng tạo của bạn sẽ có cơ hội phát huy. Sự cộng hưởng của hai yếu tố này giúp nhân viên quảng cáo - tiếp thị tạo ra ý tưởng quảng cáo mới mẻ, nổi bật và thu hút sự chú ý của khách hàng. Có thể nói, trực giác tốt có thể là một lợi thế lớn trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị nếu được kết hợp với sự hiểu biết sâu rộng về thị trường và khách hàng.

Nhân viên thiết kế
Thiết kế là công việc đòi hỏi sự sáng tạo mà yếu tố này lại có mối quan hệ cộng sinh với trực giác. Vì thế nếu bạn là một người có trực giác tốt, các công việc thiết kế như: nhân viên thiết kế đồ họa, nhân viên thiết nội thất, v.vv.. sẽ là lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Bằng việc vận dụng trực giác, nhân viên thiết kế có thể kết nối và hiểu rõ đối tượng người dùng để tạo ra các bản thiết kế thu hút, độc đáo và hữu ích. Đối với việc cập nhật các xu hướng thiết kế, trực giác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn đưa ra dự đoán về các phong cách thiết kế mới để duy trì sự hiện đại và đáp ứng đúng mong muốn của thị trường.
Để trực giác phát huy có hiệu quả trong lĩnh vực thiết kế, bạn nên kết hợp sự hiểu biết về nhu cầu người dùng và khả năng áp dụng công nghệ mới vào thiết kế.
Truyền thông - Marketing
Đối với một ngành nghề luôn theo đuổi sự đổi mới, nhanh nhạy và sáng tạo như Truyền thông - Marketing, trực giác sẽ là một yếu tố tạo lợi thế để bạn có bước tiến xa hơn trong nghề. Thông qua việc vận dụng trực giác, bạn có thể tạo ra những thông điệp thu hút và nổi bật để sản phẩm, dịch vụ của mình gây ấn tượng với khách hàng.
Đặc biệt, trực giác cũng sẽ hỗ trợ người làm Truyền thông - Marketing trong việc lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp cho từng phân khúc khách hàng mục tiêu. Đó có thể là mạng xã hội, website, báo chí hay các chiến dịch truyền thông trực tiếp qua sự kiện, workshop, v.vv.. Điều này hỗ trợ rất nhiều khi bạn xây dựng các kế hoạch, chiến lược truyền thông dài hạn theo quý, năm.
Chuyên viên tư vấn
Nếu bạn là người có trực giác tốt, công việc của một nhân viên tư vấn có thể là lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Trong công việc của một người làm tư vấn, trực giác giúp bạn hiểu sâu sắc về tâm lý, nhu cầu khách hàng để đưa ra giải pháp tư vấn phù hợp. Hơn thế, trực giác sẽ là yếu tố hữu ích giúp bạn đưa ra các phán đoán chính xác nếu tình huống bạn cần tư vấn dựa nhiều vào kinh nghiệm và tư duy trong quá khứ.
Có thể nói, việc kết hợp trực giác với kiến thức chuyên môn và kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn trở thành một người tư vấn xuất sắc, tạo ra tác động tích cực đối với khách hàng.

Chuyên viên tư vấn là công việc phù hợp với người có trực giác tốt
Lưu ý: Những thông tin trên chỉ cung cấp cái nhìn thú vị để bạn đọc tham khảo. Bạn không nên dựa hoàn toàn vào đó để quyết định ngành nghề mà bản thân theo đuổi. Việc chọn nghề nghiệp phù hợp nên được xem xét toàn diện các yếu tố như kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm, mục tiêu cá nhân, sở thích của bản thân.
Như vậy TopCV vừa chia sẻ các thông tin liên quan đến trực giác là gì, vai trò và cách rèn luyện trực giác. Hy vọng với những thông tin này, bạn đọc đã hiểu và có cái nhìn thú vị về trực giác, từ đó biết vận dụng và phát huy chúng vào việc giải quyết các vấn đề thực tế.
Đừng quên truy cập TopCV để cập nhật thông tin việc làm mới nhất tại các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, công cụ tạo mẫu CV online miễn phí của TopCV sẽ hỗ trợ bạn thiết kế CV độc - lạ nhưng chuyên nghiệp để apply vào công việc phù hợp với năng lực của bản thân.