Doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài phải có giấy chứng nhận CFS. Vậy giấy chứng nhận CFS là gì? Ý nghĩa của CFS trong xuất nhập khẩu là gì? Nếu đây cũng là những vấn đề bạn đang thắc mắc thì hãy dành ít phút đọc ngay bài viết dưới đây của TopCV.
CFS là gì?
CFS là viết tắt của cụm từ Certificate Of Free Sale, có nghĩa là giấy chứng nhận lưu hành tự do. Đây là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa với mục đích chứng nhận hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tại nước xuất khẩu.
Theo Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước không nhất thiết phải bán tại nước sản xuất mà chỉ cần được phép bán và lưu hành tại thị trường này sẽ được cấp giấy chứng nhận CFS.
Hiện nay, giấy chứng nhận lưu hành tự do được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp, bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, v.vv.. Ngoài tên viết tắt CFS, giấy chứng nhận lưu hành tự do còn có nhiều tên gọi khác như: giấy phép lưu hành tự do, giấy phép lưu hành sản phẩm, CPP, FSC.

>>> Xem thêm: Thuế xuất nhập khẩu là gì? Hàng hóa nào phải chịu thuế xuất nhập khẩu?
Ý nghĩa của giấy chứng nhận CFS là gì?
Ý nghĩa của CFS đối với sản phẩm, hàng hóa
Hiện nay, các quốc gia nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có thể căn cứ vào CFS để kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Bởi vì một sản phẩm được chứng nhận CFS thì có nghĩa sản phẩm đó đã thông qua quá trình kiểm tra và cấp phép bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Đồng thời, sản phẩm đó đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại quốc gia xuất khẩu.
Ngoài ra, sản phẩm được cấp chứng nhận CFS sẽ giúp tăng độ tin tưởng của người tiêu dùng tại quốc gia nhập khẩu.

Ý nghĩa của CFS đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Ý nghĩa của giấy chứng nhận lưu hành tự do với doanh nghiệp xuất khẩu gồm:
- Mở rộng thị trường: Chứng nhận CFS tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thâm nhập vào thị trường mới. Các sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng lưu hành tại thị trường mới mà không phải mất thêm thời gian và những chi phí không đáng có.
- Xác minh doanh nghiệp: Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa phải xác minh là tổ chức kinh doanh được ủy quyền. Việc xác mình có thể thực thực hiện bằng nhiều cách khác nhau và chứng nhận CFS là một trong số đó. Khi doanh nghiệp được xác nhận giấy phép tức là doanh nghiệp đang tuân thủ các nguyên tắc tại thị trường Liên minh Châu Âu.
- Tuân thủ tiêu chuẩn GMP: CFS cũng là một trong những yếu tố đánh giá mức độ tuân thủ hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn GMP thường được áp dụng với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và dược phẩm.

>>> Xem thêm: Tổng quan về công việc ngành Logistics
Điều kiện để sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS
Sản phẩm, hàng hóa muốn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu.
- Có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Hiệu lực của giấy chứng nhận CFS trong bao lâu?
Thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS có thể thay đổi tùy theo quốc gia, sản phẩm hoặc quy định của từng nơi. Tuy nhiên, với trường hợp giấy chứng nhận lưu hành tự do không ghi rõ thời hạn hết hiệu lực thì thời điểm hết hiệu lực được tính là 2 năm kể từ ngày cấp.
Các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận CFS
Theo Phụ lục I Quyết định 10/2010/QĐ-TTg, thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hóa của các cơ quan nhà nước được quy định như sau:
Bộ Y tế:
- Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên, thuốc lá điếu, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
- Thuốc và mỹ phẩm;
- Trang thiết bị Y tế.

Bộ công thương:
- Hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp;
- Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
- Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo yêu quy định của pháp luật;
- Sản phẩm, hàng hoá khác không thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan nêu tại phụ lục này.
>>> Xem thêm: Nhân viên xuất nhập khẩu là gì? Công việc ra sao?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
- Giống cây trồng, giống vật nuôi như nông sản, lâm sản, thuỷ sản, muối; gia súc, gia cầm, vật nuôi;
- Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, phân bón, thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Sản phẩm trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thuỷ sản, muối;
- Phụ gia, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; thuốc bảo vệ thực vật, động vật;
- Dụng cụ đánh bắt thuỷ sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thuỷ sản.

>>> Xem thêm danh sách việc làm xuất nhập khẩu HOT tại TOPCV:
Quy trình xin cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do
Doanh nghiệp sản xuất muốn xin cấp phép giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS phải thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Đăng ký hồ sơ thương nhân
Hồ sơ gồm có:
a) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp CFS và con dấu của thương nhân (theo mẫu quy định);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);
c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);
d) Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có) của thương nhân (theo mẫu quy định).
Bước 2: Làm hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận CFS
Hồ sơ gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp CFS (theo mẫu quy định) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;
b) Giấy phép đăng ký kinh doanh;
c) Bản sao có chứng thực của bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa);
d) Các giấy tờ khác tùy thuộc vào yêu cầu đặc thù của cơ quan cấp CFS.

Bước 3: Nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận CFS
Sau khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu và cấp CFS đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
>>> Xem thêm: Cán cân xuất nhập khẩu là gì? Công thức tính cán cân xuất nhập khẩu
Bước 4: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và thông báo với người đề nghị cấp chứng nhận CFS.
- Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp CFS đầy đủ, hợp lệ: Cán bộ tiến hành tiếp nhận hồ sơ, gửi giấy biên nhận cho người đề nghị.
- Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Cán bộ trả lại hồ sơ, thông báo lý do và đề nghị bổ sung các giấy tờ còn thiếu.
Bước 5: Xử lý hồ sơ
a) Thời hạn cấp CFS không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày người đề nghị cấp CFS nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
b) Trong trường hợp cơ quan cấp CFS nhận thấy hồ sơ chưa đủ căn cứ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các lần cấp CFS trước đó thì cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất.
c) Thương nhân có quyền yêu cầu về số lượng CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hóa.
d) Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng điều kiện cấp CFS, cơ quan cấp CFS sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho người đề nghị cấp CFS về việc không cấp chứng nhận CFS cho các sản phẩm, hàng hóa không đủ điều kiện.

Một số câu hỏi thường gặp về CFS
Giấy chứng nhận CFS phải có những thông tin nào?
Căn cứ tại Điều 6 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTG, giấy chứng nhận CFS bao gồm những thông tin sau đây:
a) Tên cơ quan cấp CFS;
b) Số tham chiếu của CFS;
c) Ngày cấp của CFS;
d) Tên sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS;
đ) Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS;
e) Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
g) Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và bán tự do tại thị trường của nước sản xuất;
h) Họ tên, chữ ký, chức danh của người cấp CFS và con dấu của cơ quan cấp CFS.
>>> Xem thêm: Bạn biết gì về quy trình làm việc của nhân viên xuất nhập khẩu?
Chứng nhận CFS đã cấp có bị thu hồi không?
Theo Điều 14 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTG, có quan cấp chứng nhận CFS tiến hành thu hồi CFS đã cấp đối với các trường hợp sau đây:
- Thương nhân xuất khẩu hoặc người đề nghị cấp CFS giả mạo chứng từ.
- Sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS không phù hợp với các tiêu chuẩn công bố áp dụng.
- CFS không được cấp đúng thẩm quyền.
Thương nhân hoặc người đề nghị có nghĩa vụ phải nộp lại chứng nhận CFS cho cơ quan đã cấp CFS trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi. Trong trường hợp không thể thu hồi CFS đã cấp, cơ quan cấp CFS sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho người đề nghị về việc chứng nhận CFS không còn hiệu lực.

Chứng nhận CFS bị mất có được cấp lại không?
Theo Điều 13 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTG, trường hợp chứng nhận CFS bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân xuất khẩu có thể nộp đơn lên cơ quan thẩm quyền đề nghị cấp bản sao chứng thực của CFS gốc. Bản sao này phải mang dòng chữ “Certified True Copy”. Đồng thời, bản sao chứng thực này chỉ được cấp trong khoảng thời gian CFS gốc vẫn còn hiệu lực.
CFS là giấy chứng nhận lưu hành tự do, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho sản phẩm, hàng hóa với mục đích chứng nhận sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tại nước xuất khẩu. CFS vừa là cơ sở để đánh giá chất lượng sản phẩm, vừa giúp doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập thị trường mới. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc CFS là gì, ý nghĩa của CFS trong xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm xuất nhập khẩu thì hãy truy cập ngay trang việc làm của TopCV. Hàng ngàn cơ hội việc làm đến từ nhiều vị trí khác nhau đang chờ đón bạn.