Không chỉ dừng lại ở luật sư, có rất nhiều cơ hội việc làm ngành Luật khác dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Để giúp bạn có định hướng công việc rõ ràng hơn, bài viết sau đây TopCV sẽ review toàn bộ các vị trí và mức lương ngành Luật
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Luật
Theo thông tin từ Bộ tư pháp, chỉ tính tới năm 2020, ngành Luật Việt Nam cần tới hơn 20.000 nhân sự chỉ ở chức danh tư pháp. Trong đó bao gồm 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2000 công chứng viên, 3000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên. Trong những năm tiếp theo, nhu cầu này còn tiếp tục tăng cao.
Đồng thời theo khảo sát giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, lao động có mức lương bình quân trên 15.000.000 đồng/tháng phần lớn hoạt động trong ngành Luật.
Những thống kê này cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Luật không “thừa” như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí đây là ngành nghề còn có triển vọng việc làm rộng mở, linh hoạt và đang “khát” nhân lực.
Không chỉ cố định ở vị trí luật sư, sinh viên Luật sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc tại tòa án, Bộ, phòng ban nhà nước, văn phòng luật tư nhân hoặc tư vấn luật cho doanh nghiệp, giảng viên, nghiên cứu viên,... Đây là cơ hội hấp dẫn để các cử nhân Luật mới ra trường thử sức và khẳng định năng lực.
Xem thêm: Cẩm nang xin việc ngành Luật
Các vị trí và mức lương ngành Luật
Dưới đây là tổng hợp các vị trí và mức lương ngành Luật tương ứng. Bạn có thể tham khảo danh sách dưới đây để lựa chọn định hướng phát triển công việc phù hợp nhất.
*Lưu ý: Mức lương ngành Luật được TopCV tham khảo và trích nguồn từ trang Thuvienphapluat.vn
Công chứng viên
Công chứng viên là vị trí quen thuộc với người dân khi có nhu cầu công chứng bất cứ giấy tờ nào. Họ là người được ủy quyền để thực hiện việc công chứng nhằm đảm bảo tính hợp pháp và xác thực của văn bản, giấy tờ và giao dịch pháp lý. Công chứng viên có thể làm việc tại văn phòng công chứng, công ty luật hay các bộ phận trong phòng ban Nhà nước.
Mô tả công việc thường thấy của một công chứng viên có thể bao gồm:
- Xác thực chữ ký, văn bản, giấy tờ, tài sản, bảo hiểm,... và chứng nhận tính hợp pháp của chúng.
- Hỗ trợ soạn thảo, sao chép tài liệu và xác thực tính hợp pháp của bản sao.
- Xác thực danh tính của người tham gia giao dịch, công chứng hoặc ký tên trên tài liệu.
- Hỗ trợ tư vấn, thẩm định giá trị pháp lý của tài sản, hợp đồng, xác nhận tính hợp pháp của chúng để có thể tham gia giao dịch.
Mức lương ngành Luật ở vị trí công chứng viên: Trung bình từ 6.000.000 - 12.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 4.000.000 đồng/tháng và cao nhất là 20.000.000 đồng/tháng.
Chuyên viên pháp lý
Chuyên viên pháp lý thường làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp với nhiệm vụ hỗ trợ và tư vấn cho những tổ chức này về các quy định pháp luật. Cùng với sự phát triển, mở cửa kinh tế thì vị trí chuyên viên pháp lý cũng có nhu cầu tuyển dụng khá cao hiện nay.
Công việc chính của chuyên viên pháp lý có thể bao gồm:
- Tư vấn các quy định pháp lý có liên quan đến những hoạt động đang diễn ra trong doanh nghiệp (mua bán, sở hữu trí tuệ, đầu tư,...)
- Nghiên cứu và phân tích văn bản pháp luật (chỉ thị, nghị định cũ và mới,...) nhằm đảm bảo rằng tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật.
- Soạn thảo các văn bản pháp lý (hợp đồng, đơn khởi kiện,...) đảm bảo tính hợp pháp theo Pháp luật hiện hành.
- Thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký tài sản,...
- Điều tra và giải quyết các vấn đề pháp lý diễn ra trong nội bộ công ty hoặc giữa công ty với những bên khác.
Mức lương ngành Luật ở vị trí chuyên viên pháp lý: Trung bình từ 8.000.000 - 25.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 5.000.000 đồng/tháng và cao nhất là 50.000.000 đồng/tháng
Cố vấn pháp lý
Cố vấn pháp lý (Legal Counsel) là vị trí khá tương tự với chuyên viên pháp lý. Tuy nhiên cố vấn pháp lý thực sự là một chuyên gia với kinh nghiệm dày dặn trong ngành Luật.
Mô tả công việc của cố vấn pháp lý có thể bao gồm những nhiệm vụ sau:
- Tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong quá trình vận hành tổ chức.
- Thực hiện điều tra, giải quyết các tranh chấp pháp lý trong nội bộ cũng như bên ngoài và là đại diện của doanh nghiệp khi tham gia các vụ kiện tại tòa án.
- Đề xuất và triển khai các chính sách để giúp doanh nghiệp phòng ngừa các rủi ro liên quan tới pháp lý trong quá trình hoạt động.
- Theo dõi và cập nhật các nghị định, chính sách pháp luật mới có liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
- Đào tạo và hướng dẫn nhân viên khác các vấn đề, quy định liên quan tới pháp luật trong quá trình kinh doanh.
Mức lương ngành Luật ở vị trí cố vấn pháp lý: Trung bình từ 15.000.000 - 50.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 8.000.000 đồng/tháng và cao nhất là hơn 100.000.000 đồng/tháng, tùy theo năng lực làm việc.
Thư ký pháp lý
Thư ký pháp lý có thể làm việc tại văn phòng luật lẫn các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Vị trí này sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ công việc cho luật sư, cố vấn pháp lý hay những nhân viên khác trong tổ chức.
Những nhiệm vụ chính của thư ký pháp lý có thể kể đến như:
- Quản lý, lưu trữ, sắp xếp các tài liệu pháp lý như hợp đồng, văn bản,...
- Hỗ trợ chuẩn bị các tài liệu pháp lý liên quan.
- Quản lý lịch trình làm việc, sắp xếp thời gian và ghi chép nội dung các buổi họp.
- Tham gia hỗ trợ cùng luật sư các công việc liên quan đến tư vấn pháp lý như nghiên cứu, phân tích và xử lý các tài liệu để đưa ra giải pháp xử lý tối ưu nhất.
- Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến đàm phán và thương lượng như soạn thảo hợp đồng, thư từ, tài liệu thương mại, di chúc, thừa kế,...
Mức lương ngành Luật ở vị trí thư ký pháp lý: Trung bình lương cơ bản từ 4.000.000 - 9.000.000 đồng/tháng. Thực tế, mức lương thực nhận sẽ cao hơn, bao gồm phụ cấp và thưởng.
Kiểm sát viên
Kiểm sát viên là vị trí thường xuất hiện tại tòa án. Đây sẽ là người chịu trách nhiệm thực thi các hoạt động điều tra, giám sát hoạt động pháp luật theo yêu cầu từ Tòa án.
Nhiệm vụ chính của kiểm sát viên thường bao gồm:
- Thực hiện các hoạt động điều tra và thu thập bằng chứng để phân tích, từ đó xác định tội danh của các đối tượng trong vụ án.
- Trực tiếp tham gia vào các phiên tòa để đưa ra bằng chứng điều tra cũng như lập luận hỗ trợ cho việc kết án.
- Giám sát quá trình thực thi bản án và kiểm tra hoạt động của các cơ quan liên quan với vụ án.
- Hỗ trợ soạn thảo văn bản nhằm truy tố và đưa ra yêu cầu truy tố các đối tượng.
Mức lương ngành Luật ở vị trí kiểm sát viên: Trung bình từ 4.212.000 - 19.800.000 đồng/tháng, tùy vào cấp bậc. Mức lương trên chưa bao gồm thưởng và trợ cấp.
Công tố viên
Khi nhắc tới kiểm sát viên thì không thể bỏ qua công tố viên - vị trí được xem như “song hành” với kiểm sát viên. Theo đó, công tố viên cần có vốn kiến thức sâu rộng để có thể đưa ra quyết định truy tố hay không truy tố các đối tượng:
- Nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến các vụ án mà mình phụ trách.
- Thực hiện công tác điều tra, thu thập, đánh giá các chứng cứ và những tình tiết liên quan đến vụ án để đưa ra quyết định truy tố hay không truy tố đối tượng.
- Trực tiếp tham gia các phiên tòa và đưa ra các quan điểm, lập luận nhằm bào chữa cho quyết định của cơ quan công tố.
- Giám sát và kiểm tra hoạt động của bộ phận công an, tư pháp và các bên liên quan tới vụ án.
Mức lương ngành Luật ở vị trí công tố viên: Trung bình từ 7.000.000 - 15.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 4.000.000 đồng/tháng và cao nhất là 30.000.000 đồng/tháng.
Luật sư
Luật sư là nghề nghiệp quen thuộc và được xem như là vị trí đặc thù trong ngành Pháp luật. Luật sư sẽ đại diện cho thân chủ để thực hiện các hoạt động liên quan tới pháp lý. Luật sư có thể làm việc tại công ty luật nhà nước, tư nhân hoặc trong tòa án.
Công việc chính của một luật sư có thể bao gồm những hoạt động:
- Cung cấp tư vấn về các vấn đề liên quan đến luật pháp cũng như đưa ra lời khuyên và phương hướng giải quyết phù hợp cho khách hàng.
- Đại diện cho thân chủ trực tiếp tham gia các vụ kiện, đàm phán và thương lượng với các bên liên quan.
- Cập nhật, nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành có liên quan tới vấn đề mà thân chủ, khách hàng đang gặp phải để hỗ trợ.
- Chuẩn bị tài liệu liên quan đến vấn đề như hợp đồng, văn bản pháp luật,...
Mức lương ngành Luật ở vị trí luật sư: Trung bình từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 7.000.000 đồng/tháng và cao nhất là không giới hạn nếu nhận tư vấn, bào chữa cho các vụ kiện lớn.
Thư ký luật sư
Thư ký luật sư là vị trí thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho công việc của luật sư, nhóm luật sư trong tổ chức. Đây là vị trí khá phù hợp với những bạn trẻ mới tốt nghiệp ngành Luật và đang muốn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế.
Nhiệm vụ chính của thư ký luật sư thường bao gồm:
- Tiếp nhận các cuộc gọi, email cá nhân từ khách hàng và hỗ trợ trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc cho họ.
- Thực hiện soạn thảo các văn bản pháp lý như hợp đồng, đơn kiện, đơn khiếu nại,...
- Chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên tòa sắp diễn ra.
- Quản lý tài liệu pháp lý và đảm bảo chúng được lưu trữ an toàn.
- Điều phối lịch trình làm việc cho luật sư sao cho phù hợp.
- Hỗ trợ luật sư giải quyết các công việc khác.
Mức lương ngành Luật ở vị trí thư ký luật sư: Trung bình từ 7.000.000 - 12.000.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 3.000.000 đồng/tháng và cao nhất là 20.000.000 đồng/tháng.
Thư ký tòa án
Thư ký tòa án là vị trí không thể thiếu trong quá trình vận hành một phiên tòa. Vị trí này sẽ đảm bảo các phiên tòa diễn ra thuận lợi và không gặp bất cứ gián đoạn nào.
Công việc cụ thể của một thư ký tòa án thường bao gồm những nhiệm vụ sau:
- Tiếp nhận, sắp xếp và lưu trữ thông tin tài liệu, hồ sơ của các vụ án.
- Chuẩn bị tài liệu cần thiết và phân phát cho tòa án cũng như các bên liên quan trong thời gian diễn ra phiên tòa.
- Điều phối lịch trình trong phiên tòa, hướng dẫn cho các bên liên quan về thời gian và địa điểm cần phải có mặt.
- Giao tiếp, kết nối với các bên liên quan để lấy thông tin cần thiết.
Mức lương ngành Luật ở vị trí thư ký tòa án : Trung bình từ 3.400.000 - 7.400.000 đồng/tháng (đến hết ngày 30/06/2023), sau tăng lên từ 4.200.000 - 9.000.000 đồng/tháng (từ 01/07/2023). Mức lương trên chưa bao gồm trợ cấp và thưởng.
>>> Tạo CV để tìm việc nhanh chóng
Thẩm phán
Thẩm phán là vị trí có quyền lực tối cao tại tòa án. Đây là vị trí yêu cầu vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành luật, cùng với đó là tinh thần chính trực, công bằng.
Nhiệm vụ chính của thẩm phán bao gồm:
- Tham gia xét xử các vụ án, tranh chấp hình sự, dân sự, hành chính, doanh nghiệp và các lĩnh vực khác.
- Tổ chức và điều hành, quản lý, giám sát các bên có liên quan trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
- Giám sát và thẩm định các quyết định của cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, tòa án, cơ quan điều tra và các bên liên quan khác.
- Tham gia đào tạo, huấn luyện các cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng có liên quan trong lĩnh vực pháp luật.
Mức lương ngành Luật ở vị trí thẩm phán: Trung bình từ 3.486.000 - 11.920.000 đồng/tháng (đến hết ngày 30/06/2023), sau tăng lên từ 4.212.000 - 14.400.000 đồng/tháng (từ 01/07/2023)
Giảng viên ngành Luật
Nếu bạn yêu thích công việc giảng dạy và muốn truyền tải nhiều kiến thức ngành Luật cho mọi người thì đây chính là vị trí dành cho bạn. Giảng viên ngành Luật có thể làm việc tại các trường cao đẳng, đại học thông thường hoặc đơn vị đào tạo chuyên về Luật.
Mô tả công việc chung khi trở thành giảng viên ngành Luật là:
- Chuẩn bị bài giảng, giáo trình, tài liệu học tập hỗ trợ cho quá trình giảng dạy.
- Trực tiếp giảng dạy các môn học chuyên ngành ngành luật để giúp sinh viên hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, nâng cao về pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp vào quá trình phát triển chung của ngành luật.
- Tham gia các hoạt động quản lý, mở rộng chương trình đào tạo theo chỉ thị từ trường học.
- Hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ sinh viên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân.
Mức lương ngành Luật ở vị trí giảng viên ngành Luật: Trung bình từ 3.486.000 - 11.920.000 đồng/tháng (đến hết ngày 30/06/2023), sau tăng lên từ 4.212.000 - 14.400.000 đồng/tháng (từ 01/07/2023)
Có thể bạn quan tâm: Sinh viên học luật ra làm gì? Đây là 10 việc làm ngành luật 'hái ra tiền'
Trên đây là tổng hợp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về toàn bộ những vị trí việc làm ngành Luật HOT nhất hiện nay. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Đặc biệt nếu đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong ngành Luật, đừng quên truy cập vào TopCV. Đây là nền tảng công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng, hỗ trợ kết nối ứng viên và nhà tuyển dụng. Hệ sinh thái toàn diện các tính năng như tạo CV, cuộc thi tìm kiếm tài năng,... của TopCV sẽ là bệ phóng vững chắc giúp bạn đạt được vị trí công việc như mong ước.
*Lưu ý: Mức lương ngành Luật được TopCV tham khảo và trích nguồn từ trang Thuvienphapluat.vn