Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng mềm không thể thiếu trong môi trường học tập và làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng thuyết trình trước đám đông. Thậm chí nhiều người còn xem thuyết trình là “nỗi ám ảnh” và luôn tìm cách né tránh. Nếu đây chính là vấn đề bạn đang gặp phải thì hãy dành ít phút đọc ngay bài viết dưới đây của TopCV. Bài viết sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ và trở thành một người thuyết trình tự tin.
Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng truyền đạt thông tin, ý kiến hoặc ý tưởng đến người nghe một cách hiệu quả và thuyết phục. Thuyết trình thường được thực hiện thông qua việc sử dụng lời nói, hình ảnh, âm thanh hoặc video.
Tuy nhiên, thuyết trình không đơn thuần là việc cung cấp thông tin, mà thuyết trình phải có mục tiêu rõ ràng, nội dung được trình bày một cách logic, cuốn hút. Để làm được điều này, kỹ năng thuyết trình phải được kết hợp từ những yếu tố sau:
Hiểu về chủ đề thuyết trình: Bạn cần phải nắm vững kiến thức về chủ đề sẽ thuyết trình cũng như các khía cạnh có liên quan. Chỉ khi thật sự hiểu sâu về chủ đề, bạn mới có thể tự tin trả lời câu hỏi của người nghe hoặc giải quyết tình huống trong buổi thuyết trình.
- Lập kế hoạch: Khi thuyết trình, bạn cần tổ chức, sắp xếp thông tin một cách logic, giúp người nghe dễ dàng hiểu được nội dung bạn muốn truyền đạt.
- Lời nói: Kỹ năng giao tiếp và diễn đạt rất quan trọng trong thuyết trình. Bạn cần phải nói lên ý tưởng của mình một cách rõ ràng, tự tin và thuyết phục.
- Tương tác với khán giả: Một buổi thuyết trình thành công phải có sự tương tác giữa người thuyết trình và người nghe. Chính vì thế, bạn hãy tạo cơ hội cho khán giả tham gia bằng cách đặt câu hỏi, khuyến khích thảo luận hoặc mời ý kiến phản hồi.
Kỹ năng thuyết trình được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, từ giảng dạy đến công việc, trình bày dự án hoặc các sự kiện xã hội. Việc phát triển và cải thiện kỹ năng thuyết trình sẽ giúp bạn truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả và tự tin hơn.
>>> Xem thêm: Kỹ năng là gì? Combo các kỹ năng giúp bạn thành công đột phá
Bạn nhận được gì nếu có kỹ năng thuyết trình tốt?
Kỹ năng thuyết trình không chỉ là kỹ năng giao tiếp mà còn là một công cụ giúp bạn thành công. Khả năng thuyết trình tốt có thể mang lại nhiều lợi ích và cơ hội trong cuộc sống cũng như công nghiệp.
Cơ hội việc làm tốt
Trong môi trường công việc, kỹ năng thuyết trình là một công cụ quan trọng giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và đồng nghiệp. Một ứng viên có khả năng thuyết trình tốt được xem là có khả năng giao tiếp tốt và có khả năng trình bày thông tin một cách hiệu quả. Điều này có thể tạo lợi thế lớn khi bạn xin việc.
Ngoài ra, khả năng thuyết trình cũng giúp bạn xây dựng mối quan hệ trong ngành. Khi bạn tham gia vào các sự kiện, hội thảo hoặc gặp gỡ xã hội, nơi bạn có cơ hội thuyết trình có thể giúp bạn kết nối với những người cùng lĩnh vực và mở ra cơ hội việc làm mới.
Xây dựng hình ảnh cá nhân
Trong mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc, kỹ năng thuyết trình có thể giúp bạn tỏa sáng và nổi bật. Khi bạn đứng trước đám đông và thể hiện sự tự tin trong buổi thuyết trình, điều này làm cho bạn trở nên thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ với người khác.
Ngoài ra, bạn có cơ hội thể hiện bản thân và phong cách riêng khi thuyết trình. Bạn có thể sử dụng giọng điệu và phong cách trình bày cá nhân để tạo dấu ấn riêng, làm cho buổi thuyết trình trở nên độc đáo và đầy cá tính.
>>> Xem thêm: 8 bước lập kế hoạch đơn giản để làm việc một cách hiệu quả
Mở rộng mối quan hệ
Kỹ năng thuyết trình giúp mở rộng mối quan hệ vì kỹ năng này có ảnh hưởng tích cực đối với cách bạn tương tác và kết nối với người khác. Một buổi thuyết trình xuất sắc có thể để lại ấn tượng mạnh mẽ với người nghe. Nhờ đó, những người tham gia buổi thuyết trình luôn nhớ đến bạn. Điều này chính là điểm khởi đầu tích cực cho việc xây dựng mối quan hệ.
Bên cạnh đó, khi bạn thuyết trình về một chủ đề cụ thể, bạn có thể thể hiện kiến thức và kỹ năng của mình trong lĩnh vực đó. Điều này làm cho bạn trở thành nguồn tài nguyên hữu ích với người khác và họ sẽ muốn kết nối với bạn để học hỏi hoặc hợp tác trong tương lai.
Làm sao để buổi thuyết trình diễn ra tốt hơn?
Thuyết trình là một kỹ năng và kỹ năng này có thể cải thiện theo thời gian. Chính vì vậy, bạn cần tự tin và không ngừng luyện tập để trở nên thành thạo hơn trong việc diễn thuyết trước đám đông.
Rèn luyện sự tự tin
Khi bạn tự tin, thậm chí nếu kỹ năng thuyết trình của bạn không hoàn hảo, bạn vẫn có khả năng tạo ra buổi thuyết trình hiệu quả. Sự tự tin giúp bạn thích ứng với mọi tình huống, xử lý các khó khăn và kết nối với thính giả tốt hơn.
Để rèn luyện sự tự tin, bạn hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân. Bạn đừng nghĩ rằng kỹ năng thuyết trình của bạn không tốt. Thay vào đó, bạn hãy tự “thôi miên” bản thân rằng bạn là một người thuyết trình tốt, bạn có thể thuyết phục người nghe. Điều này sẽ giúp tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn và có nhiều năng lượng hơn.
Chuẩn bị tài liệu và nội dung thuyết trình thật kỹ
Nghiên cứu tài liệu và nội dung là điều kiện cần để buổi thuyết trình diễn ra thành công. Bạn cần phải nắm vững kiến thức về chủ đề sẽ thuyết trình, xây dựng kịch bản phù hợp. Chỉ khi bạn hiểu rõ những gì bạn sẽ nói và trình tự nói như thế nào thì bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều.
Bên cạnh nội dung thì bạn cũng cần chú trọng đến các yếu tố như slide, âm thanh, thiết bị trình chiếu, v.vv.. Mặc dù chỉ là những yếu tố phụ nhưng đừng để chúng phá hỏng buổi thuyết trình của bạn.
Tìm hiểu về thính giả
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trước buổi thuyết trình, bạn hãy tìm hiểu người nghe của bạn là ai, họ đang quan tâm vấn đề gì, họ cần giải quyết điều gì, v.vv.. Khi bạn tìm hiểu trước về thính giả, bạn sẽ có cảm giác thân thuộc và dễ tương tác với họ hơn.
Luyện tập không ngừng nghỉ
Không phải ai cũng có thể thuyết trình tốt ngay trong lần đầu tiên. Chính vì thế, bạn chỉ có thể trau dồi kỹ năng thuyết trình của bản thân bằng cách luyện tập mỗi ngày.
Phương pháp phổ biến nhất là luyện nói trước gương hoặc quay video. Những phương pháp này không chỉ giúp bạn nắm vững nội dung trình bày, đảm bảo bạn không bỏ sót thông tin quan trọng mà còn giúp bạn điều chỉnh giọng nói và cử chỉ.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể (hay phi ngôn ngữ) là một phần quan trọng của buổi thuyết trình. Ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp buổi thuyết trình của bạn trở nên hấp dẫn và có “hồn” hơn.
Cụ thể, bạn có thể sử dụng các cử chỉ tay, biểu hiện trên khuôn mặt hoặc ánh mắt để tương tác với người nghe. Nhưng bạn cũng nên nhớ, đừng quá lạm dụng ngôn ngữ cơ thể vì chúng sẽ khiến bạn sao nhãng trong lời nói.
>>> Xem thêm: Sở hữu 10 kỹ năng mềm sau là sẽ có "chìa khóa" thành công
Kiểm soát hơi thở và giọng nói
Một lỗi cơ bản nhiều người thường gặp khi thuyết trình là nói quá nhanh do hồi hộp, căng thẳng. Điều này sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu cho dù nội dung bài thuyết trình hay.
Chính vì thế, bạn cần điều chỉnh hơi thở và giọng nói của bản thân, hãy cố gắng kiểm soát căng thẳng. Bạn có thể luyện tập thuyết trình và thu âm giọng nói. Sau đó, bạn hãy nghe lại giọng nói của mình và tiến hành chỉnh sửa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các dấu câu như dấu phẩm hoặc dấu chấm để kiểm soát hơi thở và giọng điệu. Dấu câu cho phép bạn tạo ra các khoảng dừng và sự cân đối trong lời nói.
Tương tác với thính giả
Buổi thuyết trình thất bại là buổi thuyết trình chỉ có sự tương tác một chiều. Điều này có nghĩa là chỉ có bạn nói, thính giả nghe và hoàn toàn không có sự tương tác, kết nối giữa bạn và thính giả.
Khi thuyết trình, bạn thể hiện sự quan tâm đến thính giả bằng bằng một vài câu hỏi tương tác, khuyến khích họ tham gia thảo luận hoặc phản hồi ý kiến. Nếu bạn lo lắng không ai trả lời câu hỏi thì bạn có thể sử dụng những câu hỏi đơn giản, câu hỏi “có hoặc không” hoặc chỉ cần thính giả đưa tay.
Hãy luôn mỉm cười
Mỉm cười là một trong những yếu tố tiên quyết để làm cho buổi thuyết trình của bạn trở nên thành công và tạo ấn tượng tích cực với thính giả. Mỉm cười cho thấy sự tự tin trong buổi thuyết trình của bạn. Mỉm cười giúp bạn kết nối với thính giả. Điều này sẽ làm cho họ cảm thấy gần gũi và tương tác tích cực hơn.
5 kỹ năng cần có để thuyết trình tốt hơn
Kỹ năng thuyết trình có được là do quá trình liên tục trau dồi phát triển. Chính vì thế, bạn cần tập trung vào việc cải thiện từng kỹ năng riêng lẻ và thường xuyên thực hành để trở nên xuất sắc hơn khi thuyết trình.
Kỹ năng nghiên cứu
Trước khi bắt đầu thuyết trình, việc thực hiện nghiên cứu là không thể thiếu để thu thập thông tin và dữ liệu liên quan đến chủ đề mà bạn sẽ trình bày. Kỹ năng này không chỉ giúp bạn tìm kiếm và kiểm chứng thông tin mà còn đánh giá tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu, từ đó giúp bạn truyền đạt kiến thức một cách đáng tin mà không phải lo ngại.
Đồng thời, việc thực hiện nghiên cứu còn giúp bạn phát triển cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề, hiểu rõ các khía cạnh và mặt trái của nó, từ đó đưa ra các luận điểm có cơ sở và thuyết phục.
Kỹ năng phân tích
Kỹ năng phân tích đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ về các dữ liệu và thông tin mà bạn muốn trình bày. Bằng cách tiến hành phân tích một cách logic và tỉ mỉ, bạn có thể thể hiện chủ đề một cách rõ ràng và tăng sự thuyết phục. Đồng thời, kỹ năng phân tích cũng giúp bạn nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này tạo ra tính đáng tin cậy và giúp bạn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Kỹ năng tổ chức
Kỹ năng tổ chức rất cần thiết trong việc xây dựng cấu trúc cho bài thuyết trình. Công việc chính của kỹ năng này là xác định các nội dung quan trọng, sắp xếp thông tin và dữ liệu một cách logic và liên kết chặt chẽ. Điều này bao gồm việc lựa chọn và sắp xếp các yếu tố trực quan như hình ảnh, biểu đồ và các yếu tố khác để hỗ trợ khi trình bày thông tin.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp bạn sử dụng từ ngôn từ một cách điệu nghệ mà còn tạo điều kiện để bạn tương tác với người nghe. Kỹ năng giao tiếp bao gồm: kỹ năng diễn đạt, kỹ năng quan sát và lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, v.vv...
>>> Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp là gì? 07 cách cải thiện khả năng giao tiếp hiệu quả
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Khi thuyết trình, bạn có thể gặp các sự cố không mong muốn hoặc những tình huống không lường trước từ phía thính giả. Trong tình huống này, kỹ năng giải quyết vấn đề rất quan trọng để người trình bày có thể nhanh chóng nhận ra sự cố và áp dụng các biện pháp thích hợp để xử lý. Hơn nữa, kỹ năng này cũng hỗ trợ trong việc đối phó với các câu hỏi, ý kiến trái chiều hoặc tranh luận từ phía thính giả.
Bạn phải hiểu rằng, một buổi thuyết trình thành công là khi người nghe ghi nhớ được những thông tin hữu ích trong đầu sau khi kết thúc. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được điều này thì bạn phải rèn luyện từng ngày, không ngừng học hỏi. TopCV cũng hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn loại bỏ điểm yếu về kỹ năng thuyết trình trong học tập và công việc. Ngoài ra, bạn hãy luôn theo dõi TopCV để cập nhật thêm nhiều thông tin, kiến thức hữu ích về kỹ năng và nghề nghiệp.