Truyền thông nội bộ là vị trí quan trọng trong mọi doanh nghiệp. Không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa lãnh đạo và nhân sự, vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ cũng có trách nhiệm lớn trong việc duy trì và phát triển văn hóa tổ chức. Vậy cụ thể chuyên viên truyền thông nội bộ làm gì và đâu là những kỹ năng mà vị trí này cần có? Bạn hãy cùng TopCV khám phá ngay câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Truyền thông nội bộ là gì?
Truyền thông nội bộ (Internal Communications) là hoạt động trao đổi thông tin và giao tiếp giữa các cá nhân, phòng ban trong tổ chức, doanh nghiệp. Về cơ bản, hoạt động này hướng tới mục tiêu xây dựng, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp cũng như đảm bảo tính chính xác, nhất quán của thông tin được đưa ra.
Chuyên viên truyền thông nội bộ là làm gì?
Chuyên viên truyền thông nội bộ có vai trò là “người kết nối” giúp lan tỏa các thông tin nội bộ cùng sứ mệnh, văn hóa doanh nghiệp đến toàn bộ đội ngũ nhân sự. Trách nhiệm chính của vị trí này liên quan tới việc lên kế hoạch và thực thi các hoạt động phù hợp nhằm truyền tải thông điệp hiệu quả đến từng đối tượng nhân viên trong tổ chức.
Tìm việc làm truyền thông nội bộ trên TopCV với hàng trăm việc làm hấp dẫn từ các nhà tuyển dụng uy tín!
|
Mô tả công việc chuyên viên truyền thông nội bộ
Chuyên viên truyền thông nội bộ đảm nhiệm các nhiệm vụ chính bao gồm:
- Lên kế hoạch và thực hiện chiến lược truyền thông nội bộ bao gồm các hoạt động như: xác định mục tiêu, nội dung, kênh truyền tải hiệu quả đến từng đối tượng nhân viên.
- Sản xuất và quản lý nội dung truyền thông nội bộ, quản lý các kênh truyền thông nội bộ của tổ chức.
- Theo dõi, đánh giá hiệu quả truyền thông nội bộ tổng thể và theo từng giai đoạn.
- Tổ chức và điều phối các sự kiện nội bộ như: hội nghị, hội thảo, team building, year end party, company trip, v.vv..
- Góp ý cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng cách: phỏng vấn nhân viên, thu thập ý kiến phản hồi về văn hóa doanh nghiệp từ đó đề xuất giải pháp truyền thông nội bộ phù hợp
- Hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc cung cấp thông tin, lập báo cáo truyền thông nội bộ và đảm bảo tính minh bạch, nhất quán trong thông tin truyền đạt ở các cấp, phòng ban.
Xem thêm: Nhân viên hành chính nhân sự là gì? Mô tả công việc và kỹ năng cần có
Vai trò của chuyên viên truyền thông nội bộ
Chuyên viên truyền thông nội bộ có vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức, được thể hiện rõ qua các khía cạnh:
- Truyền tải thông tin từ ban lãnh đạo xuống toàn bộ nhân sự: Chuyên viên truyền thông nội bộ có vai trò tổng hợp, biên tập và phân phối thông tin từ ban lãnh đạo tới nhân viên. Họ cần đảm bảo tính chính xác, nhất quán về mặt thông tin để toàn bộ nhân sự doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ và kịp thời các thông tin quan trọng của doanh nghiệp.
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Thông qua những công cụ truyền thông nội bộ như câu chuyện, tin tức, sự kiện chung, mỗi nhân sự sẽ hiểu hơn về môi trường làm việc cũng như đặc điểm riêng trong văn hóa doanh nghiệp mình. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông nội bộ cũng giúp ban lãnh đạo truyền tải tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức tới nhân viên để họ hiểu rõ hơn về hướng đi của công ty và giá trị của mình đối với tổ chức.
- Tạo ra môi trường làm việc tin cậy và gắn kết: Chuyên viên truyền thông nội bộ có vai trò khuyến khích nhân viên giao tiếp và chia sẻ ý kiến cởi mở và chân thành. Điều này giúp nhân viên cảm thấy họ được kết nối, được quan tâm, từ đó có động lực làm việc và gắn bó hơn với công ty.
- Thu hút nhân tài: Hoạt động truyền thông nội bộ hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường tuyển dụng. Những chia sẻ, hoạt động gắn kết cùng môi trường làm việc tích cực sẽ là lợi thế rất lớn giúp công ty thu hút nhân tài gia nhập tổ chức.
Xem thêm: Phòng hành chính nhân sự: Cơ cấu tổ chức, công việc & vai trò chính
Kỹ năng cần có của chuyên viên truyền thông nội bộ
Để thực hiện tốt trách nhiệm và vai trò của mình, chuyên viên truyền thông nội bộ cần trang bị những kỹ năng bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp: Bao gồm cả giao tiếp bằng văn bản (khả năng viết, soạn thảo các văn bản truyền thông nội bộ như bản tin, email, v.vv..) và giao tiếp bằng lời nói hiệu quả và chuyên nghiệp. Đồng thời, vị trí này cũng đòi hỏi khả năng thuyết trình tốt để truyền tải thông điệp tới nhân viên hiệu quả nhất.
- Kỹ năng thiết kế: Khả năng sử dụng thành thạo một số công cụ thiết kế cơ bản như Canva, Photoshop để sáng tạo các ấn phẩm truyền thông nội bộ đẹp mắt và thu hút.
- Kỹ năng sử dụng công cụ truyền thông: Sử dụng thành thạo các công cụ truyền thông nội bộ như: các nền tảng mạng xã hội nội bộ, email nội bộ, hệ thống quản lý nội dung (CMS) và các công cụ phân tích dữ liệu theo yêu cầu doanh nghiệp:
- Kỹ năng tin học văn phòng: Có khả năng sử ứng dụng linh hoạt các công cụ tin học văn phòng căn bản như: Word/Google Docs để soạn thảo, trình bày văn bản; Excel/Google Sheet để lập kế hoạch, quản lý và phân tích dữ liệu; Powerpoint/Google Slide để tạo bài thuyết trình chuyên nghiệp.
- Kỹ năng tổ chức và quản lý: Thể hiện qua việc lập kế hoạch và triển khai kế hoạch hiệu quả. Ngoài ra, người làm truyền thông nội bộ cũng cần có khả năng quản lý thời gian hợp lý để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ cần có kỹ năng làm việc nhóm tốt để phối hợp hiệu quả với các bộ phận khác trong công ty. Họ cần chia sẻ công việc, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung.
- Kỹ năng phân tích và đánh giá: Kỹ năng phân tích dữ liệu nội bộ để đánh giá hiệu quả truyền thông và đề xuất các chiến lược truyền thông nội bộ phù hợp với từng đối tượng nhân viên.
Lương chuyên viên truyền thông nội bộ
Lương chuyên viên truyền thông nội bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, năng lực ứng viên cũng như nhu cầu và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Chính vì thế, không có con số mức lương cụ thể cho vị trí này mà ứng viên và nhà tuyển dụng có thể trao đổi và thương lượng theo từng bối cảnh cụ thể.
Xem thêm: Deal lương là gì? Bỏ túi cách deal lương khéo léo
Tạo CV miễn phí để ứng tuyển vào những việc làm tốt, lương cao!
|
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc của chuyên viên truyền thông nội bộ
Để đánh giá hiệu quả làm việc của chuyên viên truyền thông nội bộ, các doanh nghiệp thường sử dụng các chỉ số (KPIs) về số lượng sự kiện nội bộ tổ chức trong tháng/quý/năm và số lượng ấn phẩm truyền thông nội bộ. Ngoài ra còn 1 số chỉ số phổ biến sau đây!
Tỷ lệ tiếp cận của nhân viên với các tin tức nội bộ
Công thức:
Tỷ lệ tiếp cận (%) = (Số lượng nhân viên tiếp cận thông tin/Tổng số nhân viên)x100 |
Ví dụ: Trong tháng 5, có 200 trên 250 nhân viên đã tiếp cận với tin tức nội bộ, tỷ lệ tiếp cận là 80%.
Chỉ số hài lòng của nhân viên (Employee Satisfaction Index)
Công thức:
ESI (%) = (Tổng điểm hài lòng/Tổng điểm tối đa)x100 |
Ví dụ: Sau một cuộc khảo sát với tổng điểm tối đa là 500, nhân viên đã cho tổng cộng 400 điểm, chỉ số hài lòng là 80%.
Mức độ cam kết của nhân viên (Employee Engagement Level)
Công thức:
Mức độ cam kết = (Số lượng nhân viên cam kết cao/Tổng số nhân viên)x100 |
Ví dụ: Trong khảo sát, 150 trong tổng số 200 nhân viên cho thấy mức độ cam kết cao với công ty, tỷ lệ này là 75%.
Việc đánh giá hiệu quả làm việc của chuyên viên truyền thông nội bộ không chỉ dựa trên các chỉ số định lượng mà còn cần cân nhắc các yếu tố định tính như sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp và mức độ hài lòng chung của nhân viên. Các chỉ số này giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện và chi tiết về hiệu quả công việc của chuyên viên truyền thông nội bộ, từ đó có thể điều chỉnh và cải thiện chiến lược truyền thông để đạt được kết quả tốt hơn.
Xem thêm: Tải MIỄN PHÍ mẫu KPI cho Nhân viên hành chính nhân sự mới nhất 2024
Bộ câu hỏi phỏng vấn chuyên viên truyền thông nội bộ
Nếu bạn đang có ý định ứng tuyển vào vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ thì dưới đây là một số câu hỏi phổ biến bạn nên tham khảo:
Nhóm câu hỏi về kiến thức và kinh nghiệm
- Chia sẻ về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông nội bộ của bạn?
- Theo bạn, đâu là vai trò và trách nhiệm chính của vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ?
- Đâu là những yếu tố cần lưu ý khi xây dựng chiến lược truyền thông nội bộ?
- Chia sẻ hiểu biết của bạn về văn hóa doanh nghiệp chúng tôi?
- Bạn có thể chia sẻ về một chiến dịch truyền thông nội bộ thành công mà bạn đã thực hiện?
- Bạn có hiểu biết gì về văn hóa doanh nghiệp của công ty chúng tôi?
- Bạn đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông nội bộ trong việc thu hút và giữ chân nhân tài?
- Bạn có thể chia sẻ về cách thức bạn sẽ sử dụng để đo lường hiệu quả chiến lược truyền thông nội bộ?
Nhóm câu hỏi về kỹ năng
- Bạn đánh giá như thế nào về kỹ năng giao tiếp của bản thân?
- Bạn đánh giá như thế nào về khả năng viết lách của mình?
- Bạn sử dụng thành thạo các công cụ thiết kế nào?
- Bạn có kinh nghiệm sử dụng các công cụ truyền thông nội bộ nào?
Nhóm câu hỏi tình huống
- Bạn sẽ làm gì nếu bạn phát hiện một thông tin nội bộ sai lệch đang được lan truyền?
- Bạn sẽ làm gì nếu được yêu cầu tổ chức một sự kiện nội bộ quan trọng trong thời gian ngắn?
- Bạn sẽ làm gì khi tổ chức đang đối mặt với khủng hoảng truyền thông nội bộ?
- Bạn có sự bất đồng ý kiến với ban lãnh đạo về một chiến dịch truyền thông nội bộ, bạn sẽ làm gì?
Nhóm câu hỏi khác
- Tại sao bạn lựa chọn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ tại công ty chúng tôi?
- Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
- Bạn có thể bắt đầu làm việc khi nào?
- Bạn có câu hỏi nào dành cho hội đồng phỏng vấn không?
Xem thêm: Top 20 câu hỏi phỏng vấn truyền thông nội bộ kèm câu trả lời mẫu
Xu hướng truyền thông nội bộ trong tương lai
Trong bối cảnh xã hội thay đổi liên tục như hiện nay, đặc biệt là sự ảnh hưởng của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, vai trò của truyền thông nội bộ ngày càng được chú trọng. Điều này thể hiện rõ qua các khía cạnh:
- Ứng dụng công nghệ trong truyền thông nội bộ: Các nền tảng quản trị doanh nghiệp và truyền thông nội bộ thể hiện vai trò rõ rệt trong việc tăng sự tương tác, trao đổi giữa nhân viên của tổ chức.
- Tính cá nhân hóa: Cá nhân hóa trải nghiệm truyền thông nội bộ cho nhân sự, thông qua các hoạt động như tặng thưởng, ghi nhận nội bộ.
Để đón đầu xu hướng mới, nhu cầu tuyển dụng vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ tại các tổ chức cũng ngày một tăng lên. Bên cạnh việc tuyển dụng những ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn đa dạng, các doanh nghiệp cũng tập trung tìm kiếm những nhân sự có khả năng sử dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả và sự gắn kết trong tổ chức.
Nếu bạn cũng đang tìm kiếm việc làm ở vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ thì TopCV là kênh tuyển dụng uy tín, chất lượng bạn nên tham khảo. Các vị trí tuyển dụng truyền thông nội bộ ở nhiều ngành nghề, khu vực được cập nhật hằng ngày, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm và ứng tuyển của mọi ứng viên. Không những thế, nền tảng còn hỗ trợ ứng viên tạo CV chuyên nghiệp miễn phí và cho phép ứng viên bật thông báo gợi ý khi có việc làm phù hợp với CV, qua đó nâng cao cơ hội tìm kiếm và ứng tuyển thành công.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn hiểu hơn về vị trí chuyên viên truyền thông nội bộ. TopCV hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết phần nào mang tới cho bạn những thông tin hữu ích cũng như sự tự tin khi lựa chọn phát triển bản thân trong công việc năng động này.
Nguồn ảnh: Sưu tầm