Mới đây vào tháng 03/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm xử lý những bất cập trong chính sách đóng Bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, đảm bảo quyền lợi cho Người lao động và Người sử dụng lao động. Đây là tin vui khi Người lao động có thể được giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp nếu dự thảo được thông qua. Cùng TopCV tìm hiểu chi tiết về các thông tin liên quan đến mức đóng bảo hiểm thất nghiệp ngay ở bài viết này.
Quy định về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp hiện hành
Theo quy định tại Mục 5, điều 57, Luật Việc làm 2013, mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định như sau:
- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ lương tháng của những Người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp;
- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của những Người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
>>> Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào? 4 lưu ý khi đóng BHTN

Đề xuất linh hoạt mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để Người lao động có việc làm, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Trong đó, Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những nội dung quan trọng được ưu tiên sửa đổi. Mục đích của hoạt động sửa đổi là khắc phục những bất cập, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của Người lao động tham gia bảo hiểm.
Cụ thể, Theo quy định tại Mục 2, điều 99, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định như sau:
a) Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng;
b) Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những Người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp;
c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của những Người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
2. Hằng tháng, Người sử dụng lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và trích tiền lương của từng Người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để đóng cùng một lúc vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
3. Thời điểm đóng Bảo hiểm thất nghiệp của Người sử dụng lao động và Người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng Bảo hiểm thất nghiệp tháng đó. Người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này.
5. Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định.
6. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1.
Nhìn chung, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã linh hoạt mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn. Cụ thể như sau:
Cơ sở chính trị: Theo Nghị quyết 28-NQ/TW, Nghị quyết 42-NQ/TW, nội dung cải cách nhấn mạnh cần linh hoạt các chính sách bảo hiểm để đạt được mục tiêu về mở rộng diện bao phủ. Cụ thể cần hoàn thiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo Người lao động có việc làm.
Cơ sở thực tiễn: Luật Việc làm 2013 đã quy định rõ về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp của Người lao động và Người sử dụng lao động, cụ thể mức cố định là 1% tiền lương của tháng.
Có thể thấy, Luật Việc làm 2013 chưa linh hoạt trong việc điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp, điều này đặc biệt đáng quan ngại trong các trường hợp như: thiên tai, dịch bệnh, suy thoái và khủng hoảng kinh tế khi Quỹ kết dư lớn.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 nhằm chi trả hỗ trợ đối với Người lao động và Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Dựa theo các cơ sở trên, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã đưa ra đề xuất về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp của Người lao động và Người sử dụng lao động, cụ thể thì mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp của Người lao động tối đa 1% tiền lương tháng, Người sử dụng lao động tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của những Người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thay vì mức cố định là 1% như hiện hành.
>>> Có thể bạn quan tâm: Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?

Người lao động có thể hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tối đa bao nhiêu tháng?
Thời gian hưởng BHTN của Người lao động căn cứ vào số tháng đóng BNTN, khi đóng BHTN từ 12 tháng đến 36 tháng, Người lao động sẽ được hưởng 3 tháng Trợ cấp thất nghiệp. Tiếp sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì Người lao động được hưởng thêm 1 tháng Trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên tối đa không quá 12 tháng.

Đó là tất cả những thông tin điều chỉnh mới nhất ở Dự thảo Luật Việc làm, Người lao động cần chủ động nắm bắt những thông tin mới nhất liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Hãy tiếp tục theo dõi những tin tức mới nhất liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp tại TopCV để có thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
Nguồn thông tin về các điều Luật trong bài được tham khảo tại Thuvienphapluat.vn