Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không? Đây là thắc mắc phổ biến của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp và chưa có nhu cầu hưởng trợ cấp. Hãy cùng TopCV tìm hiểu chi tiết ngay dưới đây nhé!
Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
Theo quy định của pháp luật, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được phép cộng dồn bắt đầu từ thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tới khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm số 38/2013/QH13: “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoản thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Theo đó, người lao động không lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ vẫn được coi là chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì thế, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu và cộng dồn để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho những lần tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 45 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định :
“Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.”
Các trường hợp kể trên bao gồm:
- Tìm được việc làm;
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tòa án tuyên bố mất tích;
- Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, người lao động được cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động chưa lĩnh trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp nếu người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp trước đó thì sẽ không được cộng dồn, nhưng vẫn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần tiếp theo nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính trợ cấp thất nghiệp chuẩn, dễ thực hiện
Các trường hợp được cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp
Theo khoản 2, Điều 45 và khoản 3 điều 54 Luật Việc làm số 38/2013/QH13, trường hợp người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp còn lại chưa được hưởng sẽ được bảo lưu để cộng dồn vào thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Đã tìm được việc làm;
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tòa án tuyên bố mất tích;
- Bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.
Người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo khoản 3, Điều 18 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định, nếu trong 3 ngày làm việc mà người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì sẽ được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, nếu người lao động tiếp tục không đến nhận giấy sau 7 ngày làm việc thì quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị hủy. Sau đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp của người lao động sẽ được cộng dồn vào các lần tiếp theo.
>>> Xem thêm: Cập nhật 4 điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất
Người lao động không đến nhận trợ cấp thất nghiệp
Theo khoản 6, Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì sau 3 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội thì người lao động đó được xem là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khi đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Người lao động chưa hưởng đủ trợ cấp thất nghiệp
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tiếp tục được cộng dồn nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm trên 3 năm và có những tháng lẻ chưa được tính trợ cấp thất nghiệp.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp mới nhất
Chi tiết mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và khoản 1 Điều 50 Luật Việc Làm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng sẽ được tính như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp = 60% * Mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp;
- Mức trợ cấp thất nghiệp không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Nếu bạn đang không biết mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của mình là bao nhiêu thì hãy truy cập công cụ tính bảo hiểm thất nghiệp của TopCV. Với đặc điểm tính toán chính xác, cập nhật nhanh chóng những quy định mới nhất giúp bạn tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ trong 5 giây. Click ngay!
|
Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp
Sau 3 tháng không lấy bảo hiểm thất nghiệp có bị mất không?
Câu trả lời là không. Căn cứ vào khoản 6, Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sau 3 tháng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn vào những lần kế tiếp.
Nghỉ ngang có được cộng dồn bảo hiểm thất nghiệp không?
Có. Theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nghỉ ngang (đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật) thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhên, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Lấy bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng đến BHXH không?
Câu trả lời là không. Hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không ảnh hưởng gì đến mức nhận và thời gian nhận các khoản tiền bảo hiểm xã hội như trợ cấp thai sản, lương hưu, rút bảo hiểm xã hội một lần, v.vv..
Đóng bảo hiểm gián đoạn có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Đóng bảo hiểm gián đoạn có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo khoản 1, Điều 45 và khoản 2, Điều 49 của Luật Việc làm 2013, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp không yêu cầu phải đóng bảo hiểm liên tục mà có thể tích lũy từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn/có xác định thời hạn, và tích lũy đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời gian đủ từ 03 tháng tới dưới 12 tháng.
Trên đây là toàn bộ giải đáp về bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không theo quy định của pháp luật hiện hành để bạn tham khảo. Hy vọng những chia sẻ của TopCV trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về bảo hiểm thất nghiệp nhé!
Đây là công cụ tự động, thông minh khi có thể tính chuẩn đến từng con số và trình bày rõ từng hạng mục phí trong công thức được cài đặt sẵn. Ngoài ra, để tìm kiếm việc làm mới thật nhanh chóng, duy trì thời gian đóng BHTN khỏi bị ngắt quãng, bạn đừng quên tham khảo những việc làm mới nhất được đăng tải trên chuyên trang tuyển dụng TopCV!