Nhóm tính cách ISFP thường là những người sẽ cần nhiều hơn một công việc cố định như các nhóm còn lại. Những người thuộc nhóm này sẽ cần môi trường để họ có thể phát huy hết sự sáng tạo của mình, thể hiện những tài năng nghệ thuật và đưa trí tưởng tượng của họ lên tầm cao mới.
Vậy, nhóm tính cách ISFP là gì? Những công việc nào sẽ phù hợp với nhóm tính cách này? Hãy cùng TopCV theo dõi trong bài viết hôm nay.
Định nghĩa nhóm tính cách ISFP là gì?
ISFP là một trong 16 nhóm tính cách được phân chia theo trắc nghiệm tính cách MBTI, ISFP là từ viết viết tắt của 4 từ gồm:
- I - Introvert - Hướng nội: Những người ISFP tập trung vào những ý tưởng và trạng thái nội tâm. Họ hướng nội , thích những không gian ít người và yên tĩnh. Ngược lại họ sẽ cảm thấy yêu thích nếu được tương tác và trò chuyện cùng những người thân quen.
- S - Sensing - Thụ cảm: Các ISFP có xu hướng tiếp nhận thông tin bằng giác quan, tập trung cho hiện tại. Họ sẽ chú ý đến những chi tiết diễn ra ở thực tại vì chúng cung cấp cho ISFP thông tin bằng việc nghe, nhìn và cảm nhận.
- F - Feeling - Cảm giác: Nhóm tính cách ISFP có xu hướng đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên cảm giác. Vì vậy họ sẽ không quan tâm đến cái nhìn của những người xung quanh.
- P - Perception - Cảm nhận: Các ISFP là người thường thích cách sống ngẫu hứng, ít có kế hoạch và thích để mở những chọn lựa. Vì thế trước mọi vấn đề họ có thể đưa ra những quyết định tự phát mà ít có sự chuẩn bị một kế hoạch cụ thể và dài hạn.
Nhóm tính cách ISFP là mẫu người chu đáo, tử tế và tinh ý. Với những người mới gặp họ, ISFP trông lạnh lùng và hơi khép kín nhưng thực tế trong họ chứa đựng rất nhiều những cảm nhận sâu sắc. Những người nhóm tính cách ISFP đa phần chỉ chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình với những người thân quen. Họ rất chu đáo, ân cần và thường đóng vai trò hỗ trợ rất tốt và nhiệt tình cho bạn bè, những người thân xung quanh. Dù mang tính hướng nội nhưng ISFP không hoàn toàn xa lánh các hoạt động xã hội. Tuy nhiên sau khi tham gia những hoạt động đó, ISFP cần một khoảng thời gian để nạp lại năng lượng.
ISFP rất giỏi trong việc nhận biết cảm xúc của những người xung quanh mình và thấy được cái đẹp và cái tốt mà những người khác không để ý tới. Những người này thường giỏi lắng nghe nhạy cảm trước nhu cầu cảm xúc của người khác. Sự đa cảm đó khiến ISFP cảm thấy bị tổn thương khi một ai đó chỉ trích.
Tính cách ISFP thích giúp đỡ mọi người xung quanh một cách âm thầm nên họ thường không có nhu cầu muốn trở thành nhà lãnh đạo hay quản lý ai cả. Vì vậy họ đóng vai trò hỗ trợ người khác rất tốt nhưng đổi lại những đóng góp của họ đôi khi lại bị mọi người bỏ qua.
Hơn nữa, các ISFP còn là người có trực giác vô cùng tốt, nhạy bén và luôn mang đến những ý tưởng sáng tạo mới mẻ. Đặc biệt, nhóm tính cách ISFP thường có tài năng thiên bẩm về nghệ thuật, họ đam mê bay nhảy và là linh hồn của sự tự do. Bởi vậy mà người có tính cách ISFP còn được gọi là “Người nghệ sĩ”.
Trên thế giới hiện có khoảng 8% dân số mang tính cách ISFP. Đây là nhóm có tinh thần tự phát nhất trong số các loại tính cách hướng nội.
Nhóm tính cách ISFP nên lựa chọn nghề nghiệp nào?
Tính cách của nhóm ISFP trong công việc như thế nào?
Nhóm ISFP rất thích thử nghiệm và đưa ra những điều mới mẻ đây là lý do tại sao mà tính cách ISFP này thường được gọi là người khởi xướng. Vị trí của họ cần phải linh hoạt để họ có thể ứng biến bất cứ lúc nào. Ngoài ra tính cách của ISFP rất nghệ thuật, sáng tạo họ có thể tỏa sáng trong nghề nghiệp mà họ cảm thấy tự do chứ không phải bị gò bó trong trong một môi trường có cấu trúc quá chặt chẽ.
Thêm vào đó, tính cách ISFP thường có xu hướng cạnh tranh và vượt trội trong lĩnh vực họ cần sử dụng tốt năm giác quan như: nghệ thuật, âm nhạc, thể thao… Họ không thích một kế hoạch dài hạn và họ thích sống trong thời điểm hiện tại và đó là những gì quan trọng nhất họ mong muốn. Tất cả những điểm trên làm cho nhóm tính cách ISFP này có khả năng xuất sắc trong lĩnh vực: nghệ thuật (trong bất kỳ lĩnh vực như: hội họa, nhiếp ảnh gia, âm nhạc,...), nhà tâm lý học, các vận động viên, dịch giả hay giáo viên,...
ISFP phù hợp với nghề nghiệp nào?
Khi nói đến nghề nghiệp, các ISFP sẽ không thích những công việc thiên về quy định và nguyên tắc. Chưa kể, các công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, không có gì đổi mới cũng khiến người có tính cách ISFP cảm thấy nhàm chán và không phù hợp.
Những người thuộc nhóm tính cách ISFP thường cần một môi trường làm việc giúp họ có cơ hội để phát huy tính sáng tạo. Ngoài ra, với tài năng thiên bẩm về nghệ thuật, các ISFP cũng có xu hướng thể hiện tốt khi làm những công việc liên quan đến nghệ thuật và thẩm mỹ. Nếu bạn là một “Người nghệ sĩ”, đang phân vân về việc ISFP làm nghề gì tốt nhất thì sau đây TopCV sẽ đưa ra một vài gợi ý về nghề nghiệp phù hợp với nhóm tính cách ISFP.
Nhạc sĩ
Ẩn sâu trong con người hướng nội, các ISFP rất có “máu nghệ sĩ”. Họ có sự sáng tạo, thích khám phá và khao khát trở thành những người nghệ sĩ tài ba, cho nên “Người nghệ sĩ” có thể chọn nhạc sĩ là một nghề nghiệp để phát triển những ưu điểm này của bản thân. Đặc biệt, điểm mạnh về trí tưởng tượng phong phú cùng một tâm hồn bay bổng và dạt dào cảm xúc sẽ góp phần giúp nhóm tính cách ISFP phát triển tư duy âm nhạc độc đáo. Hơn nữa, vì tính cách rất nhạy cảm và có trực giác tốt nên khi trở thành nhạc sĩ, ISFP có khả năng tạo ra những bản nhạc phản ánh sâu sắc cảm xúc và trải nghiệm cá nhân.
Nếu bạn vẫn còn phân vân thì hãy nhìn vào những cái tên sau đây để củng cố niềm tin rằng ISFP có thể làm và thành công với công việc này. Họ là những nhân vật điển hình cho người thuộc nhóm tính cách ISFP đã rất thành công trong vai trò nhạc sĩ nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung.
- Jimi Hendrix: Nhạc sĩ người Mỹ danh tiếng nhất thế kỷ 20. Ngoài công việc sáng tác nhạc, ông còn được xem là một trong những nghệ sĩ guitar điện có ảnh hưởng nhất đến lịch sử âm nhạc đại chúng.
- Michael Jackson: Trong vai trò nhạc sĩ, Michael Jackson đã để lại nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó có We are the world - một ca khúc thành công về mặt thương mại, đứng đầu các bảng xếp hạng trên khắp thế giới và trở thành đĩa đơn Pop của Mỹ bán nhanh nhất trong lịch sử. Cho đến tận bây giờ We are the world dường như đã vượt khỏi khuôn khổ của một sản phẩm âm nhạc, trở thành biểu tượng đẹp đẽ về sự tương trợ và chia sẻ cùng nhau trong cơn hoạn nạn. Chưa hết, Michael Jackson còn được biết đến với danh xưng “ông hoàng nhạc Pop” và ghi danh vào sách kỷ lục Guinness là “Nhân vật giải trí thành công nhất mọi thời đại".
- Prince Rogers Nelson (Prince): Ông là huyền thoại âm nhạc nước Mỹ. Với tài năng xuất chúng, Prince được nhận xét là nhạc sĩ đã “định hình lại nền âm nhạc hiện đại thập niên 80”. Bên cạnh khả năng ca hát và sáng tác giỏi, Prince còn biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ như guitar, keyboards và trống. Prince Rogers Nelson được Tạp chí Rolling Stones xếp ở vị trí thứ 27 trong danh sách “100 nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Ngoài ra còn có thêm những cái tên là nhạc sĩ tài ba thuộc nhóm tính cách ISFP như:
- Wolfgang Amadeus Mozart, nhà soạn nhạc người Áo
- Paul McCartney, nhạc sĩ người Anh
- Kurt Cobain, nhạc sĩ người Mỹ
- Jim Morrison, nhạc sĩ người Mỹ
Ca sĩ
Không phải ngẫu nhiên mà TopCV gợi ý nghề nghiệp ca sĩ cho người thuộc nhóm tính cách ISFP. Điều này xuất phát từ những điểm mạnh về tính cách mang thiên hướng nghệ thuật mà các ISFP sở hữu. Dù ẩn giấu dưới vẻ ngoài trầm lặng, ít nói và dễ ngại ngùng nhưng thực tế ISFP rất có khả năng kết nối cũng như giúp người khác hàn gắn cảm xúc. Âm nhạc, đặc biệt là ca hát sẽ là phương tiện tuyệt vời để các ISFP chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của bản thân với những người xung quanh.
Hơn nữa, các ISFP có thể tạo ra một kết nối mạnh mẽ thông qua ca từ và âm nhạc, từ đó hòa hợp và gắn kết âm nhạc với khán giả. Nếu bạn là người hiểu rõ về các ISFP thì sẽ nhận ra sự ấm áp này trong chính trái tim của những “Người nghệ sĩ” khi xem họ biểu diễn trên sân khấu.
Đặc biệt, có một điểm mạnh mà ISFP có thể phát huy khi làm ca sĩ đó là sự phá cách và tinh thần tự do. Với đôi cánh bay bổng, những “Người nghệ sĩ” xem nhẹ các quy định và nguyên tắc, nghề ca hát sẽ là môi trường khiến cuộc sống của ISFP trở nên thi vị, giúp họ thể hiện bản thân, theo đuổi đam mê và khám phá nhiều ý tưởng âm nhạc mới lạ.
Trên thế giới đã có rất nhiều người nổi tiếng trong vai trò ca sĩ là ISFP, có thể kể tên như:
- Nam ca sĩ Bob Dylan
- Nam ca sĩ Paul McCartney
- Nam ca sĩ Michael Jackson
- Rihanna, Nữ ca sĩ
- Britney Spears, nữ ca sĩ người Mỹ
- Bjork, ca sĩ người Iceland
- Frank Ocean, ca sĩ và rapper người Mỹ
- Mick Jagger, ca sĩ người Anh
- Lady Gaga, ca sĩ người Mỹ
- Christina Aguilera, ca sĩ người Mỹ
- Joss Stone, ca sĩ người Anh
- Pharrell Williams, ca sĩ và rapper người Mỹ
Trong đó "công chúa nhạc Pop" Britney Spears được cho là người có ảnh hưởng đến sự hồi sinh của dòng nhạc Teen Pop trong giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Nếu bạn là một ISFP yêu thích âm nhạc và ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp thì hãy đừng ngần ngại theo đuổi niềm đam mê của mình. Bạn hãy tìm cách phát triển kỹ năng của bản thân và đừng bỏ qua sự luyện tập, bởi sự tập luyện chăm chỉ kết hợp cùng tài năng nghệ thuật thiên bẩm của ISFP sẽ giúp họ bứt phá để đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Họa sĩ
Họa sĩ là nghề nghiệp tiếp theo trong lĩnh vực nghệ thuật được đánh giá phù hợp với người có tính cách ISFP. Trở thành họa sĩ là cách giúp "Người nghệ sĩ" sử dụng sự sáng tạo và đam mê khám phá để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa ý tưởng mới, chạm tới trái tim của người xem.
Hơn nữa, một tâm hồn nghệ thuật nồng cháy và bay bổng cũng sẽ giúp các ISFP rất nhiều trong việc vận dụng trí tưởng tượng để thực hiện công việc vẽ tranh một cách uyển chuyển và khéo léo. Đặc biệt, với một nghề nghiệp đòi hỏi sự kết hợp của năm giác quan như họa sĩ thì các ISFP được đánh giá là có xu hướng thể hiện tốt.
Một số nhân vật tiêu biểu cho việc ISFP trở thành họa sĩ và đã thành công là:
- Frida Kahlo - nữ họa sĩ nổi tiếng người Mexico. Bà chính là người đã vẽ nhiều bức chân dung, chân dung tự họa và các tác phẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên, hiện vật của Mexico. Mặc dù không được đào tạo chuyên sâu về hội họa, nhưng với nỗ lực của bản thân cộng thêm sự trợ giúp của chồng là Diego Rivera (một họa sĩ Mexico nổi tiếng), Frida đã gây dựng được danh tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất định trong giới hội họa. Bà được mệnh danh là “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20.
- Pablo Picasso: Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha và là một trong những họa sĩ nổi bật nhất của thế kỷ 20. Ông đã cùng với Georges Braque sáng lập trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc. Ông cũng là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20, được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
- Paul Gauguin: Là họa sĩ người Pháp và là một trong 3 gương mặt quan trọng nhất của trào lưu hậu ấn tượng. Ông vẽ rất nhiều tác phẩm có giá trị, một trong số đó có bức tranh nổi tiếng là "Chúng ta từ đâu đến - Chúng ta là ai - Chúng ta đi về đâu", được vẽ trên khổ lớn 1,39 x 3,75 mét, vẽ năm 1897, mang tính triết lý, tượng trưng về cuộc sống và con người.
- Bob Ross: Là họa sĩ và nhân vật truyền hình người Mỹ. Ông học hội họa dưới sự chỉ bảo của Alexander và dần khẳng định được phong cách của mình. Ross nổi tiếng với mảng tranh sơn dầu phong cảnh. Ông cũng được biết đến với tư cách nhà sáng lập kiêm chủ xị chương trình truyền hình về hội họa The Joy of Painting, chiếu từ năm 1983 đến năm 1994 trên đài PBS của Mỹ.
Như vậy, nếu là một ISFP thì bạn đã có đủ các tính cách phù hợp với nghề họa sĩ. Để phát triển những điểm mạnh giúp con đường trở thành họa sĩ chuyên nghiệp rộng mở hơn, các ISFP hãy chú trọng trau dồi kỹ năng, kiến thức và nuôi dưỡng đam mê. Ngoài ra, "Người nghệ sĩ" khi làm họa sĩ cũng cần thích ứng với những góp ý, đánh giá của người xung quanh, từ đó tìm cách phát triển và hoàn thiện kỹ năng bản thân.
Nhà thiết kế
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhà thiết kế nằm trong danh sách nghề nghiệp mà chúng tôi gợi ý cho những người thuộc nhóm tính cách ISFP. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có nguyên do khi các ISFP rất giàu sự sáng tạo - một yếu tố được đánh giá rất cao trong công việc thiết kế.
Thiết kế là một công việc đòi hỏi người thực hiện phải sử dụng bộ não của mình để sáng tạo ra những ý tưởng mới mẻ, độc đáo nhằm bắt kịp xu thế và cạnh tranh được với các phong cách khác nhau. Vì thế người làm thiết kế rất cần có sự sáng tạo và gu thẩm mỹ. Những yêu cầu này các ISFP hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Nhờ sở hữu điểm mạnh về sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, ISFP sẽ thực hiện công việc thiết kế có hiệu quả. Họ sẽ được thỏa sức kết hợp các họa tiết, màu sắc để tạo ra sản phẩm thu hút mọi người. Hơn nữa, tính cách theo chủ nghĩa thực hành hơn lý thuyết của ISFP cũng khiến họ dễ bị cuốn vào công việc thiên về thực hành như thiết kế. Chưa kể, các ISFP thường có khuynh hướng đi sâu vào những vấn đề cần sự chi tiết, điều này đáp ứng đúng yêu cầu về sự tỉ mỉ từ màu sắc, vật liệu, ánh sáng, hình ảnh, v.vv.. mà công việc thiết kế hướng đến.
Đặc biệt, việc thích tập trung vào hiện tại nhưng không mơ hồ về tương lai của ISFP cũng là yếu tố giúp “Người nghệ sĩ” đưa ra được nhiều ý tưởng thiết kế phù hợp với cuộc sống nhưng vẫn theo sát các xu hướng được dự đoán trong tương lai.
Có thể nói, với đầu óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của một người nghệ sĩ, các ISFP sẽ tìm thấy sự thỏa mãn trong công việc của một nhà thiết kế. Nếu đầu tư thời gian để phát triển kỹ năng và chuyên môn, ISFP có thể trở thành những nhà thiết kế xuất sắc và được ngưỡng mộ.
>>> Khám phá ngay việc làm thiết kế để kết nối nhanh chóng với các nhà tuyển dụng uy tín.
Đầu bếp
Nói đến nghề nghiệp, điểm đặc trưng dễ dàng nhận thấy ở các ISFP là họ cần một nơi có thể giúp bản thân phát huy tính sáng tạo và thể hiện tài năng nghệ thuật. Đầu bếp là một công việc đáp ứng được những mong muốn này của “Người nghệ sĩ”.
Những ISFP khi được trao không gian là căn bếp rộng lớn sẽ thỏa sức sáng tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn và tinh chỉnh các công thức nấu ăn mới. Họ thích tự mình khám phá và xác nhận ý tưởng nên có thể nấu được những món ăn độc đáo, chạm đến trái tim của người thưởng thức.
Hơn nữa, tính cách thích thử nghiệm, luôn cố gắng tìm ra những điều mới cũng là ưu điểm giúp ISFP phát huy tốt kỹ năng và chuyên môn trong vai trò đầu bếp. Vị trí công việc này còn thúc đẩy các ISFP nâng cao sự linh hoạt, ứng biến với những yêu cầu khác nhau mà thực khách đưa ra. Họ thậm chí cũng phản ứng rất nhanh với các thay đổi diễn ra trong căn bếp do mình quản lý vì công việc có nhịp độ nhanh và đa dạng khiến các ISFP cảm thấy không nhàm chán.
Có thể nói, tất cả các tính cách của ISFP có xu hướng thể hiện tốt và vượt trội trong lĩnh vực cần sử dụng kết hợp cả năm giác quan như nghề đầu bếp. Nếu bạn là một ISFP yêu thích ẩm thực và đam mê chế biến món ăn thì đừng ngần ngại, hãy phát huy năng lực và theo đuổi sở thích của mình.
>>> Apply ngay việc làm đầu bếp với mức thu nhập hấp dẫn
Giáo viên
Có thể nói không một công việc nào cho phép ISFP truyền sự nhiệt tình và tình yêu của họ đối với công việc như nghề giáo viên. Nhờ tính cách biết quan tâm những người xung quanh cùng một trái tim ấm áp, khi trở thành giáo viên ISFP sẽ là người thầy, người cô thấu hiểu và biết lắng nghe để đáp ứng được nhu cầu của từng học sinh. Họ đồng thời cũng là người giúp học sinh cân bằng cảm xúc, từ đó giảm thiểu các xung đột cá nhân có thể xảy ra giữa các học sinh.
Khi làm việc trong môi trường giáo dục, tính cách linh hoạt và khả năng sáng tạo của ISFP sẽ hỗ trợ họ tạo ra những bài giảng hay và hoạt động giáo dục thú vị, kích thích sự hứng thú của người học. Hơn nữa, các ISFP cũng thể hiện xuất sắc vai trò một người giáo viên đầy tận tâm bằng việc chú trọng đầu tư thời gian, công sức vào công việc giảng dạy. Điều này giúp họ đưa ra lời giải đáp cặn kẽ cho một vấn đề mà học sinh đang cần sự giúp đỡ.
Đặc biệt, ISFP rất để ý đến những người xung quanh. Họ quan sát kỹ càng và thu thập thông tin từ những gì mình nhìn thấy hoặc cảm nhận về người khác, từ đó hiểu rõ con người của đối phương. Đây là một tính cách hỗ trợ ISFP rất nhiều trong hành trình thực hiện công việc “lái đò”, chở các chuyến đò tri thức cập bến thành công. Nếu bạn là một ISFP yêu thích làm việc với trẻ nhỏ thì có thể lựa chọn việc trở thành giáo viên tiểu học, mầm non, còn những người muốn tìm kiếm vị trí công việc cao hơn có thể cân nhắc trở thành giáo sư tại các trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, khi lựa chọn nghề giáo viên, người có tính cách ISFP cần xác định rằng, bản thân sẽ phải đối mặt với một vài thách thức như các quy định, quy tắc nghiêm ngặt trong hệ thống giáo dục. Ngoài ra, yêu cầu về việc tổ chức quản lý thời gian có hiệu quả cũng có thể trở thành yếu tố gây áp lực cho những người thuộc nhóm ISFP khi mà tính cách của họ thiên về tự do, bay bổng.
>>> Cập nhật ngay việc làm giáo viên trên TopCV bạn nhé!
Nhân viên hoạt động xã hội
Điểm mạnh về sự ấm áp và một trái tim đồng cảm, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác sẽ giúp các ISFP thành công với vai trò là một nhân viên hoạt động xã hội. Công việc hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng sẽ là nơi giúp ISFP phát huy sự nhạy bén và khả năng thấu hiểu tốt của họ. Bằng việc lắng nghe, làm nhiều hơn nói, ISFP sẽ nhanh chóng đưa ra sự hỗ trợ phù hợp khi những người xung quanh cần sự giúp đỡ.
Hơn nữa, các ISFP thích sử dụng khả năng linh hoạt và thích nghi cao của mình để sẵn sàng làm việc trong môi trường liên tục có sự thay đổi, do đó một sự nghiệp công tác xã hội sẽ là môi trường làm việc khiến họ rất hài lòng. Các ISFP sẽ sống hết mình cho hiện tại, giúp đỡ những người xung quanh mà không bao giờ tỏ ra nhàm chán. Không giống như công việc hành chính, nhân viên hoạt động xã hội không có lịch trình cố định để tuân thủ, vì vậy ISFP sẽ được tự do thực hiện công việc của mình và chứng kiến thành quả lao động do mình tạo ra.
Có rất nhiều người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ISFP ghi dấu ấn với vai trò là nhà hoạt động xã hội, đơn cử như Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ - Jacqueline Kennedy Onassis. Bà và chồng là Tổng thống Kennedy đã xuất hiện trong rất nhiều hoạt động xã hội, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Jacqueline Kennedy Onassis thể hiện cách tiếp cận thực tế và khía cạnh hành động của ISFP - những người muốn sống hết mình cho hiện tại, tận hưởng cuộc sống của chính mình chứ không phải theo một khuôn khổ nào.
Đến đây thì chắc bạn đọc đã biết ISFP làm nghề gì sẽ tốt rồi đúng không. Các nghề nghiệp trên đây không phải là danh sách tất cả công việc lý tưởng dành cho người có tính cách ISFP. Sẽ có rất nhiều công việc khác mà ISFP có thể làm, miễn sao họ vận dụng được điểm mạnh của bản thân để phát triển. Cách tốt nhất giúp bạn xác định đúng hướng đi trong sự nghiệp là phải hiểu chính mình và các đặc điểm tính cách có thể tác động đến lĩnh vực mà bản thân sẽ làm hay đang làm.
5 bí quyết “vàng” giúp các ISFP phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp
Sau đây TopCV sẽ gợi ý 5 bí quyết giúp những người thuộc nhóm tính cách ISFP phát triển bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp.
Học cách thấu hiểu và chấp nhận
Thấu hiểu và chấp nhận là hai yếu tố giúp bạn hoàn thiện chính mình trong công việc cũng như cuộc sống. Cho nên trong bất cứ tình huống nào, bạn cũng phải tự nhận thức và ý thức được việc cần thấu hiểu và chấp nhận. Thay vì lên án và phản đối những ý kiến mà người khác đưa ra, bạn hãy tập cho mình thói quen tìm hiểu. Mỗi người đều có quyền bày tỏ góc nhìn riêng của mình và bạn không có quyền phán xét quan điểm đó. Đứng trước các ý kiến trái chiều bạn nên bày tỏ sự thấu hiểu bằng cách tìm hiểu xem tại sao quan điểm đó lại được đưa ra, ý kiến đó lại được trình bày, liệu có lý do đặc biệt nào không? Khi bạn đã thấu hiểu thì cách chấp nhận cũng trở nên dễ dàng hơn, cho dù đó là một khuyết điểm.
Đừng đổ lỗi, hãy chịu trách nhiệm với bản thân
Một điểm yếu mà các ISFP thường gặp phải đó là sự cạnh tranh quá mức. Họ có thể biến những điều nhỏ nhặt thành một cuộc tranh đua khốc liệt. Vì quá quan trọng thắng thua cho nên các ISFP thường tồn tại sự đổ lỗi khi thua cuộc.
Trong công việc hay cuộc sống sự đổ lỗi sẽ không giúp ích gì cho bạn, ngược lại càng khiến bạn dễ lặp đi lặp lại các tình huống tương tự. Bởi vậy thay vì đổ lỗi, bạn nên chịu trách nhiệm với chính bản thân bằng cách đối mặt, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp. Điều này không chỉ giúp bạn hoàn thiện mình mà còn rút ra kinh nghiệm cho những lần sau.
Sẵn sàng đón nhận lời phê bình
Các ISFP có một điểm hạn chế là rất dễ bị lung lay bởi những luồng ý kiến xung quanh. Họ sẽ trở nên mơ hồ, không có định hướng hoặc thậm chí cáu gắt khi có quá nhiều người góp ý. Trong công việc, đây là điều không hề tốt đối với các ISFP.
“Nhân vô thập toàn, sự vô hoàn mỹ” và bạn cũng vậy. Mọi người sinh ra đều có khuyết điểm, việc bị phê bình hay chỉ trích là điều rất bình thường. Bạn không nên tỏ ra khó chịu và gay gắt trước những lời chỉ trích của người khác, thay vào đó hãy cố gắng xem chúng như lời khuyên chân thành nhất để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Đừng ngần ngại xin lời khuyên từ người khác
Các ISFP có tính cách cá nhân rất tuyệt vời nhưng sự hướng nội khiến họ trầm tính, ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là với những người có tầm nhìn. Bởi thế mà khi gặp phải một vài vấn đề phân vân, họ thường chần chừ trong việc xin lời khuyên từ người khác.
Mỗi ISFP cần hiểu rằng, bạn giỏi nhưng sẽ có người khác giỏi hơn. Nếu đã dành thời gian và công sức suy nghĩ nhưng vẫn không chắc chắn với sự lựa chọn của mình, bạn hãy xin lời khuyên từ người khác, đặc biệt là những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn. Họ sẽ cho bạn những góp ý chân thành và khách quan nhất giúp bạn dễ dàng đưa ra đáp án phù hợp.
Điều chỉnh cảm xúc và lắng nghe mọi thứ
Nhóm tính cách ISFP rất hướng nội, luôn sống ở hiện tại, do đó trước những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát, họ rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng. Thậm chí các ISFP đôi khi còn kìm nén cảm xúc thật của bản thân để cố gắng giữ hòa khí trong mọi mối quan hệ. Điều này nhiều khi khiến chính họ bị tổn thương hoặc có thể gây tổn thương cho những người xung quanh.
Trong cuộc sống cũng như công việc, ISFP hãy luôn nhớ, đừng để những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong tâm trí. Bạn nên giải tỏa cảm xúc bằng cách tâm sự với bạn bè, người thân hoặc thanh lọc tâm hồn bằng một chuyến đi chơi dù ngắn hay dài ngày. Những điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất sẽ giúp bạn điều chỉnh lại cảm xúc để cuộc sống luôn tươi mới và công việc không còn những đè nén, áp lực.
Ngoài ra, khi tiếp nhận các ý kiến trái ngược với quan điểm của bản thân, bạn đừng vội phủ nhận, thay vào đó hãy lắng nghe và đánh giá vấn đề một cách kỹ càng từ nhiều khía cạnh. Phương pháp này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan để đưa ra nhận định chính xác và công tâm nhất.
Trên đây là những thông tin chi tiết về nhóm tính cách ISFP và các ngành nghề phù hợp. Hy vọng qua bài viết này, TopCV đã giúp bạn giải đáp thắc mắc ISFP làm nghề gì tốt nhất, từ đó dễ dàng đưa ra định hướng phát triển nghề nghiệp để phát huy tối đa thế mạnh của bản thân và khắc phục những điểm hạn chế.
Ngoài việc thiết kế bài trắc nghiệm tính cách MBTI, TopCV còn cập nhật liên tục thông tin việc làm, bạn đừng quên truy cập TopCV.vn để tìm kiếm nhanh công việc phù hợp với năng lực của bản thân. Đặc biệt, bạn có thể tận dụng công cụ tạo mẫu CV của chúng tôi để chuẩn bị hồ sơ xin việc một cách chỉn chu, gia tăng khả năng trúng tuyển vào các doanh nghiệp ưu tú. Chúc các bạn thành công!.
Nguồn ảnh: Sưu tầm