TỔNG QUAN
3 tính cách đặc trưng của ESFJ (Người quan tâm) là: Thực tế, vị tha và hòa đồng. Có khoảng 12% dân số mang tính cách này. Các ESFJ muốn được phục vụ người khác và họ rất nghiêm túc khi đưa ra các cam kết.
ESFJ là viết tắt của những chữ cái gì?
● E - Hướng ngoại: Đối với những người thuộc nhóm tính cách ESFJ, thế giới bên ngoài mới là thế giới thực. Trái ngược với tính cách I - Hướng nội luôn đắm mình trong thế giới nội tâm.
● S - Giác quan: Bạn tập trung vào những gì mình quan sát được bằng năm giác quan (thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác). I - Trực giác (hay còn gọi là giác quan thứ sáu) sẽ được sử dụng để diễn giải ý nghĩa của sự vật, sự việc.
● F - Cảm xúc: Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ đánh giá dựa trên cảm nhận cá nhân. Ngược lại, những người có T (Lý trí) trong tính cách thì đánh giá dựa trên số liệu thực và những dữ liệu đã được chứng minh.
● J - Nguyên tắc: Bạn dựa vào cấu trúc sẵn có để thoải mái đưa ra quan điểm mà không phải mất công suy xét nhiều. Trong khi đó, những người thiên về tính cách P - Linh hoạt lại thích môi trường tự do và họ sẽ tự sắp đặt cấu trúc bên trong cho mình.
Quan tâm tới mọi người
Các ESFJ là nhóm tính cách rất quan tâm tới mọi người, sử dụng những đặc điểm S (Giác quan) và J (Nguyên tắc) để nhìn nhận cũng như đánh giá những người xung quanh, từ đó nắm được điểm mạnh điểm yếu của mỗi cá nhân. Những Người quan tâm cũng dành được nhiều thiện cảm từ những người xung quanh bởi sự tinh tế, khéo léo và an tâm mà họ mang lại.
Tinh thần trách nhiệm cao
Các ESFJ là những người có tinh thần trách nhiệm cao, họ cũng rất độc lập, tỉ mẩn trong công việc và luôn hoàn thành với năng suất và hiệu quả cao nhất. Họ đánh giá cao sự an toàn và ổn định trong cuộc sống hàng ngày.
Ấm áp và tốt bụng
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ ấm áp và tràn đầy năng lượng, họ cũng sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để giúp đỡ người khác. Đổi lại thì những Người quan tâm cũng luôn hy vọng lòng tốt của mình sẽ được ghi nhận và đáp lại đúng cách, thay vì bị thờ ơ phớt lờ như thể việc giúp đỡ người khác là nghĩa vụ mà họ đương nhiên phải thực hiện.
Muốn được công nhận
Là một người có tính cách hướng ngoại, các ESFJ thường xuyên tập trung vào công việc đọc vị người khác (và họ cũng rất giỏi làm điều ấy) vì muốn được công nhận và chú ý.
Khách quan
Các ESFJ là những người không ngần ngại thể hiện quan điểm giữa một đám đông. Quan điểm của các ESFJ không dựa vào trực giác hay góc nhìn cá nhân, mà dựa vào quy tắc chung của những người xung quanh, tại nơi họ sống và làm việc.
Quan điểm cá nhân không vững vàng
Việc sống tuân thủ theo những giá trị đạo đức cơ bản giúp các ESFJ trở thành những người tốt bụng và hào phóng, sẵn sàng giúp đỡ người khác dù có phải hy sinh thời gian, công sức hoặc thậm chí là lợi ích của cá nhân, tuy nhiên tính cách này cũng là một con dao hai lưỡi khi mang lại cho các ESFJ không ít rắc rối bởi không phải bất cứ luật lệ, quy tắc nào mà họ biết cũng đều chuẩn chỉ. Và với một người không có quan điểm cá nhân vững vàng như những Người quan tâm thì họ sẽ tin tưởng một cách vô điều kiện mà không màng tới đúng sai.
Điểm yếu trực giác
Khác với người anh em ENFJ, các ESFJ có phần thiếu hụt đặc điểm I (Trực giác), họ không giỏi cân nhắc xem những hành động của mình sẽ gây nên hậu quả gì, và chính vì không biết điều đó nên đôi khi những người thuộc nhóm tính cách ESFJ sẽ vô tình thao túng, ép buộc người khác làm những việc mà họ cho là đang tuân thủ theo các giá trị đạo đức cơ bản, trong khi thực tế lại không phải vậy.
Rõ ràng, cụ thể
Các ESFJ thích những môi trường làm việc có kết cấu và sơ đồ tổ chức rõ ràng, bản thân họ cũng rất giỏi trong việc dẫn dắt và thiết lập trật tự trong công việc. Ngược lại, những gì liên quan tới những khái niệm trừu tượng, phân tích sẽ khiến họ nhanh chóng cảm thấy chán nản và sớm bỏ cuộc.
Giá trị truyền thống
Các ESTJ đặt niềm tin vào những giá trị truyền thống, vào những luật lệ và quy định mà xã hội đã đặt ra, bởi họ cần sự an toàn và ổn định, và nghĩ rằng những người khác cũng nên tin tưởng một trăm phần trăm như họ.
Những người nổi tiếng mang tính cách ESFJ:
● Hugh Jackman
● Ariana Grande
● Jennifer Lopez
● Tyra Banks
● Elton John
● Mariah Carey
● Whitney Houston
● Celine Dion
ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU CỦA NHÓM TÍNH CÁCH ESFJ
Điểm mạnh
Gọn gàng, ngăn nắp
Những Người quan tâm rất giỏi trong viết sắp xếp và thực hiện công việc mỗi ngày. Họ lên lịch trình và phân chia trình tự trong công việc và trong cuộc sống thường ngày một cách ngăn nắp, có khoa học.
Tinh thần trách nhiệm cao
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ sống rất trách nhiệm và luôn nỗ lực để làm trọn bổn phận của mình, cho dù đôi khi đó là trách nhiệm đến từ xã hội hơn là trách nhiệm xuất phát từ chính bản thân họ.
Trung thành tuyệt đối
Các ESFJ đánh giá cao sự an toàn, đó là lý do họ luôn “một lòng” với những điều quen thuộc, hầu như không bao giờ thay đổi. Điều đó khiến họ trở thành những người đồng nghiệp và bạn đời đáng tin cậy. Dù là trong gia đình hay đơn giản là trong một nhóm bạn, các ESFJ luôn là những “trụ cột” để mọi người tin tưởng và giao trọng trách.
Ấm áp và đồng cảm
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ biết lắng nghe cảm xúc của những người xung quanh và rất biết cư xử để không làm buồn lòng ai.
Giỏi kết giao
Những đặc điểm tính cách trên cộng hưởng lại khiến các ESFJ trở thành những người rất quảng giao và được yêu mến.
Điểm yếu
Thiếu tự tin
Các ESFJ quá chú trọng tới cái nhìn của mọi người xung quanh dành cho mình. Họ cũng là người dễ dao động bởi những yếu tố ngoại cảnh khi cần đưa ra một quyết định nào đó. Điểm yếu này sẽ khiến sức sáng tạo và năng lực đưa ra quyết định của các ESFJ bị hạn chế rất nhiều.
Thiếu linh hoạt
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ đề cao những giá trị truyền thống và không thích những ai đi ngược lại với số đông. Bản thân họ cũng thường xuyên ép mình đi vào những khuôn khổ được định sẵn mà dần làm mất đi màu sắc cá nhân của riêng mình.
Bảo thủ
Các ESFJ né tránh hết mức việc phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, phải thay đổi, phải đổi mới, bởi họ sợ lời dị nghị của những người xung quanh, không muốn mình trở thành nhân tố khác biệt so với mọi người.
Dễ tổn thương
Là một người không thích vướng vào những cuộc xung đột, các ESFJ rất dễ buồn lòng khi họ bị phê bình và khiển trách, đặc biệt là từ những người thân quen gần gũi, về lối sống, đức tin hay những giá trị truyền thống mà họ tin tưởng.
Khát khao được ghi nhận
Các ESFJ luôn mong muốn rằng những gì mình làm và đóng góp sẽ được ghi nhận và tuyên dương một cách xứng đáng. Hoặc không, họ sẽ tìm mọi cách để mọi người để ý tới và khen ngợi họ. Tuy nhiên điều này có thể sẽ gây khó chịu cho những người không cần tới sự hỗ trợ của các ESFJ.
MỐI QUAN HỆ
Các ESFJ là những người bạn vô cùng trung thành, họ sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ để trò chuyện với những người quan trọng với mình. Họ là những người nồng nhiệt, dễ mến và yêu những giá trị truyền thống. Nếu bạn có quan điểm sống khác biệt với các ESFJ thì khả năng hai người sẽ không bao giờ có thể trở thành bạn tốt của nhau, vì những Người quan tâm không muốn bị chỉ trích, nhất là bởi những người thân quen.
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ luôn cố gắng giữ mối quan hệ tốt với mọi người, ở nhiều tầng lớp khác nhau, không quan trọng địa vị xã hội. Tốt bụng và chân thành là hai tính cách giúp họ có thể chiếm được cảm tình của những người xung quanh.
Nhìn chung, các ESFJ trân trọng tất cả những mối quan hệ cá nhân, họ cũng luôn tìm cách làm bền chặt hơn mối quan hệ giữa người với người, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Họ thích giúp đỡ người khác và thích ngắm nhìn những nụ cười biết ơn trước lòng tốt của mình. Là những người khá điềm tĩnh, các ESFJ không thích vướng vào những cuộc xung đột.
Đối với ESFJ, điều quý giá nhất là cảm giác an toàn mà họ có được trong tất cả các mối quan hệ, từ gia đình, bạn bè đến đồng nghiệp. Khao khát của ESFJ chính là sống bình yên bên người mà họ yêu quý và gắn bó sâu sắc với cộng đồng.
ESFJ trong tình yêu
Một tình yêu ấm áp và ngọt ngào là liều thuốc tốt nhất để các ESFJ cảm nhận được sự tận tâm, an toàn và hỗ trợ nhiệt tình từ người bạn đời.
“Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ không có tính cách tùy tiện. Trong tình yêu họ sẽ cần nửa kia theo sát và hỗ trợ mình, mục đích cuối cùng vẫn là một đám cưới đẹp và một tổ ấm yên bình.”
Sau khi vạch rõ mục tiêu, các ESFJ sẽ tiến hành từng bước một trong quá trình tìm kiếm và chinh phục tình yêu đích thực của đời mình một cách nghiêm túc, từ thời điểm hẹn hò tới khi tìm hiểu và đi tới hôn nhân. Tình yêu của họ được xây dựng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng vui vẻ và hài lòng với nhau, thống nhất trong lý tưởng tạo dựng một gia đình với sự tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau.
Các ESFJ sẽ rất hạnh phúc nếu họ cũng cảm nhận được tình cảm mà nửa kia dành cho mình. Bởi thế mà họ đặc biệt thể hiện sự yêu thích với những người luôn nhớ và để tâm tới những ngày kỷ niệm, chăm chút chuẩn bị từng món quà nhỏ ý nghĩa và bất ngờ.
Một trái tim nhạy cảm
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ luôn né tránh mọi cuộc xung đột, kể cả trong gia đình. Nếu bạn đời của họ chỉ trích hoặc phê bình họ vì một lý do nào đó thì các ESFJ sẽ bị tổn thương, bởi không gì có thể làm các ESFJ đau lòng hơn khi nhận thấy người mình yêu không tôn trọng sự lựa chọn của họ. Ngược lại, chỉ cần bạn đời ở bên và cổ vũ họ thì các ESFJ có thể hiên ngang đối mặt với mọi khó khăn thử thách ngoài kia.
Một tin không quá tốt là với tính cách ấy, những Người quan tâm chưa trưởng thành hoặc chưa vững vàng về mặt tinh thần có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong mối quan hệ tình cảm này. Họ khát khao sự công nhận của nửa kia tới nỗi đánh đổi cả những giá trị quan của bản thân. Đây là một cái bẫy mà về lâu dài có thể khiến các ESFJ bị lợi dụng tình cảm và lòng tự trọng.
Ngoài ra, do rất sợ bị chỉ trích và đánh giá, việc lựa chọn bạn đời của các ESFJ cũng chịu ảnh hưởng từ xã hội và những người xung quanh như bạn bè, gia đình.
Xây dựng niềm tin
ESFJ là những người ấm áp và trung thành, vì vậy họ cũng muốn được tôn trọng và tin tưởng. Họ thể hiện rất tốt ở những công việc mang tính thực tiễn như quản lý tiền bạc trong gia đình.
Những Người quan tâm khá chăm chút và có những quy tắc riêng trong việc hẹn hò. Về mặt giường chiếu, các ESFJ là những đối tác tuyệt vời bởi họ rất tập trung vào những yếu tố thực tiễn. Ngoài ra, tình dục là một trong những khía cạnh giúp họ giữ lửa tình yêu và làm bạn đời hạnh phúc. Khi cặp đôi đã tiến tới một sự hòa hợp nhất định thì các ESFJ sẽ bắt đầu trải nghiệm những điều mới lạ, thú vị trong tình yêu.
ESFJ trong tình bạn
Các ESFJ là người quảng giao, họ có nhiều bạn bè và sẵn sàng dành nhiều thời gian và công sức để duy trì tình bạn. Là những người trung thành và ấm áp, những người thuộc nhóm tính cách ESFJ luôn ở bên bạn bè để cổ vũ và hỗ trợ dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Đôi khi họ còn quan tâm tới bạn bè nhiều hơn cả bản thân mình.
“Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ tôn trọng quan điểm truyền thống trong tình bạn, và họ rất vui khi được giúp đỡ và hỗ trợ bạn bè trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.”
Các ESFJ rất dễ kết bạn và được nhiều người yêu mến nhờ tính cách vui vẻ, lạc quan, sẵn sàng làm mọi thứ để bạn mình được vui vẻ. Ngược lại, những Người quan tâm cũng muốn lòng tốt của mình được ghi nhận xứng đáng.
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ có niềm tin mãnh liệt rằng bạn bè không bao giờ sai, và họ sẽ bảo vệ bạn mình trước mọi cuộc tranh cãi, đổi lại thì họ cũng muốn bạn bè bảo vệ mình theo cách tương tự. Tuy nhiên, nếu các ESFJ chịu tiếp thu nhiều quan điểm khác nhau từ nhiều cá nhân khác nhau thì họ sẽ có thêm nhiều bạn hơn nữa.
Luôn bên bạn
Mặt khác, những người thuộc nhóm tính cách ESFJ rất quan tâm tới bạn bè mình, hiểu rõ đâu là điều sẽ khiến bạn bè họ vui lên và đâu là động lực thúc đẩy họ tiến về phía trước. Những Người quan tâm dễ dàng nhận ra khi bạn bè họ đang gặp phải nan đề nào đó để kịp thời đưa tay ra giúp đỡ. Các ESFJ để ý rất nhiều tới việc duy trì sức nóng của tình bạn, họ luôn tìm cách truyền cảm hứng và tạo động lực cho những người xung quanh.
ESFJ khi làm cha mẹ
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ là những bậc cha mẹ ấm áp, hiền lành, luôn sẵn sàng tạo động lực và khuyến khích con cái mình phát triển bản thân trong mọi lĩnh vực. Họ cũng sẽ thiết lập những quy tắc, quy định cơ bản cho những đứa trẻ theo cách tự nhiên nhất và thuyết phục nhất để chúng được cảm thấy thoải mái và không quá áp lực. Vì vậy, rất hiếm khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình của các ESFJ nếu các thành viên có quan điểm khác nhau.
“Con cái là một món quà tuyệt vời đối với các ESFJ, vì vậy họ luôn trân trọng và biết nắm bắt từng khoảnh khắc.”
Mục tiêu tối cao trong quá trình nuôi dạy trẻ của các bậc phụ huynh ESFJ là đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc cho con cái. Họ cũng rất tận hưởng việc con cái phụ thuộc vào mình, vì đối với họ gia đình là vô cùng thiêng liêng.
Quá bao bọc
Khi những đứa trẻ lớn lên và bắt đầu bước ra ngoài để khám phá thế giới, những Người quan tâm sẽ càng yêu thương và che chở cho chúng, tuy nhiên đôi khi chính họ lại không kiểm soát được hành vi của mình và bao bọc con cái quá mức cần thiết. Các ESFJ không chỉ bảo vệ sức khỏe của những đứa trẻ mà còn rất quan tâm tới đời sống tinh thần của chúng. Họ sẵn sàng thay con cái sắp xếp giờ giấc vui chơi ngủ nghỉ, những điều rất đơn giản mà những đứa trẻ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh để rèn tính tự lập.
Khi dạy con cái những bài học về cuộc sống, các ESFJ thường ưu tiên hướng những đứa trẻ sống chan hòa và tốt bụng với mọi người, bản thân họ cũng là một tấm gương sáng để những đứa trẻ noi theo. Tuy vậy, những Người quan tâm cũng biết phân biệt đúng sai rạch ròi, trong gia đình họ thường sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu những đứa trẻ phạm phải sai lầm lớn thì họ cũng sẽ nhất quyết can thiệp để dạy dỗ lại chúng.
Lợi thế của việc tự lập
Khi những đứa trẻ bước vào tuổi vị thành niên và dần rời xa khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ, các bậc phụ huynh ESFJ sẽ cảm thấy rất mất mát. Họ không muốn đối diện với sự thật rằng mình đang dần mất đi con cái và sẽ làm tất cả để níu kéo những đứa trẻ ở lại với mình càng lâu càng tốt.
Mặt khác, các ESFJ cũng có thể tự hào vì những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà mình đã chuẩn bị kỹ càng cho con cái làm hành trang cần thiết để vững tin bước vào đời. Đổi lại, những đứa trẻ cũng cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến và niềm tin mãnh liệt mà cha mẹ dành cho mình. Sau này khi trở thành cha mẹ, con cái của các ESFJ sẽ càng trân trọng điều đó, và yên tâm hơn khi biết rằng cha mẹ vẫn đang dõi theo và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào mình cần.
LÀM SAO ĐỂ THÂN THIẾT VỚI ESFJ?
Là một người hòa đồng, các ESFJ có thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Tuy nhiên, để trở nên thân thiết với nhóm tính cách này bạn cần phải thể hiện được sự chân thành, nghiêm túc và ý định xây dựng mối quan hệ bền vững.
Đối với Người quan tâm, một mối quan hệ mang lại cho họ cảm giác an toàn, bình yên chính là điều quý giá nhất. Vì thế, cách tốt nhất để thân thiết với ESFJ chính là tạo cho họ sự thoải mái và nồng nhiệt.
Một số điều bạn cần chú ý khi tiếp xúc với ESFJ:
● Hãy lắng nghe và tương tác với họ mỗi khi trò chuyện. Các ESFJ rất nhạy cảm, họ sẽ dễ cảm thấy tủi thân nếu như đối phương không tỏ thái độ gì trong mỗi cuộc trò chuyện. Vì thế khi nói chuyện với ESFJ bạn hãy tươi cười và tập trung lắng nghe, dù cho cả hai đang thảo luận bất kể chủ đề gì.
● Hãy bày tỏ lòng biết ơn. Các ESFJ rất quan tâm đến những người xung quanh. Họ sống tình cảm, luôn muốn phục vụ người khác và sẽ cảm động nếu nhận được những lời khen ngợi, động viên từ đối phương. Bạn hãy bày tỏ lòng biết ơn đối với sự chân thành và quan tâm mà ESFJ dành cho mình.
● Hãy luôn giữ liên lạc và thăm hỏi họ. Khi đã ở trong vòng tròn bạn bè với ESFJ, bạn hãy thường xuyên liên lạc và hỏi thăm họ, kể cả khi không có chuyện gì. Điều này sẽ khiến họ rất vui vì cảm thấy được quan tâm.
● Tuyệt đối không cãi lý với ESFJ. Khi các ESFJ nổi giận, bạn không nên cố gắng cãi lý, khuyên nhủ hay chỉ bảo họ thay vào đó chỉ cần lắng nghe và bày tỏ sự đồng cảm với họ. Bằng cách này cơn giận của ESFJ sẽ nguôi dần.
● Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước mặt ESFJ. Các ESFJ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi người, vì thế bạn hãy thể hiện cho họ thấy được điều này. Bạn không nên làm những việc vi phạm quy định trước mặt ESFJ như vứt rác bừa bãi, hút thuốc ở nơi công cộng hoặc làm ồn ở rạp chiếu phim.
● Hãy biết giữ lời. ESFJ rất giữ lời khi đưa ra bất cứ cam kết gì và họ mong muốn đối phương cũng như vậy. Nếu phải hủy hẹn với họ bạn hãy liên lạc sớm. Họ sẽ rất thất vọng nếu đối phương hủy hẹn mà không báo trước.
Có thể thấy, tính cách hòa đồng, nồng nhiệt và chân thành đã giúp các ESFJ chinh phục được nhiều người. Tuy nhiên, điều ESFJ tìm kiếm là một mối quan hệ tốt và bền vững, cả hai đều mang lại sự thoải mái cho nhau. Một khi đã trở nên thân thiết với ESFJ, bạn chắc chắn sẽ nhận được sự ấm áp và quan tâm từ họ. Các ESFJ sẽ luôn bảo vệ và phục vụ những người thân yêu bởi đối với họ đây chính là điều hạnh phúc.
CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ phù hợp với những công việc đòi hỏi tính thực tiễn, tiếp xúc với nhiều người hoặc ở vị trí nhà lãnh đạo. Những Người quan tâm là những người có tính tổ chức tốt, thích sự trật tự, hợp với môi trường làm việc có hệ thống phân cấp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể, kế hoạch dài hạn. Họ không ngại phải làm những công việc nhàm chán có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần.
Lòng vị tha
Công việc quản trị dường như sinh ra để dành cho các ESFJ, bởi họ không chỉ có khả năng quản trị một tổ chức mà còn quản trị tốt từng cá nhân trong tổ chức ấy. Với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, các ESFJ cũng rất phù hợp cho công việc kế toán, kiểm toán, đặc biệt là kế toán cá nhân vì khi ấy họ có thể giao tiếp và giúp đỡ nhiều người thay vì chỉ tiếp xúc với các con số như những vị trí khác, ví dụ như kế toán kho. Tuy nhiên những công việc thiên về phân tích thuần túy thường rất nhàm chán, các ESFJ cần tương tác với người khác để chắc chắn rằng mình đang làm việc hiệu quả.
Là người biết lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh, công việc trong ngành y tế cũng rất phù hợp với các ESFJ.
Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm tính cách ESFJ cũng có thể tham gia vào công việc giảng dạy, bởi khi đó họ có thể vừa quản lý một lớp học vừa có thể giao tiếp, trò chuyện với các em học sinh.
“Điều kiện mà các ESFJ mong muốn ở công việc mơ ước là cho phép họ giúp đỡ người khác và bản thân cũng được trân trọng, đánh giá cao.”
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ có lòng vị tha, tính cách vô tư, rộng lượng, họ chỉ cảm thấy hài lòng khi mình có thể giúp đỡ người khác hoàn thành một nhiệm vụ khó nhằn. Đây cũng là một yếu tố thúc đẩy các ESFJ thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
Những nghề nghiệp phù hợp
Nhìn chung, dù lựa chọn nghề nghiệp gì thì các ESFJ cũng rất thoải mái khi được làm việc cùng đám đông, được tiếp xúc với nhiều người. Họ biết tận dụng và kết hợp kinh nghiệm cùng kỹ năng thực tiễn để không chỉ làm việc kiếm sống mà còn để tận hưởng công việc của mình.
Trong công việc, các ESFJ muốn nhận được sự công nhận từ đồng nghiệp và cấp trên, đó không chỉ là sự công nhận trong thành tích mà còn là công nhận về sự giúp đỡ và hỗ trợ tận tình với các phòng ban liên quan. Việc ý thức được mình đang tạo ra giá trị cho tổ chức sẽ là một động lực thúc đẩy họ trên con đường sự nghiệp.
Xác định được định hướng lâu dài, đồng thời ý thức được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là cách tốt nhất giúp bạn ngày càng đi lên trong sự nghiệp và có khả năng gắn bó lâu dài. Dưới đây là một số công việc mà những người thuộc nhóm tính cách ESFJ có thể tham khảo:
● Cố vấn/ Công tác xã hội
● Thủ thư/ Kế toán/ Kiểm toán
● Chăm sóc sức khỏe tại gia
● Y tá
● Chăm sóc trẻ em
● Lãnh đạo
● Giáo viên
● Trưởng phòng
● Trợ lý giám đốc
● Kinh doanh hộ gia đình
● Chuyên viên thẩm mỹ, làm đẹp
● Nhân viên bán hàng
● Nhân viên kinh doanh
THÓI QUEN NƠI CÔNG SỞ
Ở nơi làm việc, những tính cách điển hình của các ESFJ càng được bộc lộ rõ ràng. Họ làm việc dựa trên sự hài hòa, trật tự trong công việc, đồng thời đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều nhận thức được trách nhiệm của mình, cần làm gì và làm như thế nào. Các ESFJ làm việc tốt nhất trong môi trường được phân cấp rõ ràng, và dù ở vị trí nào thì họ cũng muốn được tôn trọng và lắng nghe.
ESFJ khi làm cấp dưới
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ ý thức rất rõ về vai trò và trách nhiệm của mình. Họ làm việc một cách kiên nhẫn, chăm chỉ, hiệu quả cao, và đặc biệt là rất tôn trọng cấp trên. Họ không ngại khó ngại khổ mà sẽ luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc. Các ESFJ làm việc tốt nhất ở những môi trường có tính an toàn, ổn định, có nguyên tắc và kỷ luật. Ngược lại, những nơi làm việc liên tục có sự thay đổi, chuyển giao sẽ khiến họ cảm thấy bức bối.
ESFJ khi là đồng nghiệp
Các ESFJ không gặp khó khăn gì khi làm việc nhóm bởi họ rất thích tiếp xúc và hỗ trợ đồng nghiệp bất cứ khi nào họ cần. Những Người quan tâm cũng biết đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và những người trong team để phân chia công việc và hoàn thành dự án đúng hạn.
Tuy nhiên, nhược điểm của các ESFJ là dễ tổn thương khi bị chỉ trích. Nếu các ý kiến đóng góp của các ESFJ bị từ chối, họ sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất tinh thần.
ESFJ khi làm cấp trên
Những người thuộc nhóm tính cách ESFJ rất tận hưởng việc nhận trách nhiệm quản lý đội nhóm hay tổ chức, vì đó là điểm mạnh của họ. Với cương vị là một người lãnh đạo, các ESFJ sẽ tạo động lực cho từng cá nhân phát triển năng lực, gắn kết nhân viên cấp dưới, tạo mối quan hệ hài hòa giữa các phòng ban.
Đồng thời, những nhà lãnh đạo ESFJ rất đề cao việc phân chia quyền lực, sắp xếp nhân sự trong một tổ chức, và nếu một cá nhân nào đó có ý định thách thức quyền lực của họ thì các ESFJ sẽ không bao giờ tha thứ. Những Người quan tâm luôn cố gắng hết sức để hạn chế xung đột chốn công sở và đảm bảo mỗi cá nhân đều ý thức được mình đang ở vị trí nào và vai trò của họ là gì.
SO SÁNH ESFJ VỚI ESFP, ISFJ
Khi so sánh ESFJ (Người quan tâm) với những nhóm tính cách có sự tương đồng (ESFP - Người trình diễn, ISFJ - Người truyền cảm hứng) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các đặc điểm tính cách của ESFJ.
Điểm giống nhau
S - Giác quan và F - Cảm xúc: Cả ba nhóm tính cách MBTI này là những người sống theo cảm xúc. Họ có xu hướng suy nghĩ và đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc. Tuy nhiên khi lý giải ý nghĩa của các sự vật, sự việc xung quanh cả ESFJ, ESFP và ISFJ sẽ vận dụng tất cả giác quan để thu thập dữ liệu.
Nếu đối chiếu ESFJ với từng nhóm ESFP, ISFJ, chúng tôi nhận thấy mỗi cặp sẽ có những điểm chung riêng như sau:
● ESFJ và ESFP: Cả hai đều là những người thân thiện và vui vẻ. Họ rất phù hợp khi cùng nhau trò chuyện về những khía cạnh xã hội và các chủ đề chung.
● ESFJ và ISFJ: Cả hai đều quan tâm đến việc chăm sóc gia đình. Họ có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và ổn định trong tất cả mọi việc. Trong các mối quan hệ hai nhóm MBTI này đều hướng đến một hệ thống có sự phân cấp rõ ràng và cho họ cơ hội tương tác xã hội.
Điểm khác nhau
Bên cạnh các điểm giống nhau, giữa ESFJ và ESFP, ISFJ vẫn tồn tại những điểm khác biệt trong cách tiếp cận thông tin, xây dựng mối quan hệ và công việc. Cùng theo dõi bảng sau để so sánh sự khác nhau giữa 3 nhóm MBTI này:
Đặc điểm |
ESFP |
ESFJ |
ISFJ |
Diễn giải chữ viết tắt |
E - Hướng ngoại S - Giác quan F - Cảm xúc P - Linh hoạt |
E - Hướng ngoại S - Giác quan F - Cảm xúc J - Nguyên tắc |
I - Hướng nội S - Giác quan F - Cảm xúc J - Nguyên tắc |
Cách tiếp cận thông tin |
Tận hưởng thế giới một cách hồn nhiên nhưng tiếp cận thông tin rất linh hoạt, dựa trên các quy tắc do chính họ đặt ra |
Dựa trên các số liệu cụ thể và đo lường thực tế |
Sử dụng cả năm giác quan gồm: khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác để cảm nhận |
Trong các mối quan hệ |
- Quảng giao và nhiệt tình, đi tới đâu là có người quen tới đó - Rất thẳng thắn, thậm chí đôi khi lỗ mãng, nhưng sự cởi mở của họ dễ dàng xoa dịu cơn giận của đối phương - Không thích những mối quan hệ đòi hỏi phải sử dụng trực giác hay suy nghĩ nhiều |
- Chân thành và nồng nhiệt, luôn chủ động trong việc mở rộng các mối quan hệ - Sẵn sàng dành nhiều thời gian và muốn phục vụ những người quan trọng - Đặt ra nhiều nguyên tắc cụ thể và kế hoạch dài hạn - Sẵn lòng cho đi, thích làm cho đối phương thấy thoải mái nhưng cũng mong đợi được đền đáp lại |
- Không chủ động kết thân một cách tùy hứng với ai dù là người có khả năng hòa nhập tuyệt vời - Rất quan tâm và dành nhiều tình cảm cho đối phương. Họ có xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân khi cả hai đã trở nên thân thiết - Dễ cảm động và thấy biết ơn nếu nhận được sự quan tâm từ người khác dù khi cho đi họ không mong cầu được đáp lại |
Trong công việc |
- Có xu hướng thiên về công việc thực hành hơn lý thuyết - Giải quyết công việc dựa trên sự ngẫu hứng nhưng đưa ra quyết định nhanh vào những thời điểm cấp bách - Không né tránh các rủi ro mà chọn cách đối mặt và giải quyết triệt để - Không thích hợp với môi trường công việc khắt khe, nhiều quy tắc và điều lệ - Làm tốt ở các vị trí như nhân viên kinh doanh/bán hàng, nhà đàm phán, tiếp thị |
- Phù hợp với môi trường được tiếp xúc với nhiều người, có trật tự và hệ thống phân cấp rõ ràng - Không ngại làm các công việc có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần - Công việc mơ ước của ESFJ là cho phép họ giúp đỡ người khác và bản thân cũng được trân trọng, đánh giá cao - Có thể trở thành nhà lãnh đạo và quản trị lý tưởng |
- Ưu tiên sự an toàn và ổn định - Luôn chăm chỉ làm việc, thậm chí biến công việc thành niềm tự hào - Phù hợp với các công việc cần vận dụng khả năng quan sát tốt, nhạy bén, sắp xếp, tổ chức, hoặc yêu cầu tính thẩm mỹ cao |
Cả ba nhóm tính cách ESFJ và ESFP, ISFJ đều là những người thiên về cảm xúc. Các quyết định họ đưa ra có thể chịu sự chi phối của cảm xúc, nhưng họ vẫn sử dụng tất cả các giác quan để đảm bảo đưa ra các quyết định phù hợp nhất. Tuy nhiên, cách tiếp cận thông tin, sự tương tác trong các mối quan hệ, công việc của ba nhóm MBTI này lại có sự khác biệt.
Các ESFJ thường dựa trên số liệu cụ thể và đo lường thực tế, ISFJ sử dụng khả năng quan sát và tổ chức, trong khi ESFP có xu hướng thiên về thực hành hơn lý thuyết, họ đối mặt để giải quyết triệt để các vấn đề. Những nét riêng của mỗi nhóm sẽ tạo nên sự đa dạng trong cách họ xây dựng mối quan hệ và xác định hướng đi trong cuộc đời cho bản thân.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CÁC ESFJ
Luôn nuôi dưỡng các điểm mạnh
Một trong những điểm mạnh trong tính cách của ESFJ là quan tâm và cho đi, hãy lan tỏa và thể hiện điều này ra thế giới xung quanh. Bạn có thể tận dụng các cơ hội để nuôi dưỡng và phát triển chúng thông qua những tình huống cụ thể xảy ra trong mối quan hệ bạn bè, gia đình và công sở. Hoặc các ESFJ cũng có thể tìm kiếm một công việc và sở thích giúp bản thân nhận ra những điểm mạnh này.
Biết cách chấp nhận và đối mặt với điểm yếu
Các ESFJ cần hiểu rằng, không ai là hoàn hảo cả, mỗi người đều có những điểm hạn chế riêng. Điều quan trọng là bạn nhận ra yếu điểm của mình và biết cách cải thiện chúng. Nhận ra và đối mặt với điểm yếu của bản thân không có nghĩa là phải thay đổi con người thật của mình. Ngược lại chúng sẽ giúp bạn có thêm cơ hội để phát triển bản thân, tôn vinh con người thật của mình.
Đừng quá vội vàng đưa ra phán xét
Khi gặp bất cứ vấn đề gì, các ESFJ không nên vội vàng đưa ra phán xét, thay vào đó hãy cố gắng xem xét tất cả thông tin hoặc sự việc xảy ra trong một tình huống cụ thể. Mọi thứ mà bạn nhìn thấy không phải lúc nào cũng như vẻ bề ngoài của chúng. Việc nhìn nhận thế giới xung quanh một cách cẩn thận, khám phá sự thật bên trong sẽ giúp ESFJ có nhiều góc nhìn trực quan hơn. Từ đó bạn sẽ thu nhập các dữ liệu thông tin hữu ích cho việc đưa ra quyết định hoặc quan điểm của bản thân. Cách tốt nhất là đừng để bản thân rơi vào cái bẫy khi nghĩ rằng quan điểm của người khác về thế giới cũng có giá trị như quan điểm của bạn.
Biết cách bày tỏ nhu cầu của bản thân
Các ESFJ hãy bày tỏ những nghi ngờ, khó khăn hoặc mong muốn của bản thân cho mọi người xung quanh vì ai cũng cần hiểu bạn và nhu cầu của bạn. Nếu không chắc chắn bất cứ vấn đề gì hoặc một ai đó, ESFJ nên tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm. Bạn không nên để nỗi sợ hãi khiến bản thân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan hoặc dẫn đến thất bại. Việc bộc bạch những suy nghĩ của bản thân sẽ giúp Người quan tâm xây dựng các mối quan hệ đối tác tốt đẹp. Các ESFJ hãy làm những gì mình muốn và đừng quá bận tâm đến ánh mắt của người khác.
Đừng thu mình lại
Cuối cùng, các ESFJ nên bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khám phá thế giới bên ngoài và mọi người xung quanh, từ đó mở rộng tầm nhìn, tập trung vào những ý tưởng và cơ hội mới. Bạn càng tìm kiếm những điều tốt đẹp xung quanh thì sẽ càng nhận ra mỗi người đều là một mỏ vàng có giá trị, cũng như mọi tình huống đều có thể trở nên tốt đẹp.
16 nhóm tính cách MBTI
16 nhóm tính cách MBTI
Người trách nhiệm
Người nuôi dưỡng
Người nghệ sĩ
Người lý tưởng hóa
Nhà tư duy
Người truyền cảm hứng
Nhà điều hành
Người quan tâm
Người thực thi
Tìm hiểu thêm về MBTI
Nhóm tính cách ENFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ENFJ chiếm tỷ trọng khá ít trong số 16 loại tính cách khi chỉ có khoảng 2% dân số trên thế giới mang loại tính cách này. Vậy thật sự ENFJ là những người như thế nào? Nhóm tính cách này nên lựa chọn nghề nghiệp nào. Bài viết hôm nay TopCV sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.
Nhóm tính cách ENFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Hiện nay trên thế giới có khoảng 7% tỉ lệ dân số thuộc nhóm tính cách ENFP. Những người này còn được biết đến dưới cái tên “Người truyền cảm hứng”. Vậy cụ thể các ENFP có tính cách ra sao? Họ phù hợp với những lĩnh vực, ngành nghề thế nào? TopCV sẽ giúp bạn giải đáp những điều trên ở bài viết dưới đây
Nhóm tính cách ENTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Có khoảng 3% dân số trên thế giới thuộc nhóm tính cách ENTJ, hay còn được gọi dưới cái tên “Nhà điều hành”. Vậy nhóm tính cách này phù hợp phát triển trong môi trường công việc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của TopCV
Nhóm tính cách ENTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Với sự thông minh, logic, liên tưởng nhanh chóng, những người thuộc nhóm tính cách ENTP dễ dàng làm chủ các cuộc tranh luận. Với những ưu điểm như thế liệu ENTP sẽ phù hợp với những nghề nghiệp nào? Hãy cùng TopCV tìm hiểu về loại tính cách thú vị này trong bài viết dưới đây nhé.
Nhóm tính cách ESFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESFJ chiếm tỉ lệ khá đông trên thế giới hiện nay khi có khoảng 12% dân số toàn cầu mang loại tính cách này. Đặc điểm của nhóm tinh cách này có thể gói gọn trong 3 cụm từ: thực tế, vị tha và hòa đồng. Với những đặc trưng như vậy liệu các ESFJ sẽ phù hợp với các lĩnh vực nào? Hãy cùng tìm hiểu với TopCV trong bài viết dưới đây.
Nhóm tính cách ESFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESFP chiếm khoảng 7% dân số hiện nay trên thế giới. Nhóm tính cách này còn được gọi là những “Người trình diễn” bởi tính cách vui vẻ, hoạt náo, tràn đầy năng lượng của họ. Vậy các ESFP sẽ phù hợp làm việc trong môi trường nào?
Nhóm tính cách ESTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách ESTP chiếm tỉ trọng khá ít khi chỉ có khoảng 4% dân số thế giới mang tính cách này. Có thể gói gọn ESTP trong 3 từ: tập thể, tự phát và thẳng thắn
Nhóm tính cách INFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
INFJ là loại tính cách hiếm thấy nhất hiện nay khi chỉ có khoảng 1% cư dân trên thế giới sở hữu nhóm tính cách này. Với những phẩm chất nhạy bén, sáng tạo. biết sẻ chia và tận tâm với công việc, những người thuộc nhóm tính cách INFJ thường phù hợp với những công việc liên quan tới con người.
Nhóm tính cách INFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Bạn có thuộc nhóm tính cách INFP - một trong những nhóm tính cách hiếm nhất này hay không? INFP nên chọn nghề nghiệp nào? Các bạn theo dõi bài viết dưới đây để tìm thấy những thông tin phù hợp với mình nhất
Nhóm tính cách INTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Theo những nghiên cứu của các chuyên gia, người thuộc nhóm tính cách INTJ hiện nay có 2%. Nhóm tính cách này xuất hiện cực hiếm ở nữ giới với tỷ lệ chỉ 0,8%. Những người thuộc nhóm tính cách này được đánh giá là rất thông minh nhưng khá bí ẩn, khó đoán. Cùng TopCV tìm hiểu cụ thể hơn về INTJ là gì?
Nhóm tính cách INTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nhóm tính cách INTP chiếm khoảng 3% dân số trên thế giới hiện nay. Đây là nhóm tính cách yêu thích theo đuổi những triết lý, lý thuyết và không quan tâm tới thực tại. Đó cũng là lý do khiến họ có thể trở thành những nhà phân tích, giáo sư xuất sắc trong nhiều lĩnh vực.
Nhóm tính cách ISFJ nên chọn nghề nghiệp nào?
Người thuộc nhóm tính cách ISFJ còn được gọi là những “người nuôi dưỡng”. Vậy nhóm tính cách ISFJ là gì, cùng TopCV tìm hiểu ngay nhé!
Nhóm tính cách ISFP nên chọn nghề nghiệp nào?
Nnhóm tính cách ISFP là gì? Những công việc nào sẽ phù hợp với nhóm tính cách này? Hãy cùng TopCV theo dõi trong bài viết hôm nay.
Nhóm tính cách ISTJ nên chọn nghề nghiệp nào?
ISTJ là thuật ngữ chỉ một trong 16 loại tính cách thuộc bài trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (MBTI). Vậy nhóm tính cách ISTJ là gì? Người thuộc nhóm tính cách này phù hợp với các ngành nghề nào? Bài viết dưới đây của TopCV sẽ mang đến câu trả lời cho bạn.
Nhóm tính cách ISTP nên chọn nghề nghiệp nào?
Những người thuộc nhóm tính cách ISTP chiếm khoảng 5% dân số hiện nay trên thế giới. Thông thường những ISTP sẽ có suy nghĩ logic và hành động lý trí, quyết đoán. Nhưng họ cũng có thể phá vỡ quy tắc để trở nên nhiệt tình và tự phát. Vậy thực sự những ISTP “khó đoán” sẽ phù hợp với nghề nghiệp nào?