Nhóm tính cách ENFJ chiếm tỷ trọng khá ít trong số 16 loại tính cách khi chỉ có khoảng 2% dân số trên thế giới mang loại tính cách này. Tuy nhiên nhóm người này lại tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng truyền đạt, hùng biện lôi cuốn và cả sự quan tâm chân thành tới người khác.
Vậy thật sự ENFJ là những người như thế nào? Nhóm tính cách này nên lựa chọn nghề nghiệp nào? Bài viết hôm nay TopCV sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.
Định nghĩa: ENFJ là gì?
Nhóm tính cách ENFJ là một trong 16 loại tính cách được phân loại dựa trên trắc nghiệm tính cách MBTI theo nghiên cứu của Isabel Briggs Myers, Katharine Cook Briggs và David Keirsey. Cụm từ ENFJ là tổ hợp viết tắt của 4 từ: Extraversion - iNtuition - Feeling - Judgement. Trong đó:
- Extraversion - Hướng ngoại: Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ có xu hướng hướng ngoại. Họ mong muốn tiếp xúc và chia sẻ mọi thứ, dành tất cả năng lượng cho những người xung quanh. Nếu phải làm việc một mình trong không gian tĩnh lặng sẽ khiến họ chán nản.
- iNtuition - Trực giác: Các ENFJ sử dụng trực giác để đánh giá sự vật. Khi đối mặt với một vấn đề, họ sẽ đưa ra quyết định dựa trên bức tranh tổng quát và các khả năng có thể xảy ra. Các chi tiết nhỏ và những sự việc đang xảy ra ở hiện tại không ảnh hưởng lớn tới phán đoán của họ.
- Feeling - Cảm xúc: Nhóm tính cách ENFJ sẽ đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc cá nhân, ý kiến chủ quan hơn là xem xét nó theo logic. Các yếu tố quy tắc, góc nhìn xã hội không được ENFJ xem xét quá nhiều.
- Judgement - Phán đoán: ENFJ là những người thích phán đoán tương lai. Họ đánh giá mọi việc theo các quy tắc và dự đoán của bản thân. Từ đó đưa ra các kế hoạch dự trù và tuân theo bản kế hoạch đó.
Nhìn chung nhờ những năng lực của mình, người thuộc nhóm tính cách ENFJ luôn là những nhà lãnh đạo, người đứng đầu tốt nhất cho một tập thể. Họ có khả năng nhìn ra tiềm lực và giá trị tương lai của những người xung quanh, từ đó dẫn dắt họ phát triển tối đa khả năng của bản thân.

Đồng thời, các ENFJ luôn giàu năng lượng tích cực và muốn chia sẻ chúng tới những người xung quanh. ENFJ luôn vui vẻ, chân thành và thích giúp đỡ mọi người. Họ cũng là những người rất nhạy cảm, có khả năng dự đoán suy nghĩ của người khác. Tổng hợp của hai điều này tạo nên khả năng đối nhân xử thế và đồng cảm tuyệt vời của các ENFJ.
Tuy nhiên điểm yếu của nhóm tính cách ENFJ là đôi lúc họ quá quan trọng vào thái độ của người khác mà quên đi bản thân mình. Họ có xu hướng chi phối người khác quá mức và tự đổ lỗi cho bản thân khi sự việc không đúng theo ý muốn. Điều này có thể gây khó chịu với những người xung quanh.
ENFJ phù hợp với nghề nghiệp nào?
Từ những phân tích trên, có thể thấy người thuộc nhóm tính cách ENFJ phù hợp với những công việc tiếp xúc với nhiều người và có thể giúp đỡ người khác. Họ luôn hướng tới cộng đồng và muốn chia sẻ nhiều giá trị tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Vì vậy những người thuộc nhóm tính cách ENFJ còn được gọi là những “Người cho đi”.
Ngược lại, các ENFJ không quá thích hợp với những công việc chỉ tập trung vào lý thuyết hay số liệu. Họ không vui khi phải giải quyết các vấn đề theo khuynh hướng logic mà không dính dáng đến con người. Vì vậy những công việc như nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu khoa học không quá phù hợp với nhóm tính cách ENFJ.

Sau đây là một số công việc phù hợp với nhóm tính cách ENFJ mà bạn có thể tham khảo:
Quản lý nhân sự
Quản lý nhân sự, một trong những lĩnh vực đòi hỏi khả năng giao tiếp và tương tác với mọi người, và người hướng ngoại như ENFJ hoàn toàn đáp ứng được điều này. Họ có khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt nhờ vào việc biết lắng nghe, thấu hiểu cũng như giúp đỡ, động viên người khác. Những điều này giúp ích rất nhiều cho các ENFJ khi đảm nhận công việc quản lý nhân sự.
Hơn nữa, nhờ trực giác cực kỳ tốt ENFJ sẽ nhìn ra các mô hình và liên kết chúng một cách hiệu quả, từ đó đảm bảo thực hiện giải pháp quản lý nhân sự thành công. “Người cho đi” cũng hiểu rõ về tâm lý và nhu cầu của nhân viên để đưa ra quyết định phù hợp với công tác quản lý nhân sự.
Các ENFJ cũng rất thích những môi trường có tổ chức và đi theo một kế hoạch cụ thể được xây dựng từ trước. Trong công việc quản lý nhân sự, khả năng này giúp họ xây dựng và duy trì các quy trình làm việc hiệu quả, từ quản lý thời gian đến phân công nhiệm vụ phù hợp.
Trở thành nhân viên quản lý nhân sự là một cách giúp ENFJ thỏa mãn mong muốn trở thành một người trung gian giúp thay đổi người khác và họ cũng sẽ thay đổi để tương tác cho phù hợp với mỗi người.

Giáo viên
Các ENFJ là những người có khả năng đối nhân xử thế phi thường. Họ luôn diễn đạt trôi chảy và rõ ràng những gì họ muốn nên cũng có khả năng khiến người khác làm chính xác những gì mình muốn. Đây được xem là một trong những lợi thể giúp họ có thể phát triển và đạt được thành công trong vai trò là một giáo viên - vị trí làm việc trong môi trường thiên về giáo dục và định hướng con người phát triển.
Hơn nữa, ENFJ thường có xu hướng làm tốt ở những vị trí cần tiếp xúc với nhiều người. Bản chất chính là thích hợp làm những việc liên quan đến quan hệ cộng đồng. Ngoài ra, các ENFJ cũng rất thích trở thành trung tâm của sự chú ý, và họ làm rất tốt công việc đòi hỏi việc truyền cảm hứng cũng như dẫn dắt người khác như giáo viên.
Nhân viên tư vấn bán hàng
Kỹ năng “đối nhân xử thế” rất xuất sắc của các ENFJ chính là lợi thế giúp họ phát triển và có thể đạt được thành công khi theo đuổi công việc của một nhân viên tư vấn bán hàng. Khi làm nhân viên bán hàng những “Người cho đi” luôn biết cách quan tâm, hiểu và mang lại những ý kiến tư vấn phù hợp cho khách hàng. Các ENFJ luôn cảm thấy thích thú và mãn nguyện khi mang lại giá trị thiết thực cho người khác.
Ngoài ra, khả năng giao tiếp, diễn đạt trôi chảy và rõ ràng cũng trở thành thế mạnh để ENFJ tận dụng một cách triệt để khi thực hiện công việc tư vấn. Đây có thể xem là yếu tố bắt buộc và quan trọng với một người làm công việc tư vấn bán sản phẩm, dịch vụ cho người khác. Việc đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân là điều rất tự nhiên với tính cách của ENFJ.
Hãy khám phá cơ hội việc làm nhân viên tư vấn bán hàng mới nhất ngay hôm nay cùng TopCV:

Nhân viên tổ chức sự kiện
Xu hướng khi chọn nghề nghiệp của các ENFJ là thường làm tốt ở những vị trí cần tiếp xúc với nhiều người hoặc liên quan đến quan hệ cộng đồng. Do đó, công việc của một nhân viên tổ chức sự kiện được đánh giá là phù hợp với những "Người cho đi".
Môi trường làm việc này giúp các ENFJ phát huy được tính cách xem trọng việc lên kế hoạch và tuân thủ theo chúng một cách nghiêm túc. Họ có chính kiến mạnh mẽ khi thực hiện công việc nhưng cũng là người biết tiếp thu ý kiến. Các ENFJ hiểu được tầm quan trọng của việc cho phép người khác bày tỏ quan điểm của mình. Ngay cả khi họ không đồng ý với người nào đó, họ vẫn cho phép đối phương lên tiếng. Đây là một trong những thế mạnh giúp họ nắm bắt và thực hiện các kế hoạch tổ chức sự kiện có hiệu quả cho khách hàng.
Hơn nữa, ENFJ cũng là kiểu người đáng tin cậy, họ sẽ luôn thực hiện lời hứa và trách nhiệm của bản thân đối với công việc, kể cả trong tình huống khó khăn nhất.
Ngoài ra, các ENFJ cũng phù hợp với những công việc như:
- Ngành nghề liên quan tới xã hội và cộng đồng (Tư vấn hôn nhân, Tư vấn tâm lý, Tư vấn sức khỏe sinh sản,...);
- Truyền thông, Quan hệ công chúng (Biên tập viên, Người sáng tạo nội dung, Chuyên viên PR,....);
- Kinh doanh (Marketing, Đại diện thương hiệu,...);
- Giải trí, nghệ thuật (Nhà văn, Nhà soạn nhạc, Họa sĩ, Kiến trúc sư, Người dẫn chương trình..)
- Dịch vụ chăm sóc cá nhân (Bảo mẫu, Quản gia, Huấn luyện viên thể hình, Chuyên gia dinh dưỡng,..);
- Khoa học (Nhà xã hội học, Nhà tâm lý học,..);
- Pháp luật (Luật sư, Công tố viên, Thẩm phán,…);
- Chăm sóc sức khỏe (Tư vấn sức khỏe, Điều dưỡng viên);
- Hành chính nhân sự
Đây chỉ là những nghề nghiệp phù hợp giúp nhóm tính cách ENFJ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Tuy nhiên đừng giới hạn khả năng của bản thân ở những lĩnh vực này. Hãy giải phóng bản thân để tìm kiếm nghề nghiệp thích hợp, mang lại niềm vui và năng lượng khi làm việc mỗi ngày. Bí quyết thành công trong các lĩnh vực của ENFJ là phát huy các điểm mạnh như sự đam mê, lòng vị tha, khả năng biết tiếp thu và đáng tin cậy của mình. Ngoài ra, các ENFJ cũng cần tiết chế các điểm yếu về sự gay gắt, không thực tế và thái độ bề trên, thích dạy bảo người khác của mình. Những điều này có thể giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp.
Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ENFJ
Có không ít người thuộc nhóm tính cách ENFJ đã thành công và đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Cùng điểm qua một số người nổi tiếng mang tính cách ENFJ bạn có thể biết sau đây:
- Barack Obama (Cựu Tổng thống Mỹ)
- Oprah Winfrey (Giám đốc truyền thông, Người dẫn chương trình)
- Demi Lovato (Ca sĩ)
- Martin Luther King Jr. (Nhà hoạt động nhân quyền)
- Abraham Lincoln (Cực Tổng thống Hoa Kỳ)
- Nelson Mandela (Cựu Tổng thống Nam Phi, Nhà hoạt động nhân quyền)
- John Paul II (Đức Giáo Hoàng)
- Tony Blair (Thủ tướng Anh)
- Jennifer Lawrence (Nữ diễn viên)
- Maya Angelou (một nhà thơ, tác giả viết hồi ký, diễn viên người Mỹ)
- Margaret Mead (Nhà nhân học văn hóa Mỹ)
- Ralph Nader (Nhà vận động chính trị, nhà văn)
- Abraham Maslow (Nhà tâm lý học người Mỹ)
- Dr. Phil McGraw (MC, tác giả, nhà tâm lý học người Mỹ)

Trên đây là những thông tin cơ bản mà TopCV muốn cung cấp cho bạn về nhóm tính cách ENFJ cũng như các nghề nghiệp phù hợp với họ. Hy vọng những hiểu biết này sẽ giúp bạn có định hướng tìm kiếm và lựa chọn công việc đúng đắn trong tương lai. Đừng quên sử dụng nền tảng TopCV để nhanh chóng tiếp cận với hàng nghìn cơ hội việc làm hấp dẫn nhé.
>> > Tạo CV chuẩn, độc, lạ để ứng tuyển vào những công việc hấp dẫn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm