Trong quản lý tài chính doanh nghiệp, hiểu và sử dụng Retained Earnings đúng cách sẽ giúp bạn kiểm soát tốt nguồn tiền cho các hoạt động quan trọng công ty cần làm trong tương lai. Cụ thể, Retained Earnings là gì, công thức tính và cách diễn giải kết quả tính Retained Earnings như thế nào? Bạn đọc hãy cùng TopCV tìm hiểu qua bài viết sau!
Retained Earnings là gì? Bản chất của Retained Earnings
Retained Earnings trong tiếng Việt là lợi nhuận giữ lại. Bản chất của Retained Earnings là khoản thu nhập ròng sau khi đã trừ thuế TNDN và phân chia hết cổ tức (Dividend) cho cổ đông (Shareholder). Đây chính là lợi nhuận sau cùng của doanh nghiệp.
Vai trò của Retained Earnings đối với tài chính doanh nghiệp
Retained Earnings được sử dụng để xác định xem doanh nghiệp có thực sự sinh lãi sau các hoạt động kinh doanh hay không. Vì lợi nhuận giữ lại là tất cả những gì còn lại sau khi doanh nghiệp đã thực hiện hết các nghĩa vụ về tài chính. Nếu lợi nhuận giữ lại là con số dương thì công ty đã có thu nhập thặng dư để có thể tái đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh. Nếu lợi nhuận giữ lại âm thì công ty đã bị thâm hụt nguồn vốn, nợ nhiều hơn số tiền kiếm được.
Như vậy, Retained Earnings đóng vai trò quan trọng đối với tài chính doanh nghiệp:
- Lợi nhuận giữ lại giúp kế toán, các nhà quản lý tài chính, nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà đầu tư nắm bắt được tình hình nguồn tiền của công ty.
- Retained Earnings ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư quan trọng. Nếu lợi nhuận giữ lại thấp, bạn có thể giữ lại và sử dụng chúng như một bệ đỡ tài chính trong trường hợp bất chắc thay vì phân phối chúng dưới dạng cổ tức. Tuy nhiên, nếu cả lợi nhuận ròng và lợi nhuận giữ lại đều là con số đáng kể thì bạn nên cân nhắc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh để tìm đến cơ hội tăng trưởng mới.
- Retained Earnings đặc biệt quan trọng với các công ty nhỏ đang trong giai đoạn phát triển vì có thể được sử dụng làm một khoản vốn lưu động.
>>> Xem thêm: Cẩm nang xin việc ngành Kế toán - Kiểm toán
Retained Earnings công thức tính như thế nào?
Công thức tính Retained Earnings:
Lợi nhuận giữ lại = Lợi nhuận giữ lại đầu kỳ + Thu nhập hoặc lỗ ròng - Cổ tức
Ví dụ: Một công ty bắt đầu kỳ hạch toán với lợi nhuận giữ lại là 7 tỷ (lợi nhuận được ghi nhận từ kỳ hạch toán trước). Sau đó, công ty mang lại lợi nhuận ròng là 5 tỷ và trả tổng cổ tức là 2 tỷ. Vậy lợi nhuận giữ lại của công ty đó là 7 tỷ + 5 tỷ - 2 tỷ = 10 tỷ. Điều này có nghĩa công ty đã giữ lại khoản thu nhập 10 tỷ cho kỳ hạch toán này.
Lợi nhuận giữ lại của một công ty được tích lũy trong suốt thời gian hoạt động, được chuyển qua từng kỳ hoặc một năm hạch toán mới. Nếu công ty có lãi (Profit), lợi nhuận giữ lại sẽ tăng lên trong mỗi kỳ hạch toán, tùy thuộc vào cách mà công ty sử dụng khoản lợi nhuận giữ lại của mình.
>>> Xem thêm: Profit là gì? Tìm hiểu về thước đo hiệu quả của hoạt động kinh doanh
Cách diễn giải kết quả tính Retained Earnings
Retained Earnings của một doanh nghiệp phản ánh lợi nhuận của công ty sau khi tất cả cổ tức và nghĩa vụ tài chính khác đã được chi trả. Thông qua diễn giải lợi nhuận giữ lại, bạn sẽ xác định được tình hình tài chính của công ty để đưa ra được quyết định phù hợp.
Ví dụ: Nếu một công ty mới kinh doanh được vài năm, Retained Earnings có thể sẽ âm. Điều đó hoàn toàn phù hợp nếu công ty đã vay vốn hoặc phụ thuộc vào nhiều nhà đầu tư để khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, nếu một công ty đã hoạt động được nhiều năm, lợi nhuận giữ lại âm có thể là dấu hiệu cho thấy công ty không đủ lợi nhuận và cần được hỗ trợ tài chính.
Khi diễn giải lợi nhuận giữ lại, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
- Tuổi của công ty: Công ty có thâm niên cao hơn sẽ có nhiều thời gian hơn để tích lũy Retained Earnings nên khoản lợi nhuận giữ lại thường cao hơn.
- Chính sách cổ tức của công ty: Nếu một công ty cam kết chia cổ tức thường xuyên cho các cổ đông thì lợi nhuận giữ lại có thể thấp hơn. Nhiều công ty công còn chấp nhận thanh toán cổ tức cao hơn so với công ty tư nhân nên việc Retained Earnings thấp cũng là điều dễ hiểu.
- Khả năng sinh lời của công ty: Công ty có lợi nhuận càng cao thì lợi nhuận giữ lại càng cao.
- Tính thời vụ của ngành hàng: Với những ngành kinh doanh có tính thời vụ cao, điển hình là ngành bán lẻ, các công ty có thể cần dự trữ Retained Earnings sau mỗi kỳ có lãi vì không phải kỳ nào lợi nhuận cũng dương.
Cách sử dụng Retained Earnings hiệu quả cho doanh nghiệp
Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho các khoản đầu tư của họ. Nếu một công ty biết cách quản lý tài chính và có cơ hội sinh lời, các nhà đầu tư sẽ muốn công ty đó giữ lại Retained Earnings thay vì trả cổ tức để có khả năng nhận được lợi nhuận lớn hơn sau này. Nếu một công ty không thể hiện được khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà đầu tư lại muốn nhận lại cổ tức hơn. Vì thế, nhà quản lý tài chính của doanh nghiệp phải biết cân đối giữa việc chia cổ tức và giữ lại lợi nhuận để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Có 4 cách sử dụng lợi nhuận giữ lại phổ biến là:
- Mở rộng: Các công ty thường sử dụng lợi nhuận giữ lại để nỗ lực mở rộng kinh doanh với mục tiêu gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Việc thiết lập ngân sách và duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận là điều quan trọng.
- Đầu tư: Đầu tư vào hoạt động kinh doanh hoặc tài sản là một cách sử dụng khác của Retained Earnings. Điều này có thể rủi ro nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận cho sự phát triển kinh doanh.
- Giảm nợ: Nhiều doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận giữ lại để trả nợ. Điều này có thể cải thiện tình hình tài chính cho công ty và giảm chi phí lãi vay. Với quyết định này, việc ưu tiên trả khoản nợ nào trước là điều đáng cân nhắc.
- Mua lại cổ phiếu: Một số công ty sử dụng Retained Earnings để mua lại cổ phiếu từ các cổ đông. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiệu hữu hoặc giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Những yếu tố ảnh hưởng đến Retained Earnings là gì?
Doanh thu tăng sẽ giảm tác động đến lợi nhuận giữ lại vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng. Thặng dư lợi nhuận ròng sẽ để lại khoản lợi nhuận giữ lại dồi dào hơn sau khi đã trả nợ, thuế và cổ tức. Như vậy, tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng sẽ tác động đến lợi nhuận giữ lại, bao gồm:
- Giá vốn hàng bán và vốn sản xuất hàng hóa, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất.
- Chi phí hoạt động liên quan đến kinh doanh, thiết bị, nhà xưởng, chi phí tồn kho, tiền lương, tiếp thị, bảo hiểm và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển.
- Doanh thu bán hàng.
- Khấu hao tài sản cố định.
Như vậy, để có thể tối ưu Retained Earnings cũng như đưa ra quyết định sử dụng khoản tiền đó một cách hiệu quả, bạn cần có cái nhìn tổng quan về mọi mặt của hoạt động kinh doanh. Bạn cần nắm vững tất cả hoạt động chi tiêu và các dòng tiền vào-ra của doanh nghiệp và có khả năng phân tích tỉ mỉ, cẩn trọng để không gây ra bất cứ sai sót nào.
Những việc làm phân tích Retained Earnings phổ biến
Tất cả các vị trí thuộc bộ phận Tài chính - Kế toán của doanh nghiệp cần phải phân tích và diễn giải lợi nhuận giữ lại trên bảng báo cáo tài chính thường xuyên. Họ là những người nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách cặn kẽ và là người hỗ trợ các nhà quản trị đưa ra quyết định tận dụng Retained Earnings sao cho hiệu quả.
Để rèn luyện kỹ năng phân tích tài chính cũng như trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực này, bạn có thể tham khảo một số công việc như sau:
Kế toán
Nhân viên kế toán chiếm vị trí quan trọng trong doanh nghiệp khi tham gia phân tích, đo lường và lưu trữ toàn bộ thông tin tài chính của doanh nghiệp. Họ sẽ ghi chép chi tiết và đầy đủ mọi hoạt động thu chi, xây dựng bảng cân đối tài chính để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Chuyên viên phân tích tài chính
Chuyên viên phân tích tài chính là vị trí có tiếng nói mạnh mẽ trong mỗi doanh nghiệp, khi là người đưa ra khuyến nghị kinh doanh, đầu tư cho ban lãnh đạo. Họ am hiểu sâu sắc về lĩnh vực tài chính, chịu trách nhiệm tổng hợp, phân tích và báo cáo mọi thông tin về tài chính cho ban quản trị. Dựa trên các chỉ số tài chính thu được và sự nhạy bén với xu hướng thị trường, chuyên viên phân tích tài chính có thể đưa ra những quyết định ngoạn mục cho sự phát triển của công ty.
Kiểm soát viên tài chính
Kiểm soát viên tài chính là người chịu trách nhiệm báo cáo quản lý dự án, kế toán tài chính, dự trù ngân sách và quản lý mọi vấn đề liên quan đến ngân sách hiện tại của doanh nghiệp. Đây là vị trí thuộc ban điều hành cấp cao, thường là một trong những người đứng đầu bộ phận kế toán của doanh nghiệp.
Bài viết trên đây đã giải thích chi tiết giúp bạn khái niệm Retained Earning là gì, vai trò, công thức, cách diễn giải và sử dụng Retained Earnings một cách hiệu quả. Để rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực Tài chính - Kế toán, biết cách kiểm soát và phát huy tốt các chỉ số tài chính bao gồm Retained Earnings, bạn đừng quên trải nghiệm các công việc thực tiễn thuộc ngành nghề này. Hãy truy cập vào chuyên trang tuyển dụng TopCV để chọn lựa cho mình một việc làm Kế toán/Kiểm toán hoặc việc làm Tài chính/Đầu tư phù hợp với năng lực của mình. Và đừng quên tận dụng công cụ tạo CV theo mẫu có sẵn của TopCV để gia tăng độ chuyên nghiệp cho hồ sơ xin việc của mình!