Assistant Brand Manager (ABM) làm nhiệm vụ hỗ trợ quản lý thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua các xu hướng quảng cáo và tiếp thị mới nhất. Để tìm hiểu về con đường sự nghiệp của ABM, bạn đọc hãy cùng TopCV theo dõi trọn vẹn bài viết sau đây!
Assistant Brand Manager là gì?
Assistant Brand Manager là Trợ lý giám đốc Thương hiệu, họ hỗ trợ Giám đốc thương hiệu (Brand Manager) xây dựng kế hoạch và chiến lược để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp.
Assistant Brand Manager được coi là chuyên gia nắm bắt xu hướng, phát triển các chiến lược quảng cáo và tiếp thị hiệu quả. Nhờ vậy, trợ lý giám đốc thương hiệu góp phần tạo dựng vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong cuộc chiến thương hiệu đầy cam go.
Công việc của Assistant Brand Manager
Mỗi tổ chức sẽ có cách thức phát triển thương hiệu riêng nên công việc của trợ lý giám đốc thương hiệu ở mỗi công ty cũng có sự khác biệt. Dù vậy, nhìn chung mọi Assistant Brand Manager đều thực hiện các công việc như sau:
Quản lý thương hiệu
Trợ lý giám đốc thương hiệu chịu trách nhiệm quản lý tất cả các vấn đề xoay quanh thương hiệu, bao gồm:
- Báo cáo tình trạng xây dựng thương hiệu cho ban quản lý để đảm bảo ngân sách đang được tận dụng hiệu quả, tối ưu chi phí, gia tăng doanh thu/lợi nhuận.
- Giám sát các thông số liên quan đến lợi nhuận, doanh thu để định vị tốt hơn các sản phẩm, dịch vụ của công ty, từ đó đưa ra đề xuất để cải thiện chất lượng thương hiệu.
- Hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh và tiếp thị hàng năm/quý/tháng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Nghiên cứu và đề xuất ý tưởng phát triển thương hiệu
Để đề xuất ý tưởng hay cho hoạt động phát triển thương hiệu, Assistant Brand Manager phải thường xuyên làm các công tác nghiên cứu như:
- Phân tích thương hiệu của đối thủ cạnh tranh và xu hướng thị trường để hiểu về cách định vị thương hiệu.
- Nghiên cứu tài liệu của công ty để hiểu rõ hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp.
- Nghiên cứu thị trường, nắm bắt các xu hướng mới để lên ý tưởng cho các hoạt động tiếp thị thương hiệu.
Thực hiện các công việc hành chính
Bên cạnh các công việc liên quan đến chuyên môn là xây dựng và phát triển thương hiệu, Assistant Brand Manager còn cần thực hiện các công việc hành chính khác như:
- Tổ chức các cuộc họp với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp, quản lý để báo cáo, thảo luận hoặc cùng nghiên cứu về một phương án tiếp thị mới.
- Ghi lại các thông tin quan trọng đã trao đổi trong suốt cuộc họp.
- Kết nối, tương tác và làm việc với các đại lý quảng cáo hoặc khách hàng qua email, điện thoại, v.vv..
>>> Xem thêm: Brand Marketing là gì? Brand Marketing làm những công việc như thế nào?
Giám sát nhân viên
Tuy không phải chức danh quản lý, Assistant Brand Manager được xem là đầu mối giữa bộ phận thương hiệu và các phòng ban khác. Để hoạt động xây dựng thương hiệu diễn ra hiệu quả, trợ lý giám đốc thương hiệu cần biết cách điều phối công việc của các bên liên quan:
- Quản lý hoạt động của các bộ phận, nhân sự trong công ty có tham gia dự án xây dựng thương hiệu theo ngân sách và thời hạn được giao.
- Điều phối các đội nhóm, bộ phận (chủ yếu là sales và phát triển sản phẩm) trong các chiến dịch xây dựng thương hiệu.
- Chịu trách nhiệm với các thực tập sinh, đóng vai trò lãnh đạo các nhóm nhằm bao quát công việc theo đúng chiến lược quảng bá thương hiệu của công ty.
Hỗ trợ công việc cho Brand Manager
Cuối cùng, một Assistant Brand Manager cần hỗ trợ công việc cho cấp trên gần nhất của mình, chính là Brand Manager. Về cơ bản, nhiệm vụ mà trợ lý giám đốc thương hiệu cần làm vẫn là nghiên cứu, phân tích dữ liệu và xu hướng quảng cáo, tiếp thị.
ABM sẽ đồng hành, làm theo sự phân công và dẫn dắt của giám đốc thương hiệu. Khi hỗ trợ cho Brand Manager, ABM sẽ trau dồi được cho mình những kỹ năng quan trọng để trở thành một giám đốc thương hiệu thực thụ trong tương lai.
Những điều kiện để trở thành một Assistant Brand Manager
Công việc của trợ lý giám đốc thương hiệu đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng và trên hết là tư duy của một người làm sáng tạo. Nếu bạn đang định hướng trở thành một Assistant Brand Manager trong tương lai, hãy từng bước xây dựng cho mình những nền tảng sau:
Chuyên môn
Các nhà tuyển dụng thường ưu tiên ứng viên ABM có kiến thức về Marketing thương hiệu, có kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch và thực thi các chiến dịch quảng bá. Bên cạnh đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, bạn còn cần am hiểu về kinh doanh, thị trường và tài chính.
Tư duy
Đối với một ABM, tư duy sáng tạo chính là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bạn không chỉ thường xuyên theo dõi và nắm bắt các xu hướng branding mới, mà còn cần sáng tạo ra những chiến lược độc đáo nhằm đem lại hiệu quả xây dựng thương hiệu tốt nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần có tư duy nhạy bén về những con số (vốn, ngân sách, doanh thu, lợi nhuận, v.vv..). Làm sáng tạo không có nghĩa là luôn bay bổng mà bạn cần biết cách theo dõi, thu thập và phân tích số liệu để hiểu được ý nghĩa ẩn chứa trong từng con số đó.
>>> Khám phá TOP việc làm Assistant Brand Manager HOT đang được tuyển dụng trên TopCV ngay!
Kỹ năng
Một Assistant Brand Manager cần trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng mềm quan trọng, bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp: ABM thường xuyên phải làm việc với các khách hàng và đối tác. Vì thế, kỹ năng giao tiếp khéo léo, thông minh là yếu tố bắt buộc để tạo được thiện cảm.
- Kỹ năng làm việc nhóm: ABM phải tương tác rất nhiều với các nhân sự trong bộ phận của mình và cả các phòng ban khác trong doanh nghiệp nên phải biết cách làm việc nhóm để giảm thiểu xung đột và đem lại hiệu quả công việc tốt nhất.
- Kỹ năng nghiên cứu: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với một ABM. Cần biết cách tận dụng các công cụ để nghiên cứu, đo lường số liệu, biết cách đọc dữ liệu và phân tích dữ liệu, làm khảo sát để hỗ trợ công việc làm thương hiệu.
- Kỹ năng thuyết trình: Những cuộc họp, báo cáo và trình bày ý tưởng là một phần công việc của ABM nên bạn bắt buộc phải rèn luyện kỹ năng thuyết trình tự tin nếu muốn theo đuổi ngành nghề này.
- Kỹ năng thuyết phục: Một trong những nhiệm vụ của ABM là thuyết phục khách hàng, đối tác, quản lý và đồng nghiệp với những sáng kiến phát triển thương hiệu của mình.
- Kỹ năng quản lý, điều phối: Bất cứ dự án nào muốn thành công thì ABM đều cần biết cách điều phối nhân sự.
- Kỹ năng tổ chức, quản lý thời gian: Mỗi dự án đều gắn liền với thời hạn. Dự án kéo dài hơn kế hoạch đồng nghĩa với việc chi phí bị tăng lên. Vì thế, để tối ưu chi phí, ngân sách thì ABM phải có kỹ năng quản lý thời gian tốt.
- Kỹ năng truyền thông xã hội: Để thực hiện các chiến dịch tiếp thị thương hiệu thành công, ABM cần có kỹ năng sử dụng các công cụ truyền thông xã hội. Thông qua các công cụ này, ABM có thể phân tích số liệu, theo dõi xu hướng và quản lý được sự hiện diện trực tuyến của thương hiệu.
- Kỹ năng sử dụng công nghệ: Kỹ năng quan trọng nhất mà một Assistant Brand Manager cần có là sử dụng công nghệ thông tin. Vì thời đại kỹ thuật số lên ngôi như hiện nay, nắm được công nghệ là có được lợi thế cạnh tranh về thương hiệu trên các nền tảng số.
>>> Xem thêm: Brand Activation là gì? Chiến lược thực hiện Brand Activation hiệu quả
Kinh nghiệm làm việc
Marketing, tiếp thị và quảng cáo là một trong những ngành mang lại cơ hội nghề nghiệp linh hoạt nhất hiện nay. Chỉ cần học hỏi và tích lũy thêm kiến thức, bạn có thể thoải mái chuyển dịch từ nghề này sang nghề khác trong cùng lĩnh vực.
Như vậy, chỉ cần bạn có kinh nghiệm làm việc ở bất cứ vị trí nào trong ngành marketing, tiếp thị và quảng cáo thì đều sẽ có cơ hội được thử sức ở vị trí Assistant Brand Manager. Cũng nhờ các doanh nghiệp ngày nay không còn quá quan trọng bằng cấp mà ưu tiên tư duy hơn.
Làm sao để trở thành một ABM chuyên nghiệp?
Dựa vào những điều kiện cơ bản kể trên, chắc hẳn bạn cũng đã nhìn ra lộ trình sự nghiệp của mình nếu quyết định dấn thân vào nghề Assistant Brand Manager. Có 5 bước quan trọng bạn cần trải qua để xây dựng nền tảng của một trợ lý giám đốc thương hiệu:
Kiếm bằng cử nhân
Mặc dù các tổ chức không quá quan trọng bằng cấp, nhưng đó là khi bạn ứng tuyển vào các công ty quy mô nhỏ. Còn các thương hiệu lớn chuyên làm về truyền thông và thương hiệu thì vẫn ưu tiên ứng viên có bằng cử nhân thuộc lĩnh vực marketing, tiếp thị và quảng cáo.
Vì thế, hãy coi đây là điều kiện tối thiểu để khởi đầu sự nghiệp của một Assistant Brand Manager. Bên cạnh đó, nếu bạn có thêm các bằng cấp về các chuyên ngành liên quan như kinh doanh, quản trị kinh doanh thì càng được ưu ái hơn.
Học thi để lấy các chứng chỉ liên quan
Mặc dù không phải yếu tố bắt buộc nhưng ngày nay, các chứng chỉ liên quan đến marketing và truyền thông lại có sức nặng khá lớn. Có nhiều chứng chỉ chứng tỏ bạn là người rất chăm chỉ và đam mê theo đuổi ngành nghề này.
Khi trình bày các chứng chỉ ấy trong CV, bạn sẽ dễ dàng gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng. Đương nhiên chỉ khi những chứng chỉ ấy thực sự có tiếng tăm và phải mất thời gian, công sức để có được thì mới có thể làm đẹp cho CV của bạn.
Tích lũy kinh nghiệm
Để có được kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bạn hãy hoàn thành chương trình thực tập hoặc bắt đầu với những vai trò nhỏ nhất trong doanh nghiệp. Hãy bắt đầu công việc với vị trí thực tập sinh marketing, thực tập sinh kinh doanh, v.vv.. để trang bị những kiến thức thực tiễn.
Xây dựng mối quan hệ
Vì Assistant Brand Manager là người phải giao thiệp rất nhiều, nên có một mạng lưới mối quan hệ rộng lớn là điểm cộng lớn. Trong suốt quá trình học tập và rèn luyện trong ngành này, bạn hãy không ngừng mở rộng mối quan hệ của mình.
Hãy tương tác với các chuyên gia trong ngành, chăm chỉ tham dự các hội thảo và sự kiện xã hội, kết nối nhiều hơn với các cộng đồng marketing/truyền thông. Rất có thể bạn sẽ nhận được lời mời làm việc có giá trị trong tương lai từ những mối quan hệ này.
Tìm việc làm
Cuối cùng, khi có đủ điều kiện và cơ hội, bạn hãy tìm việc làm chính thức trong ngành truyền thông thương hiệu. Ngay từ đầu bạn sẽ chưa thể ứng tuyển ngay vào vị trí Assistant Brand Manager nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Bạn nên bắt đầu ở các vị trí như Marketing Executive, Content Marketing, Truyền thông nội bộ, v.vv.. tùy thuộc vào sở thích và thế mạnh của mình. Sau khi làm việc từ 2-3 năm, va chạm với nhiều dự án khác nhau, bạn có thể ứng tuyển vào vị trí Assistant Brand Manager.
Lưu ý rằng, để có thể trải nghiệm rõ ràng nhất nghề ABM nói riêng và nghề marketing/truyền thông nói chung, bạn nên xin vào làm ở các Agency có tiếng, đã hoạt động lâu năm. Đó là môi trường có cơ cấu chặt chẽ nhất, mỗi bộ phận thực hiện chức năng riêng.
Làm việc ở đó sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về ngành, hiểu rõ chuyên môn nghiệp vụ của từng vị trí. Sau này khi làm việc ở vị trí Assistant Brand Manager, cần điều phối các nhân sự khác thì bạn không bị nhầm lẫn vai trò của họ mà phân phối việc một cách hiệu quả hơn.
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp của Assistant Brand Manager
Một Assistant Brand Manager có mức lương khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp và mức độ phức tạp của công việc. Các Agency và doanh nghiệp quy mô lớn sẽ không ngần ngại chi trả mức lương cao hơn nếu ABM có kinh nghiệm chuyên môn cao.
Khi đã làm việc ở vị trí Assistant Brand Manager được 2-3 năm, bạn có thể thăng tiến lên vị trí Brand Manager. Lúc này, công việc của bạn thiên về quản lý, đưa ra chiến lược và kế hoạch nhiều hơn là nghiên cứu và đưa ra ý kiến. Mức lương theo đó cũng tăng lên, khoảng 30-50 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, nếu bạn có mong muốn chuyển đổi công việc, không đi theo hướng quản lý thương hiệu nữa, thì có thể thử nghiệm ở các vị trí liên quan khác như: Marketing Manager (mức lương 25.5-40.5 triệu đồng/tháng), Digital Marketing (21-33 triệu đồng/tháng), Chuyên viên PR (18-25 triệu đồng/tháng), v.vv..
Ngoài việc ứng tuyển tại các Agency, bạn có thể làm việc ngành marketing thương hiệu nói chung và Assistant Brand Manager nói riêng tại bất cứ doanh nghiệp nào có bộ phận phát triển thương hiệu.
Tìm việc làm Assistant Brand Manager ở đâu?
Để khởi đầu sự nghiệp của mình ngay hôm nay, bạn có thể tìm việc làm Assistant Brand Manager tại chuyên trang việc làm uy tín TopCV. TopCV là nền tảng công nghệ tuyển dụng dẫn đầu trong lĩnh vực HR Tech, là đơn vị kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng đáng tin cậy.
Tại đây, bạn sẽ tìm được việc làm ngành truyền thông, quảng cáo, marketing nói chung và cụ thể vị trí trợ lý giám đốc thương hiệu tại khắp các doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp cả nước. Toàn bộ tin tuyển dụng đã được TopCV kiểm duyệt cẩn thận nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và ứng tuyển ngay.
Mọi thông tin mô tả công việc, chế độ đãi ngộ và mức lương đã được trình bày công khai, minh bạch. Vì thế, bạn có thể thoải mái chọn lựa việc làm phù hợp với mức độ kinh nghiệm, kỹ năng và thu nhập như mong muốn.
Ngoài ra, TopCV còn cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ cho quá trình xin việc của bạn. Điển hình có công cụ tạo CV online theo ngành nghề, ngôn ngữ, cấp bậc và phong cách thiết kế. Bạn có thể tận dụng công cụ này để tạo mới hoặc chỉnh sửa CV trực tuyến, tạo ấn tượng chuyên nghiệp hơn trong mắt các nhà tuyển dụng.
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ mọi thông tin xung quanh vị trí Assistant Brand Manager, cùng lộ trình phát triển với nghề nghiệp này. Đây là một ngành nghề mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở, khả năng thăng tiến nhanh và mức thu nhập cao. Chỉ cần bạn nỗ lực và kiên trì, chắc chắn sẽ thành công được với nghề trợ lý giám đốc thương hiệu. Để bắt đầu theo đuổi nghề nghiệp này, bạn hãy tìm việc làm ngay tại website TopCV nhé!