Ngành kiến trúc là ngành vô cùng rộng mở, nhu cầu nhân lực tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Vì thế, để hiểu rõ hơn các vị trí công việc ngành này, hãy cùng TopCV tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Ngành kiến trúc là gì?
Ngành kiến trúc là lĩnh vực chuyên ngành kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật trong việc bố trí không gian, thiết lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc. Ngành này có trách nhiệm thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình.
Đây là một lĩnh vực liên quan đến sự an toàn của con người, đòi hỏi sự cam kết và kiên trì. Bởi vì, bạn sẽ phải dành một khoảng thời gian dài, ít nhất 5 năm học và 2 năm thực hành, để có thể thực hiện trơn tru trong nghề.
>>> Xem thêm: Ngành xây dựng là gì? Học ngành xây dựng ra làm gì?
Xu hướng tuyển dụng ngành kiến trúc năm 2024
Dự kiến tuyển dụng năm 2024 sẽ có sự giao thoa giữa các ngành nghề. Trong đó, ngành kiến trúc cũng là một ngành có sự phát triển mạnh mẽ nguyên nhân của vấn đề này là do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại,... ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, ngành kiến trúc cũng được cho là một trong những ngành nghề tiềm năng trong tương lai, với nhu cầu cao và tiềm năng phát triển trong nhiều năm tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội nghề nghiệp và sự hấp dẫn trong lĩnh vực này.
Ngành kiến trúc gồm những công việc gì?
Để trả lời câu hỏi ngành kiến trúc gồm những công việc gì, bạn có thể tham khảo một số công việc mà người học ngành kiến trúc có thể làm việc trong nội dung này.
Kỹ sư công trình
Kỹ sư công trình là công việc kiểm tra và theo dõi tiến độ hoàn thiện của dự án có đúng theo kế hoạch hay không. Công việc này cần phải sử dụng kỹ năng tính toán, khả năng sáng tạo, tư duy để khiến những bản thiết kế trên giấy tờ thành những tòa nhà, khu đô thị đạt yêu cầu của chủ thầu.
Trên thị trường tuyển dụng hiện nay, những công việc liên quan đến vị trí này mà bạn có thể tham khảo như: Kỹ sư công trình nhà máy, kỹ sư công trình thuỷ điện, kỹ sư công trình đô thị, kỹ sư công trình tòa nhà,....
>>> Xem thêm: Kỹ sư xây dựng là gì? Sự khác biệt giữa kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư

Cụ thể, công việc chính của kỹ sư công trình bao gồm:
- Phân tích và lập kế hoạch chi tiết để triển khai xây dựng căn cứ vào các bá cáo điều tra về địa hình
- Tính toán, kiểm soát khối lượng thi công của hạng mục trực tiếp giám sát.
- Dự đoán các rủi ro đồng thời đưa ra các phương án có thể xảy ra khi tiến hành xây dựng
- Thẩm định khu vực thi công, chất lượng của nguyên vật liệu xây dựng
- Phối hợp tốt với giám sát chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề nghiệm thu công tác thi công. Giám sát thực hiện thường xuyên liên tục việc dọn dẹp vệ sinh công trình, đảm bảo vật tư, thiết bị gọn gàng ngăn nắp.
- Làm việc trực tiếp với chủ đầu tư; để cập nhật tiến độ công việc và đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
- Dự toán chi phí về công trình, số lượng về nhân công, nguyên vật liệu cho chủ đầu tư.
>>> Xem thêm: Cập nhật mức lương kỹ sư xây dựng mới nhất 2023
Thiết kế kiến trúc công trình
Thiết kế kiến trúc công trình tập trung vào phần sáng tạo. Là người tạo ra các giải pháp thiết kế cho các công trình xây dựng. Kiến trúc sư chịu trách nhiệm lên ý tưởng, phác thảo và hoàn thiện bản vẽ thiết kế cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp,...đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng của công trình.

Khi làm thiết kế kiến trúc công trình, bạn sẽ có cơ hội thử sức với các việc sau:
- Lên ý tưởng: Sau khi có đầy đủ thông tin về dự án và nhu cầu của chủ thầu. Vị trí này sẽ phát triển ý tưởng thiết kế sáng tạo và phản ánh nhu cầu của khách hàng
- Thiết kế mô hình 3D: Khi ý tưởng phác thảo được phê duyệt. Người thiết kế sử dụng công nghệ mô hình 3D để tạo ra hình ảnh sinh động và minh họa ý tưởng thiết kế không gian
- Thực hiện bản vẽ chi tiết: Lập bản vẽ chi tiết cho công trình xây dựng, bao gồm cả các thông số kỹ thuật và vật liệu chi tiết cho công trình
- Tuân thủ, giám sát theo quy định: Đảm bảo rằng các bản thiết kế tuân thủ quy định về an toàn, bền vững và kiến trúc của dự án cũng như quy định kỹ thuật của nhà nước
Kiến trúc sư cảnh quan
Kiến trúc cảnh quan bao gồm yếu tố kiến trúc và kỹ thuật, tập trung nhiều vào xây dựng kết cấu, quy hoạch đô thị, công việc thành phố, cảnh quan cho khu dân cư. Công việc đòi hỏi bạn cần có sự hiểu biết vững về hệ thống cây cỏ và vật liệu xây dựng cảnh quan.
Bên cạnh đó, họ sẽ tham gia toàn bộ quy trình từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, giám sát và quản lý dự án, đến nghiên cứu và phát triển các giải pháp kiến trúc sáng tạo.
Cụ thể, công việc của kiến trúc sư cảnh quan bao gồm:
- Thiết kế cảnh quan: Lên kế hoạch và bản vẽ cho việc phát triển khu vườn và không gian xanh
- Quản lý dự án: Kiểm tra tiến độ triển khai dự án và duy trì cảnh quan theo thời gian
- Tư vấn ngoại thất: Hỗ trợ khách hàng trong việc chọn lựa ngoại thất phù hợp với thiết kế cảnh quan
- Bảo dưỡng cảnh quan: Đảm bảo duy trì và phát triển của các yếu tố cảnh quan như định kỳ cắt, tỉa, tưới, lau lá và tạo dáng cây, hay hệ thống tưới nước…

Thiết kế cảnh quan
Thiết kế cảnh quan sẽ liên quan đến tính nghệ thuật, sự léo léo, kết hợp với chuyên môn làm vườn. Họ sẽ chịu trách nhiệm tối ưu hóa không gian xanh trong các dự án khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại và công trình công cộng… Công việc này tạo ra các giải pháp thiết kế thẩm mỹ và hài hòa với môi trường, sáng tạo không gian xanh. Cụ thể, công việc thiết kế cảnh quan gồm:
- Thiết kế khu vườn và công viên: Lên kế ý tưởng, kế hoạch chi tiết cho việc phát triển không gian xanh
- Tái tạo môi trường , đề xuất các ý tưởng và giải pháp để tái tạo môi trường, không gian sống phù hợp nhu cầu của mọi người tại các khu đô thị, dân cư, thương mại.
- Triển khai dự án, đảm bảo thiết kế được thực hiện đúng theo kế hoạch và tiến độ.
- Làm việc với khách hàng về ý tưởng thiết kế.

Kiến trúc sư nội thất
Kiến trúc sư nội thất là công việc sáng tạo và trang trí các không gian nội thất công trình như: dự án chung cư, không gian nghỉ dưỡng tại khách sạn, khu du lịch,... Họ có trách nhiệm lên ý tưởng, tạo ra không gian ấn tượng, thoải mái, phù hợp với từng dự án. Công việc này đòi hỏi cả sự sáng tạo nghệ thuật và kiến thức chuyên sâu về vật liệu, màu sắc, thiết kế không gian,.. cụ thể:
- Lên concept và thiết kế bản vẽ chi tiết cho không gian sống làm việc, nghỉ dưỡng,...
- Tư vấn, chọn lựa vật liệu, màu sắc, nội thất phù hợp với phong cách và yêu cầu của khách hàng
- Giám sát thiết kế, thi công hoàn thiện thiện nội thất theo thiết kế
- Đóng góp những ý kiến, phát hiện những vấn đề trong quá trình thi công cho chủ đầu tư.

Thiết kế nội thất
Thiết kế nội thất là quá trình sáng tạo, thiết kế không gian bên trong của các công trình xây dựng. Khác với kiến trúc sư nội thất, công việc này bao gồm tạo ra các giải pháp thiết kế thẩm mỹ và chức năng cho không gian như lựa chọn màu sắc, vật liệu, đồ nội thất, bố trí không gian hài hòa, tiện nghi.... Công việc này cần có tính sáng tạo, khả năng khái quát, tưởng tượng tốt cũng như hiểu biết sâu rộng về vật liệu nội thất.
Khi trở thành nhà thiết kế nội thất, bạn sẽ phụ trách những công việc như sau:
- Lên ý tưởng và thiết kế: Xây dựng bản vẽ 2D, 3D, dựng mô hình chi tiết…
- Chọn lựa nội thất: Chọn lựa về màu sắc, vật liệu, đồ dùng nội thất,... để đảm bảo sự hài hòa trong thẩm mỹ và tiện nghi cho người dùng
- Giám sát thi công: Giám sát quá trình thi công và đảm bảo chất lượng của dự án, điều chỉnh thiết kế khi cần

Kỹ sư quy hoạch
Kỹ sư quy hoạch tham gia vào việc xây dựng, quy hoạch đô thị, bao gồm xác định vị trí cho các dự án xây dựng mới và đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Đây là những người trực tiếp chịu trách nhiệm lập kế hoạch, quản lý các dự án quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch môi trường và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Công việc của kỹ sư quy hoạch phải đảm nhận.
- Phối hợp với các phòng ban liên quan của đơn vị tư vấn để hình thành các thiết kế ý tưởng, dự toán các mức chi phí của dự án
- Đánh giá chất lượng, tiến độ của công trình đồng thời phối hợp với các nhà thầu có liên quan về tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công,...
- Lập hồ sơ và báo cáo tiến độ của công trình lên cấp cao, góp ý kiến để phát triển dự án.
Khi tốt nghiệp xong chuyên ngành này bạn có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp liên quan như: Công ty tư vấn kiến trúc, quy hoạch, xây dựng; cơ quan quản lý quy hoạch của nhà nước, các viện nghiên cứu về quy hoạch,...

Thiết kế quy hoạch đô thị
Thiết kế quy hoạch đô thị là quá trình lập kế hoạch và thiết kế các không gian đô thị như không gian công cộng, khu dân cư, khu vực thương mại và các cơ sở hạ tầng. Lĩnh vực này còn đóng góp vào việc xây dựng và đánh giá kế hoạch quy hoạch đô thị cấp đô thị và quốc gia. Ngoài ra, công tác quy hoạch đô thị cũng liên quan đến việc xác định các khu vực dành cho giao thông, công viên, khu vui chơi, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải,...
Thiết kế quy hoạch đô thị có những công việc cụ thể như:
- Thu thập và phân tích dữ liệu: Tiến hành nghiên cứu và thu thập thông tin về địa bàn, dân số, môi trường và các yếu tố khác ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị
- Lập kế hoạch quy hoạch: Phát triển kế hoạch tổng thể cho việc phân chia đất đai và xác định vị trí cho các khu vực chức năng khác nhau như khu dân cư, khu công nghiệp, công viên,...
- Tạo mô hình và bản đồ: Sử dụng công nghệ GIS và các phần mềm thiết kế để tạo mô hình 3D, bản đồ hỗ trợ quy hoạch
- Thiết kế chi tiết: Phát triển quy hoạch chi tiết cho từng khu vực về cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng
Khi tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế quy hoạch đô thị, bạn có thể tham gia vào các công việc tại: các doanh nghiệp bất động sản, công ty kiến trúc và xây dựng, các sở và ban ngành xây dựng của nhà nước

Giám sát công trình
Giám sát công trình phụ trách việc kiểm soát và theo dõi chất lượng, đảm bảo công trình xây dựng đạt chuẩn về thi công, an toàn lao động cũng như thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng chất lượng và đúng tiến độ.
Người đảm nhận vị trí giám sát công trình ngoài trình độ kỹ sư và chứng chỉ hành nghề theo quy định nhà nước, còn cần có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn tốt. Người giám sát công trình cũng chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các công việc xây dựng được thực hiện đúng theo kế hoạch, đúng chất lượng và đúng tiến độ.
Cụ thể, bạn có thể tham khảo một số công việc thực tế của người trực tiếp giám sát công trình trong nội dung dưới đây:
- Kiểm tra tiến độ: Theo dõi và kiểm tra tiến độ công trình so với kế hoạch đã đặt ra
- Kiểm soát chi phí: Giám sát, kiểm tra ngân sách xây dựng, bao gồm các chi phí liên quan đến vật liệu, nhân công và thiết bị…
- Kiểm tra chất lượng: Thực hiện kiểm tra chất lượng cho tất cả các giai đoạn của công trình, từ khi chuẩn bị đất đến lúc xây dựng kết cấu và hoàn thiện dự án
- Giao tiếp và điều phối: Liên lạc chặt chẽ với các nhà thầu, nhà thầu phụ và các bên liên quan khác
- Sau khi ra trường bạn có thể dễ dàng ứng tuyển vào các công việc như: Giám sát tiến độ thi công của công trình chính/phụ, thực hiện nghiệm thu công trình cùng các vị trí khác có liên quan,....
Chuyên gia tư vấn, cung cấp các giải pháp về kiến trúc
Chuyên gia tư vấn giải pháp về kiến trúc là những người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực để đưa ra những lời khuyên trong quá trình xây dựng. Những người này thường làm việc độc lập hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án xây dựng.

Chuyên gia tư vấn và cung cấp các giải pháp về kiến trúc thường tham gia vào việc tư vấn về quy hoạch đô thị, thiết kế không gian sống và làm việc, cũng như đề xuất các giải pháp thiết kế thẩm mỹ và chức năng cho các công trình xây dựng. Cụ thể, với chức danh này, bạn sẽ phụ trách các công việc như:
- Tư vấn giải pháp: Cung cấp giải pháp về lên thiết kế, ý tưởng xây dựng cho các dự án kiến trúc.
- Thi công giải pháp: Hỗ trợ khách hàng trong việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch và chọn lựa giải pháp thiết kế phù hợp
Tự khởi nghiệp với vai trò chủ đầu tư, thiết kế, thi công các công trình kiến trúc
Tự khởi nghiệp với vai trò chủ đầu tư, thiết kế và thi công các công trình kiến trúc là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng. Việc này đòi hỏi sự sáng tạo, am hiểu sâu sắc về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, khả năng quản lý dự án và tài chính…
Tùy vào vai trò cụ thể, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khía cạnh khác nhau của ngành, bao gồm tìm kiếm dự án công trình, lên ý tưởng thiết kế, quản lý thi công, giám sát chất lượng công trình… Cụ thể, khi tự khởi nghiệp, bạn sẽ cần thực hiện các nội dung sau:
- Dịch vụ tư vấn: Cung cấp các dịch vụ tư vấn kiến trúc và xây dựng từ khâu tư vấn đến thi công dự án
- Xây dựng danh tiếng và mối quan hệ: Tạo dựng danh tiếng trên thị trường, thiết lập mạng lưới khách hàng thông qua quảng cáo, tiếp thị và chất lượng dự án…
- Quản lý doanh nghiệp: Phân bổ nhân sự, xây dựng, đào tạo nhân viên, quản lý tài chính, quản lý Marketing,...

Giảng viên kiến trúc
Giảng viên kiến trúc là những người chịu trách nhiệm đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo chuyên về kiến trúc...Ngoài ra, họ thường tham gia vào các dự án nghiên cứu, thực thi và phát triển trong lĩnh vực kiến trúc. Điều này giúp họ có thể cập nhật những xu hướng mới nhất, chia sẻ kiến thức thực tế với cộng đồng học thuật và ngành công nghiệp kiến trúc. Tùy vào chuyên ngành, sở thích và hướng phát triển, những người này có thể giảng dạy các môn như thiết kế kiến trúc, lịch sử kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc…
Đây là những người có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực kiến trúc và có kinh nghiệm thực tế trong việc thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc. Cụ thể, các giảng viên kiến trúc thường thực hiện các công việc như sau:
- Giảng dạy các khóa học hoặc hướng dẫn về kiến trúc trong các trường đại học hoặc tổ chức đào tạo chuyên ngành
- Nghiên cứu khoa học, tiến hành thực nghiệm chuyên sâu hoặc tham gia vào các giai đoạn cụ thể của công trình thực tế
- Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cá nhân với thế hệ sinh viên và người học.
- Tùy vào chuyên ngành, sở thích và hướng phát triển, những người này có thể giảng dạy các môn như thiết kế kiến trúc, lịch sử kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc…

Công việc khác
Thực tế, ngoài các công việc như trên, người học ngành kiến trúc còn có thể làm các công việc như:
- Điện ảnh và thiết kế sảnh
- Kiến trúc nghệ thuật và triển lãm
- Kiến trúc bảo tàng và di tích lịch sử…
Mức lương ngành kiến trúc hiện nay bao nhiêu?
Hiện nay, mức lương trong ngành kiến trúc có thể phụ thuộc vào vị trí, chuyên môn, kinh nghiệm của người làm việc, quy mô công ty và dự án.... Theo Báo cáo Thị Trường tuyển dụng 2022 & Nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV thì sẽ có mức lương khác nhau. Cụ thể:
- Dưới 1 năm kinh nghiệm: 7.000.000 - 10.000.000 VNĐ
- Từ 1 đến 3 năm kinh nghiệm: 8.000.000 - 12.000.000 VNĐ
- Từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm: 16.000.000 - 22.500.000 VNĐ
- Trên 5 năm kinh nghiệm: 18.000.000 - 25.000.000 VNĐ
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương có tính tham khảo. Để tìm hiểu về mức lương ứng với các yêu cầu cụ thể, bạn có thể truy cập topcv.vn và tìm kiếm bằng các cụm từ liên quan như “kiến trúc sư”, “thiết kế nội thất”...
Trên đây là toàn bộ thông tin về ngành kiến trúc làm những công việc gì mà TopCV muốn chia sẻ cho bạn. Có thể thấy, ứng viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như thiết kế nội thất, kiến trúc sư công trình,... Để không bỏ lỡ các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn này, bạn có thể nhanh tay truy cập vào website topcv.vn - nền tảng tuyển dụng trực tuyến hàng đầu của TopCV.
Nguồn ảnh: Sưu tầm