Gần sát Tết Nguyên đán, thưởng Tết là điều mà bất cứ người lao động nào cũng quan tâm, nhất là sau một năm làm việc. Quy định và cách tính thưởng Tết thế nào? Làm 6 tháng có được thưởng Tết không? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết Cách tính thưởng Tết cho người lao động mới nhất của TopCV sau đây.
Lưu ý: Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy chế và mức thưởng Tết riêng, thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất THAM KHẢO
Tiền thưởng Tết là gì?
Tiền thưởng Tết được hiểu là một số tiền (hoặc tài sản hay một hình thức thưởng khác) mà công ty, doanh nghiệp trả cho người lao động vào dịp cuối năm (thường là tháng 12 dương lịch hoặc trước Tết Âm lịch) và có sự thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.
Liên quan đến vấn đề tiền thưởng, Điều 104 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định rõ như sau:
"1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở."
Như vậy, quy chế thưởng Tết sẽ dựa trên quy định của riêng mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ dựa trên thực trạng sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của nhân sự trong cùng năm để đưa ra quyết định thưởng Tết.
Ngoài ra, hiện nay một số doanh nghiệp cũng căn cứ vào thâm niên làm việc của người lao động để đưa ra cách tính thưởng Tết hợp lý. Nhiều đơn vị còn gộp chung thưởng Tết và lương tháng 13 để chi trả cho nhân sự trước dịp Tết Âm lịch.
>>> Xem thêm: Lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13
Quy định về tiền thưởng Lễ, Tết
Hiện nay không có một quy chế hay quy định cụ thể nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Việc thưởng Tết hay không sẽ tùy thuộc vào QUYỀN của doanh nghiệp.
Pháp luật cho phép doanh nghiệp, công ty thưởng bằng tiền hoặc vật chất, hiện vật nhưng phải công khai quy chế thưởng cho tập thể được biết. Chính vì thế, cũng không có quy định mức tối thiểu hoặc tối đa trong thưởng Tết.
Nhìn chung, các vấn đề cụ thể về tiêu chuẩn, thời gian, mức thưởng, cách thức, nguồn kinh phí thực hiện… sẽ được thể hiện rõ ràng trong quy chế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiền thưởng Tết của người lao động còn được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng lao động hoặc trong thỏa ước lao động tập thể.
Mặt khác, thưởng Tết còn phụ thuộc vào tình trạng kinh tế của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, thưởng Tết cho nhân sự sẽ ở mức cao. Ngược lại, nếu tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan thì sẽ thưởng ít hoặc thậm chí không có thưởng Tết cho người lao động.
Nhìn chung, tiền thưởng Tết có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tinh thần làm việc và cống hiến của nhân viên, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong hoạt động chỉ trả lương. Trên thị trường tuyển dụng việc làm, nhiều doanh nghiệp sử dụng tiền thưởng Tết như một chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút nhân sự giỏi và phát triển lực lượng cho tổ chức, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
>>> Xem thêm: Quy trình tuyển dụng nhân sự chuẩn mới nhất
Cách tính tiền thưởng Tết
Căn cứ theo quy định của pháp luật, thưởng Tết không phải là một khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả cho người lao động. Vậy nên tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh, "văn hóa" về chính sách phúc lợi cũng như điều kiện thực tế mà mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính thưởng Tết khác nhau. Để tránh bị thiệt, người lao động cần nắm rõ các vấn đề sau:
Quy chế thưởng Tết phổ biến
- Căn cứ vào tình trạng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu kinh doanh có lãi, công ty sẽ trích từ lợi nhuận để thưởng cho người lao động với mức thưởng tùy thuộc vào lợi nhuận thu về mỗi năm.
- Căn cứ vào năng suất lao động và số năm làm việc (hay còn gọi thâm niên công tác) để tính tiền thưởng Tết cho người lao động.
Công thức tính thưởng Tết phổ biến
Mức thưởng = Tỉ lệ thưởng (% năng suất lao động + % thâm niên công tác) x Tiền lương trung bình hàng tháng
Trong đó:
- % năng suất lao động: Căn cứ vào kết quả đánh giá của trưởng bộ phận, quản lý trực tiếp của người lao động. (Ví dụ: Xuất sắc = 100%; Tốt = 80%; Khá = 50%; Trung bình = 30%; Yếu = 10%)
- % thâm niên công tác: Tính từ ngày ký hợp đồng chính thức đến ngày 31/12 dương lịch của năm đó (Ví dụ: Dưới 1 năm = 10%; Từ 1 - 2 năm = 30%; Từ 2 - 3 năm = 50%; Từ 3 - 4 năm = 70%; Từ 5 - 7 năm = 90%; Từ 7 năm trở lên = 100%)
Ví dụ:
Doanh nghiệp A quyết định về quy chế thưởng Tết Âm lịch theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, dựa trên hiệu quả làm việc và thâm niên làm việc của người lao động. Người lao động B có thâm niên làm việc 3 năm, mức lương hàng tháng là 12 triệu đồng và hiệu quả làm việc trong năm được đánh giá đạt 80%.
Vậy tiền thưởng Tết của người lao động này sẽ được tính như sau:
Tiền thưởng Tết của người lao động B = 12 triệu x (80% + 50%) = 15,6 triệu đồng
Lưu ý: Đây chỉ là ví dụ mang tính chất tham khảo chứ không phải công thức tính thưởng Tết chung cho tất cả các doanh nghiệp
>>> Xem ngay: Danh sách việc làm HOT nhất lương cao, đãi ngộ cực tốt. Ứng tuyển ngay!
Các câu hỏi thường gặp về quy định thưởng Tết
Với cách tính lương thưởng Tết dựa trên quy định, quy chế của từng doanh nghiệp, các bạn trẻ khi tìm việc làm cần trao đổi rõ ràng về chế độ đãi ngộ lương và thưởng với doanh nghiệp để tránh bị thiệt thòi. Dưới đây là các câu hỏi liên quan đến quy định về thưởng Tết, chắc chắn bạn rất muốn biết:
Thưởng tết và lương tháng 13 có giống nhau không?
Trên thực tế, thưởng Tết và lương tháng 13 là hai khoản chi trả khác nhau và ở một số công ty có sự phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này. Trong đó:
- Thưởng tết là khoản thưởng tỷ lệ thuận với khoản lợi nhuận và thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thưởng Tết phụ thuộc vào quyết định của CEO công ty, không cần thỏa thuận trước (nhưng phải công khai) với người lao động khi làm việc.
- Lương tháng 13 là khoản tiền mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa trên một thỏa thuận nhất định giữa người lao động và doanh nghiệp.
Thưởng Tết có tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không?
Theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức (kể cả thưởng bằng chứng khoán) đều thuộc trường hợp phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, thưởng Tết - khoản thù lao mang tính chất tiền lương, tiền công sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân nếu như mức thưởng đạt tới mức thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
>>> Tính thuế thu nhập cá nhân ngay tại đây!
Làm việc 6 tháng có được thưởng Tết không?
Hiện nay không có quy định, thông tư cụ thể nào của pháp luật nêu rõ về nội dung làm việc bao lâu thì được nhận tiền thưởng Tết. Vì thế người lao động dù chỉ làm việc 6 tháng thì vẫn có thể nhận được tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, mức thưởng Tết cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào năng lực làm việc, thâm niên công tác của mỗi người lao động và tình hình kinh doanh của công ty.
Tiền thưởng Tết có đóng bảo hiểm xã hội không?
Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định như sau:
"3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì tiền thưởng Tết sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng lao động, khoản tiền này được ghi vào mục tiền lương, người lao động sẽ vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.
>>> Bạn chưa biết tính bảo hiểm xã hội như thế nào?
Nghỉ việc trước Tết có được nhận tiền thưởng Tết hay không?
Theo các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao đồng. Nhưng Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp về việc làm có trả công, tiền lương. Nếu hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Vì vậy, nếu trong hợp đồng lao động có thỏa thuận về việc trả tiền thưởng sau khi kết thúc năm và được chi trả trước Tết Âm lịch thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc trả tiền thưởng Tết cho người lao động theo đúng thỏa thuận.
Người lao động đang thử việc có được thưởng Tết không?
Pháp luật không có quy định bắt buộc về vấn đề thưởng tết, có thưởng hay không và thưởng bao nhiêu, theo hình thức nào chủ yếu do doanh nghiệp tự quy định. Vì vậy, người lao động đang thử việc có thể sẽ không được thưởng tết do thời gian làm việc chưa nhiều, chưa có thành tựu hay cống hiến nhiều cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay một số doanh nghiệp vẫn có chế độ quà tặng bằng hiện vật cho những nhân sự đang trong quá trình thử việc vào dịp Tết nhằm khuyến khích và tạo động lực cho họ.
Người lao động có được tạm ứng tiền lương để ăn Tết hay không?
Căn cứ theo Điều 101 Bộ Luật lao động 2019, người lao động được phép tạm ứng tiền lương nếu có nhu cầu. Doanh nghiệp sẽ xem xét và đồng ý đáp ứng nếu thấy yêu cầu xác đáng, đồng thời khoản tạm ứng này cũng sẽ không bị tính lãi.
Về mức tạm ứng tiền lương tối đa, pháp luật không có quy định cụ thể. Vì thế mức tiền này sẽ do doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận.
Doanh nghiệp không thưởng Tết có thể bị xử phạt hay không?
Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền doanh nghiệp nếu vi phạm một trong các hành vi như không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận.
Nếu trong hợp đồng lao động có quy định về việc thưởng Tết mà doanh nghiệp không thực hiện đúng như thỏa thuận thì có thể bị xử phạt (bao gồm tiền lương kèm khoản tiền lãi của số tiền chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng).
Dù không phải là quy định bắt buộc, nhưng thưởng Tết chính là chiến lược giúp doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm, dễ dàng tuyển dụng được nhân sự giỏi. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết người lao động cũng mong mình được hưởng một chế độ đãi ngộ phúc lợi tốt khi làm việc.
Nếu bạn muốn tìm một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội thăng tiến rõ ràng cùng chế độ lương cao, có cách tính thưởng Tết, ngày lễ và lương tháng 13 rõ ràng thì hãy tham khảo các tin tuyển dụng trên TopCV.
TopCV hiện là nền tảng cung cấp các mẫu CV xin việc chuyên nghiệp, cùng hàng loạt tin tức việc làm chất lượng tới từ các công ty, doanh nghiệp uy tín. Các vị trí việc làm trên TopCV đa dạng trên mọi lĩnh vực nghề nghiệp, được cập nhật mới nhất mỗi ngày.
Đáng nói, phần lớn thông tin tuyển dụng việc làm trên TopCV được xác thực nội dung đầy đủ, chính xác trước khi hiển thị trên trang. Vì thế, bạn sẽ nhanh chóng lựa chọn được công việc với mức lương, đãi ngộ hấp dẫn đúng như nguyện vọng của mình.
Tạm kết
Trên đây là bài viết về Cách tính thưởng Tết cho người lao động mới nhất và các thắc mắc phổ biến liên quan tới vấn đề này. Hy vọng bạn hiểu và nắm rõ quyền lợi của mình để tránh chịu thiệt thòi trong quá trình làm việc. Nếu đang muốn tìm một môi trường làm việc tốt, đãi ngộ và phúc lợi hấp dẫn, bạn đừng quên TopCV chính là một địa chỉ đáng tin cậy dành cho bạn.