Kiểm toán là công việc mơ ước của nhiều bạn trẻ khi lựa chọn lĩnh vực tài chính. Vậy bạn đã chuẩn bị những gì để tham gia buổi phỏng vấn kiểm toán? Liệu những kiến thức bạn chuẩn bị có thể giúp bạn vượt ải? Bạn hãy cùng TopCV tham khảo ngay 15 câu hỏi phỏng vấn kiểm toán thường gặp nhất trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi phỏng vấn kiểm toán nội bộ
Bạn hiểu như thế nào về kiểm toán viên nội bộ?
Nhân viên kiểm toán nội bộ là người phụ trách kiểm tra, đánh giá các hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp. Họ phải đảm bảo các hoạt động trong doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật và các quy chế do doanh nghiệp đặt ra. Bên cạnh đó, kiểm toán viên nội bộ có trách nhiệm tham mưu cho bộ phận lãnh đạo các chiến lược quản trị rủi ro, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Thực tế, nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về khái niệm kiểm toán nội bộ để kiểm tra kiến thức của bạn. Họ muốn biết rằng bạn có thật sự hiểu về vị trí đang ứng tuyển hay không.
>>> Xem thêm: Ngành kiểm toán là gì? 5 kỹ năng cần có của kiểm toán viên thành công
Tại sao đánh giá nội bộ rất cần thiết với doanh nghiệp?
Với câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này, nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn có hiểu được những lợi ích từ hoạt động đánh giá nội bộ đối với doanh nghiệp.
Hoạt động kiểm toán nội bộ giúp người quản lý lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát các hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể biết được phần nào đang hiệu quả, phần nào cần cải thiện. Ngoài ra, kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thu hút nhà đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Quy trình kiểm toán nội bộ bao gồm những bước nào?
Câu hỏi về quy trình kiểm toán là câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản. Bạn có thể dựa vào kiến thức nền tảng đã học ở trường để trả lời cho câu hỏi này.
Quy trình kiểm toán nội bộ gồm 4 bước:
Bước 1: Lập kế hoạch kiểm toán
Kiểm toán viên lập kế hoạch chi tiết cho các hoạt động kiểm toán nội bộ, bao gồm các nội dung như: thời gian, phạm vi, mục tiêu, nguồn lực, phương pháp kiểm toán, nội dung ưu tiên và các rủi ro tổng thể.
Bước 2: Triển khai kế hoạch kiểm toán
Sau khi lập kế hoạch chi tiết, kiểm toán viên cần phải thực hiện kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình triển khai, kiểm toán viên cần ghi chép lại kết quả kiểm toán để làm bằng chứng khi đánh giá quy trình kiểm toán nội bộ.
Bước 3: Báo cáo kết quả kiểm toán
Từ quá trình triển khai kế hoạch, kiểm toán viên sẽ lập báo cáo kết quả kiểm toán. Bộ báo cáo này bao gồm bảng báo cáo chi tiết về các công việc đã thực hiện và bảng tổng kết quá trình kiểm toán nội bộ.
Bước 4: Phân tích và đánh giá kết quả
Kiểm toán viên nội bộ phân tích và đánh giá kết quả kiểm toán, so sánh với mục tiêu kiểm toán đã đặt ra và xác định những vấn đề cần phải cải thiện trong nội bộ của doanh nghiệp. Qua đó, kiểm toán viên và bộ phận lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời.
>>> Xem thêm: Cẩm nang xin việc ngành Kế toán - Kiểm toán
Bạn đã từng sử dụng phần mềm kiểm toán nội bộ chưa?
Thông qua câu hỏi “Bạn đã từng sử dụng phần mềm kiểm toán nội bộ nào chưa?”, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem mức độ hiểu biết và khả năng ứng dụng công nghệ của bạn trong công việc.
Nếu bạn gặp phải câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này, bạn hãy thành thật trả lời nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã từng sử dụng phần mềm kiểm toán nội bộ, bạn hãy chia sẻ cách bạn ứng dụng phần mềm trong công việc.
Ngược lại, nếu bạn chưa từng sử dụng qua bất kỳ phần mềm kiểm toán nội bộ nào thì bạn có thể trả lời nhà tuyển dụng rằng bạn đang tìm hiểu về phần mềm kiểm toán, bao gồm: cách sử dụng, tính năng, ưu điểm, v.vv.. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên cầu tiến, sẵn sàng học hỏi để phát triển công việc.
Bạn hãy giải thích ISO 9001:2000 là gì?
Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn kiểm tra kiến thức của bạn về các tiêu chuẩn quản lý quốc tế. ISO 9001:2000 là phiên bản của tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng.
Cụ thể, ISO 9001:2000 quy định các yêu cầu về việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng trong một tổ chức. ISO 9001:2000 tập trung vào việc thiết lập quy trình làm việc để kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISA là gì?
ISA là viết tắt của cụm từ International Standards on Auditing. Đây là các chuẩn mực chuyên môn về kiểm toán thông tin tài chính, được phát triển bởi Ủy ban Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế (IAASB) thuộc Tổ chức Kế toán và Kiểm toán Quốc tế (IFAC).
ISA đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động kiểm toán, bao gồm kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán nội bộ. Trong đó, kiểm toán viên phải thực hiện công việc kiểm toán theo các tiêu chuẩn chất lượng do ISA đặt ra.
Một số tiêu chuẩn quốc tế ISA có liên quan đến kiểm toán nội bộ như:
- ISA 200: Tổ chức và quản lý công việc kiểm toán.
- ISA 240: Trách nhiệm của kiểm toán đối với gian lận trong kiểm toán báo cáo tài chính.
- ISA 315: Định danh và đánh giá rủi ro kiểm toán.
- ISA 520: Sự tin cậy của bằng chứng kiểm toán.
- ISA 700: Mục tiêu và nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính.
- ISA 610: Sự cộng tác với kiểm toán viên khác.
Mục đích của tiêu chuẩn ISA 610 và INTOSAI là gì?
- Tiêu chuẩn ISA 610 và INTOSAI đều liên quan đến lĩnh vực kiểm toán. Tuy nhiên, hai tiêu chuẩn này có mục đích và phạm vi sử dụng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn ISA 610: Mục đích của ISA 610 là đưa ra các hướng dẫn giúp kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán bên ngoài có thể làm việc với nhau một cách hiệu quả và suôn sẻ.
- INTOSAI: Là Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Tối cao. Mục đích của INTOSAI là thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các cơ quan kiểm toán tối cao trên toàn cầu. Đây là một nhóm các cơ quan chính phủ với các thành viên gồm: Trưởng ban Kiểm soát Tài chính, Tổng Kiểm soát viên và văn phòng Tổng Kiểm toán. Tổ chức này đưa ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn về kiểm toán theo quy định hoặc theo luật định và kiểm toán hoạt động.
Hiểu đơn giản, nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này để đánh giá mức độ hiểu biết của bạn về các tổ chức kiểm toán, các quy định khi làm việc với các vị trí kiểm toán viên khác.
>>> Xem thêm: Bật mí cách viết CV ngành kế toán, kiểm toán ấn tượng
Bạn hãy phân biệt về kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài
Kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi gặp câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này, bạn có thể dựa trên các yếu tố sau:
- Đối tượng kiểm toán: Kiểm toán nội bộ tập trung vào việc kiểm toán các hoạt động, quy trình và hệ thống quản lý trong doanh nghiệp. Kiểm toán bên ngoài tập trung vào việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo hằng năm của doanh nghiệp.
- Người thực hiện: Kiểm toán nội bộ được thực hiện bởi đội ngũ kiểm toán nội bộ, tức là người trong doanh nghiệp. Kiểm toán bên ngoài được thực hiện bởi một công ty kiểm toán bên ngoài. Công ty này hoạt động độc lập và được doanh nghiệp thuê để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.
- Phạm vi: Kiểm toán nội bộ bao gồm tất cả các phương diện của doanh nghiệp, từ các hoạt động tài chính đến các hoạt động khác như: quản lý rủi ro, quản lý chất lượng, tuân thủ pháp luật, v.vv.. Trong khi đó, kiểm toán bên ngoài tập trung vào các khía cạnh liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy.
Bạn sẽ nghĩ gì khi chuyển từ kiểm toán viên bên ngoài sang kiểm toán viên nội bộ?
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này thì họ muốn biết rằng, liệu bạn đã có sự chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới hay chưa. Hơn hết, nhà tuyển dụng muốn đánh giá khả năng thích nghi của ứng viên.
Khi trả lời câu hỏi này, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự phấn khích của bạn. Bạn có thể trả lời rằng, bạn nhìn thấy được nhiều cơ hội mới khi chuyển sang vị trí kiểm toán viên nội bộ. Ví dụ, bạn được làm việc trực tiếp với các lãnh đạo của công ty hoặc bạn được học thêm nhiều kiến thức khi làm việc ở một vị trí mới.
Trên TopCV đã cập nhật hàng trăm công việc kiểm toán viên cho bạn có thêm sự lựa chọn công việc khi muốn chuyển việc. Truy cập và ứng tuyển job ngay!
Yếu tố nào quan trọng nhất để đảm bảo kiểm toán thành công?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể đánh giá kiến thức và kinh nghiệm của bạn về kiểm toán nội bộ. Để trả lời câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này, bạn cần vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được ở công ty cũ để lựa chọn yếu tố quan trọng nhất giúp kiểm toán thành công và giải thích lý do vì sao bạn chọn yếu tố này.
Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời như sau: “Theo ý kiến của tôi, yếu tố quan trọng nhất giúp kiểm toán thành công là quy trình kiểm toán được xác định rõ ràng. Cụ thể, quy trình kiểm toán giúp kiểm toán viên thu thập và phân tích thông tin, từ đó đưa ra các kết luận chính xác. Đồng thời, quy trình giúp xác định và giải quyết các rủi ro hoặc những vấn đề tiềm ẩn”.
>>> Xem thêm: Kiểm toán nội bộ ngân hàng – những điều bạn cần biết khi lựa chọn
Đánh giá theo quy định hoặc theo luật định và đánh giá theo kết quả hoạt động khác nhau như thế nào?
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này, có nghĩa là họ đang muốn đánh giá kỹ năng của bạn. Họ muốn đảm bảo rằng bạn có thể thực hiện các đánh giá nội bộ khác nhau dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp. Với câu hỏi này, bạn có thể trả lời như sau:
Kiểm toán theo quy định hoặc theo luật định nên tập trung vào báo cáo tài chính hoặc báo cáo ngân sách của doanh nghiệp. Kiểm toán theo quy định hoặc theo luật định sẽ bao gồm các nghiên cứu của kiểm toán viên, từ đó đưa ra các thay đổi nhằm giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận.
Trong khi đó, kiểm toán dựa trên kết quả sẽ phụ thuộc vào các hoạt động hàng ngày, các chương trình hoặc dự án riêng lẻ. Kiểm toán kết quả hoạt động nên chứa một tuyên bố đảm bảo chi tiết với tất cả các sự kiện mà nhà quản lý cần. Từ đó, nhà quản lý có thể đưa ra những kiến nghị để cải thiện tình hình hoạt động.
Tổng hợp các việc làm Kiểm toán hấp dẫn trên TopCV. Tham khảo thêm các công việc Kiểm toán mới nhất để mở rộng cơ hội nghề nghiệp!
Các câu hỏi phỏng vấn kiểm toán độc lập
Kiểm toán độc lập là gì?
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thực hiện kiểm tra và đưa ra các ý kiến độc lập về báo cáo tài chính hoặc công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Hiện tại, kiểm toán độc lập có 3 loại như sau:
- Kiểm toán báo cáo tài chính: Là hình thức kiểm tra và đưa ra các ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng điểm của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán theo các quy định chuẩn mực kiểm toán.
- Kiểm toán tuân thủ: Là kiểm tra, đưa ra ý kiến về việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.
- Kiểm toán hoạt động: Là kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ đơn vị được kiểm toán.
Kiểm toán độc lập mang lại những lợi ích gì?
Những lợi ích mà kiểm toán độc lập có thể mang lại gồm:
- Kiểm toán độc lập thực hiện các kiểm tra và đánh giá hồ sơ, ghi chép và báo cáo tài chính, giúp xác định các thông tin được trình bày chính xác và không sai lệch. Qua đó, kiểm toán độc lập đảm bảo tính minh bạch và tin cậy của thông tin tài chính cùng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kiểm toán viên độc lập sẽ kiểm tra và đánh giá các hệ thống kiểm soát nội bộ để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, vi phạm quy định trong hoạt động tài chính và quản lý.
- Giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.
- Kiểm toán độc lập được thực hiện bởi một bên thứ ba có thẩm quyền. Từ đó, kiểm toán độc lập là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín trên thị trường và nhận được sự tin tưởng từ phía cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng và các bên liên quan.
- Kiểm toán độc lập giúp doanh nghiệp phát hiện những lỗ hổng trong kiểm soát nội bộ. Căn cứ vào những thông tin thu thập được, doanh nghiệp có thể điều chỉnh và khắc phục kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro, sai sót và đạt được kết quả tốt hơn.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhưng lại phát hiện sai sót do gian lận?
Khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhưng lại phát hiện sai sót do gian lận thì các bên sau đây phải chịu trách nhiệm:
- Ban Quản trị và Ban Giám đốc của bên được kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông và nhà đầu tư.
- Các bộ phận trong doanh nghiệp như: kiểm toán nội bộ, ban quản trị rủi ro, kế toán trưởng, giám đốc tài chính, v.vv.. phải chịu trách nhiệm trước Ban Quản trị và Ban Giám đốc
- Công ty kiểm toán và kiểm toán viên độc lập phải chịu trách nhiệm trước những người sử dụng báo cáo tài chính.
>>> Xem thêm: Nghề kế toán trưởng - có đúng "ngồi mát ăn bát vàng" như nhiều người tưởng tượng?
Tại sao kiểm toán độc lập có thể không phát hiện được các gian lận?
Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi phỏng vấn kiểm toán này thì họ đang tạo cơ hội để bạn thể hiện kiến thức và mức độ hiểu biết của bản thân. Đối với câu hỏi này, bạn có thể trả lời như sau:
“Theo tôi, tình trạng kiểm toán độc lập có thể không phát hiện được các gian lận là do các mánh khóe tinh vi như: giả mạo hồ sơ, cố ý không ghi chép các giao dịch hoặc cố ý cung cấp các giải trình sai cho kiểm toán viên, v.vv.. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc của doanh nghiệp được kiểm toán cố tình thực hiện các hành vi gian lận cũng là nguyên nhân khiến kiểm toán độc lập không thể phát hiện được các gian lận. Lý do là vì Ban Giám đốc có thể thao túng việc ghi sổ kế toán, trình bày các thông tin tài chính gian lận hoặc không chế các thủ tục kiểm soát, v.vv..
Trên đây là 15 câu hỏi phỏng vấn kiểm toán thường gặp nhất. Hy vọng những câu hỏi và gợi ý trả lời được TopCV thống kê trong bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin giá trị và giúp bạn thành công khi phỏng vấn. Ngoài ra, nếu bạn muốn gia tăng cơ hội cho bản thân thì bạn hãy truy cập ngay trang việc làm của TopCV. Hàng ngàn cơ hội việc làm kiểm toán hấp dẫn đang chờ đón bạn.