TỔNG QUAN
Nhóm tính cách ENFJ (Người cho đi) là những người có khả năng tác động mạnh tới người khác thông qua cả hành động lẫn lời nói. Họ là những người tham vọng nhưng không hề tư lợi mà luôn hướng đến mục tiêu và lợi ích chung của cộng đồng. Đặc biệt, khả năng thấu hiểu và đồng cảm mạnh mẽ khiến các ENFJ trở thành nhân tố quan trọng trong những lĩnh vực liên quan tới con người.
ENFJ là viết tắt của những chữ cái gì?
● E - Hướng ngoại: Đối với bạn, thế giới bên ngoài mới là thế giới thực. Trái ngược với tính cách I - Hướng nội luôn đắm mình trong thế giới nội tâm.
● N - Trực giác: Bạn tập trung vào ý nghĩa của sự vật, sự việc, khác với những người có tính cách S - Giác quan sử dụng cả năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, cảm giác để nhìn nhận và đánh giá.
● F - Cảm xúc: Bạn đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên cảm nhận cá nhân. Ngược lại, những người có tính cách T - Lý trí lại đưa ra quyết định dựa vào số liệu và đo lường chính xác.
● J - Nguyên tắc: Bạn dựa vào cấu trúc sẵn có để thoải mái đưa ra quan điểm mà không phải mất công suy xét nhiều. Trong khi đó, những người thiên về tính cách P - Linh hoạt lại thích môi trường tự do và họ sẽ tự sắp đặt quy tắc bên trong cho mình.
Đối nhân xử thế
Các ENFJ đặc biệt quan tâm tới những mối quan hệ giữa người với người. Họ có khả năng đồng cảm sâu sắc và có kỹ năng đối nhân xử thế vô cùng xuất sắc. Mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời của mỗi ENFJ là mang lại niềm vui và lan tỏa tình yêu thương tới mọi người. Họ muốn cho đi và luôn tự hào khi được cho đi.
“Đi guốc trong bụng”
Các ENFJ hiểu chính xác người khác đang nghĩ gì và muốn gì như “đi guốc trong bụng”, vì vậy rất dễ để khiến những người xung quanh làm theo ý họ như một cách thao túng tâm lý (và điều này không mang nghĩa tiêu cực đâu nhé).
Thương người hơn thương mình
Các ENFJ là những người vô cùng hướng ngoại, vì vậy những giây phút được tách biệt bản thân một mình để ngẫm nghĩ là vô cùng quan trọng với họ. Tuy vậy thật khó để các ENFJ có thể dành thời gian suy ngẫm một mình bởi họ sẽ cảm thấy bế tắc và tiêu cực khi ở trong không gian tinh thần khép kín như vậy, đó không phải tính cách của họ, cũng không phải điều họ mong muốn, họ thích được tiếp xúc với nhiều người và thả hồn ở những không gian mở.
Các ENFJ thích giúp đỡ mọi người, đôi khi họ sẵn sàng đặt lợi ích của người khác lên trên cả lợi ích của bản thân và coi đó như một niềm hạnh phúc. Đối với họ, việc xây dựng một mối quan hệ giữa người và người là vô cùng quan trọng, và họ sẽ dành thật nhiều tâm huyết vào việc duy trì mối quan hệ tuyệt vời với những người xung quanh. Trong vấn đề tình cảm, các ENFJ là những người rất đáng tin cậy và trung thành.
Đầu E nhưng là “E” trong “E dè”
So với những tính cách hướng ngoại khác thì các ENFJ có xu hướng dè dặt hơn trong việc bộc lộ suy nghĩ của bản thân mặc dù họ không hề tự ti một chút nào. Bởi có xu hướng tiếp xúc nhiều với những người xung quanh nên tính cách của các ENFJ khá linh hoạt, họ có thể thích nghi với nhiều kiểu người ở nhiều điều kiện khác nhau.
Ngắn gọn, súc tích
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ENFJ không biết đấu tranh cho tiếng nói của mình. Họ có khả năng truyền đạt thông tin một cách gãy gọn, súc tích. Phong cách giao tiếp thường thấy ở các ENFJ là cởi mở và vui vẻ, chỉ cần không đề cập tới những vấn đề quá riêng tư thì họ sẽ sẵn sàng trò chuyện không chút e dè.
Thông minh, chính trực
ENFJ nổi tiếng là tuýp người thông minh, chính trực và thẳng thắn. Họ cũng có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí còn đạt kết quả khá tốt.
Tâm hồn đồng điệu
Trong công việc, các ENFJ thích hợp nhất với những công việc đòi hỏi tiếp xúc nhiều với khách hàng hoặc hợp tác với những phòng ban khác, bởi họ là những cá nhân xuất sắc trong việc đồng cảm và thấu hiểu người khác. Các ENFJ cũng rất giỏi truyền cảm hứng cho những người xung quanh, biến môi trường làm việc trở thành mái nhà chung ấm áp hơn.
Ngăn nắp, gọn gàng
Những người ENFJ yêu sự ngăn nắp và gọn gàng trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày.
Cảm xúc lấn át
Việc phải gạt đi cảm xúc để đưa ra quyết định rất khó đối với các ENFJ, thậm chí họ sẽ phải dựa vào người khác để có thể giữ một cái đầu lạnh để không đưa ra những nhận định chóng vánh, thiếu suy nghĩ.
Những vị khách thân thiện
Nhìn chung, các ENFJ là những cá nhân thu hút, nhiệt tình, hòa nhã và thân thiện trong mối hệ với những người xung quanh. Đặc điểm này cho phép họ có khả năng thấu hiểu và thúc đẩy những người xung quanh khai phá ra tiềm năng mới, đây cũng là điều khiến các ENFJ rất tự hào ở bản thân.
Những người nổi tiếng mang tính cách ENFJ:
● Martin Luther King, Jr.
● Nelson Mandela
● Michael Jordan
● Jennifer Lawrence
● Emma Stone
● Dino (Seventeen)
● Jung Yunho (TVXQ)
● Kim Jaejoong (JYJ)
ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU CỦA NHÓM TÍNH CÁCH ENFJ
Điểm mạnh
Biết tiếp thu
Tuy là những người biết bảo vệ quan điểm của mình nhưng các ENFJ vẫn rất chịu khó tiếp thu thêm ý kiến của người khác, kể cả những ý kiến đối lập trái chiều, bởi họ hiểu tầm quan trọng của việc bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tạo động lực và truyền cảm hứng
Một trong những thế mạnh lớn nhất của ENFJ là luôn biết cách thuyết phục và động viên mọi người xung quanh, đồng thời tạo cảm hứng cho tất cả mọi người cùng hướng tới một môi trường tích cực.
Giao tiếp, truyền đạt tốt
Các ENFJ có kỹ năng truyền đạt cực kỳ tốt trong mọi ngữ cảnh. Điểm mạnh này giúp các ENFJ dễ dàng thăng tiến và gây thiện cảm với mọi người xung quanh. Các ENFJ thường không ngại đám đông và cực kỳ khôn khéo, với ai họ cũng có thể giao tiếp nói chuyện, kể những câu chuyện hấp dẫn và trở thành tâm điểm của của sự chú ý.
Vị tha
Nhóm tính cách ENFJ ấp ủ một niềm mong mỏi sâu sắc, đó là trở thành động lực cho những sự thay đổi tích cực. Họ tin rằng chỉ với sự đồng lòng và đoàn kết của toàn nhân loại, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Có sức hút, có tính thuyết phục cao
Với tính cách kiên định và lời nói truyền cảm hứng, các ENFJ rất hợp với vai trò lãnh đạo. Bất kể được bổ nhiệm vào vị trí nào thì họ cũng luôn đặt mục tiêu con người lên hàng đầu.
Ngoài ra, các ENFJ rất giỏi trong việc thuyết phục người khác, nhưng không phải với mục đích thao túng tâm lý mà là với mục đích tốt đẹp muốn người khác cải thiện bản thân, tiến bộ trong cuộc sống. Tính cách này giúp các ENFJ dễ dàng được người khác tín nhiệm và nghe theo.
Điểm yếu
Thiếu thực tế
Nhiều ENFJ tự ép bản thân phải bù đắp mọi sai lầm mà họ bắt gặp trên cuộc đời này, kể cả khi đó là vấn đề của người khác, và dĩ nhiên điều đó gần như là bất khả thi. Nếu quá sa đà vào việc “bất bình như thể đó là việc của mình” thì họ có thể rơi vào tình huống phải ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc và kết quả là không thể giúp ích được cho ai.
Nguyên tắc
Các ENFJ là những người có nguyên tắc, biết phân biệt rạch ròi đúng - sai, và họ thường cho rằng mọi người cũng có (hoặc ít nhất là nên có) những nguyên tắc cơ bản giống như họ để cân bằng cuộc sống và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Những cá nhân có xu hướng đi ngược lại những quy định, nguyên tắc ấy sẽ không được các ENFJ đánh giá cao.
Thái độ trịch thượng
Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ thích dạy bảo người khác, nhất là khi bị đụng tới niềm tin cốt lõi của họ. Tuy nhiên, đôi khi nỗ lực “khai sáng” người khác của các ENFJ có thể bị coi là thái độ bề trên, thiếu tôn trọng.
Nóng tính, nóng vội
Trong quá trình làm việc, các ENFJ luôn trong trạng thái đầy năng lượng và quyết tâm, và họ sẽ thúc ép những người xung quanh phải bắt nhịp được với guồng công việc của họ. Tuy nhiên không phải ai cũng có những phẩm chất trên để theo kịp các ENFJ, đa phần họ sẽ cảm thấy bức bối khi cứ liên tục bị dồn ép phải bắt tay hoàn thành công việc theo ý muốn của những Người cho đi.
Các ENFJ cũng rất dễ hứng lên và lao đầu vào hành động mà chưa lên kế hoạch rõ ràng và cụ thể. Dễ dẫn đến hậu quả “nói trước bước không qua”.
Cả nể
Lòng trắc ẩn là một trong những điểm mạnh nhất của nhóm tính cách ENFJ. Tính cách “thích làm dâu trăm họ”, ôm đồm vấn đề của người khác như là của mình thì sớm muộn cũng khiến các ENFJ dần kiệt quệ về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Thiếu quyết đoán và thiếu logic
Các ENFJ thường không được lý trí cho lắm. Họ thường thiên về cảm xúc và dễ có tính thiên vị, không công bằng khi đưa ra quyết định.
MỐI QUAN HỆ
ENFJ được bạn bè đánh giá là người ấm áp và tốt bụng, họ thích kết giao và trò chuyện với những người mới, lắng nghe những câu chuyện mới. Tuy nhiên họ lại khá kén chọn và tỉ mỉ khi muốn làm thân với một ai đó, những điều mà họ tìm kiếm ở một mối quan hệ khăng khít là sự chân thành mà hai người dành cho nhau.
Mặc dù mang trong mình đặc điểm F (Tình cảm) và đặt nặng tình cảm trong một mối quan hệ nhưng các ENFJ cũng sẵn sàng đưa ra lời góp ý và phê bình từ tận đáy lòng khi gặp những chuyện bất bình. Tuy vậy thật khó để bạn có thể giận một ENFJ khi bị họ phê bình bởi lời nói của ENFJ quá đỗi ngọt ngào và chân thành.
Trong tình bạn, những người thuộc nhóm tính cách ENFJ sẵn sàng giúp đỡ bạn bè mình một khi có thể, và điều đó khiến họ rất tự hào về bản thân. Các ENFJ có thể dành hàng giờ, hàng ngày hoặc hàng tháng để giúp đỡ ai đó nhận ra điểm mạnh điểm yếu của mình và hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai. Đổi lại, những Người cho đi cũng hy vọng bạn bè có thể đối xử với họ chân thành như vậy.
Nhìn chung, các ENFJ luôn nhiệt tình và hết mình trong mọi mối quan hệ, họ đề cao sự trung thực và đồng cảm giữa người với người. Các ENFJ có khả năng ứng xử và ngoại giao tốt, chu đáo và ân cần với tất cả mọi người. Họ thích giúp đỡ người khác và cảm thấy mãn nguyện khi lòng tốt của mình được đặt đúng chỗ. Với những tình huống khó, những Người cho đi sẽ không ngần ngại thể hiện sự sắc sảo và nhạy bén của mình trong việc đưa ra quan điểm và tìm hướng giải quyết, sau đó họ sẽ giấu đi gai nhọn và trở về làm một chú cừu tốt bụng đáng yêu nhất trên đời.
ENFJ trong tình yêu
Nhóm tính cách ENFJ không chấp nhận bất cứ điều gì không phù hợp với lý tưởng của họ, cả trong tình yêu cũng thế.
“Các ENFJ muốn yêu bằng vẻ đẹp tâm hồn hơn là vẻ đẹp ngoại hình.”
Dù nhóm tính cách này có thể trông rất cởi mở, thậm chí đôi khi thích “thả thính” lung tung, nhưng họ không phải kiểu người có thể yêu từ cái nhìn đầu tiên. Các ENFJ có tiêu chuẩn khá cao trong việc lựa chọn bạn đời và họ cho rằng “tình yêu sét đánh” là vô cùng quý giá và chỉ đến khi chúng ta gặp được định mệnh của đời mình.
Chủ động trong tình yêu
Khi ENFJ phải lòng ai đó, họ thường yêu một cách mãnh liệt và không e dè. Nhóm tính cách ENFJ là một trong những kiểu người thích “tấn công” thay vì “phòng thủ”, họ thường là chủ động trước thay vì chờ đợi hoặc dè dặt dò xét tình cảm của đối phương.
Trong tình yêu, sự “tấn công” không dè chừng từ các ENFJ quả là một điều mới lạ. Việc chủ động này, kết hợp với sự say mê khi gặp người mình thích, đã tạo nên sức hút không thể chối từ của những Người cho đi. Tuy nhiên, chủ động nhiều thì khả năng bị từ chối càng nhiều, và các ENFJ chấp nhận điều đó.
“Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ là những nửa kia vô cùng chân thành và đáng tin, họ cũng sẵn sàng dành nhiều thời gian và nỗ lực để chứng minh tấm lòng son của mình.”
Cùng vươn tới ước mơ
Ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên, bạn đã có thể nhận thấy các ENFJ là những người rất sâu sắc qua cách họ gợi chuyện. Những Người cho đi sẽ không hỏi những câu hỏi xã giao như bạn làm nghề gì, bạn thích màu gì, bạn thích quần áo của thương hiệu nào. Thay vào đó, họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới ước mơ và lý tưởng của bạn, những điều mà bạn mong đợi ở bản thân trong tương lai. Và nếu có cơ hội, họ sẽ tìm cách giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ của mình.
“Đối với ENFJ, một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời là giúp người khác hiện thực hóa giấc mơ của mình.”
Nếu mối quan hệ giữa hai người tiến thêm một bước, các ENFJ có thể sẵn sàng coi mục tiêu của đối phương quan trọng như thể đó là mục tiêu của chính mình. Mặt trái của việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này là những Người cho đi có thể bỏ bê việc chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ của chính mình.
Một vấn đề khác có thể nảy sinh trong mối quan hệ của các ENFJ là họ có thể tạo động lực hơi quá đà lên nửa kia của mình, gần như là thúc ép. Hệ quả là người yêu của các ENFJ có thể cảm thấy tức giận, cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc thậm chí là tự ti vì nghĩ mình thật yếu kém. Đây là lý do mà những Người cho đi cần học cách từ tốn trong mọi mối quan hệ để có thể đi cùng nhau lâu dài.
Một chặng đường dài
Rất ít nhóm tính cách có được sự chung tình một cách tuyệt đối với đối tượng mà họ đã chọn như là các ENFJ. Họ nghiêm túc trong tình yêu cũng như trong mọi mối quan hệ. Ngay từ những ngày mới quen nhau, họ đã có ý tưởng xây dựng một câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích, và khi mối quan hệ chín muồi, họ sẽ biến điều đó thành hiện thực.
“Mặc dù các ENFJ biết cách tận hưởng từng phút giây trong cuộc sống, nhưng họ cũng hiểu rằng tình yêu không chỉ có niềm vui mà là sự bù trừ lẫn nhau về mặt tâm hồn.”
Các ENFJ quan tâm đến việc làm hài lòng người yêu của mình, sự nhạy bén giúp họ dễ dàng bắt sóng những thay đổi trong tâm trạng và mong muốn của đối phương. Miễn là họ không bỏ quên việc chăm chút bản thân thì các ENFJ có thể có được những mối quan hệ vô cùng tuyệt vời dựa trên sự chân thành, tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau - và tất nhiên là cả tình yêu.
ENFJ trong tình bạn
Việc dễ dàng kết nối với mọi người khiến các ENFJ cảm thấy tràn đầy năng lượng. Trong tình bạn, họ luôn chân thành và thẳng thắn bởi các ENFJ là những người biết trân trọng tình bạn và coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời.
Lắng nghe
Rất ít nhóm tính cách sẵn sàng dành thời gian lắng nghe và tiếp thu quan điểm của người khác như các ENFJ. Với họ, việc khám phá những điều bí ẩn (thậm chí là có phần điên rồ) của những người xung quanh là thú vui thuần túy nhất, giúp họ có thể mở mang kiến thức và tiếp thu nhiều điều mới mẻ.
“Các ENFJ kết bạn với mọi kiểu người, kể cả những người có tư duy khác hẳn với họ.”
Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ chỉ không thích những người có tư tưởng bảo thủ và không chịu đổi mới, ngược lại, họ dễ kết thân nhất với những nhóm tính cách có suy nghĩ cởi mở như mình.
Tuy luôn niềm nở những lúc quây quần bên bạn bè nhưng chỉ khi ở cạnh những người thực sự thân thiết, các ENFJ mới sẵn sàng mở lòng, thậm chí trở nên có phần yếu đuối và dựa dẫm, vì họ biết mình đang được bảo vệ và nâng niu.
Vượt qua những thăng trầm
Các ENFJ là một trong những người bạn tốt mà ai cũng nên có trong đời. Họ tốt bụng, đáng tin cậy và luôn dành sự quan tâm nồng nhiệt cho người khác. Đổi lại, họ cũng muốn lòng tốt của mình được đón nhận và đáp lại bằng tất cả niềm thương yêu.
“Đối với mọi người, từ quen biết xã giao tới thân thiết như người một nhà, các ENFJ luôn cố gắng tạo dựng các mối quan hệ sâu sắc, ý nghĩa, bền chặt.”
Các ENFJ luôn sát cánh bên người bạn của mình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn nhất. Những Người cho đi có thể thức cả đêm để giúp người bạn cùng nhà chuẩn bị một chiếc CV hoàn hảo trước buổi phỏng vấn, hoặc lên kế hoạch tổ chức sinh nhật vô cùng tỉ mỉ cho người bạn thân, tất cả đều vì một mục đích: mang lại niềm vui cho những người xung quanh.
“Nụ cười của bạn là điều vô giá đối với tôi.”
Tìm kiếm sự cân bằng
Lòng tốt được cho đi nhưng không phải bao giờ cũng được đáp lại đúng cách. Đối với sự giúp đỡ của các ENFJ, có người sẽ lựa chọn đón nhận một cách biết ơn, có người thì không, đơn giản vì họ cảm thấy không cần thiết hoặc đã tìm được sự giúp đỡ lớn hơn. Đây quả là một điều đáng tiếc cho các ENFJ, bản thân họ cũng sẽ rất thất vọng khi nhận ra những hy vọng và mong đợi mình đặt lên người khác bị đổ sông đổ bể.
ENFJ khi làm cha mẹ
Các ENFJ sẽ dùng tất cả những kiến thức và kỹ năng mình có để thực hiện thiên chức làm cha mẹ của mình. Họ ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi dạy những đứa trẻ nên người, giúp chúng trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Để làm được điều này, các ENFJ cố gắng xây dựng một mái ấm đầy yêu thương, sẵn sàng chở che và ở phía sau làm hậu phương vững chắc cho những đứa trẻ. Họ cũng khuyến khích con cái mình được tự do và chủ động nêu lên quan điểm của mình.
Những bài học quan trọng trong cuộc sống
Tuy nhiên, bản thân các ENFJ khi làm cha mẹ cũng khá cầu toàn. Họ muốn trao cho những đứa trẻ quyền tự do ngôn luận, nhưng là tự do trong khuôn phép, giữ gìn những đạo đức và lý tưởng tốt đẹp. Mặt khác, họ cũng không muốn chúng răm rắp nghe theo những gì người lớn chỉ dạy mà cần xây dựng lối tư duy riêng theo cách mình nhìn nhận cuộc sống.
“Các bậc cha mẹ ENFJ coi việc giúp đỡ con cái khám phá ra tiềm năng riêng biệt của mình là nghĩa vụ tuyệt vời.”
Nhóm tính cách ENFJ thường đặt ra các quy tắc và ranh giới rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi để con cái họ hiểu được hậu quả khi có những hành vi thiếu trách nhiệm. Dù đối khi cư xử có phần nghiêm khắc nhưng những hành động đó đều xuất phát từ tình yêu thương và ý thức trách nhiệm lớn lao của mình.
Kỳ vọng to lớn
Các bậc phụ huynh ENFJ kỳ vọng rất nhiều vào con cái, luôn mong muốn chúng trở thành một người có ích cho xã hội, phát triển được điểm mạnh của mình để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
“Cha mẹ ENFJ tự hào khi có khả năng nhìn thấy tiềm năng ở người khác - đặc điểm này giúp họ nhận ra những đứa trẻ có thế mạnh gì và cần phát huy như thế nào.”
Tuy nhiên, đôi khi các kỳ vọng của ENFJ dường như quá sức đối với con cái của họ. Những đứa trẻ cảm thấy rằng nếu chúng muốn giành được tình yêu thương của cha mẹ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ - đôi khi là những tiêu chuẩn bất khả thi, vượt ra khỏi tầm với của chúng. Để giải quyết vấn đề này, các bậc cha mẹ ENFJ nên gần gũi và săn sóc với những đứa trẻ hơn để chúng cảm nhận được tình yêu thương thay vì áp lực thời thơ ấu.
Nền tảng vững tin
Điều tích cực là cuối cùng thì các bậc phụ huynh ENFJ cũng nhận ra đâu mới là nhu cầu thật sự của những đứa trẻ. Vì vậy, song song với việc thúc đẩy sự phát triển về mặt nhận thức của con cái, họ sẽ xây dựng một môi trường phát triển lành mạnh với tình yêu thương đong đầy để chúng có thể yên tâm lớn lên.
“Các bậc cha mẹ ENFJ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để con cái họ có thể phát triển hoàn hảo về vật chất lẫn tinh thần.”
Về phía những đứa trẻ, chúng biết đón nhận và trân trọng tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Dưới sự nuôi dưỡng và chăm sóc tận tình nhưng không kém phần nghiêm khắc của cha mẹ, con cái của các ENFJ sẽ học được cách đồng cảm, thấu hiểu và biết quan tâm tới những người xung quanh.
LÀM SAO ĐỂ THÂN THIẾT VỚI ENFJ?
Để trở nên thân thiết với ENFJ, bạn cần chú ý những điều sau:
● Mời các ENFJ tham gia hội nhóm và các hoạt động chung. ENFJ là một trong những nhóm tính cách “quấn người” nhất. Bởi vậy, các ENFJ rất thích được rủ đi chơi, rủ tụ tập hay tham gia hoạt động nhóm có nhiều người. Nếu muốn làm thân với các ENFJ, bạn cần “đánh” đúng vào bản tính thân thiện, quảng giao của họ.
● Ôn hòa và điềm tĩnh khi tiếp cận. ENFJ không phải tuýp tính cách thích đối chất hay tranh luận căng thẳng. Họ có thiên hướng thích những người ôn hòa và mềm mỏng. Trong một buổi tụ tập, các ENFJ dễ chú ý và có thiện cảm với những người nhẹ nhàng, điềm tĩnh và biết cách kết nối mọi người.
● Tử tế, chân thành. Cần ghi nhớ rằng ENFJ là một trong những nhóm tính cách rất biết cảm thông và để ý tới cảm xúc của mọi người xung quanh. Hãy trung thực và thành thật khi trò chuyện với ENFJ, họ sẽ ghi nhận sự chân thành và cho bạn cơ hội kết giao. Tránh việc sử dụng từ ngữ thô tục, đưa chuyện hay gièm pha sau lưng người khác, các ENFJ không dễ dàng chia sẻ cảm xúc với những người không đáng tin.
● Đừng quá cứng nhắc, hãy thoải mái tự tin. Các ENFJ rất hay tỏ ra đồng cảm và có xu hướng đeo một lớp mặt nạ lên để có thể hòa nhập với tất cả mọi người. Nhưng không chắc đó là cảm xúc thật của họ. Vì vậy nếu bạn tỏ ra dạn dĩ và cứng nhắc thì các ENFJ cũng sẽ e ngại trong việc chia sẻ với bạn. Ngược lại, nếu bạn thoải mái và thân thiện thì các ENFJ cũng sẽ thoải mái bày tỏ cảm xúc hơn.
“Đôi khi việc quá đỗi thân thiện, quảng giao dễ khiến người khác hiểu nhầm là ENFJ đang “có tình ý” với họ. Thực chất các ENFJ chỉ đang thể hiện sự tử tế và quan tâm tới đối phương chứ không có ý tán tỉnh.”
CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP
Đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời trên con đường sự nghiệp, các ENFJ sẽ ưu tiên công việc cho họ cơ hội tiếp xúc nhiều với con người, cụ thể là những công việc xã hội, bởi họ thích giúp đỡ người khác và nhìn những nỗ lực của mình được đền đáp bằng nụ cười hạnh phúc của những người xung quanh.
“Những người thuộc nhóm tính cách ENFJ gần như không bao giờ thiếu cảm hứng ở môi trường làm việc.”
Khẳng định vị thế của mình
Nhờ kỹ năng xã hội tốt, các ENFJ có thể hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong những lĩnh vực liên quan tới con người, ví dụ như tổ chức sự kiện, tuyển dụng hoặc quan hệ công chúng. Những công việc như giảng dạy, tư vấn, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng rất phù hợp với những người thuộc nhóm tính cách ENFJ.
“Tuy vậy, dù mong muốn lớn nhất là làm việc trong lĩnh vực phục vụ cộng đồng nhưng các ENFJ vẫn luôn hướng tới sự thăng tiến trong công việc.”
Được biết tới với khả năng lãnh đạo tài tình, những người thuộc nhóm tính cách ENFJ thường đảm nhiệm những vị trí quan trọng có sức ảnh hưởng trong một tổ chức, ví dụ như tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận, văn phòng nhà nước.
Phát triển bản thân
Trong công việc, các ENFJ luôn mong chờ những nhiệm vụ và thử thách mới để từng bước hoàn thiện bản thân. Do đó, những công việc có tính chất lặp đi lặp lại sẽ khiến những Người cho đi nhanh chóng rơi vào trạng thái chán chường, nản chí.
“Trong thâm tâm, các ENFJ muốn những việc mình làm có thể mang lại nguồn năng lượng tích cực tới những người xung quanh.”
Trong số các nhóm tính cách MBTI thì ENFJ là nhóm có nhiều lựa chọn nghề nghiệp nhất, bởi họ là những cá nhân khá dễ chịu và mềm mỏng. Là một người thích mang niềm vui và hạnh phúc đến những người xung quanh, biết lắng nghe, biết thấu hiểu, dễ cảm thông, các ENFJ đặc biệt phù hợp với những công việc liên quan ở lĩnh vực bán hàng, tư vấn, tuyển dụng, báo chí, tâm lý.
Mặt khác, bởi những Người cho đi khá dễ bị chi phối bởi cảm xúc nên họ không có nhiều cơ hội thể hiện tốt nhất ở những công việc có áp lực cao, liên tục làm việc trong điều kiện căng thẳng, đòi hỏi tập trung cao độ như cảnh sát hình sự, bác sĩ cấp cứu, chuyên gia quân sự.
Các ENFJ sẵn sàng cho đi và mong đợi những điều mình cho đi có thể giúp đỡ những người xung quanh, mang đến cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là lý do mà những công việc trong lĩnh vực tôn giáo cũng rất phù hợp với họ.
Dưới đây là các công việc phù hợp với ENFJ mà bạn có thể tham khảo:
● Chính trị gia
● Nhà ngoại giao
● Nhà tâm lý học
● Công tác xã hội
● Cố vấn
● Nhà giáo
● Nhà tư vấn
● Quản lý nhân sự
● Đại diện bán hàng
● Tổ chức sự kiện
● Nhà văn
THÓI QUEN NƠI CÔNG SỞ
Các ENFJ là những người ấm áp và hòa đồng, cộng thêm đầu óc sáng tạo sẽ giúp họ có được lợi thế phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng như dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc mới.
ENFJ khi là nhân viên
Là nhân viên, các ENFJ muốn chứng minh năng lực và khẳng định giá trị của mình trong mắt cấp trên. Họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có thể thực hiện nhanh chóng với thái độ niềm nở, không so đo, không cằn nhằn.
“Các ENFJ là những nhân viên chăm chỉ, đáng tin cậy và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.”
Tuy nhiên đặc điểm này cũng là một con dao hai lưỡi khi sự năng nổ trong công việc của họ bị một số cấp trên lợi dụng để dồn ép với khối lượng công việc lớn khiến họ thường xuyên phải tăng ca. Các ENFJ, dù có muốn hay không, vẫn sẽ cố hoàn thành công việc mà không kêu ca để giữ hòa khí ở môi trường làm việc.
ENFJ khi là đồng nghiệp
Các ENFJ là những nhân tố vô cùng tài ba khi làm việc nhóm, bởi họ luôn tìm kiếm kiếm cơ hội để bản thân họ và đội nhóm cùng nhau phát triển, cùng nhau đi lên. Họ biết cách xây dựng một môi trường làm việc công bằng, bình đẳng, nơi mọi người - dù ở bất cứ vị trí nào - cũng có quyền nói lên ý kiến của mình.
Dù vậy, các ENFJ cũng nên cẩn trọng với những quyền hạn mà mình được trao, bởi không phải đồng nghiệp nào cũng nhận ra sự hồ hởi và nhiệt huyết của bạn trong công việc. Ngược lại, họ sẽ coi đó là một sự “vượt quyền” khi bạn cứ liên tục bảo họ phải làm cái này làm cái kia.
ENFJ khi là cấp trên
Nhiều ENFJ trời sinh đã là một người có khả năng lãnh đạo tài tình. Với vốn hiểu biết sâu rộng và khả năng truyền cảm hứng, họ sẽ không chỉ khiến bản thân mình được tỏa sáng mà còn giúp cả tập thể cùng đi lên.
“Cấp dưới của các ENFJ luôn được truyền cảm hứng và động lực trong công việc.”
Các ENFJ biết nhìn nhận điểm mạnh của mỗi người để giao những nhiệm vụ phù hợp. Như vậy, cấp dưới của họ cũng sẽ nhận thấy mình là một người có năng lực và được trọng dụng, từ đó nỗ lực hơn nữa để hoàn thành công việc được giao.
Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, ngoài việc nắm được những thế mạnh của nhân viên, các cấp trên ENFJ cũng cần biết cấp dưới của mình đang yếu kém ở những mặt nào để nhanh chóng cải thiện và đưa xuống những nhiệm vụ vừa sức với họ, khuyến khích nhân viên từng bước hoàn thiện về mặt chuyên môn và kinh nghiệm.
SO SÁNH ENFJ với INFJ, ENFP
Khi so sánh ENFJ (Người cho đi) với những nhóm tính cách khác có sự tương đồng (INFJ - Người che chở, ENFP - Người truyền cảm hứng), bạn sẽ hiểu rõ hơn về đặc tính của nhóm ENFJ.
Điểm giống nhau
N (Trực giác) và F (Cảm xúc): Cả ba nhóm NF này đều có xu hướng suy nghĩ và ra quyết định dựa trên trực giác và cảm xúc. Họ sâu sắc, tinh tế, thích tương tác xã hội và luôn chú trọng đến cảm xúc của người khác.
Khi đối chiếu ENFJ với từng nhóm INFJ, ENFP, chúng tôi nhận thấy giữa mỗi cặp sẽ có những điểm chung riêng như sau:
● ENFJ và INFJ: Cả hai nhóm đều hướng thiện và luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người có cuộc sống tốt hơn. ENFJ và INFJ cũng hết sức ôn hòa, ngại va chạm và tránh mâu thuẫn. Họ luôn hướng tới một môi trường yên bình nơi mà tất cả cùng vui vẻ, hòa đồng và có thể phát triển cùng nhau. Do cùng có yếu tố nguyên tắc (J - Judging) nên cả hai nhóm này đều có xu hướng tuân theo quy trình và kế hoạch khi hành động.
● ENFJ và ENFP: Đều hướng đến các mối quan hệ tích cực và lành mạnh, coi trọng vào những tiềm năng có thể xảy ra, có xu hướng lý tưởng hóa hơn là hiện thực hóa. Đồng thời, cả hai nhóm này đều rất cởi mở với những điều mới và tận hưởng quá trình khám phá. Do đều hướng ngoại (yếu tố E - Extrovert) nên cả ENFJ và ENFP đều rất ấm áp, dễ gần, quảng giao với khả năng giao tiếp tốt.
Điểm khác nhau
Dù chỉ chênh nhau một chữ cái, song sự khác biệt giữa các nhóm tính cách này lại vô cùng rõ ràng. Bạn có thể thấy rõ điều này tại bảng so sánh sau:
Đặc điểm |
INFJ |
ENFJ |
ENFP |
Diễn giải chữ viết tắt |
I - Hướng nội N - Trực giác F - Cảm xúc J - Nguyên tắc |
E - Hướng ngoại N - Trực giác F - Cảm xúc J - Nguyên tắc |
E - Hướng ngoại N - Trực giác F - Cảm xúc P - Linh hoạt |
Cách tiếp cận thông tin |
- Dựa nhiều vào trực giác,
kinh nghiệm của bản thân để tập trung xem xét ý nghĩa của từng sự vật, hiện
tượng |
- Cần liên tục tương tác với
mọi người xung quanh để thu thập thông tin thông qua thảo luận nhóm, hợp tác
chung, dự án chung |
- Góc nhìn đa chiều, cởi mở,
tiếp cận thông tin linh hoạt hơn |
Trong các mối quan hệ |
- Chan hòa với mọi người. Ưa thích tụ tập nhóm nhỏ hơn là nhóm lớn - Ưu tiên các cuộc hội thoại một một, mang tính cá nhân - Kén chọn trong việc chọn
vòng giao tiếp, coi trọng chất lượng hơn số lượng |
- Dễ kết giao, thích làm
tâm điểm của đám đông |
- Quảng giao, chân thành và nồng nhiệt, tuy nhiên không ổn định và khó đoán - Linh hoạt và tự phát chứ
không nguyên tắc như ENFJ |
Trong công việc |
- Hướng nội, tương tác 1-1 tốt hơn, phù hợp với dẫn dắt một nhóm nhỏ, biết lắng nghe và hỗ trợ đồng đội - Không cương quyết bằng ENFJ song biết cách nhìn nhận sự việc qua góc nhìn của người khác - Khả năng giải quyết mâu thuẫn tốt, biết cách dung hòa các ý kiến của mọi người - Để đưa ra quyết định sẽ nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, đồng thời dựa trên các giá trị và nguyên tắc cá nhân - Khi căng thẳng trong công việc, INFJ cần thời gian riêng để tự ngẫm và giải tỏa áp lực, có xu hướng phức tạp hóa vấn đề khi stress |
- Xuất sắc trong teamwork,
rất giỏi trong việc kết nối người với người, có khả năng dẫn dắt, động viên
và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, có tiềm năng trở thành lãnh đạo
tốt - Có khả năng thuyết phục cao, hướng đến môi trường làm việc tích cực và chan hòa - Để đưa ra quyết định, có xu hướng tham vấn ý kiến của tất cả mọi người, đội nhóm - Trong tình huống stress, ENFJ có thể cảm thấy bị áp lực khi luôn cố gắng đảm bảo mong muốn của tất cả mọi người |
- Sáng tạo, linh hoạt hơn ENFJ - Thích khám phá và áp dụng quy trình mới - Cũng xuất sắc trong việc diễn đạt và thuyết phục nhưng sẽ mang tính tự phát và ít nguyên tắc hơn so với ENFJ - Ở cương vị leader, ENFP hướng đến sự đổi mới, có tầm nhìn và không ngại rủi ro - Khi ở vai trò phải đưa ra quyết định, ENFP xem xét nhiều lựa chọn rồi mới quyết - Trong trường hợp stress, ENFP cần hỗ trợ từ nhiều người để cân bằng và tập trung trở lại |
Cả ba nhóm ENFJ, INFJ và ENFP đều có điểm chung trong cách thể hiện sự quan tâm đến người khác và tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Tuy nhiên, cách họ tiếp cận thông tin, tương tác và ra quyết định lại có sự khác biệt rõ rệt.
Trong khi ENFJ nổi bật với khả năng tổ chức và lãnh đạo, INFJ nhạy bén về mặt cảm xúc và có khả năng thấu hiểu người khác sâu sắc, thì ENFP lại hướng đến sự linh hoạt và sáng tạo hơn. Sự đa dạng này tạo nên những đặc điểm riêng biệt, thay đổi hoàn toàn cách họ xây dựng vòng tròn quan hệ cũng như định hình hướng đi trong cuộc đời.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CÁC ENFJ
Để có cuộc sống viên mãn và hoàn chỉnh hơn, các ENFJ cần biết phát huy các thế mạnh và cân bằng các điểm yếu của mình.
ENFJ cực kỳ nổi bật với khả năng thấu hiểu, truyền cảm hứng và động viên mọi người xung quanh để tiến bộ và phát triển hơn. Bởi vậy, các ENFJ nên phát huy các thế mạnh sau:
● Động viên và ghi nhận, khiến mọi người xung quanh cảm thấy được trân trọng
● Gắn kết và giữ hòa khí giữa người với người ở môi trường tập thể
● Thấu hiểu và giúp đỡ mọi người xung quanh hoàn thiện bản thân
Ngoài việc phát huy thế mạnh, ENFJ cần đầu tư thời gian khắc phục điểm yếu của bản thân.
Nhìn nhận mọi việc ở tầng sâu hơn
Để sống hạnh phúc, các ENFJ nên nhìn nhận mọi việc có chiều sâu hơn. Đừng láu táu vội vã trong quyết định của mình, các ENFJ nên dành thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng các chi tiết và xác định tiềm lực của mình trước khi bắt tay làm một dự án lớn.
Biết giới hạn của mình
Với tính cách ôm đồm và thích làm hài lòng người khác, các ENFJ rất dễ nhận về phần mình nhiều việc hơn thực tế họ có thể hoàn thành. Các ENFJ nên biết tự lượng sức mình trước khi nhận việc. Ngoài ra, thay vì chỉ chăm chú vào tổng khối lượng công việc để rồi cảm thấy bị “quá tải”, các ENFJ nên biết cách chia nhỏ công việc ra để dần đạt được mục tiêu.
Cần biết đối mặt với mâu thuẫn
Các ENFJ thường né tránh mâu thuẫn bằng mọi giá và thường cố gắng tỏ ra đồng tình với người khác chỉ vì ngại tranh cãi. ENFJ cần hiểu rằng mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Đối mặt để giải quyết mâu thuẫn sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn, và đôi khi sẽ giúp gỡ rối khúc mắc, giúp mỗi cá nhân đạt được ý nguyện của mình. Các cuộc tranh luận, đối mặt với những ý kiến trái chiều đóng vai trò cốt lõi để trưởng thành và phát triển bản thân hơn.
Phát triển khả năng sáng tạo
Các ENFJ có thể hơi nguyên tắc đôi lúc mà bỏ qua sự sáng tạo và linh hoạt trong đời sống. Để hoàn thiện bản thân hơn, các ENFJ nên tập trung vào phát triển khía cạnh sáng tạo trong con người họ. Có thể thử viết lách, vẽ vời hay tham gia các hoạt động giúp phát huy tính sáng tạo.
Ngoài ra, ENFJ nên dành thời gian riêng tĩnh lặng một mình để thực sự tìm hiểu và khám phá nguyện vọng của bản thân.
16 nhóm tính cách MBTI
16 nhóm tính cách MBTI
Người trách nhiệm
Người nuôi dưỡng
Người nghệ sĩ
Người lý tưởng hóa
Nhà tư duy
Người truyền cảm hứng
Nhà điều hành
Người quan tâm
Người thực thi
Tìm hiểu thêm về MBTI
Nhóm tính cách ENFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ENFJ chiếm tỷ trọng khá ít trong số 16 loại tính cách khi chỉ có khoảng 2% dân số trên thế giới mang loại tính cách này. Vậy thật sự ENFJ là những người như thế nào? Nhóm tính cách này nên lựa chọn nghề nghiệp nào. Bài viết hôm nay TopCV sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.
Nhóm tính cách ENFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Hiện nay trên thế giới có khoảng 7% tỉ lệ dân số thuộc nhóm tính cách ENFP. Những người này còn được biết đến dưới cái tên “Người truyền cảm hứng”. Vậy cụ thể các ENFP có tính cách ra sao? Họ phù hợp với những lĩnh vực, ngành nghề thế nào? TopCV sẽ giúp bạn giải đáp những điều trên ở bài viết dưới đây
Nhóm tính cách ENTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Có khoảng 3% dân số trên thế giới thuộc nhóm tính cách ENTJ, hay còn được gọi dưới cái tên “Nhà điều hành”. Vậy nhóm tính cách này phù hợp phát triển trong môi trường công việc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của TopCV
Nhóm tính cách ENTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Với sự thông minh, logic, liên tưởng nhanh chóng, những người thuộc nhóm tính cách ENTP dễ dàng làm chủ các cuộc tranh luận. Với những ưu điểm như thế liệu ENTP sẽ phù hợp với những nghề nghiệp nào? Hãy cùng TopCV tìm hiểu về loại tính cách thú vị này trong bài viết dưới đây nhé.
Nhóm tính cách ESFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESFJ chiếm tỉ lệ khá đông trên thế giới hiện nay khi có khoảng 12% dân số toàn cầu mang loại tính cách này. Đặc điểm của nhóm tinh cách này có thể gói gọn trong 3 cụm từ: thực tế, vị tha và hòa đồng. Với những đặc trưng như vậy liệu các ESFJ sẽ phù hợp với các lĩnh vực nào? Hãy cùng tìm hiểu với TopCV trong bài viết dưới đây.
Nhóm tính cách ESFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESFP chiếm khoảng 7% dân số hiện nay trên thế giới. Nhóm tính cách này còn được gọi là những “Người trình diễn” bởi tính cách vui vẻ, hoạt náo, tràn đầy năng lượng của họ. Vậy các ESFP sẽ phù hợp làm việc trong môi trường nào?
Nhóm tính cách ESTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESTP chiếm tỉ trọng khá ít khi chỉ có khoảng 4% dân số thế giới mang tính cách này. Có thể gói gọn ESTP trong 3 từ: tập thể, tự phát và thẳng thắn
Nhóm tính cách INFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
INFJ là loại tính cách hiếm thấy nhất hiện nay khi chỉ có khoảng 1% cư dân trên thế giới sở hữu nhóm tính cách này. Với những phẩm chất nhạy bén, sáng tạo. biết sẻ chia và tận tâm với công việc, những người thuộc nhóm tính cách INFJ thường phù hợp với những công việc liên quan tới con người.
Nhóm tính cách INFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Bạn có thuộc nhóm tính cách INFP - một trong những nhóm tính cách hiếm nhất này hay không? INFP nên chọn nghề nghiệp nào? Các bạn theo dõi bài viết dưới đây để tìm thấy những thông tin phù hợp với mình nhất
Nhóm tính cách INTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Theo những nghiên cứu của các chuyên gia, người thuộc nhóm tính cách INTJ hiện nay có 2%. Nhóm tính cách này xuất hiện cực hiếm ở nữ giới với tỷ lệ chỉ 0,8%. Những người thuộc nhóm tính cách này được đánh giá là rất thông minh nhưng khá bí ẩn, khó đoán. Cùng TopCV tìm hiểu cụ thể hơn về INTJ là gì?
Nhóm tính cách INTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách INTP chiếm khoảng 3% dân số trên thế giới hiện nay. Đây là nhóm tính cách yêu thích theo đuổi những triết lý, lý thuyết và không quan tâm tới thực tại. Đó cũng là lý do khiến họ có thể trở thành những nhà phân tích, giáo sư xuất sắc trong nhiều lĩnh vực.
Nhóm tính cách ISFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Người thuộc nhóm tính cách ISFJ còn được gọi là những “người nuôi dưỡng”. Vậy nhóm tính cách ISFJ là gì, cùng TopCV tìm hiểu ngay nhé!
Nhóm tính cách ISFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nnhóm tính cách ISFP là gì? Những công việc nào sẽ phù hợp với nhóm tính cách này? Hãy cùng TopCV theo dõi trong bài viết hôm nay.
Nhóm tính cách ISTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
ISTJ là thuật ngữ chỉ một trong 16 loại tính cách thuộc bài trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (MBTI). Vậy nhóm tính cách ISTJ là gì? Người thuộc nhóm tính cách này phù hợp với các ngành nghề nào? Bài viết dưới đây của TopCV sẽ mang đến câu trả lời cho bạn.
Nhóm tính cách ISTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Những người thuộc nhóm tính cách ISTP chiếm khoảng 5% dân số hiện nay trên thế giới. Thông thường những ISTP sẽ có suy nghĩ logic và hành động lý trí, quyết đoán. Nhưng họ cũng có thể phá vỡ quy tắc để trở nên nhiệt tình và tự phát. Vậy thực sự những ISTP “khó đoán” sẽ phù hợp với nghề nghiệp nào?