Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phát hành quy định cùng mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mới vào ngày 29/12/2023 để thay thế cho mẫu đơn cũ kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH. Sau đây, TopCV sẽ chia sẻ đến mẫu giấy đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất cùng cách viết chi tiết theo đúng quy định của pháp luật.
Mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 2024
Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là văn bản mà người lao động thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp cần gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm khi thất nghiệp để yêu cầu được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật.
Vào ngày 29/12/2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất, chính là mẫu số 03 ban hành kèm Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH. Mẫu đơn này được sử dụng để thay thế cho mẫu đơn cũ được ban hành kèm Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
Chi tiết mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng Mẫu số 03 thuộc Thông tư 15/2023/NĐ-CP như sau:

Cách viết đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bạn có thể tham khảo cách ghi đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở từng mục theo hướng dẫn sau:
- Kính gửi: Bạn điền tên của Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương, nơi mà bạn sẽ nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ví dụ: “Kính gửi: Trung tâm Dịch vụ việc làm Quận Tây Hồ, Hà Nội”.
- Tên tôi là: Bạn ghi đầy đủ họ và tên theo Căn cước công dân.
- Sinh ngày: Bạn điền đủ ngày, tháng và năm sinh.
- Số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân: Bạn điền số thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn thời hạn của mình, kèm ngày cấp và nơi cấp cụ thể được in trên thẻ.
- Số sổ BHXH: Bạn điền mã số bảo hiểm xã hội của bạn.
- Số điện thoại: Sử dụng số điện thoại chính chủ được dùng để đăng ký thẻ căn cước/định danh cá nhân.
- Địa chỉ email: Bạn có thể điền hoặc bỏ trống mục này nếu không có địa chỉ email.
- Số tài khoản và Tại ngân hàng: Bạn có thể điền số tài khoản ngân hàng của bạn hoặc người thân nếu muốn nhận tiền trợ cấp qua thẻ ngân hàng. Nếu bạn muốn nhận tiền mặt thì bỏ qua mục này.
- Trình độ đào tạo: Bạn điền chức vụ của mình tại nơi làm việc cũ. Ví dụ: “Kỹ sư, Công nhân, Quản lý, v.vv..”
- Ngành nghề đào tạo: Bạn điền thông tin của bộ phận làm việc cũ. Ví dụ: “Sản xuất, Lắp ráp, Kế toán, Hành chính, v.vv..”
- Chỗ ở hiện nay: Bạn điền địa chỉ nơi bạn đang sinh sống. Bạn ghi rõ số nhà, đường phố, tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc.
- Ngày: Ghi rõ ngày, tháng, năm chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc.
- Tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với: Ghi rõ tên công ty cũ nơi bạn làm việc.
- Tại địa chỉ: Ghi chính xác địa chỉ của công ty cũ nơi bạn làm việc.
- Lý do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc: Bạn ghi lý do ngắn gọn. Ví dụ: “Hết hạn hợp đồng, Chuyển nơi sinh sống, Điều chuyển công tác, v.vv..”
- Loại hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc: Bạn ghi đúng loại hợp đồng là có thời hạn hay không xác định thời hạn.
- Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Hãy tra cứu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình để điền thông tin chính xác vào đơn.
- Nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp: Bạn chọn và điền một trong các nơi nhận trợ cấp thất nghiệp sau: “Cơ quan BHXH” hoặc “Thẻ ATM”.
- Kèm theo đơn đề nghị này là: Bạn điền tên của bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP (Theo dõi tiếp bài viết để biết tên giấy tờ cần điền).
Cuối cùng, bạn điền ngày, tháng, năm viết đơn rồi ký, ghi rõ họ tên để hoàn tất thông tin trên đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xem thêm: Làm sao để nhận bảo hiểm thất nghiệp? Hướng dẫn quy trình chuẩn

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đầy đủ
Ngoài đơn đề nghị, người lao động còn cần chuẩn bị các loại giấy tờ khác để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) quy định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ:
- Bản chính hoặc bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động:
- Hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã hết hạn/đã hoàn thành công việc.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc:
- Thông báo/thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.
- Xác nhận của người sử dụng lao động về thông tin của người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do và thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Xác nhận của cơ quan nhà nước về việc giải thể, phá sản, hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức nếu người lao động làm quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.
- Nếu người lao động không có giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội sẽ yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận thông tin trong 10 ngày.
- Nếu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (theo điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013), giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn từ 3-12 tháng là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu.
- Sổ bảo hiểm xã hội.

Quy trình và thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng như quy định của pháp luật, người lao động cần thực hiện thủ tục được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP):
Bước 1: Nộp hồ sơ
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, người lao động chưa tìm được việc làm mới mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp cần nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Trong 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ mà chưa tìm được việc làm thì người lao động sẽ được Trung tâm giới thiệu việc làm xác nhận giải quyết hồ sơ. Trong 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm sổ bảo hiểm xã hội trả cho người lao động. Nếu người lao động không được hưởng trợ cấp thì Trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo rõ ràng kèm văn bản.
Bước 3: Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Ngày bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày thứ 16 sau khi nộp hồ sơ. Trong vòng 5 ngày kể từ khi có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động cùng với thẻ bảo hiểm y tế.
Mỗi tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong 12 ngày từ ngày hưởng trợ cấp tháng đó nếu không có quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Lao động 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, đảm bảo:
- Mức tối đa không vượt quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động nhận chế độ lương do Nhà nước quy định.
- Mức tối đa không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động nhận chế độ lương do người sử dụng lao động quyết định.
Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
Để biết chính xác khoản trợ cấp thất nghiệp của mình là bao nhiêu, bạn có thể sử dụng công cụ Tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp online miễn phí của TopCV.
|
Bước 4: Thông báo tìm việc làm
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm mỗi tháng để thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu trong tháng người lao động không thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm thì sẽ bị cắt trợ cấp tháng đó hoặc chấm dứt hẳn trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động thông báo quá hạn.
Để mau chóng có được việc làm như ý, duy trì thu nhập bền vững, bạn đừng quên tìm kiếm việc làm tại chuyên trang tuyển dụng TopCV!
|

Một số câu hỏi thường gặp khi xin hưởng trợ cấp thất nghiệp
Ngoài những thông tin đã đề cập trên đây, TopCV sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp nhất của người lao động về thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Xin giấy đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở đâu?
Người lao động có thể xin mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm gần nhất, hoặc tải xuống mẫu đơn (Mẫu số 3) đính kèm Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH. TopCV cũng đã chia sẻ link tải Mẫu số 3 ngay ở đầu bài viết. Bạn có thể tải về, in ra và điền đơn theo hướng dẫn hoặc soạn thảo sẵn trên máy tính rồi in ra.
Xem thêm: Người lao động bị đuổi việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào?
Căn cứ Điều 49, Mục 3 Luật việc Làm 2013, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau để được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trừ trường hợp: đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, đang hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động mỗi tháng.
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 tháng trong suốt 24 hoặc 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc tùy theo lý do chấm dứt hợp đồng được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 43.
- Người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp: đang thực hiện nghĩa vụ quân sự/công an, đang đi học có thời hạn trên 12 tháng, đang áp dụng biện pháp giáo dưỡng/giáo dục bắt buộc/cai nghiện bắt buộc, bị tạm giam/phạt tù, ra nước ngoài định cư/lao động nước ngoài, chết.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là bao lâu?
Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Nếu người lao động đóng đủ 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau đó, cứ đóng thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Đảm bảo tổng thời gian hưởng không vượt quá 12 tháng.
Chế độ trợ cấp thất nghiệp có được hưởng những quyền lợi khác không?
Theo Điều 51 Luật Việc làm 2013, trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Trong đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Xem thêm: Các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp kèm hướng dẫn viết đơn chi tiết nhất. Hy vọng bạn có thể thực hiện thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp một cách suôn sẻ và được bảo vệ quyền lợi một cách trọn vẹn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc.
Để mau chóng có được công việc mới với mức lương ổn định hơn, bạn đừng quên tìm kiếm việc làm và ứng tuyển online ngay tại Chuyên trang tuyển dụng TopCV. TopCV sẽ kết nối bạn với những nhà tuyển dụng uy tín hàng đầu trên toàn quốc với quy trình tuyển dụng ngắn gọn, đơn giản và nhanh chóng hơn bao giờ hết!
Nguồn ảnh: Sưu tầm