Bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giúp người lao động giữ được quyền lợi cho mình khi bị bất ngờ chấm dứt hưởng trợ cấp hoặc chưa kịp hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy, trong trường hợp nào người lao động được và không được bảo lưu BHTN? Cùng TopCV tìm hiểu mọi kiến thức xung quanh cách bảo lưu BHTN qua bài viết sau!
Bảo hiểm thất nghiệp có được bảo lưu không?
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ an sinh xã hội quan trọng mà mọi người lao động đều quan tâm, đặc biệt là trong tình huống bị mất việc. Tuy nhiên, vì một số lý do mà người lao động chưa kịp hưởng hoặc bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lúc này, bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là phương án tối ưu giúp người lao động bảo vệ quyền lợi cho mình.
Vậy, bảo hiểm thất nghiệp có bảo lưu được không? Câu trả lời là Có! Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà hưởng chưa hết thời gian, hoặc chưa hưởng thì sẽ được bảo lưu và tính cộng dồn cho lần hưởng sau khi đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật.
>>> Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào? 4 lưu ý khi đóng BHTN

7 trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người lao động cũng được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 9, Điều 1, Nghị định 61/2020/NĐ-CP), có một số trường hợp người lao động không được bảo lưu BHTN gồm:
Hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã được hưởng. Trong đó, 1 tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 12 tháng đã đóng BHTN. Trong trường hợp người lao động chưa hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tính thời gian bảo lưu ra kết quả âm thì cũng coi là đã hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động bị phạt hành chính do vi phạm pháp luật về BHTN
Người lao động bị xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm luật BHTN như: Thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc và BHTN, tham gia BHTN không đúng đối tượng, tham gia BHTN không đúng mức quy định, v.vv.. Trong trường hợp này, người lao động được xem là làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHTN để trục lợi cá nhân và sẽ không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí phải tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động từ chối việc làm được giới thiệu 2 lần mà không có lý do chính đáng
Căn cứ vào Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng BHTN mà bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn và giới thiệu việc làm mới. Hoạt động tư vấn này là hoàn toàn miễn phí, dựa trên nhu cầu và khả năng của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của thị trường việc làm. Dù vậy, nếu người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ giới thiệu từ 2 lần mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và cũng không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động không thông báo tình hình tìm kiếm việc làm trong 3 tháng liên tiếp
Theo Khoản 1, Điều 52 Luật Việc làm 2013, người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu có tháng nào người lao động không thông báo tình hình với trung tâm thì sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đó. Phải chờ đến tháng tiếp theo để đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm thì người lao động mới được tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, nếu có 3 tháng liên tục người lao động không thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm cũng sẽ không bảo lưu BHTN cho người lao động này đối với thời gian chưa hưởng trợ cấp.

Người lao động đi xuất khẩu lao động hoặc ra nước ngoài định cư
Người lao động đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đi ra nước ngoài để định cư hoặc đi xuất khẩu lao động, làm việc tại nước ngoài thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, những người lao động này cũng sẽ không được cơ quan bảo hiểm bảo lưu BHTN nữa.
Người lao động đang hưởng lương hưu
Theo luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà làm thủ tục hưởng lương hưu thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay từ ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu. Kể cả khi còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng, người lao động cũng không được bảo lưu BHTN.
Người lao động qua đời
Nếu người lao động chết và được cấp giấy chứng tử thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi trợ cấp thất nghiệp đã chấm dứt, người lao động cũng không thể bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp nữa.
>>> Xem thêm: Cập nhật 4 điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất 2023

Các trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Nếu đáp ứng các quy định sau, người lao động sẽ được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp:
Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Khoản 5, Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 9, Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP), nếu người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp cho lần thất nghiệp tiếp theo trong các trường hợp:
- Có việc làm.
- Phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc công an.
- Đi học có thời hạn trên 12 tháng.
- Phải áp dụng các biện pháp giáo dưỡng, giáo dục bắt buộc hoặc cai nghiện.
- Bị mất tích.
- Đang bị tạm giam để điều tra, thi hành án hoặc phạt tù.
Người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Khoản 3, Điều 18 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, sau 03 ngày ghi hạn đến nhận giấy trả kết quả hưởng BHTN, nếu người lao động không đến lấy thì được coi là không có nhu cầu hưởng BHTN. Sau 07 ngày mà người lao động vẫn không có mặt để nhận kết quả thì quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị hủy.
Đồng thời, tại Điều 5 của Nghị định này, khoảng thời gian đóng BHXH chưa được hưởng sẽ được cộng dồn vào các lần kế tiếp, đồng nghĩa với thời gian đóng BHTN của người lao động sẽ được bảo lưu, dồn vào lần tiếp theo.
Người lao động không đến nhận trợ cấp thất nghiệp
Theo Khoản 6, Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sau 03 tháng hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận trợ cấp và cũng không thông báo lý do thì sẽ được coi là không có nhu cầu hưởng BHTN. Lúc này, thời gian hưởng BHTN của người lao động cũng sẽ được bảo lưu sang lần kế tiếp.
Người lao động chưa hưởng đủ trợ cấp thất nghiệp
Nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm trên 3 năm thì những tháng lẻ chưa được tính trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu, cộng dồn vào lần hưởng BHTN tiếp theo.

Thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Có nhiều trường hợp người lao động không cần thực hiện thủ tục gì, bảo hiểm thất nghiệp vẫn tự động được bảo lưu nếu:
- Không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
- Chưa hưởng đủ trợ cấp thất nghiệp ở những tháng lẻ.
Ở các trường hợp này, người lao động chỉ cần chú ý lấy sổ bảo hiểm xã hội đã được chốt về và bảo quản kỹ. Sau này, khi tiếp tục làm việc và đóng BHXH tại công ty khác thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ tự động được cộng nối sang đơn vị mới.
Tuy nhiên, với tình huống bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải làm thủ tục xin bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Cách bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp này là lên khai báo lý do với trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm. Sau khi xác nhận chính xác thông tin, trung tâm dịch vụ sẽ tiến hành bảo lưu BHTN cho người lao động. Nếu không khai báo lý do rõ ràng với trung tâm thì dù làm gì, người lao động cũng không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp mới nhất

Giải đáp các thắc mắc xung quanh bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về các chính sách bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, TopCV sẽ giải đáp một số thắc mắc khác xung quanh BHTN:
Nghỉ ngang có được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?
Nếu nghỉ ngang, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thời gian hưởng trợ cấp vẫn sẽ được bảo lưu và cộng dồn vào lần tiếp theo nếu đáp ứng đủ các điều kiện của Luật Bảo hiểm.
Bảo hiểm thất nghiệp không lấy có được bảo lưu không?
Nếu không đến lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không lấy trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được coi là không có nhu cầu hưởng BHTN. Lúc này, BHTN sẽ tự động được bảo lưu.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tính như thế nào?
Theo Khoản 1, Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH: Thời gian đóng BHTN được bảo lưu = Tổng thời gian đóng BHTN - Thời gian đóng BHTN đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong đó, thời gian đóng BHTN đã hưởng trợ cấp được tính theo nguyên tắc: 1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp = 12 tháng đóng BHTN.
Để được hỗ trợ tính bảo hiểm thất nghiệp chính xác hơn, có kèm theo phân tích chi tiết các hạng mục như thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng, v.vv.. bạn có thể sử dụng Công cụ tính bảo hiểm thất nghiệp của TopCV.
Nhìn chung, các trường hợp không được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Hết thời gian hưởng, bị phạt do vi phạm luật BHTN, từ chối việc làm được giới thiệu 2 lần, không báo cáo tình hình việc làm cho trung tâm dịch vụ, ra nước ngoài làm việc hoặc định cư, đang hưởng lương hưu và đã qua đời. Ngoài các trường hợp này, người lao động được phép bảo lưu BHTN để bảo vệ quyền lợi cá nhân trong giai đoạn chấm dứt hợp đồng lao động, chưa kiếm được việc làm.
Để mau chóng tiếp nối thời gian đóng BHXH và BHTN, bạn đừng quên tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại TopCV. Cho dù trong những giai đoạn công việc gặp nhiều trở ngại nhất, TopCV vẫn sẽ kết nối bạn với những việc làm uy tín, chất lượng theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm làm việc của bạn!