Vì một lý do gì đó, bạn bỏ lỡ cuộc gọi của nhà tuyển dụng và trở nên hoang mang không biết phải xử lý làm sao? Vậy thì hãy để TopCV chia sẻ với bạn 7 cách xử lý khéo léo trong trường hợp không thể nghe máy của nhà tuyển dụng kịp thời nhé!
Cách xử lý khi bỏ lỡ cuộc gọi của nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng gọi điện cho bạn vì 3 lý do chính: Cung cấp thông tin về việc làm, hẹn lịch phỏng vấn, thông báo kết quả phỏng vấn. Đối với mỗi trường hợp, bạn cần có cách ứng xử khác nhau để tạo được ấn tượng tốt nhất trong mắt nhà tuyển dụng.
Bỏ lỡ cuộc gọi cung cấp thông tin việc làm
Bạn gửi mail cho nhà tuyển dụng để hỏi chi tiết yêu cầu công việc cho một vị trí đang tuyển. Bạn để lại số điện thoại cho họ nhưng không biết khi nào họ mới phản hồi. Cuối cùng là vì lịch trình cá nhân mà bạn không kịp nghe máy khi nhà tuyển dụng gọi đến?
Cách xử lý lúc này rất đơn giản:
- Đối với trường hợp đang trong giờ hành chính: Bạn hãy gọi điện lại ngay cho nhà tuyển dụng khi có thể. Trong cuộc trò chuyện này, bạn hãy điều hướng theo trình tự: Xin lỗi vì đã không kịp nghe máy do quá bận - Hỏi xem họ có thể dành thời gian trao đổi ngay không - Trao đổi thông tin công việc - Gửi lời cảm ơn và hứa sẽ phản hồi lại qua email nếu thấy công việc phù hợp.
- Đối với trường hợp đang ngoài giờ hành chính: Bạn hãy gửi email cho nhà tuyển dụng để trình bày lý do bạn trót bỏ lỡ cuộc gọi của họ, xin lỗi họ và hẹn lại một lịch gọi điện khác vào ngày hôm sau.
Tìm hiểu thêm: Cách gửi email xin việc để ngay lập tức ghi điểm với nhà tuyển dụng
Bỏ lỡ cuộc gọi hẹn lịch phỏng vấn
Sau khi kiểm tra số điện thoại và nhận ra đó là số của công ty bạn đã ứng tuyển qua email hoặc các web tuyển dụng, thì khả năng cao là họ gọi để hẹn lịch phỏng vấn. Tương tự, bạn cũng nên gọi lại ngay cho nhà tuyển dụng nếu còn trong giờ hành chính.
Trong cuộc gọi này, bạn cần trình bày các nội dung như sau:
- Bước 1: Xin lỗi vì đã bỏ lỡ cuộc gọi, nêu lý do như bạn làm rơi điện thoại, tắt chuông điện thoại vì đang ở thư viện, vừa ra ngoài có việc và không đem theo điện thoại,...
- Bước 2: Hỏi thăm về lý do nhà tuyển dụng gọi điện cho bạn, thẳng thắn nói rằng bạn đã mong đợi cuộc gọi này để được biết hồ sơ xin việc của mình có đạt yêu cầu hay không. Đây là cách để bạn cho nhà tuyển dụng thấy tinh thần cầu thị của mình.
- Bước 3: Nếu nhà tuyển dụng thực sự gọi điện để hẹn lịch phỏng vấn, hãy chủ động sắp xếp lịch hẹn và gửi lời cảm ơn vì họ đã quan tâm đến hồ sơ của bạn.
- Bước 4: Sau khi kết thúc cuộc gọi, bạn sẽ nhận được email hẹn phỏng vấn chính thức của nhà tuyển dụng. Lúc này, hãy phản hồi bằng một lời cảm ơn và xin lỗi thêm một lần nữa vì đã không kịp nghe điện khiến nhà tuyển dụng tốn thời gian.
Bỏ lỡ cuộc gọi thông báo kết quả phỏng vấn
Chắc hẳn bạn đã lưu số của nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn trước đó nhưng vì một lý do nào đó khiến bạn không nghe cuộc gọi. Cũng giống như các trường hợp trên, nếu trót bỏ lỡ cuộc gọi của nhà tuyển dụng, bạn hãy gọi điện lại ngay nếu thời gian cho phép. Còn nếu đã quá muộn thì bạn nên gửi mail cho nhà tuyển dụng.
Trường hợp gửi mail, do chưa rõ kết quả cuộc phỏng vấn, nên nếu đề xuất nhà tuyển dụng gọi lại cho bạn một cuộc khác vào ngày hôm sau chỉ để thông báo rằng bạn đã bị trượt thì sẽ gây bối rối cho cả hai bên. Vì vậy, để không gây phiền phức cho nhà tuyển dụng, bạn có thể trình bày email với những nội dung sau:
- Gửi lời xin lỗi vì không kịp nghe điện thoại của họ.
- Chủ động hỏi luôn kết quả phỏng vấn.
- Đề xuất nhà tuyển dụng phản hồi kết quả qua email ngay khi nhận được và bạn sẽ chủ động gọi lại ngay sau đó để không làm tốn thêm thời gian và chi phí của họ.
Đương nhiên, trong trường hợp bạn đã trúng tuyển vào công ty của họ thì họ cũng không mất thời gian phản hồi email của bạn và đợi bạn gọi điện lại đâu! Họ sẽ trực tiếp gọi điện cho bạn một lần nữa để thông báo kết quả và hẹn lịch đi làm chính thức.
Đã gọi điện lại nhưng nhà tuyển dụng không nghe máy thì sao?
Bạn gọi điện lại ngay cho nhà tuyển dụng sau khi nhận ra cuộc gọi nhỡ, thế nhưng họ không nghe máy. Bạn gửi email xin lỗi, họ cũng không phản hồi. Vậy thì giờ là lúc để bạn tìm kiếm các cơ hội việc làm khác.
Có thể do nhà tuyển dụng đó khắt khe, hoặc do họ quá bận rộn và không ưu tiên việc gọi điện để trao đổi thông tin với bạn. Không sao hết! Nhiệm vụ của bạn trong tình huống này là nhận ra sự thiếu sót của mình và rút kinh nghiệm mà thôi.
Rút kinh nghiệm sau khi bỏ lỡ cuộc gọi của nhà tuyển dụng
Để không bỏ lỡ cuộc gọi từ nhà tuyển dụng thêm lần nữa, bạn có thể tham khảo một số mẹo như sau:
- Cài đặt nhạc chuông riêng cho số điện thoại của các nhà tuyển dụng để phân biệt rõ với các cuộc gọi rác, cuộc gọi từ gia đình, bạn bè.
- Nếu không thể mở chuông, ít nhất hãy luôn để rung và mang điện thoại theo mình trong những ngày đang tìm việc làm mới.
- Chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi cuộc gọi từ nhà tuyển dụng, để chắc chắn dù trong hoàn cảnh nào (ở nhà hay ngoài đường), bạn đều có thể trao đổi với nhà tuyển dụng một cách tự tinh, thoải mái và lịch sự.
- Trong giai đoạn tìm việc mới, chỉ nên ở những nơi mà những cuộc gọi đến không bị quấy rầy.
Đang bận rộn việc riêng, bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và những phiền nhiễu xung quanh có thể là lý do khiến bạn bỏ lỡ cuộc gọi của nhà tuyển dụng. Với những kinh nghiệm trên đây, hy vọng rằng các ứng viên sẽ có cách phản ứng lịch sự, thông minh nhất, để không bỏ lỡ các cơ hội việc làm hấp dẫn nhé! Và đừng quên truy cập vào chuyên trang tuyển dụng TopCV để khám phá thêm nhiều cơ hội việc làm tiềm năng hơn ngay hôm nay.