Giao dịch viên ngân hàng là những nhân sự làm việc trực tiếp tại các quầy giao dịch của các ngân hàng. Vậy, công việc của giao dịch viên ngân hàng chi tiết là gì? Làm giao dịch viên ngân hàng có thăng tiến được hay không? Nếu bạn đang có những thắc mắc trên, hãy cùng tham khảo ngay bài viết mà TopCV tổng hợp về công việc của vị trí giao dịch viên ngân hàng nhé.
Giao dịch viên ngân hàng là gì?
Giao dịch viên ngân hàng (Teller) là người trực tiếp hỗ trợ khách hàng tại quầy giao dịch. Họ thực hiện các nghiệp vụ như: Nộp/rút tiền, mở tài khoản, xử lý giao dịch thanh toán và cung cấp thông tin về sản phẩm tài chính của Ngân hàng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Mô tả chi tiết công việc của giao dịch viên ngân hàng
Công việc của giao dịch viên ngân hàng sẽ xoay quanh việc hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính khi có nhu cầu. Để thực hiện các công việc này, nhân viên giao dịch cần có kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng cũng như thể hiện một thái độ chuyên nghiệp. Sau đây là các nhiệm vụ, công việc cụ thể của giao dịch viên ngân hàng:
Thực hiện đón tiếp khách hàng
Đây là nhiệm vụ, công việc hàng ngày của các giao dịch viên. Họ sẽ là người trực tiếp tiếp đón, chào hỏi cũng như tìm hiểu các nhu cầu của khách hàng. Đối với nhiệm vụ này, các giao dịch viên sẽ cần có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục tốt để:
- Tìm hiểu và tiếp nhận những yêu cầu của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
- Thực hiện tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục giao dịch tương ứng với nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của họ.
- Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng hoặc các chương trình khuyến mãi đến khách hàng.
- Thực hiện thu thập ý kiến, phản hồi của khách hàng để hướng dẫn họ xử lý hoặc trực tiếp giải đáp các thắc mắc của khách hàng trong phạm vi cho phép. Trong trường hợp không thể tự giải quyết, giao dịch viên cần thực hiện các đề xuất lên cho cấp trên để được hỗ trợ.
- Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của khách hàng.

Thực hiện các giao dịch cho khách hàng
Đây là một trong các công việc mà giao dịch viên ngân hàng cần thực hiện nhiều nhất. Cụ thể:
- Hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng thực hiện các giao dịch liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng như: giao dịch gửi - rút tiền, giao dịch mở tài khoản, các giao dịch thanh toán, phát hành thẻ, thu đổi ngoại tệ, chuyển tiền, chi trả kiều hối, giao dịch liên quan đến dịch vụ ngân hàng số Internet banking/mobile banking (cấp lại mất khẩu, tạo/khóa tài khoản), v.vv..
- Sử dụng nghiệp vụ liên quan đến giao dịch tài chính để thực hiện chính xác các giao dịch với khách hàng như: chọn, lọc tiền, xử lý chứng từ, phát hiện tiền giả, phát hiện tiền không đủ tiêu chuẩn, v.vv..
Thực hiện hạch toán kế toán
Ngoài thực hiện giao dịch, giao dịch viên ngân hàng còn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hạch toán, kế toán như:
- Hạch toán các giấy tờ, chứng từ có liên quan đến thu – chi, cân đối các khoản thu – chi để có thể đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng.
- Thực hiện các hạch toán theo yêu cầu của cấp trên.
- Thực hiện các báo cáo liên quan đến tiền mặt, báo cáo về giao dịch khi cần thiết.
- Thực hiện việc phân loại giao dịch tài chính nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc quản lý các giao dịch mà khách hàng đã thực hiện.
- Quản lý lưu lượng tiền mặt có tại quầy và đối soát với các giao dịch thực hiện trong ngày để đảm bảo trùng khớp với số tiền mặt thu - chi tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng.
Chăm sóc khách hàng
Trong hoạt động ngân hàng, giao dịch viên được xem là cầu nối trung gian giữa khách hàng và ngân hàng. Họ chính là người đón tiếp, tương tác và ghi nhận các phản hồi của khách hàng để đưa ra cách xử lý tốt và hiệu quả nhất. Bởi vậy nghiệp vụ chăm sóc khách hàng là một trong những công việc mà giao dịch viên phải thực hiện mỗi ngày. Cụ thể:
- Giao dịch viên ngân hàng sẽ hỗ trợ chăm sóc khách hàng, đảm bảo luôn truyền tải đúng tiêu chuẩn về dịch vụ, sản phẩm cũng như các quy định khác của ngân hàng có liên quan đến giao dịch tài chính.
- Giao dịch viên phải đảm bảo chất lượng cũng như quy định về chăm sóc khách hàng của ngân hàng.
- Mở rộng các mối quan hệ mới, duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng hiện tại bằng cách giúp đỡ, chăm sóc với thái độ tận tâm, nhiệt tình, qua đó hướng khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm khác.
Hiện tại trên TopCV có hàng trăm việc làm giao dịch viên đến từ những ngân hàng uy tín. Hãy truy cập vào TopCV.vn để ứng tuyển và sớm có được công việc mơ ước nhé! Nền tảng TopCV liên kết với những tập đoàn và công ty hàng đầu mang đến cho ứng viên những cơ hội việc làm tốt nhất. Nhanh tay sử dụng công cụ tạo CV miễn phí của TopCV để tự tay tạo bản CV chuẩn, độc, lạ ứng tuyển vào những công việc hấp dẫn ngay hôm nay!

Cơ hội và thách thức khi làm giao dịch viên ngân hàng
Khi làm giao dịch viên ngân hàng, bạn được trao nhiều cơ hội để phát triển bản thân, đồng thời vẫn phải đối mặt với những thách thức. Cụ thể:
Cơ hội khi làm giao dịch viên ngân hàng
- Làm việc trong môi trường trẻ trung và năng động: Thông thường, các giao dịch viên được yêu cầu khá nhiều về ngoại hình, độ tuổi và hầu hết đều chọn những ứng viên có độ tuổi khá trẻ. Do đó khi làm giao dịch viên ngân hàng bạn sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường năng động và trẻ trung hơn so với các khối văn phòng.
- Có thể nâng cao được nhiều kỹ năng: Với đặc thù giao tiếp nhiều, các giao dịch viên ngân hàng sẽ có cơ hội để phát triển và nâng cao nhiều kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề, v.vv.. Từ đó giúp tăng cơ hội thành công và thăng tiến hơn cho giao dịch viên.
- Có chế độ lương thưởng và đãi ngộ hấp dẫn: Lương giao dịch viên ngân hàng được đánh giá là khá hấp dẫn. Theo bài viết về mức lương phổ biến các vị trí trong ngân hàng của báo VTC News đăng tải ngày 26/07/2023, mức lương trung bình của giao dịch viên ngân hàng là hơn 12 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến của vị trí này là từ 8,5 triệu đồng - 11,3 triệu đồng/tháng, cao nhất lên đến 30 triệu đồng/tháng.
- Lộ trình thăng tiến giao dịch viên ngân hàng rõ ràng: Giao dịch viên thường sẽ có cơ hội thăng tiến theo số năm kinh nghiệm và năng lực chuyên môn. Bạn có thể đi từ vị trí giao dịch viên lên vị trí kiểm soát viên, trưởng hoặc phó phòng chăm sóc, dịch vụ khách hàng, sau đó là phó giám đốc vận hàng, giám đốc chi nhánh.
Thách thức của công việc giao dịch viên ngân hàng
- Có nhiều áp lực về thời gian, công việc đòi hỏi tính chính xác và tỉ mỉ cao, nhất là vào các giai đoạn cao điểm như lễ, Tết.
- Có áp lực về các chỉ tiêu, KPI phải hoàn thành như huy động vốn, khách hàng vay vốn, khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng, v.vv..
- Áp lực về trách nhiệm công việc: Giao dịch viên phải thường xuyên thực hiện các giao dịch tài chính nên bị gặp phải các sai sót là điều khó tránh khỏi. Nếu giao dịch viên không tỉ mỉ, cẩn thận để xảy ra các vấn đề nhầm lẫn hoặc sự cố như phân biệt tiền thật, tiền giả, v.vv.. thì họ sẽ phải đền bù.
>>> Đừng bỏ qua: TOP các câu hỏi phỏng vấn giao dịch viên thường gặp nhất

Giải đáp các câu hỏi liên quan đến công việc giao dịch viên ngân hàng
Ngoài việc cập nhật những thông tin về công việc của giao dịch viên ngân hàng, TopCV sẽ giải đáp một số câu hỏi liên quan đến vị trí này để bạn đọc có thể hiểu thêm.
Bao nhiêu tuổi không được làm giao dịch viên ngân hàng?
Hiện nay không có quy định cụ thể nào về độ tuổi làm việc đối với vị trí giao dịch viên ngân hàng, tuy nhiên phần lớn các ngân hàng khi tuyển dụng vị trí này đều đưa ra yêu cầu về độ tuổi là không quá 35 tuổi. Vấn đề này có thể dễ hiểu vì giao dịch viên ngân hàng là người trực tiếp làm việc tại quầy giao dịch, tương tác và tư vấn với khách hàng có nhu cầu. Do đó, ngoại hình dễ nhìn và trong độ tuổi còn trẻ sẽ là một lợi thế khi các ứng viên ứng tuyển công việc này.
Yêu cầu đối với vị trí giao dịch viên ngân hàng như thế nào?
Khi tuyển dụng vị trí giao dịch viên, mỗi ngân hàng sẽ đưa ra những yêu cầu riêng. Tuy nhiên về cơ bản, khi làm công việc giao dịch viên ngân hàng bạn cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Yêu cầu về kiến thức chuyên môn: Giao dịch viên ngân hàng cần có nền tảng kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng vững để có thể tư vấn, hướng dẫn và giải quyết các giao dịch của khách hàng một cách hiệu quả. Cụ thể các kiến thức chuyên môn mà giao dịch viên ngân hàng phải đáp ứng như: kiến thức về sản phẩm/dịch vụ mà ngân hàng đang cung cấp bao gồm cả sản phẩm bán chéo như bảo hiểm, quy định của ngân hàng và pháp luật về các giao dịch tài chính, kiến thức về thị trường, kho quỹ, v.vv..
- Yêu cầu về kỹ năng: Giao dịch viên ngân hàng cần có các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng ngoại ngữ (nếu có), kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, v.vv..
Tạm kết
Bên cạnh các nhiệm vụ cơ bản, công việc của giao dịch viên ngân hàng sẽ phụ thuộc thêm vào yêu cầu của cấp trên hoặc sự phân công của ngân hàng. Tuy là một vị trí nhiều áp lực, có khối lượng công việc tương đối nhiều, tuy nhiên bù lại vị trí này có mức lương khá hấp dẫn và cơ hội việc làm rộng mở.
Hy vọng bản mô tả công việc của giao dịch viên ngân hàng được nêu trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về vị trí này. Đừng quên truy cập vào TopCV để tiếp cận nhanh chóng các thông tin tuyển dụng việc làm liên quan đến giao dịch viên ngân hàng nhé. Chúc các bạn thành công!
Nguồn ảnh: Sưu tầm