Founder đóng vai trò thiết yếu trong khởi nghiệp, là chuyên gia xây dựng ý tưởng và kế hoạch kinh doanh. Trong bài viết này, TopCV sẽ giải thích rõ Founder là gì, vai trò và trách nhiệm công việc, cùng lộ trình phát triển sự nghiệp của Founder!
Founder là gì?
Founder là nhà sáng lập của doanh nghiệp, là người tạo ra ý tưởng, sử dụng kỹ năng và kiến thức của mình để xây dựng doanh nghiệp từ con số không. Founder chịu mọi rủi ro liên quan đến kinh doanh và thường sử dụng nguồn vốn cá nhân của mình để thành lập công ty.
Nhiều doanh nghiệp khởi đầu từ một cặp hoặc một nhóm các nhà sáng lập cùng nhau khởi xướng một ý tưởng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có một nhà sáng lập chính, bên cạnh là các nhà đồng sáng lập (Co-Founder).
Trách nhiệm của Founder là gì?
Những người sáng lập tham gia nhiều nhất vào giai đoạn khởi đầu của một công ty, bao gồm các trách nhiệm như:
- Xây dựng nguồn lực để thành lập và thực hiện một dự án kinh doanh.
- Chịu trách nhiệm về khoản tiền vốn cần thiết để bắt đầu kinh doanh.
- Tuyển dụng những nhóm nhân sự đầu tiên để cùng điều hành và vận hành tổ chức.
- Thiết lập các hoạt động đầu tiên trong tổ chức, bao gồm xác định thương hiệu, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ, đưa sản phẩm/dịch vụ ra thị trường, xây dựng hệ thống vận hành kinh doanh, v.vv..
- Đặt ra tầm nhìn phát triển và kế hoạch thực thi cho doanh nghiệp theo từng mốc thời gian.
Sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động một thời gian và bắt đầu có doanh thu, Founder sẽ tiếp tục đưa ra những ý tưởng, mục tiêu và kế hoạch mới để thúc đẩy sự phát triển cho tổ chức của mình.
Sự khác biệt giữa Founder và Co-Founder, CEO
Liên quan đến Founder có vị trí Co-Founder và CEO thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Thực tế, trách nhiệm của ba vị trí này là không giống nhau. Sau đây là sự khác biệt cơ bản giữa ba vị trí Founder, Co-Founder và CEO:
Founder | Co-Founder | CEO | |
Khái niệm | Là người sáng lập ra doanh nghiệp. | Là người đồng sáng lập, có cùng chung ý tưởng khởi nghiệp với Founder. | Là giám đốc điều hành doanh nghiệp. |
Trách nhiệm | - Chịu trách nhiệm chính thức cho mọi hoạt động trong doanh nghiệp và rủi ro có thể xảy ra. - Có thể là người điều hành doanh nghiệp (CEO). - Là người đưa ra mọi quyết định cuối cùng cho công ty. | - Không chính thức chịu trách nhiệm cho các hoạt động của doanh nghiệp. - Không có quyền đưa ra các quyết định quan trọng cho doanh nghiệp. | - CEO có thể được Founder thuê về để điều hành doanh nghiệp. - Khi không phải là Founder, CEO không có quyền đưa ra quyết định cuối cùng cho công ty. |
Nhiệm vụ hàng ngày | - Đưa ra ý tưởng, quyết định giúp gia tăng lợi nhuận, đảm bảo sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp. - Chỉ liên lạc với hội đồng quản trị khi có nhu cầu cụ thể hoặc khi cần tham gia vào việc cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo. - Đại diện kêu gọi vốn đầu tư và quản lý nguồn vốn cho doanh nghiệp. | - Chỉ hỗ trợ công việc, tham vấn cho Founder và cùng Founder điều phối doanh nghiệp. | - CEO làm việc và báo cáo cho Founder. - Quản lý mọi hoạt động trong tổ chức, làm việc với các phòng ban, đội nhóm vận hành doanh nghiệp. - Là người làm việc trực tiếp với các thành viên thuộc hội đồng quản trị và ban giám đốc Board of Management. |
Khám phá thêm những việc làm CEO chất lượng trên TopCV!
Những phẩm chất cần có ở một Founder
Một Founder tài ba luôn thể hiện những phẩm chất đặc trưng sau đây:
- Sự quyết đoán: Các Founder thành công rất biết cách nắm bắt cơ hội. Họ quyết đoán và có ý chí sắt đá, dám đưa ra những quyết định sáng suốt và cả mạo hiểm để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
- Sự tự tin: Founder giỏi là người tự tin trong cả những tình huống cam go nhất. Họ cần sự tự tin để điều hành doanh nghiệp thật vững vàng trong những giai đoạn khó khăn.
- Làm chủ được cảm xúc của mình: Những Founder thành công đều có khả năng tiết chế cảm xúc tuyệt vời. Ở họ luôn toát lên sự vững vàng và mạnh mẽ của người dẫn đầu.
- Có niềm đam mê mãnh liệt: Founder có niềm đam mê mãnh liệt với sự nghiệp của họ. Niềm đam mê sẽ trở thành động lực để họ không ngừng học hỏi, phát triển và góp nhặt đủ tiềm lực để thực thi những ý tưởng kinh doanh của mình.
- Khả năng quan sát tốt: Những nhà sáng lập tài ba có thể nhìn ra được những nhu cầu sâu thẳm của người tiêu dùng. Từ đó, họ phát kiến ra được những ý tưởng táo bạo cho hoạt động kinh doanh của mình.
- Khả năng xây dựng mối quan hệ: Mối quan hệ chính là tài sản vô giá với bất cứ nhà sáng lập nào. Họ là người thích giao lưu, học hỏi và vận dụng các mối quan hệ của mình để phát triển kinh doanh.
Founder thành lập doanh nghiệp như thế nào?
Không có một quy trình thành lập doanh nghiệp cụ thể nào, nhưng có một số phương pháp mà mọi doanh nhân và nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đều áp dụng như:
Lập kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh vạch ra các chức năng cơ bản của một công ty, bao gồm các dự đoán tài chính và chi tiết về mô hình bán hàng. Kế hoạch này cũng cung cấp thông tin về thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Để lập kế hoạch kinh doanh, Founder sẽ nghiên cứu các yếu tố:
- Thị trường
- Sản phẩm
- Mô hình kinh doanh
- Chiến lược tiếp thị
- Chiến lược bán hàng
- Kế hoạch tài chính
- Kế hoạch vận hành
Xác định thương hiệu và tầm nhìn
Các Founder sẽ đặt ra các câu hỏi như: Sản phẩm của tôi là gì, sản phẩm của tôi có thế mạnh gì, làm thế nào để sản phẩm của tôi có thể tác động đến đời sống của người tiêu dùng, tôi sẽ kể câu chuyện gì với người tiêu dùng về sản phẩm của tôi, v.vv..
Trả lời các câu hỏi đó, nhà sáng lập sẽ xác định được hình ảnh và câu chuyện của thương hiệu của mình. Founder sẽ hình dung về cách khách hàng nhìn nhận sản phẩm/dịch vụ của họ.
Đồng thời, nhà sáng lập cũng có thể tuyên bố sứ mệnh, nêu rõ mục đích và giá trị cốt lõi của công ty. Toàn bộ thương hiệu, tầm nhìn và sứ mệnh đó sẽ trở thành kim chỉ nam để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển.
Lên phương án cơ cấu tổ chức
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của Founder là xây dựng đội ngũ nhân sự cho công ty. Họ sẽ quyết định trách nhiệm và chức danh của các nhà lãnh đạo điều hành và các vị trí cần thiết khác để thành lập nên một tổ chức.
Một số Founder sẽ tự đảm nhận vai trò giám đốc điều hành cùng nhiều trách nhiệm khác. Một số nhà sáng lập khác lại thuê chuyên gia bên ngoài có kỹ năng lãnh đạo về để điều hành thay cho mình.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu các chức vụ trong công ty quan trọng nhất
Tìm nguồn vốn an toàn
Lập kế hoạch cho cấu trúc tài chính là một phần thiết yếu trong công cuộc khởi nghiệp của các Founder. Nhiều doanh nghiệp sử dụng doanh thu để trả nợ từ chi phí ban đầu. Nhiều nhà sáng lập khác lại chọn theo đuổi nhiều nguồn vốn khác nhau để khởi nghiệp, bao gồm:
- Vay ngân hàng
- Tìm nhà đầu tư và tài trợ
- Đầu tư mạo hiểm
- Trợ cấp
- Góp vốn cùng các cổ đông Shareholder để thành lập công ty
>>> Xem thêm: Shareholder là gì? Tìm hiểu 3 loại shareholder trong doanh nghiệp
Làm thế nào để trở thành một Founder?
Con đường sự nghiệp của một Founder chưa bao giờ dễ dàng. Để trở thành “đầu tàu” của một tổ chức và trên hết là dẫn dắt doanh nghiệp đến với thành công, ở bạn cần gia tăng trải nghiệm và giao thiệp rộng rãi.
Vậy, làm sao để trở thành một Founder trong tương lai? Bạn có thể bắt đầu bằng những công việc như sau:
Làm việc tại các công ty khởi nghiệp
Muốn khởi nghiệp thì điều cơ bản là bạn cần biết cách để khởi nghiệp. Hãy học cách khởi nghiệp bằng cách làm việc tại các công ty Startup, đặc biệt là các công ty đang trong giai đoạn đầu thành lập.
Tại các công ty khởi nghiệp đó, bạn có thể học hỏi được những bậc “tiền bối” của mình, trải nghiệm những cơ hội và thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để bạn đảm nhận nhiều vai trò cốt lõi trong vận hành doanh nghiệp.
Học hỏi từ các nhà cố vấn
Bạn hãy tìm gặp những nhà cố vấn có chuyên môn cao như Founder của các công ty, các chuyên gia khởi nghiệp, các doanh nhân, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, v.vv.. Họ có thể cho bạn lời khuyên hữu ích và các bài học trong lĩnh vực kinh doanh mà bạn hướng đến.
Hãy cho các nhà cố vấn thấy được tinh thần cầu tiến, sự nỗ lực, quyết tâm và tư duy nhanh nhạy của bạn. Đó là cách để học hỏi nhanh nhất trước khi chính thức trở thành một Founder thành công.
Tham gia các lớp học dành cho doanh nhân
Các lớp học dành cho doanh nhân không chỉ mang đến cho bạn những kiến thức hay khi khởi nghiệp, mà còn tạo cho bạn cơ hội gặp gỡ những người cùng chí hướng, những đối tác tương lai có thể giúp ích cho việc vận hành và phát triển công ty sau này.
Tham gia các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp
Các sự kiện khởi nghiệp cũng là nơi để bạn gặp gỡ, giao lưu với thật nhiều người cùng mục tiêu khởi nghiệp với mình. Bạn có thể tìm kiếm các đối tác, khách hàng, cơ hội kinh doanh tại các sự kiện đó. Vì thế, đừng quên để lại thông tin liên hệ, cũng như thu thập càng nhiều mối liên hệ càng tốt.
Cập nhật tin tức thường xuyên
Những xu hướng mới nhất trên thị trường có thể là ý tưởng kinh doanh tuyệt vời dành cho bạn. Đồng thời, các bản tin về tài chính, kinh tế cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc xây dựng và huy động nguồn vốn cho việc khởi nghiệp sau này. Vì thế, hãy luôn cập nhật tin tức thường xuyên trên mọi kênh truyền thông như ti vi, báo đài, mạng xã hội, v.vv..
Một số câu hỏi liên quan đến Founder
Ngoài những kiến thức cơ bản về Founder nêu trên, chắc hẳn bạn còn có nhiều thắc mắc xung quanh vị trí này. Dưới đây là giải đáp một số câu hỏi thường gặp về Founder:
Startup nên có bao nhiêu nhà sáng lập?
Số lượng nhà sáng lập lý tưởng là 2-3 người, đôi khi là 4 người. Làm một Founder đơn độc có thể khó khăn vì bạn khó có thể đảm đương mọi trách nhiệm khi chưa sở hữu tất cả các kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết. Hơn 3 Founder có thể dễ gây ra bất đồng và khó hợp tác với nhau lâu dài.
Làm thế nào để Founder tìm được Co-Founder?
Bằng cách mở rộng mối quan hệ của mình, bạn có thể tìm được những Co-Founder chân chính. Họ nên là người có cùng quan điểm, chí hướng với bạn để có thể đồng hành phát triển dự án khởi nghiệp cùng bạn.
Làm thế nào để Founder bảo vệ công việc kinh doanh của mình khỏi những xung đột với Co-Founder?
Có 2 điều mà nhà sáng lập có thể làm để giảm thiểu xung đột trong điều hành startup:
- Xây dựng thỏa thuận bằng văn bản với các Co-Founder ngay từ đầu, chỉ rõ trách nhiệm của từng người trong cấu trúc và hoạt động của công ty.
- Nhà sáng lập phải sở hữu tất cả sản phẩm, công việc tạo ra bởi các đồng sáng lập và các nhà quản lý điều hành.
Qua bài viết trên đây, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ Founder là gì, trách nhiệm, công việc của Founder và cách để phát triển thành một nhà sáng lập trong tương lai. Để trau dồi cho mình những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức quan trọng cho khởi nghiệp, bạn hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất tại các Startup trên toàn quốc. Hãy truy cập vào chuyên trang tuyển dụng TopCV và tham khảo những việc làm uy tín để được “Tiếp lợi thế, nối thành công” trên con đường sự nghiệp của mình!