Những người thuộc nhóm tính cách ISTP chiếm khoảng 5% dân số hiện nay trên thế giới. Những ISTP dù sống nội tâm nhưng lại có suy nghĩ logic và hành động lý trí, quyết đoán. Tuy nhiên họ cũng có thể phá vỡ quy tắc để trở nên nhiệt tình và tự phát. Vậy thực sự những ISTP “khó đoán” sẽ phù hợp với nghề nghiệp nào? Hãy cùng TopCV tìm hiểu ngay sau đây.
ISTP là gì?
Nhóm tính cách ISTP hay còn được gọi là những “Nhà kỹ thuật”, là 1 trong 16 tính cách được phân loại dựa trên đánh giá từ trắc nghiệm tính cách MBTI. ISTP là từ viết tắt ghép bởi các ký tự đầu tiên của 4 chữ: Introversion, Sensing, Thinking, Perception. Cụ thể:
- Introversion - Hướng nội: Người thuộc nhóm tính cách ISTP thường hướng nội, kín đáo, yêu thích những không gian yên tĩnh và ít người. Họ chỉ thích trò chuyện và tương tác với những người quen, bạn bè. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với những người lạ, họ sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường.
- Sensing - Cảm nhận: Những ISTP thường dựa vào cảm nhận của đôi mắt và đôi tay để đánh giá sự vật, sự việc hơn là dựa vào trực giác. Vì vậy họ sẽ chú ý tới tiểu tiết, những điều đang xảy ra ngay thời điểm hiện tại chứ không quá quan tâm tới bức tranh toàn cảnh hay các việc có thể xảy ra trong tương lai.
- Thinking - Lý trí: Người thuộc nhóm tính cách ISTP có xu hướng quyết định dựa trên suy nghĩ lý trí, logic và các yếu tố khách quan. Các yếu tố chủ quan, cảm xúc, sở thích cá nhân thường bị xem nhẹ lúc ISTP đưa ra quyết định.
- Perception - Nhận thức: ISTP sẽ không đưa ra đánh giá hay quyết định một cách nhanh chóng. Họ sẽ dành thời gian quan sát, nhìn nhận sự vật, sự việc đa chiều và theo từng hoàn cảnh, môi trường.
Nhìn chung, các ISTP là kiểu người logic, dễ thích nghi với môi trường nhưng lại yêu thích hoạt động độc lập hơn là hoạt động nhóm. Họ cần không gian riêng để làm việc và yêu cầu người khác tôn trọng không gian đó. Có lẽ điều này khiến họ bí ẩn và khó gần trong mắt người khác.
Có thể nói người thuộc nhóm tính cách ISTP có cá tính mạnh và luôn tràn đầy năng lượng. Họ liên tục khám phá thế giới, sáng tạo, thử nghiệm và sửa lỗi để hoàn thiện mọi thứ theo những quy tắc của mình. Và với sự linh hoạt, dễ thích nghi, các ISTP rất giỏi ứng phó và giải quyết các vấn đề khẩn cấp trong thực tế.
Nhiều người lầm tưởng những người thuộc nhóm tính cách ISTP sẽ yêu thích sự dịch chuyển bởi họ luôn có ước muốn khám phá mọi thứ. Thực thế, các ISTP khá ổn định và có thể tập trung vào một thứ trong thời gian dài. Nhưng đến một thời điểm các ISTP sẽ bộc phát và bùng nổ theo cách không ai lường trước. Điều này có thể gây những hiệu quả tích cực hoặc tiêu cực nếu họ không kiểm soát được vấn đề.
Điểm yếu của người thuộc nhóm tính cách ISTP là họ suy nghĩ và quyết định mọi thứ theo logic thông thường mà bỏ qua cảm xúc, tâm lý của người khác. Việc sống kín đáo, không giỏi thể hiện cảm xúc cũng khiến ISTP bị hiểu nhầm là vô cảm, lạnh lùng. Chưa kể những “Nhà kỹ thuật” cũng là người cả thèm chóng chán. Họ thích tìm hiểu những điều mới mẻ nhưng lại dễ buồn chán giữa chừng và không kiên trì theo đuổi lâu dài.
Một số người nổi tiếng cho nhóm tính cách ISTP có thể kể tên như:
- Diễn viên Tom Cruise
- Diễn viên Lý Tiểu Long
- Đạo diễn, diễn viên Clinton Eastwood
- Diễn viên Harrison Ford
- Cựu tổng thống Mỹ Zachary Taylor
- Nhà soạn nhạc Frank Zappa
- Vận động viên bóng rổ Michael Jordan
- Vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp Lance Armstrong
ISTP phù hợp với nghề nghiệp nào?
Từ những phân tích trên, có thể thấy người thuộc nhóm tính cách ISTP phù hợp với những môi trường làm việc riêng, có tính sáng tạo thực tế và được tự làm chủ công việc của mình. Họ đủ năng lực tự giải quyết các vấn đề cũng như những rủi ro có thể xuất hiện trong lúc làm việc.
Với những phẩm cách như vậy, nhìn chung các ISTP sẽ phù hợp với môi trường kỹ thuật, máy móc, cơ khí, công nghệ, điện tử và cả môi trường đặc biệt nguy hiểm. Các nghề nghiệp phù hợp với nhóm tính cách ISTP có thể kể đến như:
Nhà thiết kế
Nhà thiết kế thời trang, thiết kế nội thất hay kiến trúc sư là công việc phù hợp dành cho những ISTP. Điều này xuất phát từ chính thế mạnh về sự sáng tạo nhưng rất thực tế của các “Nhà kỹ thuật”, họ sẽ dễ dàng bộc lộ sức sáng tạo của mình khi xử lý những công việc liên quan đến thiết kế - một ngành nghề đề cao sự sáng tạo và các ý tưởng mới mẻ.
Khi được làm công việc liên quan đến thiết kế, ISTP sẽ trực tiếp dùng đôi bàn tay của mình để thực hiện công việc một cách nhanh chóng, gọn gàng từ đó tạo ra một sản phẩm ưng ý và đẹp mắt nhất. Chưa kể, tính cách linh hoạt kết hợp với tính logic của “Nhà kỹ thuật” cũng giúp họ xử lý nhanh chóng các tình huống có thể phát sinh khi làm công việc liên quan đến thiết kế.
Để theo đuổi và thành công trong công việc thiết kế, các ISTP nên trau dồi kiến thức và các kỹ năng mềm liên quan như: kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, v.vv..
Lập trình viên
Lập trình viên, một nghề yêu cầu cao về sự logic và thứ tự sẽ là công việc phù hợp mà các ISTP có thể theo đuổi và gắn bó. Nhờ thế mạnh về sự kết hợp giữa yếu tố logic và linh hoạt, ISTP khi làm lập trình viên sẽ tỏa sáng và có xu hướng làm tốt các đầu mục công việc thiên về kỹ thuật như viết code, sửa lỗi và chạy các đoạn mã, v.vv..
Chưa kể, những người thuộc nhóm tính cách ISTP cũng rất biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc, họ biết cách điều chỉnh phân chia thời gian và công sức cho những việc quan trọng hơn. Đây là một trong những kỹ năng được yêu cầu trong công việc lập trình nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi xây dựng phần mềm, ứng dụng mới bằng các ngôn ngữ lập trình phức tạp.
Sẽ không quá khi nói, lập trình viên là công việc mà ISTP có thể đạt được nhiều thành tựu nếu họ nỗ lực, không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức, kỹ năng mỗi ngày. Công việc này mang lại niềm đam mê cho những ISTP khi họ được thỏa sức khám phá trong một môi trường làm việc năng động và luôn biến đổi.
Phi công
Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc tại sao phi công lại là công việc phù hợp dành cho ISTP? Điều này xuất phát một phần từ tâm hồn lãng du của các “Nhà kỹ thuật”. Họ thường bị thu hút bởi những sự vật dịch chuyển như máy bay. Đặc biệt, những người thuộc nhóm tính cách ISTP có thể đối phó với các tình huống bất ngờ một cách linh hoạt. Trong mọi vấn đề, cách giải quyết của họ là tập trung vào chi tiết và hiệu quả thực tế, vì vậy mọi vấn đề khi qua tay các ISTP đều được xử lý nhanh chóng và hợp tình hợp lý.
Đáng nói, một trong những thế mạnh của ISTP là khả năng xử lý khủng hoảng cực kỳ xuất sắc. Các ISTP sẽ không bị áp đặt bởi rủi ro cho nên họ phản ứng nhanh chóng và thậm chí bình tĩnh trong những tình huống khẩn cấp và khó khăn. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng và cần thiết khi làm công việc phi công.
Một nhân vật nổi tiếng tiêu biểu cho việc ISTP trở thành phi công là Amelia Earhart - người phụ nữ đầu tiên trên thế giới làm phi công và cũng là nữ phi công can đảm, quyết đoán đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay một mình thành công xuyên Đại Tây Dương. Nữ phi công Amelia Earhart được đánh giá là có tinh thần độc lập và khát khao khám phá, thể hiện tính cách ISTP.
Hay Chuck Yeager, một phi công và Tướng Không quân Mỹ cũng là người thuộc nhóm tính cách ISTP. Ông là phi công huyền thoại và là người đầu tiên thực hiện chuyến bay bay nhanh hơn tốc độ âm thanh vào ngày 14/10/1947.
Cảnh sát
Nếu bạn là một ISTP và đang phân vân về nghề nghiệp phù hợp thì hoàn toàn có thể cân nhắc nghề cảnh sát. Nghề nghiệp này được đánh giá là phù hợp với một người có phẩm chất luôn giữ vững niềm tin và quan điểm của mình như ISTP. Dù không thích các nguyên tắc và quy định cố hữu nhưng ISTP luôn cố gắng tuân theo vì lợi ích chung của tập thể và họ hy vọng mọi người cũng nên noi gương họ.
Đặc biệt khi trở thành cảnh sát, “Người kỹ thuật” sẽ có môi trường để phát huy thế mạnh về sự nhiệt huyết và năng nổ của mình. Những người thuộc nhóm tính cách ISTP luôn nỗ lực trong mọi nhiệm vụ được giao. Chưa kể, với tính cách tích cực nhưng cũng rất nhanh nhạy, các ISTP hiếm khi gặp căng thẳng trong công việc và trong cuộc sống. Họ sẽ luôn biết cách để giải quyết mọi vấn đề một cách trôi chảy, có bài bản.
Vận động viên đua xe
Hầu hết người có tính cách ISTP đều thích các hoạt động liên quan đến thể chất, thường có tính mạo hiểm cao cho nên vận động viên đua xe là một nghề nghiệp phù hợp mà họ có thể theo đuổi.
Khi trở thành vận động viên đua xe, những “Nhà kỹ thuật” cũng có cơ hội thể hiện cá tính của một tâm hồn lãng du và bị thu hút bởi những sự vật dịch chuyển như mô tô. Ngoài ra, với khả năng quan sát và giải quyết các vấn đề thực tế một cách linh hoạt, hơn ai hết ISTP sẽ không ngại đối mặt với những rủi ro và thử thách trong công việc. Chưa hết, tinh thần lạc quan, luôn tràn đầy tự tin và lý tưởng của những ISTP cũng giúp họ thực hiện các nghiên túc trên con đường trở thành vận động viên đua xe chuyên nghiệp.
Nổi bật cho người thuộc nhóm tính cách ISTP theo đuổi và thành công với nghề nghiệp vận động viên đua xe là Lance Armstrong - vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp nổi tiếng người Mỹ. Armstrong thống trị đua xe đạp chuyên nghiệp trong những năm 2000 và giành vô địch giải Tour de France 7 năm liên tiếp (từ năm 1999 - 2005).
Lính cứu hỏa
Có thể nói không nghề nghiệp nào cho những ISTP phát huy thế mạnh về xử lý khủng hoảng một cách xuất sắc như Lính cứu hỏa. Những người thuộc nhóm tính cách ISTP có thể đối phó với những tình huống bất ngờ một cách linh hoạt. Cách giải quyết của họ sẽ là tập trung vào chi tiết và hiệu quả thực tế, vì vậy mà mọi vấn đề khi qua tay các ISTP đều được xử lý nhanh chóng và hợp lý.
Chưa kể, sở trường của “Người kỹ thuật” là những hoạt động cần sự kết hợp của các giác quan, điều này sẽ rất cần thiết khi thực hiện các công việc của một Lính cứu hỏa. Trước các nhiệm vụ chữa cháy hoặc các hoạt động huấn luyện vất vả, những ISTP sẽ không gặp quá nhiều khó khăn vì họ làm việc và học tập rất có bài bản.
Để thành công trong vai trò Lính cứu hỏa - nghề luôn phải đối mặt với nguy hiểm, các ISTP cần kết hợp các kỹ năng cứng và mềm. Một số kỹ năng bao gồm như: thể lực tốt, sự bền bỉ, kỹ năng sơ cứu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản xạ tốt, v.vv..
Ngoài các nghề nghiệp cụ thể nêu trên, ISTP cũng phù hợp với các công việc khác như:
- Công việc về địa chất, nghiên cứu sinh vật (nhà sinh vật học, nhà địa chất,...)
- Phân tích tài chính, kinh tế (chuyên viên tài chính, tư vấn chứng khoán,..)
- Công nghệ thông tin (lập trình viên, nhà phát triển phần mềm, hacker, chuyên gia máy tính, an ninh mạng,..)
- Nghề nghiệp chăm sóc sức khỏe (y tá, bảo mẫu, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên thể hình, điều dưỡng)
- Công việc liên quan tới máy móc, kỹ thuật (thợ may, thợ kim hoàn, thợ cơ khí, kỹ sư xây dựng,...)
Nhìn chung đây chỉ là những công việc có môi trường và các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo phù hợp với nhóm tính cách ISTP. Bạn không nhất thiết phải làm những công việc này mà có thể thử sức với những lĩnh vực khác theo nhu cầu cá nhân. Miễn sao bạn hiểu được thế mạnh của mình để phát huy chúng một cách hiệu quả trong công việc, từ đó đạt được thành công.
Trên đây là những thông tin cơ bản mà TopCV muốn cung cấp cho bạn về chủ đề “Những nghề nghiệp phù hợp với nhóm tính cách ISTP”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nhóm tính cách này cũng như lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất cho bản thân mình trong tương lai. Chúc bạn thành công với niềm đam mê của mình.
>>> Tạo CV chuẩn, độc, lạ tại TopCV để ứng tuyển vào những tin tuyển dụng việc làm hấp dẫn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm