Công nghệ nhúng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, y tế, thiết bị điện tử, ô tô, v.vv.. Nhờ sự phát triển không ngừng của các thiết bị tích hợp công nghệ cao, nhu cầu tuyển dụng lập trình nhúng cũng tăng mạnh, đặc biệt là vị trí Embedded Software Engineer - người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và tối ưu hóa các hệ thống nhúng.
Nếu bạn đang mong muốn ứng tuyển vào vị trí này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của TopCV để hiểu rõ Embedded Software Engineer là gì và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Embedded Software Engineer là gì?
Embedded Software Engineer (Kỹ sư phần mềm nhúng) là người thiết kế, phát triển và mã hóa các chương trình phần mềm được tích hợp trực tiếp vào hệ thống nhúng như phần mềm trong ô tô, thiết bị y tế, thiết bị điện tử tiêu dùng, hệ thống tự động hóa, v.vv.. Các phần mềm này được gọi chung là phần mềm nhúng (Embedded Software), một phần quan trọng trong hệ thống nhúng (Embedded Systems).
Nhìn chung, phần mềm nhúng là phần mềm độc lập và chỉ chạy một chương trình duy nhất. Không giống như các phần mềm máy tính đa dụng có thể dễ dàng sửa đổi hoặc chuyển đổi giữa các thiết bị, phần mềm nhúng được tích hợp chặt chẽ với phần cứng mà nó điều khiển và được thiết kế để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt.
Ví dụ: Phần mềm điều khiển trên một chiếc lò vi sóng được thiết kế để giúp người dùng chọn các chế độ nấu ăn khác nhau, nhưng chỉ hoạt động trên chiếc lò vi sóng đó và không thể chuyển sang sử dụng trên một thiết bị khác.
Chính vì đặc điểm này nên các kỹ sư phần mềm nhúng cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của phần cứng và phát triển các phần mềm dành riêng cho các thiết bị, máy móc này.
>>> Xem thêm: Lập trình nhúng là gì? Học lập trình nhúng ra trường làm gì?

Mô tả công việc của Embedded Software Engineer
Mô tả công việc của vị trí Embedded Software Engineer có thể khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số nhiệm vụ cơ bản của Embedded Software Engineer được TopCV tổng hợp dưới đây:
- Làm việc với khách hàng và các Kỹ sư phần cứng (Hardware Engineer) để xác định các thông số kỹ thuật của phần mềm nhúng.
- Thiết kế và mã hóa phần mềm hệ thống nhúng cho các thiết bị, máy móc cụ thể.
- Tối ưu hóa hiệu suất hệ thống nhúng, đảm bảo tính ổn định và khả năng mở rộng.
- Thực hiện kiểm thử (Unit Tests, System Tests, Delivery Tests) và xác thực phần mềm trên cả nền tảng mô phỏng và phần cứng vật lý.
- Phối hợp với các Kỹ sư phần cứng để tích hợp phần mềm với các thành phần của phần cứng.
- Hỗ trợ triển khai kiến trúc phần mềm trên các thiết bị nhúng.
- Gỡ lỗi và khắc phục sự cố phần mềm trong quá trình phát triển và vận hành thực tế.
- Xây dựng và lưu trữ tài liệu về thiết kế phần mềm (Software Design), hướng dẫn người dùng (User Manual) và hướng dẫn lập trình viên (Developer Guide).
- Giám sát hiệu suất của phần mềm nhúng, đảm bảo mức độ bảo mật và tính ổn định của phần mềm.
- Cập nhật và nâng cấp phần mềm theo yêu cầu.
Xem thêm: Kỹ sư cầu nối là gì? Có nên làm kỹ sư cầu nối không?
Với sự phát triển của thị trường IoT, nhu cầu tuyển dụng Embedded Engineer ngày càng tăng cao. Tìm việc trên TopCV ngay hôm nay để không bỏ lỡ các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn!
|
Phân biệt Embedded Software Engineer, Embedded Systems Engineer, Software Engineer
Hai vị trí Embedded Software Engineer và Embedded Systems Engineer thường bị nhầm lẫn với nhau do họ đều thực hiện nhiệm vụ phát triển phần mềm cho hệ thống nhúng. Tuy nhiên, phạm vi công việc của Embedded Systems Engineer sẽ rộng hơn và đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu hơn về phần cứng.
Bên cạnh đó, công việc và vai trò của Embedded Software Engineer cũng có phần khác biệt so với các Kỹ sư phần mềm (Software Engineer) thông thường. Bởi lẽ, Embedded Software Engineer không chỉ cần lập trình phần mềm mà còn phải đảm bảo chúng vận hành tốt trên thiết bị phần cứng.
Bạn có thể tham khảo bảng so sánh dưới đây để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa ba vị trí này:
Tiêu chí | Embedded Software Engineer | Embedded Systems Engineer | Software Engineer |
Vai trò chính | Phát triển phần mềm nhúng để kiểm soát và điều khiển phần cứng trong các hệ thống đặc thù, thường chạy trên vi điều khiển hoặc bộ xử lý nhúng. | Thiết kế, tích hợp và tối ưu hóa hệ thống nhúng, bao gồm cả phần cứng và phần mềm để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. | Phát triển phần mềm ứng dụng thông thường chạy trên PC, máy chủ, hoặc các thiết bị di động. |
Trọng tâm công việc | Tập trung vào lập trình điều khiển, quản lý phần cứng thông qua phần mềm, và tối ưu hóa hiệu năng phần mềm nhúng. | Tập trung vào việc thiết kế, tích hợp phần cứng và phần mềm để tối ưu hóa tài nguyên và hiệu năng của toàn bộ hệ thống nhúng. | Tập trung vào thuật toán và xử lý dữ liệu trong các ứng dụng phần mềm. |
Nền tảng triển khai | Phát triển và thử nghiệm phần mềm trên PC, sau đó triển khai trên các board phần cứng nhúng thực tế (ví dụ: vi điều khiển). | Làm việc trực tiếp với PCB, hệ điều hành nhúng (RTOS) hoặc hệ thống không có hệ điều hành (bare-metal). | Phát triển phần mềm bằng các công cụ và framework trên PC, thường không cần quan tâm đến phần cứng. |
Mức độ tương tác với phần cứng | Làm việc trực tiếp với driver, firmware và các giao thức phần cứng như SPI, I2C, UART. | Làm việc sâu với cả phần mềm và phần cứng, bao gồm thiết kế hệ thống từ đầu đến tối ưu hóa toàn bộ. | Chủ yếu tương tác với phần mềm, ít liên quan đến phần cứng, trừ một số trường hợp đặc thù. |
Ví dụ sản phẩm phát triển | Phần mềm nhúng trong các thiết bị y tế, ô tô (ECU, ABS), thiết bị gia dụng (máy giặt, tủ lạnh), và hệ thống IoT. | Thiết kế hệ thống ô tô tự lái, thiết bị IoT, hệ thống viễn thông, hoặc thiết bị điện tử thông minh. | Ứng dụng web, mobile apps, phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP), trò chơi điện tử, v.v. |
Tại TopCV, bạn có thể cập nhật tin tuyển dụng Software Engineer từ các doanh nghiệp hàng đầu. Hàng trăm vị trí hấp dẫn đang chờ bạn khám phá. Tìm hiểu ngay!
|
>>> Xem thêm: Kỹ sư phần mềm là gì? Những điều bạn cần biết về ngành kỹ sư phần mềm
Yêu cầu công việc đối với Embedded Software Engineer
Công việc của Embedded Software Engineer khá phức tạp, yêu cầu khả năng lập trình phần mềm thành thạo và hiểu biết sâu về phần cứng. Bên cạnh đó, họ cần có các kỹ năng mềm cần thiết để đảm bảo hiệu suất công việc.
Tùy thuộc vào tính chất và phạm vi công việc, mỗi doanh nghiệp sẽ đưa ra các yêu cầu riêng khi tuyển dụng vị trí Embedded Software Engineer. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số yêu cầu phổ biến dưới đây:
Yêu cầu về chuyên môn
Kỹ sư phần mềm nhúng là một vị trí đặc thù trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Điện/Điện tử/Viễn thông với yêu cầu khắt khe về trình độ học vấn, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu. Cụ thể:
Về bằng cấp:
- Tốt nghiệp bậc Đại học trở lên trong các chuyên ngành liên quan như: Kỹ thuật điện, Điện tử, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính, v.vv..
Về kinh nghiệm:
- Có kinh nghiệm làm việc tại vị trí Embedded Software Engineer hoặc các vị trí tương đương khác.
- Có kinh nghiệm phát triển phần mềm nhúng và triển khai trình điều khiển phần cứng.
- Có kinh nghiệm sử dụng các công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm như công cụ gỡ lỗi (JTAG, bộ phân tích logic, máy hiện sóng, v.vv..), theo dõi lỗi, quản lý cấu hình phần mềm, v.vv..
- Thành thạo các công cụ phát trong ngành lập trình nhúng như Raspberry Pi, Keil, IAR, Arduino, GCC hoặc các IDE tương tự.
Về kiến thức:
- Thành thạo ngôn ngữ lập trình C/C++ (bắt buộc) và các ngôn ngữ khác như Python, Perl, Bash shell script, v.vv..
- Hiểu biết về các giao thức truyền thông như: SPI, I2C, CAN/CANFD, UART, OCPP, Modbus, v.v.
- Có kiến thức về vi điều khiển như: ESP32, STM32, NXP, IMX, ARM Cortex-M, AVR, PIC, v.vv..
- Am hiểu về hệ điều hành Linux và hệ điều hành thời gian thực RTOS (RTX, OSEK, FreeRTOS, TOCK, v.vv..)
- Có kiến thức về các phương pháp phát triển phần mềm như: Agile, DevOps, Scrum, v.vv..
- Hiểu biết về phần cứng (mạch kỹ thuật số, analog, bộ vi điều khiển, bộ vi xử lý, vv..) và sơ đồ mạch điện tử.
- Có khả năng đọc hiểu thiết kế chi tiết và ý nghĩa của các chỉ số trong thiết kế.
- Ưu tiên ứng viên có kiến thức về IoT như: IP, Wifi, TCP/IP protocol, Bluetooth, Zigbee, Cellular, RF, Web Server, Cloud, v.vv..
- Khả năng sử dụng tiếng Anh tốt.
Xem thêm: Ngôn ngữ lập trình C++ là gì ? Sự khác nhau C và C++ dành cho người mới bắt đầu
Ngoài vị trí Embedded Software Engineer, bạn có thể tham khảo các vị trí việc làm khác trong lĩnh vực Điện tử/Phần cứng để tăng cơ hội trúng tuyển. Click để tìm hiểu ngay!
|

Yêu cầu về kỹ năng mềm
Bên cạnh các yêu cầu chuyên môn kể trên, Embedded Software Engineer cũng cần trau dồi các kỹ năng mềm khác như:
- Kỹ năng phân tích: Embedded Software Engineer thường xuyên tiếp xúc với các yêu cầu, hệ thống, thông tin phức tạp. Do đó, họ cần có khả năng tư duy logic và phân tích tốt để xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác và hoàn thành công việc nhanh chóng.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Trong quá trình kiểm thử và phát triển phần mềm nhúng, Embedded Software Engineer có thể gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: lỗi hệ thống, dung lượng bộ nhớ của hệ thống nhúng hạn chế, vấn đề bảo mật, v.vv.. Do đó, họ cần có khả năng giải quyết vấn đề tốt để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả.
- Kỹ năng giao tiếp: Embedded Software Engineer phải thường xuyên làm việc với các Kỹ sư phần cứng, Quản lý dự án, bộ phận thiết kế sản phẩm, v.vv.. Vì vậy, họ cần có kỹ năng truyền đạt thông tin dễ hiểu, rành mạch để phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp.
- Kỹ năng quản lý dự án: Embedded Software Engineers có thể tham gia vào nhiều giai đoạn của quá trình phát triển sản phẩm, thậm chí tham gia vào nhiều dự án cùng lúc. Để đảm bảo tiến độ công việc, họ cần biết cách lập kế hoạch, ưu tiên nhiệm vụ, theo dõi tiến độ công việc và các mốc thời gian quan trọng.
- Tính tỉ mỉ, cẩn thận: Một lỗi nhỏ trong quá trình phát triển phần mềm cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nhúng và gây lãng phí thời gian, nguồn lực cho việc tìm lỗi, gỡ lỗi. Vì vậy, tính tỉ mỉ, cẩn thận là một phẩm chất quan trọng đối với Embedded Software Engineers, giúp họ đáp ứng yêu cầu công việc.

Mức lương Embedded Software Engineer
Tại Việt Nam, lập trình nhúng là ngành có sức hút lớn và có nhu cầu tuyển cao. Để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra mức lương cạnh tranh và các chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Theo khảo sát từ Glassdoor, mức lương trung bình của Embedded Software Engineer tại Việt Nam là 16.300.000 VND/tháng và dải lương phổ biến từ 11.400.000 - 23.900.000 VND/tháng. Ở vị trí Senior Embedded Software Engineer, với yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn, mức thu nhập có thể lên tới 32.700.000 - 43.300.000 VND/tháng (theo GlassDoor).
Ngoài ra, mức lương của Embedded Software Engineer còn phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm và cấp bậc. Để có cái nhìn tổng quan, bạn có thể tham khảo bảng lương chung của ngành IT - Phần mềm dưới đây (theo báo cáo “Thị trường tuyển dụng 2024 - 2025” của TopCV):
(Đơn vị: VND/tháng)
Vị trí | Trung vị thấp | Trung vị cao |
Thực tập sinh | 3.000.000 | 5.000.000 |
Nhân viên (Dưới 1 năm kinh nghiệm) | 7.000.000 | 11.000.000 |
Nhân viên (1 - 3 năm kinh nghiệm) | 10.000.000 | 20.000.000 |
Chuyên viên (Trên 3 năm kinh nghiệm) | 16.000.000 | 24.500.000 |
Trưởng nhóm | 19.000.000 | 35.000.000 |
Quản lý/Trưởng phòng | 27.000.000 | 52.000.000 |
Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực “khát nhân lực” trong thời gian gần đây. Để nắm bắt những cơ hội việc làm hấp dẫn, hãy tham khảo ngay danh sách tin tuyển dụng mới nhất trên TopCV!
|
Ứng dụng của Embedded System trong đời sống
Embedded System (Hệ thống nhúng) là một sự kết hợp giữa phần mềm (software) và phần cứng (hardware) của máy tính, có khả năng tự nhúng và được nhúng trong môi trường hoặc hệ thống mẹ. Hiện nay, Embedded System được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ô tô, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghiệp tự động hóa, hàng không vũ trụ, v.vv.. Cụ thể:
- Công nghiệp ô tô: Embedded System được sử dụng để kiểm soát động cơ, theo dõi hành trình di chuyển, đảm bảo an toàn cho thân xe, điều khiển robot lắp ráp, hệ thống giải trí trên xe, hỗ trợ kết nối với điện thoại di động, v.vv..
- Mạng lưới viễn thông: Embedded System được ứng dụng trong hệ thống truyền thông không dây, ứng dụng điện toán di động, hệ thống mạng, v.vv..
- Hệ thống thẻ thông minh: Embedded System được tích hợp trong thẻ ngân hàng, hệ thống bảo mật thẻ, v.vv..
- Hàng không vũ trụ: Embedded System sử dụng trong việc quản lý và điều khiển hệ thống vệ tinh, tên lửa, các phương tiện hành không vũ trụ, v.vv..
- Hệ thống mạng và thiết bị ngoại vi máy tính: Embedded System được thiết kế để xử lý hình ảnh, quản lý hệ thống mạng lưới, thẻ mạng, thiết bị hiển thị, màn hình, v.vv..
- Thiết bị điện tử tiêu dùng: Embedded System được tích hợp trong các loại tivi có độ phân giải cao, máy ảnh kỹ thuật số, đầu DVD, v.vv..
- Thiết bị gia dụng: Embedded System giúp tự động hóa và bổ sung các tính năng tiện ích cho các thiết bị như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, v.vv..

Cơ hội việc làm của Embedded Software Engineer
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Lập trình nhúng là ngành có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Theo số liệu thống kê từ Statista, quy mô thị trường IoT toàn cầu đạt 1.387 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 2.227 tỷ USD vào năm 2028. Tại Việt Nam, thị trường này cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, dự kiến đạt 13,1 tỷ USD trong năm 2028 (theo báo cáo của Research and Markets).
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành IoT, nhu cầu tuyển dụng Embedded Software Engineer ngày càng tăng cao vì hệ thống nhúng chính là "xương sống" của các thiết bị IoT giúp chúng thu thập, xử lý và truyền dữ liệu hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, thiết bị y tế, thiết bị điện tử, v.vv.. cũng cần tuyển dụng Embedded Software Engineer để phát triển các thiết bị thông minh, tích hợp công nghệ cao, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Để nắm bắt cơ hội nghề nghiệp này, bạn hãy tạo CV Kỹ sư phần mềm và ứng tuyển ngay trên nền tảng TopCV. Với kho mẫu đa dạng và giao diện dễ sử dụng, công cụ sẽ giúp bạn nhanh chóng tạo CV xin việc chuyên nghiệp, đúng chuẩn!
|
>>> Xem thêm: IoT là ngành gì? Theo đuổi IoT cần chuẩn bị những gì?
Cơ hội thăng tiến
Bên cạnh cơ hội làm việc rộng mở và mức thu nhập hấp dẫn, Embedded Software Engineer cũng có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Cụ thể:
Embedded Software Intern => Embedded Software Engineer => Senior Embedded Software Engineer => Principal Embedded software engineer => Embedded Software Manager |
- Embedded Software Intern: Các bạn sinh viên năm cuối hoặc người mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế, có thể đi thực tập trong lĩnh vực lập trình nhúng để được đào tạo bài bản và có cơ hội tham gia vào các dự án phát triển phần mềm nhúng thực tế.
- Embedded Software Engineer: Vị trí này sẽ trực tiếp tham gia vào việc phát triển, thử nghiệm và tối ưu hóa phần mềm nhúng. Khi làm việc tại vị trí này, bạn sẽ có cơ hội tích lũy kiến thức chuyên môn và trau dồi các kỹ năng cần thiết để phát triển lên các vị trí cao hơn trong nấc thang sự nghiệp.
- Senior Embedded Software Engineer: Vị trí Senior Embedded Software Engineer sẽ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu hơn và kinh nghiệm tham gia vào các dự án phát triển phần mềm nhúng. Họ thường đảm nhiệm các công việc phức tạp hoặc tham gia vào các dự án lớn, đồng thời là người hướng dẫn và giám sát kết quả công việc của các kỹ sư cấp dưới.
- Principal Embedded Software Engineer: Vị trí này sẽ giải quyết các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu như tối ưu thiết kế hệ thống nhúng; dự đoán rủi ro của thiết kế và đề xuất phương án xử lý; thiết kế các module khó, phức tạp, yêu cầu cao về kỹ thuật; xây dựng quy trình, quy định trong thiết kế; v.vv..
- Embedded Software Manager: Bên cạnh các công việc liên quan đến chuyên môn, Embedded Software Manager sẽ chịu trách nhiệm quản lý đội nhóm và đảm bảo tiến độ dự án. Họ là người đặt mục tiêu, phân chia công việc và theo dõi tiến độ của các thành viên trong nhóm.
Xem thêm: Tìm hiểu từ A đến Z về lộ trình thăng tiến của kỹ sư phần mềm

Cơ hội chuyển đổi sang các vị trí khác
Với kỹ năng lập trình và kiến thức về các thiết bị phần cứng, Embedded Software Engineer có thể chuyển đổi linh hoạt sang các vị trí khác trong lĩnh vực Điện/Điện tử/Viễn thông và Công nghệ thông tin. Điều này tạo ra cơ hội việc làm rộng mở và sự linh hoạt trong con đường phát triển sự nghiệp.
Dưới đây là một số vị trí chuyển đổi mà Embedded Software Engineer có thể đảm nhiệm:
Embedded Test Engineer
Embedded Test Engineer là người chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và thực hiện các trường hợp kiểm thử cho phần mềm nhúng. Họ sẽ thực hiện các kế hoạch kiểm thử để đảm bảo phần mềm và phần cứng kết nối chặt chẽ với nhau trong hệ thống nhúng. Cụ thể:
- Phát triển các trường hợp kiểm thử và lựa chọn các trường hợp kiểm thử phù hợp cho kiểm thử hồi quy.
- Lên kế hoạch và thực hiện việc kiểm thử hệ thống nhúng.
- Xác định, ghi chép và theo dõi các vấn đề trong quá trình kiểm thử.
- Phân tích lỗi và cập nhật thông số kỹ thuật kiểm thử.
- Báo cáo kết quả kiểm thử cho các bên liên quan và phối hợp khắc phục lỗi.
>>> Xem thêm: Tester là gì? Những kỹ năng cần có để trở thành một tester chuyên nghiệp
Software Quality Assurance Engineer
Software Quality Assurance Engineer là người giám sát toàn bộ quy trình phát triển phần mềm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng đã đề ra. Vị trí này tham gia vào nhiều giai đoạn trong quá trình phát triển phần mềm và đảm bảo chất lượng của sản phẩm trước khi phát hành.
- Thiết lập các quy trình và tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng phần mềm.
- Tạo và thực hiện các chương trình kiểm thử thủ công và tự động.
- Phân tích kết quả kiểm thử, xác định lỗi và phối hợp với đội ngũ phát triển để khắc phục.
- Kiểm tra, đánh giá sản phẩm trước khi phát hành để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đã đề ra.
>>> Xem thêm: QA QC là gì? Những điều có thể bạn chưa biết về hai vị trí QA/QC
Project Engineer (Kỹ sư dự án)
Project Engineer (Kỹ sư dự án) là người điều phối và quản lý các dự án công nghệ, kỹ thuật, xây dựng, v.vv.. Họ là người lập kế hoạch dự án, quản lý ngân sách, nhân sự và phối hợp với các bên liên quan để vận hành dự án trơn tru.
- Lập kế hoạch dự án và điều phối, phân công công việc.
- Xây dựng các thông số kỹ thuật có liên quan đến dự án.
- Giám sát tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo chất lượng công việc.
- Làm việc với các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, bộ phận kỹ thuật, phát triển phần mềm, v.vv..
Sales Engineer (Kỹ sư bán hàng)
Sales Engineer (Kỹ sư bán hàng) là người tư vấn và bán các sản phẩm công nghệ/kỹ thuật phức tạp. Sales Engineer không chỉ cần am hiểu sâu về kỹ thuật, công nghệ phần mềm mà còn cần có kỹ năng bán hàng tốt.
- Làm việc trực tiếp với khách hàng để tìm hiểu về nhu cầu của họ và tư vấn các sản phẩm phù hợp.
- Giải thích, demo cho khách hàng hiểu về sản phẩm công nghệ, kỹ thuật của công ty.
- Hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề về kỹ thuật trong quá trình cài đặt và sử dụng sản phẩm.
- Quản lý đơn hàng và chăm sóc khách hàng sau bán.
- Hỗ trợ bộ phận kỹ thuật nghiên cứu và phát triển các tính năng mới.
>>> Xem thêm: Sales Engineer là gì? Không học kỹ thuật có nên ứng tuyển?
Câu hỏi phỏng vấn Embedded Software Engineer
Nếu bạn đang trong quá trình ứng tuyển vào vị trí Embedded Software Engineer, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng các câu hỏi phỏng vấn thường gặp để tự tin bước vào buổi trao đổi với nhà tuyển dụng. Người phỏng vấn thường tập trung đánh giá chuyên môn kỹ thuật, kiến thức về hệ thống nhúng và khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.
Bạn có thể tham khảo các câu hỏi dưới đây để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn sắp tới:
- Kiến trúc RISC là gì?
- Làm thế nào để giảm yêu cầu bộ nhớ trong các hệ thống nhúng?
- Độ trễ ngắt là gì? Bạn thường làm gì để giảm độ trễ?
- Hãy mô tả ưu và nhược điểm của việc sử dụng hệ điều hành thời gian thực (RTOS) trên một vi điều khiển tầm trung.
- Tại sao C và C++ là ngôn ngữ lập trình phổ biến trong phát triển phần mềm nhúng?
- Nếu một hệ thống bị treo (màn hình trống), bạn sẽ gỡ lỗi như thế nào?
- Bạn có kinh nghiệm sử dụng những công cụ quản lý cấu hình phần mềm nào?
- Bạn thường sử dụng công cụ kiểm tra code nào?
- Theo bạn, Embedded Software Engineer cần có kỹ năng gì?
- Kể về một dự án phát triển phần mềm nhúng mà bạn tự hào nhất
- Bạn đã từng gặp khó khăn trong quá trình tích hợp phần mềm nhúng với phần cứng chưa? Bạn vượt qua nó như thế nào?
- Hãy kể về một lần bạn phối hợp với các kỹ sư phần cứng để phát triển hệ thống nhúng.

Tìm việc làm Embedded Software Engineer trên TopCV
Embedded Software Engineer là công việc có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Để tìm việc làm Embedded Software Engineer từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hãy truy cập ngay vào trang TopCV.vn.
Tại đây, bạn có thể cập nhật tin tuyển dụng mới mỗi ngày và nộp hồ sơ ứng tuyển ngay trên nền tảng. Với bộ lọc tìm kiếm thông minh, TopCV giúp bạn dễ dàng tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp với kinh nghiệm, kỹ năng và mức lương mong muốn. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng công cụ tạo CV của TopCV để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xin việc chuyên nghiệp, ấn tượng, tăng có hội ứng tuyển thành công.
Trong bài viết trên, TopCV đã giúp bạn hiểu rõ Embedded Software Engineer là gì và mô tả công việc của vị trí này. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ hữu ích cho quá trình phát triển sự nghiệp của bạn. Đừng quên truy cập trang Tìm kiếm việc làm của TopCV để cập nhật tin tuyển dụng Embedded Software Engineer mới nhất!