Một trong những lý thuyết lãnh đạo sớm nhất cho rằng vài người sinh ra đã có những phẩm chất bẩm sinh để trở thành nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 30% khả năng lãnh đạo là bẩm sinh, 70% còn lại phát triển thông qua đào tạo. Vì thế, dù không có phẩm chất lãnh đạo bẩm sinh, bạn vẫn có thể trở thành nhà quản lý giỏi nếu nỗ lực phát triển các kỹ năng của nhà quản trị đúng đắn. Bài viết dưới đây, TOPCV sẽ chia sẻ cho bạn đọc 12 kỹ năng của nhà quản lý cùng với một vài mẹo nâng cao các kỹ năng đó!
12 kỹ năng nhà quản lý giỏi năm 2023 cần có
Sở hữu những nhà quản lý tài giỏi là điều vô cùng cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Bởi các công ty có đội ngũ quản lý chất lượng sẽ có xu hướng duy trì hoạt động kinh doanh lâu hơn. Đồng thời, người quản lý cũng là tác nhân ảnh hưởng đến mức độ gắn bó của nhân viên công ty. Vậy một nhà quản lý giỏi cần có những kỹ năng nào?
Tự tin trong phong thái đường lối
Mở đầu danh sách các kỹ năng của nhà quản lý cần có chính là khả năng thể hiện sự tự tin ngay cả khi rơi vào tình huống căng thẳng hoặc thiếu chắc chắn. Nhiều người nhầm tưởng rằng đây là tự cao nhưng thực tế, nhà quản lý luôn tự tin trong mọi hoàn cảnh là cách tạo cảm giác an toàn và niềm tin cho cấp dưới, không làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Nếu nhân viên cảm nhận được sự thiếu tự tin từ người quản lý của mình thì họ sẽ nghi ngờ độ thành công của dự án, miễn cưỡng đi theo lãnh đạo hoặc từ bỏ để tìm cơ hội mới.
>>> Có thể bạn quan tâm: Leader là gì? Tố chất của một Leader xuất sắc
Biết cảm thông và sẻ chia khi dẫn dắt
Biết cảm thông, chia sẻ là những phẩm chất quan trọng cần có của một nhà lãnh đạo giỏi và tâm lý. Trong quá trình dẫn dắt, nhà lãnh đạo nên đặt mình vào vị trí của cấp, nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ. Việc này giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về các thành viên trong nhóm và giao tiếp hiệu quả hơn.
Không những thế, khi thấu hiểu nhân viên, mối quan hệ cấp trên- cấp dưới cũng bền chặt hơn, giúp tăng động lực và năng suất làm việc. Theo nghiên cứu của Catalyst trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19, 61% nhân viên nhận được sự đồng cảm của quản lý có mức độ sáng tạo cao hơn so với những người không/ít được lãnh đạo cảm thông.
Kỹ năng lắng nghe
Để cảm thông và chia sẻ, nhà quản lý phải kiên nhẫn, lắng nghe tâm tư của nhân viên. Nhà quản lý có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt với các thành viên trong nhóm của họ bằng cách:
- Tích cực trao đổi, tương tác với cấp dưới.
- Lắng nghe những chia sẻ của cấp dưới.
- Trả lời theo cách hỗ trợ nhân viên.
Kỹ năng lắng nghe của nhà quản lý không chỉ giúp duy trì môi trường làm việc tích cực, tạo niềm tin với cấp dưới mà còn giúp cải thiện hiệu suất làm việc và khả năng sáng tạo của nhân viên.
>>> Xem thêm: Kỹ năng lắng nghe là gì? Nguyên tắc để có được kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Quyết đoán và đưa ra quyết định hiệu quả
Xã hội thay đổi từng ngày đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn xa trông rộng để đưa ra chiến lược, mục tiêu phát triển rõ ràng cho doanh nghiệp. Đồng thời, nhìn nhận những thuận lợi và khó khăn có thể gặp phải để đưa ra kế hoạch dự kiến.
Bên cạnh đó, dù đang đối mặt với thử thách bất ngờ hay cần phản ứng với những thay đổi trong nhóm hoặc ngành của mình, nhà quản lý vẫn phải quyết đoán để đưa ra những quyết định sáng suốt, hiệu quả nhất. Vì thế, không ngoa khi nói khả năng quyết đoán và tầm nhìn xa trông rộng của nhà quản lý ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của doanh nghiệp
Đáng tin và rõ ràng trong công việc
Là một nhà quản lý, nhân viên của bạn sẽ quan sát và hình thành ý kiến về sự nhất quán giữa điều bạn nói và làm. Hành động hàng ngày của nhà quản lý tác động mạnh mẽ đến ý nghĩ và niềm tin của những người xung quanh.
Nếu hành động của nhà quản lý không nhất quán với lời nói thì nhanh chóng khiến cấp dưới ngờ vực, không còn tin tưởng ở những lần sau. Niềm tin mất dần, nhân viên trở nên nghi ngờ khả năng đưa ra quyết định sáng suốt hoặc cung cấp sự hỗ trợ của cấp trên. Chính vì vậy, việc nhất quán hành động để tạo niềm tin với nhân viên của nhà quản lý vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến mức độ gắn bó của cấp dưới.
Sáng suốt và biết chịu trách nhiệm
Với tư cách nhà quản lý, bạn có quyền sở hữu các quyết định của mình và chịu trách nhiệm với chúng. Dù mọi thứ diễn ra tốt đẹp hay tồi tệ, việc chịu trách nhiệm về quyết định của mình cho thấy bạn tự tin vào lựa chọn của bản thân.
Hơn nữa, trách nhiệm còn quyết định đến việc xây dựng lòng tin với cấp dưới. Khi nhân viên biết người quản lý chịu trách nhiệm về các quyết định đưa ra, họ sẽ tin tưởng rằng các quyết định được đưa ra vì lợi ích chung của công ty. Điều này này tạo ra môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy cảm giác tự tin và an toàn giữa các thành viên trong nhóm.
Công bằng, phân minh
Không thể phủ nhận, nhiều nhà quản lý có sự yêu thích cá nhân trong nhóm của họ. Mặc dù việc hình thành mối quan hệ thân thiết hơn với một số nhân viên là điều tự nhiên nhưng hãy nhớ tất cả mọi người đều xứng đáng được yêu quý và được đối xử công bằng.
Vì thế, nhà quản lý phải làm gương cho những thành viên bằng cách thể hiện sự tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi người trong nhóm. Nếu chỉ thân thiết với một vài thành viên thì nguy cơ nhà quản lý bị những người còn lại xa lánh rất cao. Điều này chính là tác nhân gây ra xung đột và căng thẳng trong nhóm, thậm chí làm mất đi một số nhân sự tiềm năng, ảnh hưởng hiệu quả công việc.
Biết cách dùng người và điều phối người
Một số nhà quản lý cho rằng họ có năng lực và giỏi hơn các thành viên trong nhóm nên bỏ qua quyền hạn ủy quyền. Tuy nhiên, một người quản lý giỏi có thể ủy thác các nhiệm vụ và dự án cho các thành viên trong nhóm của họ. Việc ủy quyền cho phép người lao động phát triển kỹ năng, trách nhiệm và ý thức sở hữu của họ đối với công việc.
Để giao việc đúng người, nhà quản lý cần đánh giá cẩn thận điểm mạnh và điểm yếu của từng thành viên trong nhóm để phân chia dự án đúng người. Vì thế, kỹ năng của nhà quản lý trong việc sử dụng và điều phối nhân sự vô cùng quan trọng, quyết định đến mức độ thành công của dự án.
Biết đề ra mục tiêu
Việc đặt ra hệ thống mục tiêu của doanh nghiệp rõ ràng, thực tế và có thể đo lường được giúp nhà quản lý lên chiến lược và đưa ra quyết định chính xác hơn. Thông thường, các mục tiêu sẽ được xây dựng theo nguyên tắc SMART, tạo động lực cho mọi người phấn đấu, nâng cao hiệu suất công việc.
Bên cạnh đó, một người quản lý giỏi không chỉ đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp và cá nhân mà còn dành thời gian đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn rõ ràng với các cấp dưới. Sau đó, quản lý sẽ trao đổi với các nhân viên của mình, xác định các bước cần thực hiện để đạt được những mục tiêu đã đạt ra. Đồng thời, nhà quản lý luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ và đưa ra lời khuyên cho cấp dưới trong quá trình hoàn thành mục tiêu.
Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Nhắc đến các kỹ năng của nhà quản lý thì không thể bỏ qua kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Bởi trong quá trình làm việc, dù nhân sự thân thiết đến mấy chắc chắn sẽ có lúc xảy ra phát sinh. Là người quản lý giỏi, bạn phải tìm cách giải quyết xung đột một cách kịp thời, hiệu quả và vừa lòng đôi bên. Theo đó, nhà quản lý phải lắng nghe cả 2 mặt của vấn đề, không nghe từ một phía để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ đằng sau. Từ đó, dùng kỹ năng giải quyết vấn đề cùng kinh nghiệm của bản thân tìm ra giải pháp phù hợp.
Kỹ năng động viên
Thông thường, các nhà quản lý không dành thời gian để khen ngợi những thành tích tốt của các thành viên trong nhóm của họ. Đây là một điều hết sức bình thường nhưng lại tác động sâu sắc đến tâm lý nhân viên.
Nhân sự cố gắng hết mình hoàn thành dự án và đạt kết quả xuất sắc nhưng không nhận được bất kỳ lời động viên, khích lệ từ nhà quản lý sẽ thấy nỗ lực của bản thân không được công nhận. Những lần dự án tiếp theo, thay vì dành hết tâm huyết, họ sẽ chỉ hoàn thành công việc cho hết trách nhiệm. Như vậy, sự công nhận của nhà quản lý dành cho nhân viên tác động sâu sắc đến tinh thần làm việc và hiệu suất công việc chung.
Khả năng thích ứng linh hoạt
Khả năng thích ứng linh hoạt chắc chắn là một trong những kỹ năng của nhà quản lý cần có, nhất là khi môi trường kinh doanh thay đổi và cạnh tranh khốc liệt. Người quản lý phải thích ứng nhanh với những biến động, ngay cả khi nằm ngoài vùng an toàn của bản thân. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu sự cố, nâng cao lợi thế cạnh tranh và không bị lạc hậu ở mọi hoàn cảnh.
Mẹo nâng cao các kỹ năng của nhà quản lý
Như đã đề cập ở trên, các kỹ năng của nhà quản lý không hoàn toàn là bẩm sinh mà có thể rèn luyện, thay đổi theo từng ngày tùy vào sự nỗ lực của mỗi người. Sau đây là một vài mẹo nâng cao các kỹ năng quan trọng dành cho nhà quản lý, bạn đọc có thể tham khảo để áp dụng:
- Hiểu rõ cấp dưới: Dành thời gian để tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên để phân công công việc, đưa ra những định hướng cải thiện kỹ năng và xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp.
- Tạo môi trường làm việc thân thiện: Khuyến khích giao tiếp cởi mở giữa các thành viên tạo sự gắn kết giúp tăng khả năng hợp tác và tạo động lực làm việc để nâng cao hiệu suất công việc.
- Đặt mục tiêu rõ ràng: Nhà quản lý sẽ lên kế hoạch công việc chi tiết, phân bổ thời gian và nhân sự phù hợp hơn nếu có mục tiêu cụ thể.
- Tạo các cuộc họp duy trì mối quan hệ: Họp định kỳ không chỉ giúp nhà quản lý nắm được tiến độ công việc, nâng cao khả năng giám sát mà còn tạo điều kiện cho nhân viên đóng góp ý kiến của mình.
- Biết nhận sai và đưa ra giải pháp: Dù là quản lý, bạn cũng không tránh khỏi mắc sai lầm khi thực hiện công việc. Thay vì đổ lỗi, hãy nhìn nhận, rút kinh nghiệm và đưa ra định hướng giải pháp.
Làm cách nào để chiêu mộ người quản lý tài giỏi?
Làm cách nào để chiêu mộ những nhà quản lý tài giỏi cho doanh nghiệp? Đây là thắc mắc của rất nhiều nhà tuyển dụng. Để đạt được điều này, đầu tiên phải nhận ra những phẩm chất của một nhà lãnh đạo giỏi. Sau đó, tập trung vào việc tìm kiếm những ứng viên hội tụ đầy đủ những phẩm chất đó và có thể dẫn dắt nhóm hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn điều hướng quy trình tuyển dụng và tìm được những người quản lý chất lượng cao sẽ đưa nhóm của bạn lên một tầm cao mới:
- Xây dựng một bản mô tả công việc chi tiết, phác thảo các kỹ năng và phẩm chất cần có của nhà quản lý mà bạn đang tìm kiếm.
- Tìm những ứng viên từng đảm nhiệm vị trí tương đương trước đó.
- Tích cực tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm quản lý nhóm hoặc dự án, vì điều này sẽ cho bạn nhìn nhận được cách họ thực hiện công việc và khả xử lý xung đột.
- Chú ý đến cách các ứng viên tương tác với những người khác trong quá trình phỏng vấn và tìm kiếm các dấu hiệu của sự đồng cảm, hợp tác và tiềm năng lãnh đạo.
- Đánh giá tính cách để giúp nhà tuyển dụng xác định các ứng viên sở hữu các kỹ năng và phẩm chất phù hợp với doanh nghiệp hay không.
Qua bài chia sẻ trên, TOPCV hi vọng mang lại thông tin hữu ích giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về kỹ năng của nhà quản lý. Từ đó đưa ra định hướng cải thiện phù hợp để trở thành nhà quản lý giỏi. Bên cạnh các kỹ năng quan trọng kể trên, nhà quản lý nên trang bị thêm cho bản thân một vài kỹ năng mềm hữu ích khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ,... để hoàn thiện bản thân hơn.
Nếu bạn đang có nhu cầu ứng tuyển vị trí quản lý, đừng quên TopCV hiện đang có hàng trăm vị trí quản lý "chưa có chủ" tại đa dạng các lĩnh vực. Truy cập ngay topcv.vn để ứng tuyển, cũng như tải mẫu CV chuẩn nhất hiện nay.