Tìm hiểu rõ công việc và trách nhiệm của Area Sales Manager giúp bạn xác định ASM có phải là nghề nghiệp phù hợp với mình không. Trong bài viết này, TopCV sẽ chia sẻ với bạn khái niệm, chi tiết công việc, mức lương và kỹ năng cần có để theo đuổi nghề nghiệp ASM!
Area Sales Manager là gì?
Area Sales Manager - ASM là Giám đốc kinh doanh vùng, hay còn gọi là Giám đốc bán hàng khu vực. ASM chịu trách nhiệm đảm bảo các mục tiêu kinh doanh, điều phối hoạt động bán hàng của một khu vực cụ thể, hướng tới duy trì và thúc đẩy doanh số cho toàn công ty.
Là một nhân sự cấp quản lý, Area Sales Manager sẽ điều phối trực tiếp đội ngũ nhân viên kinh doanh trong khu vực mình tiếp nhận, đồng thời báo cáo công việc lên cấp trên là Giám đốc kinh doanh và ban lãnh đạo của công ty.

Mô tả công việc Area Sales Manager
Area Sales Manager đảm nhiệm 4 vai trò chính là: Thực hiện quy trình bán hàng thành công tại hiện trường, hỗ trợ đội ngũ nhân viên kinh doanh, báo cáo hiệu suất kinh doanh, phát triển thương hiệu kinh doanh trong khu vực.
Thực hiện quy trình bán hàng
Gặp được càng nhiều khách hàng trong khu vực thì khả năng tăng doanh thu và bao phủ thị trường càng cao. Vì thế, một ASM phải xây dựng quy trình bán hàng hiệu quả để giúp nhân viên kinh doanh tiếp xúc được với nhiều khách hàng hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Có 4 bước để Area Sales Manager thực hiện được quy trình này:
Bước 1: Xác định tệp khách hàng
ASM kết hợp cùng bộ phận tiếp thị và đội ngũ kinh doanh để nghiên cứu thị trường và xây dựng chân dung khách hàng trong khu vực. Từ đó, ASM xác định nhóm người tiêu dùng có khả năng mua sản phẩm/dịch vụ của công ty cao nhất để điều chỉnh phương pháp giao tiếp và bán hàng.
Bước 2: Chọn lựa khách hàng ưu tiên
ASM Giúp đội ngũ nhân viên xác định được khách hàng nào cần ưu tiên để sale dựa trên các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Ví dụ: Bạn đang hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế, nhắm đến các bệnh viện mới mở thì bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các bác sĩ đến từ các bệnh viện mới thành lập trong khu vực thay vì những bệnh viện đã hoạt động lâu năm.
Bước 3: Đặt ra tần suất ghé thăm khách hàng
ASM thiết kế và phát triển kế hoạch ghé thăm khách hàng cho nhân viên kinh doanh. Ví dụ: 70% số lượt ghé thăm hàng quý sẽ dành cho các khách hàng ưu tiên là bác sĩ đến từ bệnh viện mới mở trong khu vực, 30% còn lại sẽ hướng tới các khách hàng hiện tại đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty.
Bước 4: Phân chia công việc cho nhân viên Sales
ASM cần phân chia các mục tiêu, tệp khách hàng, khách hàng ưu tiên cho đội ngũ nhân viên kinh doanh của mình để tạo ra một bộ máy vận hành có quy tắc và kỷ luật.

Hỗ trợ nhân viên kinh doanh
Để hỗ trợ nhân viên kinh doanh, Area Sales Manager phải xây dựng toàn bộ hệ thống quản lý bán hàng trong khu vực, các chiến lược mà nhân viên cần thực hiện, quy trình sale, chương trình đào tạo và công cụ hỗ trợ công việc tại hiện trường.
Xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh
ASM có thể sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến để nắm bắt được chi tiết tiến trình và hiệu suất làm việc của nhân viên. Từ đó, ASM kịp thời hỗ trợ nhân viên trong các tình huống phức tạp.
Đào tạo về sản phẩm/dịch vụ cho nhân viên
Nhân viên kinh doanh phải làm chủ được sản phẩm/dịch vụ của mình thì mới có thể bán được cho khách hàng. Vì thế, ASM cần thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo về sản phẩm/dịch vụ, đặc biệt là với các nhân viên mới.
Xây dựng chiến lược kinh doanh
ASM sẽ vạch ra những chiến lược kinh doanh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng, từng đối tượng khách hàng ưu tiên và hướng dẫn cho nhân viên của mình thực thi chiến lược đó.
Cung cấp các công cụ hỗ trợ kinh doanh tại hiện trường
Area Sales Manager làm việc cùng bộ phận nhân sự để cung cấp các trang thiết bị quan trọng cho nhân viên kinh doanh làm việc tại hiện trường.

Báo cáo bán hàng
ASM cần lập báo cáo theo ngày, tuần, tháng, quý. Báo cáo chính xác, ngắn gọn sẽ giúp ASM rút ra những nhận định sâu sắc về hiệu suất kinh doanh trong khu vực mình quản lý. Từ đó, ASM có thể đưa ra những quyết định mang tính chiến thuật để gia tăng doanh thu.
Báo cáo này sẽ được trình lên Giám đốc kinh doanh và ban lãnh đạo của công ty. Khi đó, ASM sẽ trở thành người cố vấn đắc lực cho ban lãnh đạo trong hoạt động kinh doanh của toàn doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Những điều bạn cần biết về công việc của Giám đốc kinh doanh
Phát triển thương hiệu trong khu vực
Là người đại diện cho đội ngũ kinh doanh trong khu vực, đồng thời quản lý từng nhân viên kinh doanh - đại diện bán hàng, ASM giữ trọng trách phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ.
Đào tạo nhân viên về phong cách ứng xử
Nhân viên kinh doanh là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, cũng được coi là đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp. Vì thế, ASM phải đào tạo nhân viên của mình thật tốt trong cung cách ứng xử và thái độ, nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng.
Trực tiếp gặp gỡ khách hàng
Với các khách hàng quan trọng, Area Sales Manager có thể trực tiếp gặp mặt, trao đổi và thuyết phục họ mua sản phẩm/dịch vụ của công ty. Lúc này, chính ASM trở thành một đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp mình.

Mức lương của Area Sales Manager là bao nhiêu?
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 & Nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV, mức lương trung bình cho vị trí Sales Manager hiện nay được ghi nhận là 30.5 - 60.0 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức thu nhập của Area Sales Manager sẽ có sự khác biệt so với Sales Manager thông thường. Mức thu nhập sẽ thay đổi theo số năm kinh nghiệm và năng lực cá nhân.

Những kỹ năng cần có ở một ASM
Để trở thành một Giám đốc kinh doanh vùng chuyên nghiệp, bạn cần rèn luyện những kỹ năng quan trọng sau đây:
Kỹ năng lãnh đạo
ASM phải quản lý cả một khu vực và đảm bảo doanh số bán hàng mục tiêu trong khu vực đó. Cần phải có kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ thì ASM mới có thể dẫn dắt các đại diện kinh doanh và nhân viên bán hàng hoạt động hết khả năng của mình.
Sự hướng dẫn và lãnh đạo tài ba có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy tinh thần cho nhân viên gia tăng hiệu suất kinh doanh.
Kỹ năng phân tích thông tin, dữ liệu
Area Sales Manager phải thường xuyên làm việc với những con số, vì thế cần có khả năng phân tích dữ liệu để nắm bắt tình hình kinh doanh. Từ đó, ASM có thể đưa ra những chiến lược, chiến thuật mới để thúc đẩy những con số tích cực trong báo cáo kinh doanh.
Khả năng xử lý tình huống
Giám đốc kinh doanh vùng có thể phải đối mặt với một số vấn đề như khiếu nại và phàn nàn từ khách hàng, sự sai sót của nhân viên, xung đột giữa các thành viên trong đội nhóm, v.vv.. Để giải quyết được những vấn đề này, ASM phải có kỹ năng xử lý tình huống xuất sắc.
Kỹ năng tuyển dụng
Tuyển dụng và đào tạo cũng là một trong những đầu việc quan trọng của Giám đốc bán hàng khu vực. Chỉ khi chọn lựa được những ứng viên phù hợp với đội nhóm của mình thì ASM mới xây dựng được đội ngũ kinh doanh bất khả chiến bại.
Kỹ năng lập kế hoạch
Là một nhân sự ở cấp quản lý, Area Sales Manager cần có kỹ năng lập kế hoạch thông minh, bao gồm kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra theo đúng tiến độ.

TOP câu hỏi phỏng vấn Area Sales Manager
Những thành tựu mà bạn đóng góp cho các doanh nghiệp trước đây sẽ là điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu. Sau đây là những câu hỏi quan trọng mà ứng viên ASM thường gặp trong buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng:
Bạn đã xây dựng những chiến lược kinh doanh nào ở công ty trước đây?
Hướng dẫn trả lời: Bạn hãy nêu ra 2-3 chiến lược có ảnh hưởng tích cực tới nguồn doanh thu, bao gồm những con số cụ thể để chứng minh thành công đã đạt được trong từng dự án.
Dự án nào bạn từng tham gia được đánh giá cao nhất?
Hướng dẫn trả lời: Bạn chỉ nên mô tả sơ lược về dự án và tập trung nhiều hơn vào những gì bạn đã thực hiện, những gì công ty đạt được qua hành động của bạn. Hãy chọn những dự án có sự tác động tích cực đến nhiều mặt của doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở doanh thu mà còn ở câu chuyện thương hiệu, việc mở rộng thị trường, v.vv..
Ở công ty cũ, có dự án nào khiến bạn không hài lòng nhất?
Hướng dẫn trả lời: Bạn hãy nhắc đến những kết quả không quá ảnh hưởng tới mục tiêu kinh doanh, nhưng bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, Covid đóng băng hoạt động kinh doanh, luật pháp giới hạn, v.vv.. để giảm thiểu trách nhiệm cá nhân. Sau đó hãy nêu ra những giải pháp khôn ngoan để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
>>> Xem thêm: 10 câu hỏi phỏng vấn Sales manager bất cứ ứng viên nào cũng nên biết

Tìm việc làm Area Sales Manager ở đâu?
Với nhu cầu tuyển dụng Giám đốc kinh doanh vùng rộng mở ở đa dạng ngành nghề như hiện nay, bạn sẽ mau chóng tìm được một cơ hội nghề nghiệp phù hợp với đam mê của mình. Bạn hãy ghé thăm chuyên trang tuyển dụng TopCV để cập nhật thông tin việc làm Area Sales Manager và việc làm Senior mới nhất trên toàn quốc!
Qua bài viết trên đây, hy vọng rằng bạn đã hiểu rõ khái niệm, vai trò, công việc cụ thể của vị trí Area Sales Manager. Nếu bạn cố gắng phát huy năng lực, rèn luyện những kỹ năng quan trọng thì hành trình trở thành một Giám đốc kinh doanh vùng/Giám đốc bán hàng khu vực sẽ không còn xa. Để tiếp nối sự nghiệp với vị trí quản lý cấp cao ASM, bạn đừng quên thường xuyên theo dõi các việc làm mới nhất được cập nhật tại TopCV, và sử dụng công cụ tạo CV chuyên nghiệp của TopCV để tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng!